Monday, 7 January 2019

MẶT TRĂNG : TRUNG QUỐC KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ SIÊU CƯỜNG CÔNG NGHỆ (Minh Anh - RFI)




Minh Anh – RFI
Đăng ngày 07-01-2019

Ngày 02/01/2019, Bắc Kinh loan báo phi thuyền Thường Nga 4 đã đáp xuống phần tối của Mặt Trăng. Đối với giới chuyên gia, kỳ công lịch sử này của Trung Quốc không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn mang đậm ý nghĩa chính trị và chiến lược. Một cuộc chạy đua không gian mới đang bắt đầu.

Rô bốt tự hành Yutu-2 của Trung Quốc di chuyển tại phần khuất của Mặt Trăng, ngày 04/01/2019.China National Space Administration/CNS via REUTERS

Phải chăng Trung Quốc đang soán ngôi « bá chủ » không gian của Hoa Kỳ và Nga ? Mặt Trăng từ nhiều thập niên qua là địa bàn chinh phục « quen thuộc » của Nga và Mỹ, nhưng hai nước này chỉ tập trung quan sát vào bề mặt đối diện với Trái Đất.

Về phần khuất của Mặt Trăng, cho đến nay chưa một tầu thăm dò, hay một phi thuyền thám hiểm nào có thể đặt chân đến. Do vậy, một trong các mục tiêu của Thường Nga 4 là tìm hiểu xem do những nguyên nhân nào mà hai bề của Mặt Trăng lại khác nhau đến như thế.

Không chỉ được cộng đồng quốc tế khen ngợi, theo quan sát của chuyên gia, với kỳ tích này, Trung Quốc cùng lúc bắn đi ba thông điệp.

Đầu tiên hết là cho giới khoa học. Trung Quốc bây giờ không còn hài lòng với việc sao chép « một cách hèn kém » các công nghệ phương Tây, mà đã có những sáng tạo và cải tiến qua việc đáp xuống được phần tối của Mặt Trăng, Bắc Kinh đã cho thấy rõ họ có những tiến bộ khoa học thật sự, nhất là trong việc giải quyết vấn đề kết nối liên lạc với Trái Đất từ rô-bốt được hạ xuống phần tối của Mặt Trăng.

Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh đã dồn nhiều tài lực cho các chương trình thám hiểm không gian và Mặt Trăng, như lập trạm không gian, phát triển hệ thống định vị Bách Độ (Baidu) riêng của mình. Năm 2018, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về số lần phóng vệ tinh.

Do vậy, kỳ công khám phá Mặt Trăng lần này của Trung Quốc một lần nữa khẳng định Bắc Kinh đã đuổi kịp và có thể sánh vai cùng các cường quốc không gian khác, như nhận xét của ông Olivier Sanguy, tổng biên tập tờ Cité de l’Espace, trên làn sóng RFI :

« Trên thực tế, Trung Quốc muốn trở thành một siêu cường ʺngang vai phải lứaʺ với Hoa Kỳ, trong đó có cả không gian (…) Trung Quốc không còn muốn là một quốc gia chỉ cung cấp những con thú nhồi bông giá rẻ, mà họ muốn trở thành một quốc gia có nền công nghệ cao. »

Thứ hai, thành công này còn là một thông điệp chính trị cho toàn dân. Chế độ Trung Quốc ngày nay đã sửa chữa những sai lầm của quá khứ. Bởi vì, trong lịch sử, dưới các triều đại phong kiến, đã từng có một vị hoàng đế ra lệnh thiêu đốt toàn bộ đội thuyền thám hiểm vòng quanh thế giới. Một sai lầm sẽ không bao giờ được lặp lại, theo lời ông Sanguy :

« Đó còn là một thông điệp chính trị đối nội. Trung Quốc đa dạng về văn hóa và sắc tộc. Chính quyền Bắc Kinh nói rằng : Hãy nhìn xem : những gì chúng ta đã có thể làm được đó là nhờ vào sự đoàn kết thống nhất ».

Cuối cùng, đó còn là một lời nhắn gởi cho thế giới bên ngoài. Bắc Kinh muốn khẳng định vị thế siêu cường, không chỉ trên bình diện kinh tế, quân sự, mà cả trong không gian. Kỳ tích công nghệ này của Trung Quốc sẽ thúc đẩy thế giới lao vào một cuộc đua vũ trụ mới, từ Ấn Độ, Israel cho đến Nhật Bản, và nhất là sự trở lại của Hoa Kỳ cùng với sự hợp tác của nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Nga, Châu Âu và Canada.

Tuy nhiên, cuộc chơi nào cũng có luật chơi của nó. Tuy « Hằng Nga » là của cả mọi người, nhưng ai đến trước thì sẽ được « ưu đãi » trước, như lưu ý của ông Olivier Sanguy :

« Không ai có thể chiếm hữu Mặt Trăng, nhưng ai đến đầu tiên thì được hưởng trước. Nghĩa là cho dù Trung Quốc có lập một căn cứ trên Mặt Trăng, người ta không thể cho đấy là lãnh thổ của Trung Quốc, vì điều này bị cấm bởi một công ước quốc tế. Ngược lại, không ai có thể đuổi họ ra khỏi địa điểm này, nếu như họ là những người đến đầu tiên ».







No comments:

Post a Comment

View My Stats