Wednesday, 30 January 2019

VENEZUELA 30-01-2019 (Bauxite Việt Nam tổng hợp)




Bauxite Việt Nam tổng hợp
31/01/2019

1. Maduro sẵn sàng tổ chức bầu cử Quốc Hội trước thời hạn
2. Trung Quốc đưa Venezuela đến bờ vực hỗn loạn như thế nào
3. Venezuela và những món nợ đáng tởm

--------------

Đăng ngày 30-01-201

Hôm nay, 30/01/2019, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố sẵn sàng tổ chức bầu cử Quốc Hội trước thời hạn và thương lượng với phe đối lập, nhưng vẫn bác bỏ yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới. Ông Maduro còn nói ông sẵn sàng thảo luận trực tiếp với tổng thống Mỹ Donald Trump trước công chúng, « ở Hoa Kỳ hay ở Venezuela, bất cứ nơi nào ông ấy muốn, với bất cứ chương trình gì ».

Tổng thống Venezuela Maduro gặp các thành viên ngoại giao nước này trở về từ Mỹ, phủ tổng thống, Caracas, ngày 29/01/2019. Miraflores Palace/Handout via Reuters

Tổng thống Maduro đã tuyên bố như trên khi trả lời phỏng vấn hãng tin Nga RIA Novosti, vào lúc phe đối lập Venezuela chuẩn bị xuống đường lần nữa vào hôm nay để thuyết phục quân đội nước này bỏ rơi tổng thống Maduro và công nhận chủ tịch Quốc Hội Juan Guaido là nguyên thủ quốc gia Venezuela.

Hôm qua, theo yêu cầu của ông Maduro, Tòa Án Tối Cao Venezuela đã cấm tổng thống tự phong Guaido rời khỏi nước « cho đến khi kết thúc điều tra », đồng thời phong tỏa các tài khoản ngân hàng của ông. Tổng thống Maduro đã hành động như vậy, mặc dù trước đó cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, ông John Bolton vừa cảnh cáo : « Những kẻ nào phá hoại nền dân chủ và tấn công vào Guaido sẽ gánh chịu những hậu quả ».

Để làm suy yếu hơn nữa tổng thống Maduro, hôm qua, Hoa Kỳ đã dọa sẽ ban hành các biện pháp trừng phạt mới đối với Caracas. Hôm thứ Hai, Washington đã ban hành trừng phạt công ty dầu hỏa quốc gia Venezuela PDVSA, cấm công ty này làm ăn với các thực thể của Mỹ, đồng thời phong tỏa các tài sản của PDVSA ở nước ngoài. Đồng thời, bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo là Washington giao cho ông Guiado, mà họ công nhận là tổng thống Venezuela, quyền kiểm soát các tài khoản ngân hàng của nước này trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Hôm qua, Quốc Hội Venezuela đã họp lại để thảo luận về một « kế hoạch cứu vãn đất nước » và bàn về khả năng tổ chức « bầu cử tự do và minh bạch ».

Tại châu Âu, sáu nước ( Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh Quốc, Bồ Đào Nha và Hà Lan ) đã gia hạn cho tổng thống Maduro đến Chủ Nhật phải tổ chức bầu cử trước thời hạn, nếu không họ sẽ công nhận đối thủ của ông, Juan Guaido, làm tổng thống Venezuela.

Trong khi đó, Nhóm Lima, được thành lập vào năm 2017 để tìm giải pháp chính trị cho khủng hoảng Venezuela, hôm qua đã nói rõ là họ chống lại mọi can thiệp quân sự nhằm lật đổ tổng thống Maduro. Nhóm Lima nhấn mạnh như vậy bởi vì Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố "không loại trừ phương án nào" đối với Venezuela.

*
*
2.
Đăng ngày 30-01-2019

Tình hình tại Venezuela cuối tháng 1/2019 này đang hết sức căng thẳng. Xung đột có thể bùng nổ, giữa một bên là một tổng thống bị mất lòng dân, nhưng được quân đội và Nga, Trung Quốc ủng hộ, và bên kia là chủ tịch Quốc Hội tự phong làm tổng thống, được Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây hậu thuẫn. Vì sao chế độ Venezuela, với một đất nước giàu tài nguyên hàng đầu thế giới, lại đứng trước bờ vực sụp đổ ?

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (T) gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh, 22/09/2013. REUTERS/Lintao Zhang/Pool

Vì sao một quốc gia giàu tài nguyên bậc nhất thế giới lại chìm trong lạm phát kinh hoàng, kinh tế hoàn toàn kiệt quệ, chế độ chính trị ngày càng độc đoán và bất lực, đẩy đất nước đến bờ vực rối loạn, có nguy cơ nội chiến hoặc can thiệp quân sự từ bên ngoài ?

Đất nước Venezuela sở dĩ rơi vào tình trạng hiện nay một phần rất lớn là do chính sách của Trung Quốc với Caracas, từ gần 20 năm qua. Dùng dòng tín dụng lớn để khuyến khích chế độ Venezuela bám chặt lấy ảo tưởng ý thức hệ « xã hội chủ nghĩa », bám chặt lấy việc xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản như phương thức sống còn chủ yếu. Kết quả là tạo ra một tầng lớp quan chức ăn bám, tham nhũng, một bộ phận đông đảo dân chúng bị ru ngủ trong các ảo ảnh. Sau đây là phần tổng hợp thông tin từ báo chí, về vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Venezuela hiện nay.

***
Quan hệ của Trung Quốc với « chế độ xã hội chủ nghĩa Venezuela » khởi đầu ra sao ?
Dầu mỏ là duyên nợ của Venezuela với Trung Quốc. Trang mạng SupChina, có trụ sở tại New York, tháng 1/2019 này, có loạt bài « The Venezuela-China relationship, explained » đáng chú ý.
Năm 1996, Venezuela thu được hơn một tỉ đô la nhờ bán dầu cho các nước châu Á – Thái Bình Dương, chủ yếu là cho Nhật Bản. Dầu thô của quốc gia Nam Mỹ này bắt đầu được bán sang Nhật từ năm 1988. Ngay trước khi ông Hugo Chavez đắc cử tổng thống năm 1998, tập đoàn dầu mỏ Trung Quốc (NPCC) đã tìm cách đàm phán để được chính quyền lúc đó cho phép khai thác ở Venezuela. Những người ủng hộ ứng cử viên tổng thống Chavez đã tố cáo chính sách bán tài nguyên cho « các thế lực đế quốc ».
Sau khi lên nắm quyền, chế độ Chavez tìm thấy ở Trung Quốc đồng minh ý thức hệ hiếm có. Tổng thống Chavez đã không thay đổi các hợp đồng đã ký của Trung Quốc với chính quyền tiền nhiệm, và thậm chí còn mở rộng hơn.
Tháng 4/2001, ông Giang Trạch Dân - lãnh đạo Trung Quốc thời đó - đã đích thân tới Venezuela, ký kết nhiều hợp đồng, mở đầu cho quan hệ gắn bó kéo dài đã hơn 17 năm trời. Năm 2004 là một bước ngoặt lớn trong quan hệ hai nước. Bắc Kinh và Caracas ký thỏa thuận cho phép mỗi bên đầu tư tại quốc gia đối tác, mà không phải nộp thuế. Caracas cũng dành cho Bắc Kinh nhiều chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, hơn hẳn với Hoa Kỳ.
Venezuela được Bắc Kinh coi là cánh cửa mở vào Nam Mỹ. Năm 2005, Trung Quốc đầu tư một tỉ đô la vào quốc gia này, hơn tất cả các nước khác trong khu vực. Vào thời điểm này, đã có khoảng 20 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Venezuela trong đủ các lĩnh vực, từ khai thác dầu mỏ, khai thác khoáng sản, đến xây dựng đường sắt, các hạ tầng giao thông khác, viễn thông, năng lượng, nông nghiệp, sản xuất dụng cụ điện tử gia dụng…
Năm 2005 cũng là năm mà tổng thống Venezuela Chavez quyết định đình chỉ quan hệ hợp tác lịch sử về quân sự với Hoa Kỳ, để xích lại gần Trung Quốc hơn. Năm 2007, thành lập Quỹ chung Trung Quốc – Venezuela. Thương mại song phương tăng cường, với tổng giá trị vượt quá 4 tỉ đô la. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Caracas ngày càng mật thiết. Tuy nhiên cũng bắt đầu từ thời điểm đó, Venezuela trở thành quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất tại châu Mỹ Latinh, với khoảng 5 tỉ đô la.

Phải chăng mục tiêu chính của Trung Quốc là khai thác khoáng sản, còn các đầu tư cho phát triển khác chỉ là để mỵ dân ?
Thực tế cho thấy, tình trạng tài chính và kinh tế của Venezuela ngày càng tồi tệ cùng lúc với ảnh hưởng tài chính và kinh tế của Trung Quốc tại nước này càng gia tăng. Nhìn chung, Trung Quốc không bao giờ công bố số tiền cho vay với các dự án cụ thể nào, cũng như điều kiện cấp tín dụng. Tình trạng mù mờ này là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng bùng phát.
Theo một số nhà quan sát, tín dụng của Trung Quốc cho Venezuela, với 60 tỉ đô la, chiếm khoảng 40% tổng tín dụng của nước này cho các nước Mỹ Latinh. Nhìn chung, Trung Quốc dành đến 90% đầu tư trực tiếp tại châu Mỹ Latinh cho các hoạt động khai thác khoáng sản, và tình hình cũng tương tự tại Venezuela.
Một trong các dự án đầu tư của Trung Quốc được quảng bá rầm rộ tại Venezuela là dự án xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của châu Mỹ Latinh, trị giá 7,5 tỉ đô la, do tập đoàn xây dựng đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, của Trung Quốc, China Railway Group, thực hiện. Dự án khởi sự năm 2009, đã hoàn toàn đổ bể sau đó. Năm 2015, tập đoàn Trung Quốc âm thầm rút, để lại món nợ 400 triệu đô la cho Venezuela. Cho đến gần đây, nhiều người dân vẫn tin tưởng sẽ có một ngày nào đó công ty Trung Quốc trở lại.
Tình hình tương tự với dự án phát triển các ngành công nghiệp của Venezuela. Một ví dụ tiêu biểu là công ty điện tử viễn thông Orinoquia của Venezuela, ra đời năm 2010, với 35% vốn do tập đoàn Hoa Vi Trung Quốc đầu tư. Tuy nhiên, các dự án mà Hoa Vi hứa hẹn đã không bao giờ trở thành hiện thực.
Trên thực tế, trong lúc sản xuất nội địa của Venezuela không ngóc đầu lên được, thì hàng xuất khẩu từ Trung Quốc ồ ạt đổ vào nước này. Nếu như năm 1998, trước khi ông Chavez lên nắm quyền, chỉ có 0,18% hàng nhập khẩu đến từ Trung Quốc, thì 14 năm sau, tỉ lệ này lên đến 34,9%.
Bắc Kinh cũng có một số dự án trọng điểm thành công mang tính biểu tượng với Venezuela, như phóng vệ tinh, với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Năm 2017, Caracas phóng thành công vệ tinh quan sát thứ ba lên quỹ đạo. Đây có thể là một hành động của chế độ Bắc Kinh nhằm quyền rũ chính quyền Venezuela. Tháng 9/2018, Bắc Kinh ký kết với Caracas 28 hợp đồng « hợp tác » thuộc nhiều lĩnh vực, dựa trên nguyên tắc « bình đẳng », « tôn trọng lẫn nhau », « hai bên cùng có lợi ».
Đầu năm nay, bất chấp Venezuela –  « đối tác » hàng đầu của Bắc Kinh tại châu lục – đang chìm sâu trong khủng hoảng, bên bờ hỗn loạn, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc tại Chilê tiếp tục có một bài phát biểu hùng hồn quảng bá cho dự án Con Đường Tơ Lụa Trên Biển, coi các nước Nam Mỹ là « thành phần tự nhiên » và các đối tác không thể thiếu của dự án quốc tế khổng lồ mà Trung Quốc khởi xướng và chủ trì.

Sau khi lãnh đạo Chavez qua đời năm 2013, phải chăng Trung Quốc đã gia tăng nỗ lực biến Venezuela thành một chư hầu, thúc đẩy Caracas tăng cường khai thác tài nguyên để hoàn nợ ?
Trong bài viết mang tựa đề « Venezuela and China : a perfert storm / Venezuela và Trung Quốc : Một sự nhiễu loạn hoàn hảo » (1), nhà nghiên cứu Matt Ferchen, chuyên về « mô hình phát triển Trung Quốc », quan hệ Bắc Kinh với các nước Mỹ Latinh nhận xét : Ngay cả sau khi đã biết Venezuela lún sâu vào khủng hoảng gần như không có lối ra, Bắc Kinh cũng không thừa nhận thất bại, từ chối tham gia vào các nỗ lực tại khu vực, nhằm giúp Venezuela tìm được lối thoát. Trung Quốc tin là các quan hệ vững chắc giữa hai chế độ cùng ý thức hệ, cùng với sự dồi dào tín dụng của các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc, sẽ giúp Venezuela tiếp tục duy trì chính sách lấy bán dầu và quặng mỏ làm trụ cột của nền kinh tế, bất chấp mọi biến động thị trường và chính trị.
Các hợp tác theo kiểu bán rẻ tài nguyên, đã được khởi sự dưới thời tổng thống Chavez, được tăng cường trong thời kỳ ông Maduro lên nắm quyền, trong bối cảnh mô hình « chủ nghĩa xã hội » Venezuela có dấu hiệu phá sản.
Sau khi tổng thống Chavez qua đời, và trong bối cảnh các khu vực dầu mỏ dễ khai thác bắt đầu cạn kiệt, cùng lúc với giá dầu sụt giảm mạnh, tổng thống Maduro đã bí mật đàm phán với Trung Quốc và một số nước khác nhằm khai thác trên quy mô lớn nhiều loại khoáng sản quý hiếm, như vàng, coltan, boxit, kim cương, titan, nikel... tại vùng « Vòng cung mỏ Orinoco », với tổng diện tích 112.000 km² (tương đương 12% diện tích Venezuela hay một phần ba lãnh thổ Việt Nam) (2). Năm 2016, Trung Quốc ký được hợp đồng khai thác quặng coltan, rất cần cho điện thoại di động. Năm 2016 cũng là năm mà Vòng cung mỏ Orinoco chính thức được coi là một « đặc khu kinh tế », mở rộng cho các tập đoàn Trung Quốc và nhiều tập đoàn đa quốc gia khác. Đây là nơi các điều kiện kinh doanh hết sức dễ dãi, các tiêu chuẩn về lao động, môi trường gần như bị bỏ qua, chưa kể đến vấn đề môi trường sống, của rất nhiều cộng đồng sắc tộc sống lâu đời ở đây, bị đe dọa nghiêm trọng, do các hoạt động khai khoáng (3).
Tháng 9/2018, Bắc Kinh tiếp tục bỏ thêm 5 tỉ đô la, để mua lại 10% cổ phần của tập đoàn dầu mỏ Nhà nước (PDVSA). Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận với chính quyền Maduro để công ty Yankuang Group khai thác vàng tại khu vực Vòng cung Orinoco nói trên.
Nhiều người vốn trung thành với di sản của Bolivar - nhà cách mạng Venezuela nổi tiếng thế kỷ 19, mà tổng thống Chavez được coi là người kết tục - đã coi giai đoạn 2014 đến nay là thời kỳ mà chính quyền Venezuela đã hoàn toàn xa rời với một số tôn chỉ tốt đẹp ban đầu của cố tổng thống, để chuyển hướng sang một mô hình kinh tế « tân tự do ». Một mặt lệ thuộc nặng nề vào các thế lực bên ngoài, mặt khác quyền lực trong nước bị tập trung vào tay một số nhóm chóp bu, các cơ hội tham gia xây dựng nền dân chủ của người dân bị ngăn chặn (việc tổ chức bầu cử Quốc Hội lập hiến mang đầy tính kỳ thị là một trong các ví dụ tiêu biểu) (4).

Tương lai quan hệ giữa Venezuela và Trung Quốc sẽ ra sao ?
Sự thất bại của chế độ Chavez tại Venezuela có thể coi là một thất bại của Trung Quốc. Tuy nhiên, cho dù chế độ « xã hội chủ nghĩa » hiện nay ở Venezuela có sụp đổ, Bắc Kinh chắc chắn không buông Venezuela. Một mặt để bảo vệ số tiền bạc đã đầu tư, mặt khác tiếp tục có cơ hội khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản, được đánh giá là còn hết sức dồi dào, trong lúc khả năng kiểm soát của chính quyền trung ương lại hết sức hạn chế.
Vẫn theo chùm bài phân tích về quan hệ Trung Quốc – Venezuela trên trang mạng SupChina, thì cho dù chế độ mang danh hiệu « xã hội chủ nghĩa » của ông Maduro đang khủng hoảng trầm trọng, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không từ bỏ vùng đất màu mỡ Nam Mỹ này. Một khi đã đứng chân được tại Venezuela, thì bằng cách này hay cách khác, Trung Quốc tìm mọi cách ở lại. Kể từ những năm 2015, 2016, Bắc Kinh bắt đầu tiếp xúc với đối lập Venezuela, để chuẩn bị phương án mới, đề phòng thay đổi chế độ. Về phần mình, giáo sư Isabelle Rousseau, một chuyên gia về chính trị tại châu Mỹ Latinh (Đại học Colegio de Mexico, Mêhicô) (5), cho biết Bắc Kinh cũng đang đàm phán bí mật với Nga và Mỹ về khủng hoảng Venezuela.
Theo một số nhà nghiên cứu, « thất bại » tại Venezuela không cản trở Trung Quốc tiếp tục mô hình quan hệ mua chuộc giới chóp bu để thao túng, trong trường hợp có thay đổi chính trị, giống như với nhiều chế độ độc tài khác, tại Cam Bốt hay Zimbabwe.

Ghi chú
1. « Venezuela and China: a perfect storm », Dialogo Chino, ngày 24/01/2019.
2. « De la responsabilité de la Chine dans la crise vénézuélienne » của Emiliano Teran Mantovani, trang barril.info, ngày 21/10/2018.
3. Vòng cung mỏ Orinoco trong đó có một bộ phận thuộc rừng rậm nhiệt đới Amazon, vốn là khu vực được Hiến pháp Bolivia bảo vệ nghiêm ngặt, về đa dạng sinh học, cũng như do là quê cha đất tổ của nhiều sắc tộc bản địa như người Pemon, Warao, Hoti, Pumé, Sanema... Xem bài « Venezuela. L'échec du processus bolivarien (II) » của nhà xã hội học Edgardo Lander, trang alencontre.org, ngày 1/9/2018.
4. Như trên.
5. « Venezuela: Les Etats-Unis veulent asphyxier le gouvernement de Maduro », RFI, ngày 29/01/2019.

*
*
3.
Nguyễn Xuân Nghĩa
2019-01-29

Khi chế độ độc tài vay tiền ngoại bang để mua sợi dây treo cổ người dân rồi bắt nạn nhân rồi con cháu họ phải trả nợ thì điều ấy có công bằng không? Đấy là cách đặt vấn đề sau khi chúng ta hiểu ra bối cảnh của chuyện Venezuela….

Khủng hoảng tại Venezuela

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, kể từ đầu năm 2014, xứ Venezuela tại Nam Mỹ lâm vào một vụ khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào, với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF dự đoán năm ngoái là lạm phát lên tới 10 triệu phần trăm và người dân đói ăn phải moi thùng rác tìm lương thực khi bạo lực và tham nhũng hoành hành khắp nơi. Nhưng từ mươi ngày qua, cuộc khủng hoảng lên tới chính trị, khi Chủ tịch Hạ viện được bầu lên từ đầu năm 2015 đã căn cứ trên Hiến pháp mà tuyên bố là tạm xử lý trách nhiệm của tổng thống, trong khi ông Nicolás Maduro vẫn giữ vai trò Tổng thống sau một cuộc bầu cử được đa số cho là có gian lận. Lập tức, vào tuần trước, Chính quyền Hoa Kỳ cùng nhiều nước dân chủ đã công nhận Chủ tịch Hạ viện Juan Guiando là Quyền Tổng Thống, trong khi Liên bang Nga và Trung Quốc và vài xứ khác vẫn cố bênh vực chế độ Maduro. Ngày Thứ Hai 28 vừa qua, Chính quyền Mỹ tăng áp lực và phong tỏa nguồn giao dịch của tập đoàn dầu khí quốc doanh có tên tắt là PDVSA và chi nhánh Mỹ của doanh nghiệp này là công ty Citgo tại Houston. Tình hình Venezuela có thể biến chuyển nhưng câu hỏi được người ta nêu lên là sau này ai sẽ thanh toán các món nợ của chế độ độc tài Venezuela?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, về bối cảnh thì Venezuela có lắm tài nguyên tại Mỹ Châu La Tinh, với trữ lượng dầu hỏa cao nhất thế giới, chiếm tới 95% số xuất khẩu, đa số là bán vào thị trường Mỹ. Nhưng xứ này chưa có cơ chế dân chủ trừ 40 năm ngắn ngủi từ 1959 tới 1999. Từ năm đó, sau khi ông Hugo Chavez nắm quyền và tiến hành cách mạng cộng sản thì Venezuela tụt hậu và sau khi Chavez mắc bệnh và tạ thế năm 2013 thì xứ này tụt dốc. Ngày nay, tổng sản lượng toàn năm của hơn 30 triệu dân chưa tới 100 tỷ đô la, lợi tức bình quân một người sụt hai phần ba, chỉ còn chừng ba ngàn đô la và 87% dân chúng sống dưới mức bần cùng, đói ăn thiếu thuốc và thực sự sống trong cảnh địa ngục trần gian.
- Chúng ta không có thời lượng để nói về nguyên nhân của thảm kịch, trừ sự kiện là chế độ Hugo Chavez rồi Nicolás Maduro đã lấy tài nguyên trời cho để chia cho tay chân, kể cả bộ máy an ninh và quân đội sau khi quốc hữu hóa ngành dầu khí. Ngày nay, Venezuela đang mắc nợ có thể hơn 150 tỷ đô la và khó dùng dầu khí trả nợ cho các xứ độc tài đã bảo vệ mình, như Nga và Trung Quốc.

Những món nợ đáng tởm

Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đi ngay vào các món nợ đó mà người dân xứ này sẽ phải thanh toán trong tương lai, thí dụ như dưới dạng dầu khí hay bằng cách nào khác. Chế độ độc tài đã tàn phá kinh tế và xã hội, thưa ông, khi nền dân chủ tái xuất hiện sau này, thì ai sẽ thanh toán những món nợ đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta lại phải trở về một bối cảnh còn xa xưa hơn nữa và nói đến “những món nợ đáng tởm”.
Lần đầu tiên mà vấn đề được đặt ra rồi trở thành án lệ là tiền lệ pháp lý làm cơ sở cho các phán quyết về sau, do giáo sư luật khoa Alexander Nahum Sack tại Paris vào năm 1927, cách nay hơn 90 năm. Là Tổng trưởng của chế độ Sa hoàng Nga, ông Sack lưu vong tại Pháp sau cuộc cách mạng cộng sản năm 1917, và trở thành giáo sư. Khi chính quyền Xô Viết thẳng tay phủ nhận mọi khoản nợ của chế độ Sa hoàng, ông nghiên cứu chuyện nợ nần sau mỗi lần thay đổi chế độ và thấy nhiều khoản nợ chính đáng mà chế độ sau không thể xoá bỏ và thoái thác. Nhưng cũng có những khoản nợ không chính đáng mà chế độ mới có thể nhân danh quyền lợi người dân để chối bỏ. Từ "dettes odieuses" do Alexander Sack đặt ra là tiếng Pháp, sau này mới được dịch qua Anh ngữ là "odious debts".
- Chuyện này sở dĩ trở thành án lệ vì xảy ra nhiều lần tại Âu Châu và nơi khác sau khi chế độ thực dân cáo chung, nhiều quốc gia giành lại độc lập rồi gặp nạn độc tài quân phiệt, phát xít, cộng sản, và chuyển sang dân chủ. Khi có thay đổi chế độ trên một lãnh thổ thì phải xử lý thế nào về khoản nợ cũ để khỏi gây khủng hoảng dây chuyền trong luồng giao dịch quốc tế với nhau? Về nguyên tắc, chế độ mới phải tôn trọng các cam kết vay mượn của chế độ cũ thì mới có thể nói chuyện giao dịch bình thường. Trong thực tế, giáo sư Sack cho rằng các khoản nợ không thật sự phục vụ người dân thì phải được coi là bất chính và đáng tởm.

Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido và Tổng thống Nicolas Maduro. AFP

Nguyên Lam: Ông nói tới chuyện xa xưa, liệu ngày nay còn xứ nào công nhận chuyện ấy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra giáo sư luật khoa gốc Nga này không phát minh ra lý luận đó mà chỉ áp dụng những trường hợp xảy ra từ trước, vào cuối thế kỷ 19 tại Nam Mỹ và đầu thế kỷ 20 tại Âu Châu, chủ yếu là do tác động của Hoa Kỳ rồi các nước khác.
- Số là sau cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Đế quốc Tây Ban Nha, thuộc địa Cuba của Tây Ban Nha được giải phóng. Nhân danh quyền lợi của dân Cuba, Hoa Kỳ vận động việc chối bỏ các khoản nợ mà Hoàng đế Maximilan của Tây Ban Nha đã vay các nước Anh, Pháp, Bỉ để củng cố chính quyền tại Cuba và tài trợ nhu cầu chiến tranh của Tây Ban Nha. Vì vậy, sau Hòa ước Paris năm 1898, Tây Ban Nha đành xác nhận rằng trước năm 1860 đã lấy tài nguyên của Cuba để yểm trợ chiến tranh ở Âu Châu và từ 1861 đến 1880 thì chính quyền của họ tại Cuba đã đi vay để bành trướng ảnh hưởng qua Mexico và nơi khác. Sau năm 1880 lại còn vay thêm để trả nợ cũ và để bảo vệ quyền lực của họ tại Cuba. Vì vậy, Hoa Kỳ và Cuba chẳng trả một đồng dù các chủ nợ tại Âu Châu có phàn nàn và phản đối!

*
Nguyên Lam: Câu chuyện này thật ly kỳ vì dẫn ta về xứ Cuba, một xứ cộng sản đang cố bảo vệ chế độ Maduro của Venezuela. Xin đề nghị ông giải thích tiếp!

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Phải nói là án lệ tại Cuba từ sau cuộc chiến Hoa Kỳ với Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 19 còn tái diễn tại Âu Châu sau Thế chiến I: Thỏa ước Versailles kết thúc Đại chiến năm 1919 có khoản quy định là Ba Lan không phải trả các khoản nợ do Đức-Phổ vay mượn để chiếm đóng xứ này!
- Sau đó, trong vai trò tài phán cuộc tranh tụng về món nợ của chế độ độc tài Frederico Tinoco tại Costa Rica với ngân hàng Royal Bank of Canada, Chủ tịch Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (cũng là cựu Tổng thống Mỹ), Howard Taft cũng ra phán quyết tương tự: ngân hàng chủ nợ đã biết mục tiêu đi vay của chính quyền Tinoco là bất chính nên chế độ mới có quyền phủ nhận món nợ này. Bối cảnh ấy cho thấy các "món nợ đáng tởm" đã được quốc tế chú ý từ lâu, và trở thành một nền tảng của công pháp quốc tế trong quan hệ tài chánh giữa các quốc gia.

*
Nguyên Lam: Chúng ta đã qua Thế kỷ 21, thưa ông, trong thế kỷ 20, người ta có những vụ kiện nào về các khoản nợ không chính đáng đó không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong Thế kỷ 20, các nước đã có ba chục vụ kiện liên quan đến các khoản nợ đó, nổi tiếng và gần gũi nhất là vụ Hoa Kỳ tranh cãi cho chính quyền mới tại Iraq để phủ nhận mấy trăm tỷ đô la mà chế độ Saddam Hussein đã vay các nước khác, kể cả các nước Âu Châu, để bảo vệ quyền lực và đàn áp người dân!
- Đáng nói hơn thế, trên chính trường và trong doanh trường của các nước, cả hai xu hướng thiên tả và bảo thủ đều có lúc ủng hộ việc vận động ấy. Mục tiêu thật ra rất đa dạng: nhằm xoá nợ cho các nước nghèo - như quan điểm của Giáo hội Vatican với“chương trình “Jubilee 2000” – hoặc hỗ trợ các chế độ dân chủ mới thành hình, ngăn cản hiện tượng vay tiền để tài trợ khủng bố, giải trừ nạn tham ô của các tổ chức quốc tế khi nhắm mắt trước các nghiệp vụ tài trợ bất chính, v.v... Mỗi xu hướng lại quan tâm đến một khía cạnh và hiểu ra sự nhạy cảm của họ là tìm ra cách vận động hữu hiệu trong một hệ thống luật lệ phức tạp.

Bài học cho Việt Nam

Nguyên Lam: Chúng ta trở lại chuyện Venezuela, thưa ông, trong tương lai thì tình hình của các khoản nợ này sẽ xoay chuyển ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các lực lượng đấu tranh cho dân chủ tại Venezuela học kinh nghiệm thất bại của họ từ những năm 2002 là phân tán, thiếu phối hợp và không xuống tới quần chúng nên lần này đã có nhiều cuộc tiếp xúc với dân chúng từ dưới cơ sở và vận động quốc tế khiến cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm năm có thể sẽ có kết quả. Khi để mất lòng dân, chế độ Maduro biến chất ra ách độc tài và bị lân bang kết án nên sẽ khó tồn tại, nhất là khi binh lính trong quân đội cũng là nạn nhân của tình trạng đói khổ. Từ những bài học đó, những người lãnh đạo Venezuela sau này cũng nghĩ đến gánh nợ sẽ phải trả cho chế độ tiền nhiệm.
- Tôi nghĩ hoạt động quốc tế vận của họ sẽ giải thích và thương thảo rằng việc trừng phạt của các nước cần nhắm vào tay chân của chế độ cũ chứ không thể làm người dân là nạn nhân của việc phong tỏa kinh tế. Sau đó là nêu câu hỏi then chốt, rằng khi chế độ độc tài vay tiền ngoại bang để mua sợi dây treo cổ người dân rồi bắt nạn nhân và con cháu họ phải trả nợ thì điều ấy có công bằng không?

*
Nguyên Lam: Nhưng chủ nợ của Venezuela là các cường quốc độc tài hay các ngân hàng quốc tế có dễ gì xóa nợ hay bị mất vốn hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thế giới đã nghiên cứu và nâng trình độ pháp lý tinh vi để khai triển thành một học thuyết có cơ sở khai thông các vấn đề tài chánh khi một chế độ độc tài chuyển sang một chế độ dân chủ. Chuyện quan trọng ở đây gồm có ba điều kiện đã được quốc tế công nhận. Thứ nhất khoản nợ xuất phát từ một chế độ độc tài đã cam kết bí mật, ngoài sự hiểu biết của người dân. Thứ hai, khoản vay mượn không đem lợi ích cho người dân mà chỉ tập trung vào tay chân của chế độ. Thứ ba, các chủ nợ đều có biết khi thương thuyết mà vẫn cho chế độ vay tiền. Rất nhiều khoản nợ của Venezuela đã hội đủ ba điều kiện ấy nên trong một tương lai không xa, giới chuyên gia về luật pháp và tài chánh có thể nghiên cứu và chuẩn bị để sau này dân Venezuela khỏi trả nợ oan uổng cho một chế độ đáng ghê tởm! Và bài học sắp tới của Venezuela cũng là điều mà người Việt mình nên suy ngẫm cho tương lai…


Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.






No comments:

Post a Comment

View My Stats