Tuesday, 29 January 2019

JUAN GUAIDO & CHIẾN LƯỢC LỘI NGƯỢC DÒNG CỦA PHE ĐỐI LẬP VENEZUELA (Lê Hằng - Luật Khoa)




29/01/2019

Ngày 23/1 vừa qua, Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát đã có một động thái gây chấn động thế giới: tuyên bố tổng thống đương nhiệm Nicolás Maduro nắm quyền một cách bất hợp pháp, và chính trị gia trẻ tuổi, Chủ tịch Quốc hội Venezuela – Juan Guaidó đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời.

Lãnh đạo đối lập Juan Guaido, chủ tịch Quốc Hội Venezuela, tự phong "tổng thống lâm thời". Ảnh: AP

Ngay sau đó, Hoa Kỳ, Canada và hầu hết các các quốc gia ở Tây Bán cầu đã công nhận nhà lãnh đạo 35 tuổi Guaidó là tổng thống hợp pháp của Venezuela, đối lập với quan điểm của Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Cuba khi ủng hộ Tổng thống Nicholas Maduro. Đồng minh của Maduro cũng đồng thời cảnh báo sự ủng hộ quốc tế đối với lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó là “con đường trực tiếp dẫn tới tình trạng vô pháp và đổ máu”.

Trước sự kiện chấn động này, học giả Harold Trinkunas, Phó Giám đốc, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli, Đại học Stanford có bài phân tích đăng trên Foreign Affairs ngày 25/1, bình luận về đòn phản pháo mạnh mẽ này của phe đối lập. Phần sau đây của bài viết là nhận định của ông.

Tổng thống lâm thời tự phong Juan Guaidó và Tổng thống đương nhiệm Nicolas Marudo. Ảnh: Loop Jamaica.

2018 – năm ảm đạm của phe đối lập

Động thái táo bạo ngày 23/1 đến một cách đầy bất ngờ, bởi năm 2018 là một năm ảm đạm cho phe đối lập Venezuela.

Mặc dù đã giành được quyền kiểm soát 2/3 cơ quan lập pháp vào năm 2015, phe đối lập nhanh chóng nhận ra một sự thực phũ phàng rằng, kết quả bầu cử Quốc hội không thực sự còn ý nghĩa gì nữa.

Tổng thống Maduro đã nhanh tay tuyên vô hiệu kết quả bầu cử của hai nhà lập pháp để cướp mất thế đa số tuyệt đối của phe đối lập ở Quốc hội. Ông ngăn cản các quan chức chính phủ ra điều trần trước Quốc hội, phủ quyết tất cả các dự luật mà Quốc hội thông qua, và sau cùng, triệu tập một quốc hội mới hoàn toàn do đảng cầm quyền kiểm soát. Quốc hội chính thức coi như bị vô hiệu hoá.

Tổng thống Maduro còn kiểm soát Tòa án Tối cao và Hội đồng Bầu cử Quốc gia (mà thực tế chỉ là cánh tay nối dài của Đảng Xã hội chủ nghĩa cầm quyền), yêu cầu hai cơ quan này ra quyết định cấm các đảng đối lập tham gia bầu cử tổng thống năm 2018. Chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5/2018 bị các quan sát viên độc lập và hơn 50 chính phủ nước ngoài, trong đó có Mỹ và các quốc gia châu Âu, coi là bất hợp pháp.

Trong suốt năm 2018, dường như Maduro đã thành công trong việc dồn phe đối lập vào một góc. Phe đối lập mất cả năm trời cãi nhau xem ai phải chịu trách nhiệm cho tình trạng bế tắc khi đó của họ, thậm chí còn cáo buộc một số người phe mình đã làm nội gián cho chế độ Maduro.

Vậy điều gì giải thích cho sự thay đổi đột ngột vừa diễn ra ít ngày trước? Phải chăng phe đối lập Venezuela đã trấn tĩnh và lấy lại tinh thần?

Câu trả lời là đúng như vậy.

Thủ lĩnh đối lập Juan Guaidó trong một cuộc biểu tình chống chính quyền Maduro, tháng 1/2019. Ảnh: New Europe.

Trở lại sân khấu chính trị

Một số nhà lãnh đạo phe đối lập, đặc biệt là từ đảng Công lý Trước tiên và Đảng Dân Ý, đã âm thầm đoàn kết phát triển một chiến lược trong nước và quốc tế để gây áp lực buộc Maduro phải từ chức.

Trưởng thành từ phong trào sinh viên, Juan Guaidó, 35 tuổi, là một gương mặt mới hấp dẫn hơn các nhà lãnh đạo phe đối lập trước đây. Guaidó và các đồng minh của mình đã theo đuổi một chiến lược huy động mới bằng việc thường xuyên tổ chức những cuộc vận động ngoài trời (được gọi là cabildos abiertos) cùng với đông đảo những người dân Venezuela.

Nhờ vậy, lần đầu tiên kể từ những cuộc biểu tình năm 2017, công chúng đã phản ứng dữ dội với chế độ Maduro. Khi tình trạng bất ổn tăng vọt sau một cuộc nổi dậy quân sự chống chính quyền Maduro thất bại ngày 21/1, các cabildos abiertos đã giúp tạo đà cho những cuộc biểu tình lớn trên khắp Venezuela vào ngày 23.

Phe đối lập cũng bắt đầu sử dụng quyền lập pháp của mình tại Quốc hội để ra tín hiệu cho quân đội rằng họ sẽ không bị đe dọa trong quá trình chuyển đổi dân chủ. Vào ngày 15/1, Quốc hội đã thông qua luật ân xá, theo đó đảm bảo quyền miễn trừ trách nhiệm cho các quân nhân nếu họ hành động để khôi phục nền dân chủ ở Venezuela. Hơn nữa, tổng thống lâm thời Guaidó cũng nói rằng ông không có ý định truy cứu trách nhiệm hình sự những quân nhân đã hỗ trợ Maduro.

Việc trấn an quân đội là rất quan trọng vì đây là một trụ cột thiết yếu của liên minh cầm quyền Maduro. Các lực lượng vũ trang kiểm soát các bộ ngành của chính phủ, cả ngành công nghiệp dầu mỏ, phân phối thực phẩm và an ninh nội bộ. Các chỉ huy quân sự cấp cao cho đến nay vẫn miễn cưỡng nghe lệnh Maduro vì sợ phải chịu trách nhiệm bởi một chính phủ kế nhiệm. Các sĩ quan trẻ, cho dù đều không hài lòng với chế độ Maduro, nhưng họ bị giám sát rất chặt chẽ.

Sĩ quan quân đội có lý do chính đáng để sợ bị truy cứu trách nhiệm, vì họ đồng lõa trong nhiều tội ác của chế độ, bao gồm tham nhũng, vi phạm nhân quyền và buôn bán ma túy.
Tổng thống tự phong Guaidó cũng tuyên bố rằng phe đối lập không kêu gọi đảo chính nhưng ra tín hiệu rằng toàn bộ lực lượng vũ trang nên tiếp tục ở trong doanh trại của mình và nên chống lại các lệnh đàn áp các cuộc biểu tình trên khắp đất nước.

Quân đội là ẩn số rất lớn của bàn cờ Venezuela. Ảnh: NPR.

Phe đối lập Venezuela cũng đã tìm thấy một đồng minh quan trọng: Hoa Kỳ. Các quan chức của chính quyền Trump tỏ ra thất vọng trước sự thất bại của các lệnh trừng phạt kinh tế mà Hoa Kỳ nhắm vào Venezuela. Trong năm 2018, chính quyền Trump đã thực hiện các biện pháp thay thế, từ việc cấm xuất khẩu dầu của Venezuela sang Hoa Kỳ cho đến việc truy tố mạng lưới những người ủng hộ Maduro ra các tòa án Mỹ.

Phe đối lập ở Venezuela đã có một cách tiếp cận mới mẻ với chính quyền Mỹ. Họ đưa ra một giải pháp pháp lý khả thi, theo đó, Mỹ có thể công nhận Guaidó là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela.

Phe đối lập lập luận rằng, việc tái cử của Maduro là bất hợp pháp bởi đã ông đã cấm các đảng phái khác tham gia tranh cử. Điều đó có nghĩa là văn phòng tổng thống bị bỏ trống kể từ ngày kết thúc nhiệm kỳ của ông là 10/1. Theo Điều 233 của Hiến pháp Venezuela năm 1999, nếu chức tổng thống bị bỏ trống, thì người đứng đầu Quốc hội sẽ trở thành tổng thống lâm thời và kêu gọi tổng tuyển cử.

Washington chấp nhận lập luận này. Bằng cách công nhận Guaidó, chính quyền Trump và các quốc gia đối tác đã giúp phe đối lập Venezuela gửi đi tín hiệu đáng tin cậy hơn cho quân đội rằng việc chuyển đổi sang dân chủ là khả thi và sẽ được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Tuy nhiên, khi làm như vậy, Hoa Kỳ và các quốc gia công nhận Guaidó phải sẵn sàng chấp nhận những rủi ro lớn.

Mỹ đúng hay sai khi chọn thái độ cứng rắn trong vấn đề Venezuela? Ảnh: NBC News.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Chiến lược của phe đối lập rõ ràng đã thay đổi cuộc chơi ở Venezuela. Nhưng, liệu động thái mới này có mang lại hiệu quả chuyển đổi thành công không?

Có hai lý do để hoài nghi.

Đầu tiên là chính quyền Maduro cũng đang tiếp tục được các đồng minh quốc tế quan trọng nhất như Trung Quốc, Cuba, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ và công nhận. Những quốc gia này được xem là những nước chống lưng cho chế độ Maduro, hoặc nếu muốn, họ cũng có thể hủy diệt chế độ này.

Thứ hai, mặc dù đã gửi tín hiệu rõ ràng tới các lực lượng vũ trang rằng họ sẽ được hưởng lợi từ việc ủng hộ quá trình chuyển đổi dân chủ, các chỉ huy quân sự cấp cao đã công khai tuyên bố ủng hộ Tổng thống Maduro vào ngày 23 và 24. Cơ cấu quân đội khiến những cơ quan cấp dưới cũng đang ủng hộ chính phủ.

Có nhiều hậu quả khó lường trong việc công nhận Guaidó là tổng thống lâm thời: Từ các câu hỏi về việc định đoạt tài sản của Venezuela ở nước ngoài cho đến tình trạng các nhà ngoại giao nước ngoài ở các nước không còn coi Maduro là tổng thống hợp pháp đang ở Venezuela.

Hoa Kỳ đã đúng khi hợp tác với phe đối lập Venezuela, khi mà chế độ Maduro tỏ ra không muốn đàm phán một cách thiện chí với phe đối lập trong những năm gần đây, ngay cả khi các hòa giải viên bên ngoài như Vatican cũng tham gia.

Nhưng với việc công nhận Guaidó, Washington đã chọn một con đường đầy rủi ro.

Hành động hung hăng của Hoa Kỳ có thể dẫn đến một cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ và Venezuela thay vì nỗ lực khôi phục nền dân chủ tại quốc gia này.

Bên cạnh đó, động thái trên của Mỹ sẽ cho phép Maduro quay trở lại với những lời hoa mỹ chống chủ nghĩa đế quốc và cũng là cái cớ để ông đưa các đồng mình của mình vào, đặc biệt là Nga và Trung Quốc.

Nhưng ngay cả khi Hoa Kỳ tránh được cạm bẫy này, Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ xem các sự kiện ở Venezuela là một phần trong chiến lược mới của phương Tây nhằm “phá hoại” các đồng minh của mình. Họ sẽ suy tính các biện pháp đối phó, và những điều này có thể sẽ gây khó chịu cho Mỹ.

Một trường hợp có thể xảy ra là dưới áp lực gia tăng trong nước và quốc tế, Maduro sẽ mất bình tĩnh và chạy trốn khỏi đất nước.

Ngoài ra, các sĩ quan cấp thấp hơn (mà hầu hết đều không ưa thích chế độ Maduro), có thể đặt cược vào một cuộc nổi dậy tự phát để buộc các sĩ quan cao cấp công nhận Guaidó. Kết quả của tình huống trên dường như chắc chắn sẽ dẫn đến những cuộc xả súng kinh hoàng và đẫm máu.

Nhưng, bên cạnh khả năng trên, cũng có một rủi ro rất đáng kể rằng Maduro sẽ vẫn nắm quyền với sự hỗ trợ từ quân đội và các đồng minh của ông ở nước ngoài, mặc dù ông sẽ bị quốc tế cô lập hơn bao giờ hết.

Canh bạc lớn này có thể kết thúc với việc các nhà lãnh đạo phe đối lập bị cầm tù hoặc lưu vong. Điều này sẽ khiến chính quyền Trump và cộng đồng quốc tế rơi vào một tình thế rất khó khăn, với ít công cụ ngoại giao hơn bao giờ hết để có thể tác động đến tương lai của Venezuela theo hướng tích cực.






No comments:

Post a Comment

View My Stats