Sunday, 27 January 2019

SAU NỬA THẾ KỶ THẤT TRẬN, MỸ VẪN CHƯA THAY ĐỔI CHIẾN THUẬT (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
January 27, 2019

Chiến thuật cần thay đổi – đề tài của bài báo này – là chiến thuật chống du kích; trong những năm 1960, Mỹ vụng về như thế nào trên chiến trường Việt Nam, thì suốt 60 năm sau, trên chiến trường Trung Đông họ cũng lúng túng như vậy trước chiến thuật du kích của người Hồi Giáo.

Hôm Thứ Hai, 21 Tháng Giêng 2019 quân Taliban tấn công một Trung Tâm Huấn Luyện tình báo của A Phú Hãn tại tỉnh Wardak. Trận tấn công diễn ra vào thời điểm quân đội Mỹ đang co rút lại, và chuẩn bị rút ra khỏi nhiều chiến trường ngoại biên như A Phú Hãn và Syria.

Quân tấn công sử dụng chiến thuật đánh xe bom; mở đầu cho đoàn xe bom là một chiếc quân xa Humvee của quân đội Mỹ chứa đầy thuốc nổ chạy thật nhanh vào Trung Tâm Huấn Luyện tình báo Wardak.

Ông Mohammad Sardar Bakhtyari, phó chủ tịch Hội Đồng thành phố Wardak, ước lượng quân trấn thủ tổn thất khoảng 50 người trong tổng số 150 binh sĩ của một đơn vị mới được gửi tới tăng cường lực lượng đồn trú.

Lực lượng tấn công chỉ có 4 người: tên lái chiếc Humvee đã chết cùng với chiếc xe bom hắn lái; 3 tên còn lại ngồi trên một chiếc Toyota sơn trắng chạy theo chiếc Humvee; sau khi chiếc Humvee nổ tung, gây tổn thất nặng cho quân đồn trú, 3 tên ngồi trên chiếc Toyota mở cửa xe nhảy xuống dùng AK47 thanh toán những thương binh nằm rải rác trên sân cờ. Những người này bắn trả lại và giết toàn bộ toán đặc công 4 người của Taliban.

Thị trưởng thành phố Wardak, ông Sardar Bakhtyari nói, “Cuộc đột kích diễn ra như một tiếng sét tàn bạo, nhưng thần tốc và nhanh chóng chấm dứt; không có những tiếng súng truy kích dây dưa; không còn những tên khủng bố tìm đường thoát thân.”

Một viên chức dân sự khác, ông Sharifullah Hotak, mô tả trận đột kích chớp nhoáng, “Tiếng nổ chiếc Humveey gây ra lớn khiếp đảm, vì nó chở nhiều thuốc nổ lắm. Nổ lớn như tiếng bom; nhiều căn nhà cất gần trại huấn luyện cũng rung chuyển, hư hại.”

Qua hình ảnh chúng ta thấy một căn cứ quân sự nằm trơ trọi trong một địa thế rừng núi, mùa đông tuyết phủ trắng xóa; cư dân ngụ quanh trại đa số là những nhân vật phục vụ cho chính quyền dân sự địa phương, và vợ con, thân nhân của binh sĩ.

Chiếc quân xa Humvee có thể là một phương tiện vận tải của lực lượng Mỹ, bỏ lại bên đường sau khi bị trúng mìn, hoặc bị bắn hư hại, được quân Taliban kéo về sửa chữa để sử dụng như một chiếc xe bom với lợi thế ngụy trang, gây hiểu lầm cho dân địa phương, tưởng là một quân xa Mỹ.

Một sơ hở không thể tha thứ của lực lượng quân sự trú phòng trong trại huấn luyện Wardak là để cổng trại mở toang khiến 2 chiếc xe khủng bố chạy hết tốc độ vào trong trại được.

Những sai lầm đó nhỏ, và dễ sửa chữa; chỉ cần chỉ thị cho các trại quân sự sử dụng hình thái những con ngựa sắt (Chevaux de frise) làm bằng cây dài có quấn giây kẽm gai chung quanh làm chướng ngại vật không cho xe chạy thẳng tuốt vào trong trại; để giải quyết nạn quân khủng bố  sử dụng quân xa Mỹ chở bom, chỉ cần một huấn lệnh bắt các đơn vị Mỹ phải phá tan những chiếc quân xa bỏ lại, phá đến mức không thể sửa chữa và tái sử dụng nữa.

Bên cạnh hai lỗi lầm nhỏ của trại Wardak như vừa kể, sai lầm lớn của các chiến lược gia Mỹ là họ vẫn bắt quân đội A Phú Hãn đóng đồn, như nửa thế kỷ trước họ bắt quân đội VNCH đóng đồn. Tướng lãnh Mỹ chỉ đạo chiến tranh Việt Nam, chưa người nào có kinh nghiệm phản du kích chiến; do đó mà tướng Westmoreland, với 500,000 quân Mỹ + thêm 1,000,000 quân Việt Nam, đánh suốt hơn 4 năm trời (từ 1964 đến 1968) với 300,000 lính VC mà vẫn không thắng.

Lỗi lầm chiến lược lớn nhất của họ là quan niệm phòng thủ diện địa. Bên mỗi cây cầu, mỗi ấp, mỗi xã họ xây một cái đồn, hoặc một cái lô cốt để bảo vệ đường lưu thông, hoặc bảo vệ dân làng.

Trên thật tế hệ thống đồn bót đó không bảo vệ được gì cả; VC ở ngay trong làng, uy hiếp dân làng, thu lúa gạo, thu thuế, và sử dụng nhân lực dân làng vào những nhu cầu chiến tranh, như cắt đường, đắp mô, gài mìn.

Chúng thường xuyên tấn công hệ thống đồn bót của Nam Việt, khiến lực lượng chính quy của quân đội VNCH phải can thiệp. Đến giai đoạn đó, chúng áp dụng chiến thuật công đồn đả viện, gây tổn thất cho chính những đơn vị được gửi đến giải tỏa những đồn, những ấp bị chúng tấn công với mục đích bắt quân chính quy VNCH sa lầy vào nhiệm vụ bảo vệ diện địa.

Lực lượng phòng thủ Nam Việt: gồm 3 tổ chức: Nghĩa Quân, Địa Phương Quân và Chủ Lực Quân. Nghĩa Quân là lực lượng quan trọng nhất vì Nghĩa Quân mang trọng trách bảo vệ nông dân, bảo vệ làng thôn.

Các chiến lược gia Pháp và Mỹ đã sai lầm, nhốt người NQ trong đồn, bót, chia cách họ với đối tượng họ có trọng trách bảo vệ; một cái ấp với 1,000 nông dân được bảo vệ bởi một tiểu đội 12 NQ.

Đêm về, 2 tên VC với 2 khẩu súng nhỏ, xâm nhập ấp bắt ông trưởng ấp, ông hương sư, và cô giáo làng, đưa vào rừng “giáo huấn;” 997 người nông dân còn lại sợ xanh mặt, tiểu đội nghĩa quân, báo cáo lên xã, lên quận. Quận đưa ĐPQ vào một cuộc hành quân kéo dài một, hai tuần lễ, lính ĐPQ đi tìm trên đường mòn, trong lúc 3 viên chức ấp bị VC nhốt dưới hầm, hầm cách đường mòn chỉ mươi, 15 thước, nhưng lính ĐPQ không biết chỗ nào để chặt cây, phát chồi vào giải thoát 3 viên chức bị bắt.

Cuộc hành quân đến ngày thứ 10, thì một nghĩa quân đạp trúng một quả lựu đạn gài bẫy, anh này chết tại chỗ, 2 anh khác đi gần đó bị thương.

Quận chấm dứt hành quân, đưa anh ĐPQ tử trận về chôn cất, và gửi 2 anh bị  thương vào bệnh viện chữa trị.

Hai tên VC đã xâm nhập ấp 2 tuần trước, trở lại ấp. Biết hay không biết việc chúng tập họp toàn dân ấp ra đình làng, nghe chúng tuyên truyền, tiểu đội NQ có nhiệm vụ bảo vệ ấp vẫn phải nằm trong đồn, vì họ chỉ có một lối thoát: cổng đồn, nơi mà VC đã gài sẵn một hai quả lựu đạn.

Thêm một tuần nữa, VC phóng thích 3 người bị chúng bắt – viên trưởng ấp, ông hương sư, và cô giáo làng; cả 3 đều phải nhận lời làm việc cho chúng.

Kể từ đó toàn dân ấp không dám trái lệnh VC nữa, và tiểu đội NQ đành nằm im trong đồn trong thế tê liệt.

Ấp bị liệt vào tình trạng mất an ninh, như vài ngàn ấp khác, nằm bên vài ngàn cái đồn vô dụng không còn khả năng bảo vệ nông dân nữa.

Ông Ngô Đình Nhu nhìn thấy nhược điểm đó – và canh cải lại bằng hệ thống ấp chiến lược; đồn Nghĩa Quân được đem vào bên trong ấp, nhưng ông vẫn chưa bỏ được cái đồn. Ông dựng thêm một lớp hàng rào quanh ấp – nói cách khác cái đồn nhỏ được làm lớn hơn, và lực lượng phòng thủ là toàn dân ấp + tiểu đội NQ.

Tuy chưa toàn hảo, nhưng hàng rào quanh ACL vẫn tạo được ngăn cách giữa khạp gạo của người nông dân với hàng trăm ngàn cái miệng đói cơm của anh du kích VC, do đó tạo nhu cầu tiếp vận cho kẻ chủ chiến Hà Nội.

Võ Nguyên Giáp không đủ sức đưa về mỗi ấp mỗi Tháng Giêng bao gạo nên ông tướng đó phải đi đến quyết định giết 84,000 du kích quân bằng cách ném họ vào cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân, mượn súng miền Nam giết lính của ông ta.

Westmoreland mắc kế nghi binh của Giáp, đem quân Mỹ ra chờ đánh VC tại Khe Sanh, trong lúc 84,000 lính VC đánh Sài Gòn, tấn công Huế, Pleiku và trên 100 thị trấn, tỉnh lỵ, quận lỵ, và bị giết.

Westmoreland không hiểu đến cả việc trên 100 cuộc tấn công liều mạng đó chỉ là điển hình cho 100 chiếc xe bom sau này; ông xin thêm 200,000 quân nữa, khiến Hoa Thịnh Đốn phải triệu hồi ông về Mỹ.

NẾU người NQ/VN đừng bị nhốt trong đồn, để được sống trong ấp hòa hợp theo cuộc sống của toàn dân miền Nam mà họ có trọng trách bảo vệ, và nếu họ áp dụng chiến thuật du kích để bảo toàn lực lượng, mỗi khi ấp bị VC tấn công, thì Nam Việt vẫn còn, dù không có sự trợ chiến của nửa triệu lính Mỹ.

Đó là điều kiện tất yếu để quân chính quy Nam Việt không sa lầy trong công tác bảo vệ lãnh thổ, rồi chủ động tấn công địch, tiêu diệt  chúng, tái lập hòa bình.

Cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Taliban cũng đã dài trên 17 năm rồi, mà các chiến lược gia Mỹ chưa học xong bài ‘đồn bót không có tác dụng bảo vệ lãnh thổ ư’? (Nguyễn Đạt Thịnh)





No comments:

Post a Comment

View My Stats