Monday, 28 January 2019

VENEZUELA & BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ Ở CHÂU MỸ LA-TINH? (Trần Công Tâm)




Trần Công Tâm
28/01/2019

Cho đến nay người Việt chủ yếu nhìn sự kiện Venezuela hoặc như một ước vọng, hoặc như một mối đe dọa đáng sợ cho quyền lực và sự bình yên. Nhiều tin đồn thất thiệt, nhiều đánh giá phiến diện được tung ra. Thậm chí có người so sánh tình hình Venezuela với Việt Nam.
Nhưng những gì đang diễn ra ở đó là kết quả của một chuyển biến lâu dài, có tác động từ những cuộc cánh mạng mang mầu sắc XHCN để xóa bỏ các thảm cảnh mà các chế độ độc tài quân sự, các chủ nghĩa tư bản đạo tặc đã đè nặng lên các dân tộc châu lục này. Cho dù trong lòng các cuộc cách mạng này cũng tiềm ẩn những yếu tố độc tài và dân túy, nhưng Nam Mỹ thế kỷ 21 đã thay đổi. Và cách thay đổi của nó đã bắt đầu nghiêng theo hướng phi bạo lực.

Bài viết sau đây của tác giả Trần Công Tâm cho ta một cái nhìn mới.

*
LỜI GIỚI THIỆU

Có một sự thật lịch sử khá thú vị mà ít người Việt Nam để ý, là việc chính nước Mỹ đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành phong trào cánh tả hùng mạnh một thời ở Mỹ Latin, đã từng làm rung chuyển cả thế giới.

Người Mỹ luôn xây dựng chính sách đối ngoại của mình dựa trên 3 tiêu chí cơ bản và theo thứ tự ưu tiên như sau:

1) Lợi ích địa chính trị chiến lược (trước hết là phòng thủ) toàn cầu.
2) Lợi ích kinh tế thương mại.
3) Thúc đẩy, truyền bá các giá trị phổ quát về tự do dân chủ và nhân quyền.

Đó là một hệ những gía trị phổ quát được người Mỹ thừa nhận: tự do cá nhân, chế độ dân chủ, kinh tế thị trường, thượng tôn pháp luật, tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo, đa văn hóa, bình đẳng chủng tộc, sắc tộc … Và được cụ thể hóa đầy đủ trong Hiến Pháp Mỹ. được nhà triết học Mỹ quá cố Samuel Huntington diễn tả bằng thuật ngữ “American Creed” (tín điều Mỹ).

Người Mỹ cũng coi đó là những giá trị nền tảng để xây dựng trật tự quốc tế sau 1945. Vì những giá trị này, Mỹ sẵn sàng làm sen đầm (người giữ trật tự) quốc tế. Đó cũng là điều làm họ khác với Tây Âu chẳng hạn. Trong sứ mệnh này, họ đã chuốc lấy không ít thất bại. Nhưng nhìn chung, thành công nhiều hơn. Thực tế, sau 1945, trên thế giới dần hình thành một thế giới thịnh vượng chung lấy tự do thương mại làm nền tảng và ngày càng phát triển. Trong tiến trình chung này của nhân loại, đóng góp của Mỹ là không thể phủ nhận.

Sau khi thắng Đức và Nhật trong Thế Chiến II năm 1945, người Mỹ đã tìm cách “thâu tóm” Tây Âu bằng kế hoạch Marshall. Sau đó, bằng việc thành lập NATO, cùng với Tây Âu, Mỹ đã cô lập và ngăn chặn Liên Xô thành công. Người Mỹ đã “rảnh tay” và tìm cách thúc đẩy các mục 2) và 3) trong bàn cờ chiến lược của mình. Xuất phát từ lòng tin tuyệt đối vào các giá trị dân chủ nhân quyền và kinh tế thị trường. Mỹ đã tìm mọi cách ”xuất khẩu’’ mô hình thể chế của họ đi khắp thế giới. Trước hết là sang Phillipines và vào các nước Mỹ Latin "sân sau".

Đối với các nước này, người Mỹ đã thi hành một chính sách có phần áp đặt. Họ đã “lắp ghép” khá thô bạo mô hình dân chủ Mỹ, lên nền tảng những xã hội mà truyền thống quốc gia còn sơ sài (Phillipines), hoặc thiếu truyền thống liên kết xã hội (truyền thống phe nhóm mạnh mẽ) như ở các nước Mỹ Latin.

Kết quả là ở Mỹ Latin đã hình thành hàng loạt các chế độ tư bản thân hữu (crony capitalism) và đạo tặc (kleptocracy), đan xen với các chế độ độc tài quân sự ở những nước này. Về phương diện sự can thiệp của quân đội vào đời sống chính trị đất nước, đảo chính và độc tài quân sự, các nước Mỹ Latin đứng đầu thế giới hơn cả Châu Phi.

PHONG TRÀO CÁNH TẢ CHÂU MỸ LATIN

Trong tác phầm “Nhật ký du hành”, được viết nhân chuyến đi vòng quanh Nam Mỹ, bằng motocycle của mình tháng 12/1951. Ông Che Guevara đã mô tả rất sinh động cuộc sống cùng khổ của người dân Mỹ Latin lúc đó - nạn nhân của những chế độ như vậy. Cuộc hành trình đã hình thành ở Che Guevara lòng thương cảm sâu sắc những con người nghèo khổ, và tinh thần chống đế quốc mãnh liệt.

Lực lượng cánh tả trẻ ở các nước Mỹ Latin, đại diện là các ông Che Guevara và Fidel Castro phủ nhận hoàn toàn những mô hình xã hội Nam Mỹ lúc đó. Đồng thời họ cũng lên án mạnh mẽ vai trò của kẻ áp đặt – nước Mỹ ngạo mạn. Có thể nói đó là một phản ứng tất yếu. Và thật là buồn cho nước Mỹ, từ giữa thế kỷ 20, tinh thần xã hội dân chủ và tư tưởng XHCN, ở các nước Mỹ Latin trở nên phổ biến chưa từng có, phần nào chính là nhờ sự “sốt sắng quá mức” của Mỹ trong việc áp đặt các giá trị phổ quát về tự do dân chủ và nhân quyền.

Bằng lực lượng của chính mình 01/1959, sau khi tiến hành khởi nghĩa vũ trang lật đổ thành công chế độ độc tài Batista ở Cuba. Fidel Castro, Che Guevara và các đồng chí, đã tự nguyện chọn con đường xây dựng XHCN. Nhưng không phải ngay lập tức, mà sau một thời gian tìm hiểu mô hình Liên Xô. Đây là điều hoàn toàn khác, so với các nước Đông Âu. Nơi trừ Nam Tư (Jugoslavia), tất cả các chế độ XHCN, đều được hình thành dưới sự “hưởng dẫn, chỉ đạo, bảo kê” toàn diện và triệt để của Liên Xô.

Liên Xô và phe XHCN trở thành chỗ dựa vững chắc về tinh thần và vật chất cho Cuba. Còn Cuba thì đã trở thành tiền đồn và tủ kính của phe XHCN ở châu Mỹ Latin. Ông Fidel và các cộng sự với tinh thần lãng mạn cách mạng và nhiệt huyết hiếm có, đã cố gằng xây dựng một xã hội XHCN thuần nhất, lý tưởng. Người Cuba đã tỏ ra “bảo hoàng hơn nhà vua”, khi cố gắng loại bỏ hoàn toàn kinh tế tư nhân và tạo ra chế độ phúc lợi xã hội, có phần còn toàn diện hơn Liên Xô và Đông Âu. Đặc biệt là hơn hẳn các nước các nước XHCN châu Á về phương diện này.

Vốn có một nền tảng khá cao từ trước 1959 về y tế giáo dục và mức sống nói chung, Cuba XHCN đã đạt được những kết quả rất đáng kể trong các lĩnh vực y tế, giáo dục phổ cập và thể thao, bao gồm hệ thống y tế và giáo dục toàn dân miễn phí, và những thành tựu ấn tượng. Chẳng hạn, người Cuba hiện nay có tuổi TB là 79.6, cao hơn Mỹ và ở Châu Mỹ chỉ thua Canada. Cũng năm 2017, Cuba có tỷ lệ một bác sỹ/150 dân cao hơn Mỹ và tỷ lệ tử vong sơ sinh là 0.4% thấp hơn so với Mỹ.

Tuy nhiên, do áp dụng máy móc mô hình kinh tế kế hoạch chỉ huy XHCN, ông Fidel và các cộng sự đã thất bại trong việc nâng cao mức sống nói chung của người dân Cuba. Cũng như lan tỏa mô hình Cuba sang các nước Nam Mỹ. Việc Mỹ kiên định cấm vận, là một yếu tố quan trọng kìm hãm sự phát triển kinh tế Cuba.

Nhưng dù thế nào, sự kiên định XHCN của Cuba là một đối trọng, một đối chứng rất mạnh đã góp phần truyền cảm hứng cho cho việc phát triển phong trào cánh tả ở Nam Mỹ. Ban đầu, phong trào cánh tả các nước này được cổ vũ bới tấm gương Cuba, được Cuba và Liên Xô khuyến khích bảo trợ trực tiếp, đã tiến hành đấu tranh vũ tranh để lật đổ các chế độ tư bản thân hữu, các chế độ độc tài quân sự ở các nước Mỹ Latin.

Phong trào du kích cánh tả đã từng xuất hiện ở hầu hết các nước Mỹ Latin. Kể cả ở những nước có truyền thống dân chủ đại nghị tương đối mạnh như Uruguay, Argientina và Venezuela. Phong trào này phát triển đặc biệt mạnh ở một số nước Mỹ Latin chậm phát triển như Bolivia, Nicaragua, El Salvador … Che Guevara người du kích anh hùng đã trở thành biểu tượng của đấu tranh chống áp bức và chủ nghĩa tư bản ở Mỹ Latin và trên toàn thế giới. Ngoài Cuba, những người du kích cánh tả bằng đấu tranh vũ trang đã giành được chính quyền tại Nicaragua.

Tuy nhiên, từ cuối thập niên 1990, phong trào này dần suy thoái. Lý do chủ yếu, là giới tinh hoa chính trị ở một số nước Mỹ Latin đã bắt buộc phải tìm mọi cách thỏa hiệp với các nhóm đối lập vũ trang đủ mọi mầu sắc (du kích cánh tả, lực lượng vũ trang của các cartel sản xuất cocain, … ) thường xuyên đe dọa sự phát triển khởi sắc công nghiệp, kinh tế ở một loạt các nước Mỹ Latin. Giới tinh hoa chính trị Mỹ Latin đã đến được nhận thức, rằng trong khi mải “nội chiến”, về mặt phát triển kinh tế họ không chỉ bị Châu Âu, mà cả các nước Đông Á và Đông Nam Á “lạc hậu” bỏ xa.

Trong cuộc “ vừa hợp tác vừa đấu tranh” với phe đối lập vũ trang này, chính phủ các nước Mỹ Latin đã nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Phương Tây. Trường hợp Columbia là một điển hình. Từng là một nước bị xâu xé bởi xung đột vũ trang đẫm máu giữa chính phủ với du kích cánh tả, với các lực lượng vũ trang của các cartel sản xuất cocain …. Hiện nay, Columbia đã trở thành một nước khá ổn định và phát triển bền vững có tăng trưởng du lịch ấn tượng.

Ngoài ra, sau khi Liên Xô sụp đổ cuối 1992, Cuba và Nicaragua những nước có mô hình kinh tế XHCN gặp rất nhiều khó khăn, sự bảo trợ của Cuba đối với các phong trào du kích cánh tả đã giảm đi đáng kể. Tất cả những yếu tố trên, là tiền đề cho sự hình thành trong giới tinh hoa chính trị Mỹ Latin một đồng thuận mới. Bầu cử tự do và cạnh tranh công bằng, được giới chính trị tinh hoa ở hầu hết các nước Mỹ Latin coi là cách thức hợp hiến duy nhất để chuyển giao chính quyền.

Tinh thần hợp hiến đã làm cho nền chính trị dân sự khởi sắc mạnh mẽ ở tất cả các nước Mỹ Latin, quân đội phải lui vào hậu trường, nhường chỗ cho các nhà chính trị dân sự cả hai phe tả, hữu. Trong khoảng thời gian 1998-2009 tại 14 nước Nam Mỹ các lực lượng cánh tả đã lên nắm chính quyền thông qua bầu cử hợp hiến: Venezuela (ba lần), Brasil, Chile, Argientina (hai lần) và Uruguay, Bolivia, Equador, Nicaragua, Peru, Costa Rica, Panama, Guatemala, Paraguay, El Salvador.

Đây là một sự phục hưng và trỗi dậy chưa từng có của phong trào cánh tả hợp pháp trong lịch sử Mỹ Latin. Một nền tảng vô cùng quan trọng cho việc hình thành các chế độ dân chủ lành mạnh ở Nam Mỹ. Trên thực tế, đã có một số nước Mỹ Latin như Costa Rica, Chile, và Uruguay trở thành các chế độ dân chủ tự do toàn diện và các quốc gia phát triển bền vững. Nhiều nước khác như Brasil, Argentina, Peru, Paraguay … đang tiệm cận với những mức độ khác nhau.

BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ CỦA VENEZUELA VÀ MỸ LATIN?

Tôi xin phép không nhắc lại những gì đã xảy ra ở Venezuela sau khi Hugo Chaves lên nắm chính quyền năm 1998. Đường lối kinh tế phi thị trường và chủ nghĩa dân túy XHCN của ông và người kế nhiệm Nicolas Marudo đã đưa kinh tế và đất nước Venezuela đến thảm họa.

Tôi cũng xin phép không nhắc lại những diễn biến ở Venezuela trong thời gian qua, từ ngày 22/01/2019, khi ông Juan Guaydo Chủ tịch Quốc hội tự tuyên bố mình là tổng thống lâm thời cho đến trước cuộc bầu cử tổng thống mới, cho đến hôm nay. Vì những sự kiện vừa qua đã được truyền thông thế giới loan báo rộng rãi.

Ngày 27/01/2019, các nước Pháp, Tây Ban Nha và Đức tuyên bố rằng họ sẽ công nhận tổng thống tạm quyền-lãnh tụ phe đối lập, Juan Guaydo, là tổng thống mới của Venezuela, nếu nhà độc tài Nicolas Maduro trong vòng 8 ngày không tuyên bố tổ chức bầu cử tổng thống trước hạn.

Theo tin tức cuối cùng của Hãng Thông tấn AP, Chính phủ Venezuela của ông Maduro bác bỏ yêu cầu của các nước châu Âu về tiến hành bầu cử tổng thống mới ở nước này. Tương lai nào cho cuộc xung đột quyền lực và chính trị? Rất ít nhà nghiên cứu chính trị dám đưa ra một kịch bản-dự đoán cụ thể. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của quân đội Venezuela, hiện đang phân hóa từng ngày giờ dưới áp lực từ mọi phía.

Trong 20 năm vừa qua, các nước Mỹ Latin đã tiến được một bước rất dài, trong việc loại bỏ được sự can thiệp của quân đội vào đời sống chính trị xã hội quốc gia. Hiện nay, ở nhiều quốc gia Mỹ Latin như Costa Rica, Chile, Uruguay, Colombia, Argientina, Peru, Brasil và kể cả Venezuela, tâm thức dân chủ dân chủ đã hình thành vững chắc, bầu cử được giới tinh hoa chính trị coi là cơ chế hợp pháp duy nhất để chuyển giao quyền lực và vai trò chủ động trong chính trị của lực lượng quân đội cũng chấm dứt.

Đồng thời, giới tinh hoa chính trị ở các quốc gia này cũng đã nhận thức được sâu sắc, rằng cách duy nhất có thể ngăn ngừa hiệu quả việc giới quân sự can thiệp vào chính trị là xây dựng một nền dân chủ hữu hiệu. Có thể nói rằng, quân đội tại các quốc gia này hiện cũng chỉ đóng vai trò chính trị lớn hơn hẳn, so với các nước Phương Tây (hoàn toàn đứng ngoài chính trị). Đó là đứng phía sau hậu trường, vận dụng cẩn trọng quyền phủ quyết và khi cần trở thành trọng tài phân xử cho các xung đột chính trị.

Vì vậy, theo tôi kịch bản khả dĩ nhất, và mong muốn nhất để tránh đổ máu và loại trừ sự can thiệp của quân đội,vì sự can thiệp này có thể tạo ra một tiền lệ rất xấu (bước thụt lùi) cho tương lai chính trị không chỉ Venezuela, mà còn của toàn bộ Mỹ Latin, là hai tổng thống Juan Guaydo và Nicolas Maduro phải đàm phán tìm sự thỏa hiệp và những cam kết bảo đảm an ninh lẫn nhau, cho dân thường và quân đội. Tôi cũng tin rằng, các bên hữu quan như Mỹ, Nga, EU, các nước Mỹ Latin và China đều quan tâm đến điều này.

Trường hợp thỏa hiệp thành công, bầu cử mới được tiến hành dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quốc tế. Và nếu Juan Guaydo thắng cử (bao nhiêu chữ nếu). Rất có thể Venezuela và Mỹ Latin bước vào trang sử mới.

PS. Cũng cần nói thêm rằng, văn hóa Mỹ Latin thiếu hẳn các giá trị vốn chi phối ở Đông Á và Đông Nam Á, như kỉ luật xã hội hay sự tôn trọng tôn ti trật tự, quyền uy và lãnh đạo. Trên thực tế, các quốc gia trong khu vực này thiếu hẳn truyền thống liên kết, gắn bó xã hội và tinh thần đoàn kết quốc gia (đối với các quốc gia thuộc dãy Andes và Trung Mỹ thì các yếu tố sắc tộc chiếm vai trò tối thượng).

Và cũng hoàn toàn khác với văn hóa Bắc Mỹ, nơi người di dân mang theo tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần Hiến chương Magna Carta, tinh thần mã thượng và đạo đức Tin Lành từ Châu Âu (Anh) sang Bắc Mỹ










No comments:

Post a Comment

View My Stats