Wednesday, 30 January 2019

CHUYỆN HAI NGƯỜI MẸ & NHỮNG ĐỨA CON - AI LÀ NGƯỜI DŨNG CẢM? (Văn Biển)




Văn Biển
30/01/2019

Báo chí vừa rồi đưa tin, có hai người mẹ nghèo tự tử vì hết đường sống. Nhưng mỗi người chọn cho mình một cách chết. Một người cho các con mình uống thuốc độc. Khi biết chắc các con chết rồi người mẹ uống thuốc độc chết theo con. Còn người mẹ kia chết đi để lại mấy đứa con, hy vọng tiền phúng điếu của bà con hàng xóm và tiền trợ cấp xã hội cho người nghèo sẽ giúp chúng có tiền sống, có tiền đi học.

Chuyện chỉ có vậy, bạn đọc đọc qua, có người hờ hững, có người chép miệng thương tâm. Chuyện thường ngày ở… báo mà. Tin tự tử của hai bà mẹ chìm trong hàng chục, hàng trăm tin giật gân xảy ra từng phút, từng giờ trong nước và trên thế giới.

Nhưng câu chuyện tự tử của hai người mẹ không dừng lại trên mấy dòng chữ vô tình trên trang báo. Họ tình cờ gặp nhau ở cõi bên kia.

Người mẹ chết đi để lại mấy đứa con, nhìn người mẹ với bốn đứa trẻ lau nhau từ ngạc nhiên tới sững sờ, kêu lên:

Sao lại thế này? Chị sực nhớ lúc còn trên kia có nghe chuyện mấy mẹ con nghèo tự tử chết cùng một lúc: Hóa ra là chuyện thật à?

Người mẹ có mấy đứa con cười như mếu. Vâng, cả mấy mẹ con tôi, chị trông chúng có kháu không?

Người mẹ kia vừa nghe xong như muốn nhảy bổ vào cấu xé người mẹ có mấy đứa con đang sợ sệt bu quanh mẹ.

Mày đúng là con thú ác nhất trong các loài thú. Mày không còn là con người, không bằng loài cầm thú.

Nhưng tôi có làm gì chị đâu. Người đàn bà ngạc nhiên.

Mày không làm gì tao. Nhưng mày đã giết mấy đứa con đứt ruột đẻ ra kia. Lẽ ra phải đưa mày xuống địa ngục ném vô vạc dầu hay cho chó ngao xé xác. Đi cô đi với tôi.

– Nhưng chị định đưa tôi đi đâu.

Tới gặp Diêm Vương ngài sẽ phán xử. Có ai nỡ đang tâm giết con như cô không. Có ném cô cho chó ngao chúng cũng không thèm đụng tới xác cô.

Người đàn bà kia chợt hiểu và nói trong nước mắt:

Chị tưởng tôi làm chuyện này dễ lắm à. Còn đau gấp vạn lần những nhát dao cắt vào da thịt mình. Chị không hiểu được hoàn cảnh của tôi.

Không có bất kỳ hoàn cảnh nào bắt các cháu bé kia chết theo mình. Đến loài cầm thú còn biết thương con. Cô không bằng loài cầm thú.
Vâng, chị cứ chửi cho sướng miệng. Giá chị lâm vào hoàn cảnh tôi.

Thế cô tưởng tôi sướng lắm hả. Tôi cũng lâm vào tình cảnh chắc không khác cô, cũng tới bước đường cùng, không còn cách nào sống nổi, chỉ còn mỗi cách chết đi. Nhưng tôi khác với cô, tôi đi một mình, tôi không giết các con tôi, chúng nó chẳng có tội tình gì. Cũng mấy đưa lau nhau như mấy cháu này. Tôi đứt từng khúc ruột ra đi. Tưởng không có nỗi đau nào đau hơn. Khi phải xa lìa con cái còn thơ dại.

Thế chị đi rồi chúng nó sống bằng gì?

Tiền phúng điếu của bà con, tiền trợ cấp xã hội.

Thế mà em tưởng chị có phép tiên hay ít ra có sự hỗ trợ bên nội, bên ngoại.

Tôi đã bảo không có gì sất.

Thế còn bố các cháu, anh ấy?

Ma men nó tha đi lúc lũ nhỏ còn bé xíu.

Thế chị có bảo đảm những thứ chị nói đó giữ nổi chúng nó trong nhà được bao lâu, hay hết tiền hết gạo lại chẳng lóc nhóc kéo nhau ra đường, đi bụi đời, nhỏ thì trộm cắp lớn lên thành bọn đâm thuê chém mướn. Nhẹ thì vào tù ra tội, nặng thì dựa cột. Vừa khổ cho mình vừa là nỗi khổ cho xã hội. Đấy, chị có dám nói chắc cách của chị là hay, là đúng, khôn ngoan hơn không rồi hãy mắng nhiếc tôi cũng còn kịp.

Không để cho đối phương kịp suy nghĩ, người đàn bà kia nói luôn một hồi:

Chị bảo tiền phúng điếu của bà con được mấy đồng, toàn bà con cảnh nghèo cả. Còn tiền trợ cấp xã hội, chị tin à? May lắm chỉ được vài tháng đầu, làm gì người ta chẳng xà xẻo vô đó. Tiền tử tuất của người chết họ còn chẳng tha. Bây giờ mới xuống đây, hãy còn sớm. Độ vài ba tháng, một năm nữa chị lên thăm, sẽ tận mắt chứng kiến bọn trẻ ra sao. Chắc lúc đó chỉ đứng xa mà nhìn không nhận ra con mình nữa. Lúc đó ân hận thì quá muộn rồi.

Thấy người đàn bà kia dường như gục xuống không còn sức để nghe nữa, chị dừng lại, cảm thấy mình có lỗi đã quá lời.

Sau đó hai bà mẹ đáng thương ôm nhau khóc.

Cả hai cái chết, cách chết đều vô lý và suy cho cùng cũng có lý cả. Điều vô lý thuộc về trách nhiệm của xã hội, về chính quyền các cấp…

Bây giờ xin trở lại cái tít của bài viết. Vậy trong hai bà mẹ ai là kẻ dũng cảm?

Xét cho thấu tình đạt lý, trong hai người mẹ đáng thương đó không có ai là dũng cảm cả. Sống được mới là chuyện khó, dám vượt qua mọi khó khăn nuôi con khôn lớn. Nhưng chết như họ cũng không ai nỡ chê bai họ hèn nhát.

Dũng cảm là những người “ngoài cuộc”. Giữa những năm tháng đất nước còn vô vàn khó khăn, nợ công nợ tư chồng chất, dân ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, trẻ em bụng đói tới trường, trường không ra trường, lớp không ra lớp. So với mặt bằng thế giới, đời sống nhân dân ta được xếp vào hàng gần cuối bảng, sau cả Lào, Campuchia, thế mà có nhiều người đứng đầu một số địa phương, còn có ý định xây dựng những tượng đài nghìn tỷ, trên nghìn tỷ. Và tệ hại hơn có người dám cầm bút ký quyết định cho phép. Những người đó mới chính là người dũng cảm. Dũng cảm trước công luận, ngồi xổm trên dư luận và vô cảm trước nỗi đau khổ của người dân. Thật đáng phục thay!

Đúng là chuyện oái ăm. Người dân ai cũng muốn sống nhưng không được sống. Còn chắc chắn người chết (dẫu là Đại anh hùng dân tộc hay Lãnh tụ vĩ đại) đâu có muốn xây tượng đài, nhưng tượng đài cứ mặc nhiên mọc như nấm trên đất nước nghèo nàn và lạc hậu. Hỏi có đất nước nào có chuyện lạ, ngược đời như nước ta không? Khi người có quyền cầm bút ký quyết định cho phép xây dựng những tượng đài trăm, nghìn tỷ, có bao giờ nghĩ rằng mình đang ký lệnh kết án tử hình những người dân lương thiện, những trẻ em bị chết khi chưa kịp làm người.

Tượng đài lớn nhất, vĩnh cửu ở trong lòng người dân. Thời gian, mưa gió bão bùng dù cho chế độ thay đổi cũng không hề làm suy xuyển. Nguyễn Trãi 500 năm, Nguyễn Du 300 năm, rồi Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, cùng bao nhiêu vị khác, hình ảnh các vị trường tồn cùng dân tộc, đất nước này.







No comments:

Post a Comment

View My Stats