Sunday, 27 January 2019

LỜI TỪ CHỐI CHẤN ĐỘNG (Vũ Kim Hạnh)





Hôm qua, ngày 26/1/2019, chính phủ Malaysia chính thức thông báo quyết định hủy dự án đường sắt đường sắt cao tốc phía Đông ECRL trị giá 20 tỉ đôla do Trung Quốc xây và cấp vốn, sau khi thương lượng không thể hạ giá.

Tuyên bố của bộ trưởng kinh tế Azmin Ali đã chấm dứt nhiều tháng đồn đoán về tương lai dự án tranh cãi này. Ngày 20/8/2018, trong cuộc họp báo với Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh, ông Mahathir thống báo dự định hủy dự án với giải thích “Chúng tôi không muốn rơi vào tình huống có một loại chủ nghĩa thực dân kiểu mới diễn ra, vì nước nghèo không thể cạnh tranh với nước giàu mà cần có thương mại công bằng”

Dự án lẽ ra do công ty Trung Quốc CCCC xây, và 85% vốn là của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China EximBank).

Cựu thủ tướng Najib Rajak đã chấp nhận dự án ECRL và một số dự án khủng nữa (khu đô thị Forest City 100 tỉ USD và cảng Melaka 10,5 tỉ) cho Trung Quốc năm 2016 và ECRL được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của đại dự án “Nhất đới, nhất lộ” của Trung Quốc.

CP của Thủ tướng dân cử Mahatthir (thắng cử tháng 5/2018) khi chấp chính, đã ôm cuc nợ công khổng lồ 250 tỉ của ông Najib. và đã thấy ngay là dự án ECRL này quá đắt tiền. Và hôm qua, Bộ trưởng Azmin Ali nói cụ thể hơn: "Chúng tôi hiện nay không có khả năng tài chính. Nếu không hủy dự án, lãi suất mỗi năm mà chính phủ phải trả sẽ gần nửa tỉ ringgit (121 triệu đôla)."

Mới đầu tháng Giêng/2019, ông Mahathir nói dự án vẫn có thể diễn ra với quy mô nhỏ đi. Và nay, lời từ chối chính thức đã được tuyên bố,

TRƯỜNG HỢP MÃ LAI THẬT KỲ LẠ ĐÁNG NGHIÊN CỨU

Từ đầu năm 2018, tôi thường xuyên theo dõi tình hình chuyển đổi kỹ thuật số của các nước bạn Asean để cung cấp và cập nhật thông tin có hệ thống về bước phát triển rất nhanh này. Trong các nước Asean, tôi chú ý nhất là Malaysia. Tuần rồi, tôi bắt đầu một chuyên mục “Bản đồ số hóa châu Á” trên báo in Thế Giới Tiếp thị và đang viết bài “Trường hợp Malaysia” thì nhận được tin họ hủy thực sự ECRL.

Malaysia có nghèo tới nỗi “không có khả năng tài chính” không? Khó tin. GDP trên đầu người của họ hiện chừng 9.800 USD/người. Gấp gần 5 lần Việt Nam.

Hãy nhìn chiến lược phát triển khủng về kỹ thuật số của họ để thấy họ đang dổ tiền của và mọi nguồn lực đầu tư đến mức nào để thực sự phát triển bắt kịp xu thế toàn cầu. Họ chỉ “không có tài chính” cho “bẫy nợ” và sự bất công có dáng dấp chủ nghĩa thực dân kiểu mới.

Thử tìm hiểu chiến lược phát triển số hóa quốc gia của họ.

HÃY BẮT ĐẦU TỪ MỘT SỰ KIỆN KỊCH TÍNH: CẢ NƯỚC THẢO LUẬN VÌ SAO BỊ TỤT 3 HANG?
Trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh kỹ thuật số thế giới IMD 2018, Malaysia xếp thứ 27, thực sự giảm ba bậc so với năm 2017. Một loạt cuộc thảo luận tìm ra nguyên nhân đã diễn ra sôi nổi với kết luận, họ bị tụt hạng không phải vì không tiến lên phía trước, mà vì các nước khác đang tiến nhanh hơn - Malaysia phải tiến nhanh hơn.

MALAYSIA CHON NĂM 2019 LÀ NĂM MÀ CẢ HỆ SINH THÁI KỶ THUẬT SỐ PHẢI DỰA TRÊN SỐ LIỆU.
Đây là chiến lược phát triển để chuẩn bị cho thập kỷ tiếp theo của Malaysia, thập kỷ mà người Malaysia tin là kỹ thuật số sẽ chi phối hầu hết hoạt động kinh tế xã hội. Từ 2020, dữ liệu quí như vàng và là cơ sở để đầu tư phát triển.

THỬ NGHIỆM 5G.
Một nhóm đặc nhiệm do Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC) thành lập sẽ dẫn đầu các thử nghiệm 5G ở Cyberjaya và Putrajaya phù hợp với Kế hoạch của chính phủ nhằm số hóa quốc gia.

DN NHỎ RÁO RIẾT HỌC & THỰC HÀNH SỐ HÓA.
Báo cáo về tình trạng số hóa của DN Malaysia (do SME corp ) cho thấy DN nhỏ bị vướng vào bẫy máy tính há trong khi để số hóa, về căn bản, DN nhỏ phải thiết kế lại doanh nghiệp của mình sao cho các chiến lược, quy trình và cơ sở hạ tầng kinh doanh được liên kết và tích hợp đầy đủ để hỗ trợ cuộc chuyển đổi kỹ thuật số của họ.

Và tin mới hôm qua...

SÁCH GIÁO KHOA KỶ THUẬT SỐ. Bộ Giáo dục Malaysia vừa tuyên bố, sách giáo khoa in trên giấy sẽ được thay thế bằng sách kỹ thuật số vào năm 2019 và sinh viên có thể sử dụng các thiết bị di động của riêng mình để truy cập những cuốn sách này. Đây là một bước để cải thiện hệ thống giáo dục.

Là người Việt Nam có cái đầu, có trái tim, tôi suy nghĩ nhiều lắm về Malaysia.






No comments:

Post a Comment

View My Stats