Tuesday, 29 January 2019

MỪNG XUÂN KỶ HỢI (Nguyễn Quý Đại)




29/01/2019

Heo trong Khoa học và Đời sống

Người Việt ngày nay sinh sống trên khắp thế giới, dù ở quốc gia nào ngày Tết theo Âm lịch mọi gia đình Việt Nam đều lo cúng rước ông bà, tổ tiên về vui Tết. Cúng Tết để nhớ về quê hương, cội nguồn theo truyền thống dân tộc. Những người đi lao động cũng dành thời gian nầy về đoàn tụ với gia đinh vui chơi ngày Tết.

Mỗi năm cầm tinh một tên khác theo Thập-điạ, Can-Chi năm 2019 là năm Kỷ Hợi, mùng một Tết là ngày 5/2/2019 dương lịch. Người Việt gọi hợi là heo hay lợn. Quan niệm của người Việt, người Hoa, Đại hàn… người sinh ra năm nào thì lấy tên con giáp đó như: Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Tý, Sửu.

Ngày nay người Trung Hoa thảo luận nhiều về vấn đề 12 con giáp và có người đề nghị thay các con “chuột, rắn, gà, heo” bằng những con vật khác là “sư tử, cá, phượng hoàng và chim hạc”. Lý do trong dân gian người Hoa luôn có một số quan niệm không tốt về những con vật trên. 12 con vật trong lịch của VN không giống với 12 con vật trong lịch của Trung Hoa (thử, ngưu, hổ, miêu, long, xà, mã, dương, hầu, kê, khuyển, trư). Ví dụ như chuột thì hay ăn vụng, gặm nhấm đồ vật, còn rắn thường có tâm địa xấu xa, heo thì tạp ăn biếng làm, gà kém may mắn hay đói như năm Ất Dậu 1945, ngoài Bắc xảy ra nạn đói chết người? Năm nào mang tên 4 con giáp trên là kém may mắn. Trong khi đó sư tử oai phong chúa tể của loài thú; chim phượng hoàng biểu tượng may mắn, còn chim hạc có đời sống trường thọ, ….

Nếu người Hoa hay Việt Nam thay đổi tên con giáp không quan trọng, nhưng thay đổi lịch là một vấn đề cần phải nghiên cứu lại. Mỗi quốc gia ảnh hưởng tùy theo thời tiết, phong tục, bản sắc văn hóa riêng. Tết dương lịch bắt đầu sau lễ Giáng Sinh từ ngày 31/12, các nước Tây phương áp dụng sớm nhất vào đầu thế kỷ thứ 16 và các thế kỷ tiếp theo, nước Ý năm 1522, Đức 1544, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha 1566, Tô Cách Lan 1600, Anh Quốc 1752, Nga 1918, Nam Tư và Rumani 1919. (theo Calendopaedia – Bách khoa chuyên lịch)

Nhật Bản từ cuối thế kỷ XIX năm 1873 thời Minh Trị Thiên Hoàng (
明治天皇 Meiji-tennō) ăn Tết theo dương lịch, để công việc sản xuất, các ngành kỹ nghệ phù hợp theo nhu cầu với các nước Tây phương. Các nước Thái Lan, Lào, Ấn Độ… ăn Tết theo Phật lịch (ngày Phật Đản). Người Việt Nam, Trung Hoa phần lớn sống nghề nông nghiệp, ảnh hưởng theo quy luật thời tiết thiên nhiên từng mùa trăng, mùa nước…  Kinh nghiệm năm Ất Sửu 1985 Việt Nam từng đổi lịch ăn Tết sớm hơn một tháng, đã làm xáo trộn đời sống nông nghiệp.

Dòng họ nhà heo theo khoa học

Về nguồn gốc của heo, theo tự điển các động vật (Das grosse Tier Lexikon nhà xuất bản Dorling Kindersly). Thời tiền sử, heo rừng bị con người bắt về nuôi thuần hóa tên khoa học (Sus scrofa domesticus hay sus domesticus). Năm 1830 lần đầu tiên ở tiểu bang Ohio nhờ khí hậu ấm, phôi giống loại heo Yorshi từ Anh quốc và Landrassen ra loại heo lớn trung bình, lông dài và da đều trắng lấy tên US Yorshire. Đến năm 1895 cũng tại Hoa Kỳ, phôi giống heo Đan Mạch thành công ra loại heo màu trắng, thân hình dài, tai lớn, thịt có phẩm chất ngon.
 
Heo US Yorshire.

Ở Đức, giữa thế kỷ thứ 19 vùng bắc Đức đã tạo được loại heo lông đen trắng có chấm đỏ Baldinger Tigerschwein. Năm 1926 vùng Angeln tiểu bang Schleswig-Holstein lai giống loại heo Angler Sattelschwein. Việt Nam đồng bằng sông Cửu Long có loại Ba Xuyên thân, chân ngắn lông đen trắng nặng khoảng 100 kilo. Trung Hoa có loại heo đen Beijing Black. Các quốc gia khác tìm được các giống như: Bantu, Banza Pig, Arawpawa Pig, Auckland Pigs, Black Salaonian, British Landrace, British Lop, British Saddleback, Belarus Black Pied, Belgian Landrace, Berkshire Pig, Bindenschwein Sus scrofa Vittatus… Đáp ứng nhu cầu cung cấp thực phẩm, heo được nuôi ở các trang trại lớn trên khắp thế giới (ngoại trừ khối Hồi Giáo), thức ăn được biến chế theo công nghiệp, người nuôi heo không cần phải nấu cám, hái rau vớt bèo, heo nuôi rất mau lớn, trọng lượng từ 180 đến 250 kilo. Được chuyên viên Thú y chăm sóc sức khỏe nên tránh được những bệnh dịch gây thiệt hại về kinh tế.  

Tại Ðài Loan, họ gây giống được ba con heo, phát ra ánh sáng màu xanh lá cây từ đầu đến đuôi. Các con heo phát ra ánh sáng này được tạo ra từ một phôi thai heo bình thường và được cấy thêm gene từ một loài động vật khác. Tại Nhật cũng công báo thành công gây giống heo từ trong ống nghiệm. Các loại heo rừng sống ở Á Châu, Âu Châu và Bắc Mỹ.  Họ của heo danh từ khoa học là Suidae là một họ sinh học, được các nhà khoa học chia làm nhiều loại khác nhau. Vì ảnh hưởng khí hậu nên loài heo có sự khác nhau về hình dáng và sức nặng. Loài heo không có tuyến bài tiết mồ hôi nên heo thường thích sống nơi ẩm ướt, đặc tính dùng mõm ủi đất tìm kiếm thức ăn và khứu giác rất nhạy cảm, nhiệt độ cơ thể của heo từ 38 đến 39,5 độ C.

Các loại heo rừng thuộc loại heo hưu/ Babyrousa babyrussa và heo Phi châu/ Phacochoerus aethiopicus. Loại heo hưu sống trên các đảo của Indonesia, sống dưới các bụi rậm rừng nhiệt đới trong các bụi lau sậy bên bờ sông hồ nước, lớp da lốm đốm màu nâu và xám lông thưa, hai cặp răng nanh trên và dưới đều khác nhau, cong ngược và uốn về phiá sau rồi uốn ngược lại phiá trước. Heo rừng Phi châu/ Hylochoerus chia nhiều loại như Hylochoerus meinertzhageni sống khu vực xích đạo, loại u mắt / Phacohoeurs africanus hay Phacochoerus aethiopicus.

Heo lông rậm Potamochoerus larvatus, heo lông đỏ Potamochoerus porcus ở sa mạc Sahara… heo tai chổi / Potamochoerus. Heo Giant Forest Hog là loại heo lớn nhất trong dòng họ gia đình heo, con đực dài 2m, cao 110cm, nặng 250 kg, được bao phủ lớp lông màu đen, lớp lông sát da là màu cam đậm, tai lớn và răng nanh nhỏ hơn loại warthog &bushpig, giống heo này tìm thấy ở vùng rừng mưa nhiệt đới West & Trung tâm Africa Kenya và cao nguyên Ethiopian. Giant Forest Hog chỉ ăn cỏ và những cây trên mặt đất, không dùng mõm đào đất tìm thức ăn như các heo khác 

(Red River Hog Heo đỏ)

Babirusa hay pig-deer xuất hiện lâu đời nhất trong họ nhà heo, thường sinh sống ở vùng nhiệt đới dọc theo bờ sông và hồ. Giống heo này hiện nay nằm trên danh sách có nguy cơ tuyệt chủng. Bearded Pig Sus barbatus ở vùng Đông Nam Á -Sumatra, Borneo, và Đông Phi luật Tân. Red River Hog sống ở rừng mưa và vùng núi Africa, Heo cân nặng từ 55-80 kg, lông nâu, chân đen, mõm đen trắng, chúng sống từng đàn từ 6-20 con.

Các loại heo ở Việt nam có tên khoa học Sus bucculentus, bao gồm nhiều giống heo bản địa, giống heo nhập cảng và các giống lai. Nhưng có nhiều tên gọi bình dân: heo nái, heo sữa, heo hạch (heo đực đã thiến), heo nọc (heo đực không thiến), heo lang (lông đốm đen trắng), heo mọi, heo cỏ…Mỗi vùng có nuôi giống heo, thích hợp với khi hậu thức ăn…các giống heo ngoại nhập đa dạng được nuôi tại Việt Nam là: Yorkshire, Landrace, Pietrain, Duroc và các loại heo lai giống. Tuổi trưởng thành của heo cái từ 9 tháng, Một con heo nái có thể đẻ từ 10 đến 12 heo con/lứa sau khoảng thời gian có chữa là 114 ngày và trong điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng tốt thì heo nái một năm sinh hai lần, heo con mới sinh nặng khoảng 1,5 kilo bú sữa mẹ, heo nái thường có 14 đầu vú hai bên (7 x2) heo mẹ uống mỗi ngày 10 lít nước, heo con uống 1,5 lít. Tất cả các giống heo đều ăn rất tạp đủ thứ động vật, thực vật, rau cám, cỏ vv… Heo là loài gia súc dạ dày đơn, cấu tạo bộ máy tiêu hoá của heo bao gồm miệng, thục quản. Dạ dày của heo trưởng thành có dung tích khoảng 8 lít, ruột non có độ dài khoảng 18-20 mét, ruột già và cuối cùng là hậu môn. Tùy theo giống heo, nuôi trên 6 tháng con đực nặng 300 – 370 kg, con cái nặng 250 – 280 kg.

 Heo trong đời sống và văn học

Người đời thường chê heo là lười, ngu, bẩn thỉu, lôi thôi lếch thếch, cái gì xấu đều ám chỉ con heo! Nhưng trong các việc tế lễ, hôn nhân đều có cả con heo quay hay đầu heo làm lễ vật. Trong ngôn ngữ Đức có những câu chưởi như “diese Sau hat wieder alles voll gekleckert/con heo ấy đã bôi bẩn khắp nơi, hay diese verdammte Sau hat mich betrogen/ con heo ấy đã lừa tôi rồi! “to make a pig of oneself”. Ngược lại nói “có con heo/ Schweinegehabt/ that’s a bit of luck, có nghĩa là may mắn. “to buy a pig in a poke” giống như “mua trâu vẽ bóng”

Đời sống của heo cũng thông minh, dễ dạy, khứu giác rất nhạy bén. Ở Nga, người ta cũng tổ chức” piglets seek Moscow Omlypic glory “cho heo chạy đua, bơi trong những hồ nhỏ hay chơi banh, heo dùng mõm đẩy banh. Các loại heo choai choai được ưa thích từ các nơi: Mykola của Ukraine, Nelson của Nam Phi châu và Kostik của Nga”. Ở Việt Nam, ngoài trường đua chó lớn ở Vũng Tàu, cũng có trường đua heo ở một vài nơi?

Phim con heo, người ta thường liên tưởng đến các loại “phim cochon “khiêu dâm, nhưng có loại phim con heo hoạt hoạ: Pig is pigs, Porky Pig, Petunia pig, Looney Tunes được nhiều người hâm mộ, hiện nay các rạp đang chiếu phim Schweinchen Wilbur und seine Freunde/ “heo con Wilbur và người bạn”. Âm nhạc có nhiều nhạc phẩm như: Pigs on the Wing của Pink Floyd năm 1977, War Pigs của Black Sabbath năm 1970.

Tác phẩm Animal Farm là một tiểu thuyết trào phúng chỉ trích sự tha hóa của giới lãnh đạo chính trị của nhà văn Anh sinh tại Ấn Độ tên là George Orwell (1903-1950). Ông viết: “Tôi học được điều này đã từ lâu, không bao giờ vật lộn với con heo. Bạn sẽ làm bẩn mình, ngoài ra, lại còn làm con heo thích thú/ I learned long ago, never to werestle with a pig. you get dirty and besides, the big likes it”. Đó là một bài học về xử thế, cũng tựa như ta có câu “Thà làm đầy tớ người khôn còn hơn làm thầy thằng dại”! Tiểu thuyết không chỉ đề cập tới sự tham nhũng bởi các lãnh đạo bị tha hóa mà còn cả việc làm sao sự đồi bại, dửng dưng, lãnh đạm, ham danh lợi và thiển cận có thể tiêu diệt bất kỳ khả năng nào của một xã hội mới tốt đẹp và bình đẳng hơn. Tuy tiểu thuyết này thể hiện giới lãnh đạo tham nhũng như là sai lầm của cách mạng, nó cũng cho thấy nguy cơ để sự dửng dưng và lãnh đạm, dân trí thấp kém của những người dân bên trong một cuộc cách mạng có thể dẫn tới sự thất bại của nhà nước mới nếu sự chuyển tiếp êm đẹp sang một chính phủ với những người xứng đáng không được diễn ra. Lãnh tụ là chú heo đực già tại trại Manor kêu gọi các loài vật khác trong trại tới một cuộc họp, tại đó nó so sánh con người với những kẻ ăn bám và dạy các con vật một bài hát cách mạng, (Beasts of England/ những súc vật của nước Anh). Khi chú heo già chết ba ngày sau đó, hai con heo trẻ, Snowball và Napoleon, nắm quyền chỉ huy và biến giấc mơ của lãnh tụ thành một triết lý đầy đủ…

Loại cá thông minh được Hải quân huấn luyện để chống đặc công là loại cá heo, quốc gia Cuba có vịnh Con Heo năm 1962 sắp xảy ra chiến tranh Nga-Mỹ dưới thời tổng thống J. F. Kennedy và chủ tịch N.S Chruschtschow. Lịch sử Hoa Kỳ năm 1859 xảy ra vụ tranh chấp các vùng biên giới giữa Anh (Canada) Mỹ. Heo từ vùng nầy chạy sang ăn khoai tây vùng khác bị bắn chết gây tranh cãi “keep your pigs out of my potatoes!” hãy giữ heo các anh ngoài ruộng khoai chúng tôi “keep your potatoes out of my pigs” hãy giữ khoai các anh đừng đụng tới heo chúng tôi… Nếu không được dàn xếp thì hai bên đánh nhau tơi bời cũng tại vì heo! Hiện nay một số trường học, Đại học Arkansas lấy logo là con heo rừng Razorbacks…. (Sus scrofa) cho đội thể thao của trường. Ở Đức nhiều nơi chọn hình heo con quảng cáo, biểu tượng cho sự may mắn và phát tài. Đức, Việt Nam và có thể nhiều quốc gia khác cũng có loại heo đất bỏ tiền tiết kiệm,

Trong truyện Tây Du Ký của Trung Hoa có nhân vật Trư Bát Giới, đệ tử của thầy Huyền Trang có hình dạng nửa người nửa heo, Người Hoa cũng với tục lệ trong lễ cưới, có con heo quay đầy đủ đầu đuôi, sau đêm động phòng hoa chúc, nếu người con dâu không còn trinh trắng trước khi về nhà chồng, nhà trai cắt lỗ tai con heo quay đó trả lại cho nhà gái. Tục lệ đó, không biết ngày nay có còn tồn tại hay không? Với xã hội ngày nay Đông cũng như Tây phương tự do luyến ái, giới trẻ không còn quan trọng về trinh tiết.

Heo lành ai nỡ cắt tai
Gái ngu chồng bỏ, khoe tài nỗi chi? “ 

Trong thiên tình sử Odysseus của Homer thủy thủ đoàn bị nữ thần Circe biến thành heo. Thời xa xưa, Hy Lạp dùng heo để tế nữ thần Demeter. Tại Việt Nam nếu ai ở gần lò thịt, buổi sáng sớm nghe tiếng eng éc của heo bị chọc tiết, nhưng ở Đức các lò thịt dùng điện châm vào tai heo điện giật heo bất tỉnh bị chọc tiết… có chuyên viên khám gan và thịt trước khi đóng dấu cho bán ra chợ, không ai được phép tự giết heo bò ở nhà.

Do Thái giáo và các quốc gia theo Hồi giáo kiêng ăn thịt heo, lý do ngày xưa chiến tranh ở các nước Á Rập, nhiều người chết, xác chết không được chôn cất bị heo ăn sinh bệnh dịch, người ăn thịt heo bị truyền bệnh không có thuốc chữa trị, nên Giáo chủ Mohamed kêu gọi đừng ăn thịt heo vì heo là con vật dơ bẩn…, từ đó trở thành thói quen. Dù ngày nay người ta nuôi heo ở các trại chăn nuôi, đầy đủ tiêu chuẩn, có thức ăn biến chế, nếu phát hiện các bệnh dịch như long móng lở mồm… thì đàn heo đó bị đốt để tránh bệnh truyền nhiễm. Thiểu số người Thổ theo đạo Hồi, sống ở vùng ngoại ô Munich lén mua cừu hay bê làm thịt lậu, họ ăn thịt phải giết con vật theo nghi thức Hồi giáo, họ phải tự chặt đầu con vật sống… ngược lại Phật Giáo thì cấm sát sanh.

Ở thôn quê ngoài việc canh tác, ruộng vườn để thu hoạch ngũ cốc, người ta thường nuôi heo quanh năm, trong chuồng hay thả ngoài vườn, không tốn kém nhờ rau cám, chuối cây… phân heo dùng để bón ruộng lúa. Tháng chạp người ta bán heo để có tiền chuẩn bị ăn Tết, mua sắm quần áo mới cho con cháu. Có nhiều nơi những ngày cuối năm, vài gia đình, cùng làm thịt một con heo để chia nhau, ngoại trừ cái đầu heo dành cho gia chủ. Đầu heo giá trị của nó như một con heo trong việc cúng kiếng hay đi biếu người nào đó đã mang ơn.

Hơn ba thập niên trước ở Đức, vào tiệm thịt khó có thể tìm được đầu hay chân heo. Người Việt thích bao tử làm phá lấu, chân, đuôi để nấu bún bò Huế, đầu heo để cúng, làm giò thủ, muốn có phải vào lò thịt họ cho không lấy tiền. Thời nay kinh tế khó khăn nên các siêu thị ở Đức đều có bán: đầu, đuôi, chân heo cả móng, bao tử và ruột heo, có thể đặt con heo quay cở 5-10 kilo, gia vị do họ ướp, không được phép bôi màu đỏ ngoài da như heo quay bên quê nhà. Bởi vậy lễ cưới người Việt ở Đức còn nhiều gia đình theo phong tục Việt Nam đều có heo quay. Tuy nhiên các vùng biên giới Đức-Tiệp hay Ba Lan có người Việt phần lớn gốc Bắc, đi lao động trước kia, được phép ở lại sau khi chế độ CS Đông Âu sụp đổ. Họ buôn bán chợ trời, mùa hạ nắng ấm thì họ trồng rau muống, rau thơm, làm lậu thịt dê, gà, heo, bê, có đủ bộ lòng… Người Á Châu thích ăn các bộ lòng heo, bò… Nhưng người Tây phương họ không thích ăn, người nào bệnh gout ăn bộ lòng sẽ bị đau nhức sưng ở các khớp ngón chân cái vì quá nhiều Acid Uric/ Harnsäure trong máu…

Đề cập đến thịt heo, những người lớn tuổi đều ngại thịt heo vì nhiều mỡ, nhưng không thể quên, xứ Quảng Nam ngoài đặc sản mì Quảng còn món thịt heo ba rọi luộc quấn bánh tráng rau sống, chấm nước mắm ngon không chê vào đâu được, giống heo cỏ loại nhỏ nuôi ở quê ăn cám, chuối cây, rau thức ăn thiên nhiên nên thịt ít mỡ thơm ngon. Trong Nam vùng Trảng Bàng cũng có món thịt heo luộc, quấn bánh tráng phơi sương với bún, đủ loại rau thơm và những đọt lá non như trâm bầu, xoài, cốc… thêm món bánh canh giò heo cũng nổi tiếng. Riêng ở Munich du khách vào nhà hàng Đức, gọi cái đùi heo nướng “Schweine haxe”, với cục bột “Knödel” hay rau cải trắng chua uống ly bia, ăn một bữa no cả ngày.

Ở Viêt Nam sống tại thành phố, nếu nhà có vườn rộng, người ta cũng làm chuồng nuôi heo, “chuồng heo ở dưới, chuồng gà ở trên”, nhưng sau năm 1975 đất nước thống nhất một thời heo về thành phố, ngồi ở phòng khách, nằm ở cầu thang, cũng ăn hạt bo bo giống người…Heo không ngu; trái lại, heo rất thông minh, dễ dạy, và thân thiện. Chúng ta cảm thấy con heo gần gũi mà hình ảnh của nó đã đi vào thi ca dân gian và là biểu tượng văn hóa. Trong thi ca bình dân, heo được nhắc đến qua câu hò tiếng hát, mà chúng ta đã nghe dưới ánh trăng thanh, bên lũy tre xanh con đường làng bé nhỏ.

Em về thưa với mẹ cha
bắt heo đi cưới, bắt gà đi cheo
Đầu heo lớn hơn đầu mèo
Làng ăn không hết, làng treo đầu đình
Ông xã đánh trống thình thình
Quan viên níu áo ra đình ăn cheo

Để diễn tả sự chênh lệch của hai giai cấp này, trong đó người ta lấy con “heo” hay “lợn” làm biểu tượng cho sự giàu có sung túc qua các lễ hội, đám đình vì thế dân gian Việt đã đặt ra bài ca dao sau đây:

Anh là con trai nhà nghèo
Nàng mà thách thế anh liều anh lo
Cưới em anh nghĩ cũng lo
Con lợn chẳng có, con bò thì không
Tiền gạo chẳng có một đồng
Thiên hạ hàng xứ cũng không đỡ đần
Sớm mai sang hiệu cầm khăn
Cầm được đồng bạc để dành cưới em..
.

Cuộc sống hôn nhân ở thôn quê không kiêu sa đài các, chỉ có uớc mơ bé nhỏ trở thành vợ chồng thật đơn giản, lễ cưới không cần đầu heo mâm thịt, hay vàng bạc châu báu. Con heo đôi khi là một tài sản lớn của nhà nông nghèo! Họ chỉ cần một cặp vịt đôi bông làm sánh lễ. Tình yêu không đến với con người bằng ý nghĩ lý luận mà bằng sự giao cảm giữa 2 con tim, đem lại nguồn sống thanh bần và chung thủy.

Người ta giàu thì đầu heo mâm thịt
Hai đứa mình nghèo thì cặp vịt đôi bông
Người ta thách lợn, thách gà
em thách cưới, một nhà khoai lang

Quanh năm trên đồng ruộng vườn rau, nên quan niệm về hôn nhân của giới bình dân đơn sơ, mộc mạc làm sao đủ tiền để nợp cheo cho làng khi «rước nàng về dinh ». vấn đề hôn nhân theo quan niệm xưa phải “môn đăng hộ đối”, chọn một người vợ phải xem dòng họ đó ra sao? 

Nuôi heo thì phải vớt bèo
Lấy vợ thì phải nợp cheo cho làng
Lựa được một con dâu sâu con mắt
Mua heo chọn nái, lấy gái chọn dòng

Phản ảnh một phần nào sinh hoạt của xã hội bình dân, thi ca trào phúng đưa giá trị con heo lên để so sánh.  

Mẹ tôi tham thúng xôi rền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh hưng
Ai đã bảo mẹ rằng: «đừng»
Mẹ hầm, mẹ hứ mẹ bưng ngay vào.

Nước chảy dưới đèo
Bà già lật đật mua heo cưới chồng
Cưới về chồng bỏ chồng dông
Bà già mới tiếc ba mươi đồng mua heo

Còn duyên anh cưới ba heo
hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi

Đang khi, lửa cháy, cơm sôi
Lợn kêu con khóc, chồng đòi tòm ten
Bây giờ cơm đã chin rồi
Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm

Dưới chế độ phong kiến, cảnh đàn ông năm thê bảy thiếp, cho nên tâm tư của người đàn bà bình dân lúc nào cũng phảng phất chống đối hờn dỗi ghen tương…

Một vợ nằm giường lèo
Hai vợ nằm chèo queo
Ba vợ ra chuồng heo mà nằm

Hoặc than thân trách phận vì không cưới được người yêu giống như cảnh con heo bị chủ bỏ đói để rồi mừng rỡ khi ước mơ thành sự thật:

Yêu nhau chả lấy được nhau
Con lợn bỏ đói buồng cau bỏ già
Bao giờ sum họp một nhà
Con lợn lại béo cau già lại non.


Người bình dân quanh năm sống với ruộng đồng, gieo mạ, trồng rau, họ đã từng trải cách ăn uống ở miền quê hay thiên tai bão lụt, theo kinh nghiệm họ có thể đoán trước thời tiết sẽ xảy ra:

Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng

Trông mặt mà bắt hình dong
Con lợn có béo thì lòng mới ngon

Theo kinh nghiệm người nhà nông có thể đoán trước thời tiết sẽ xảy ra:

Gió heo may chẳng mưa dai thì bảo giật
Gió heo may, Chuồn chuồn bay thì bảo
Gió heo may mía bay lên ngọn
Gió heo lành lạnh thổi về
Thương người quan ải lòng tê tái sầu

Theo tục lệ, hằng năm ở Hà Tây vào ngày mùng 7 tháng Giêng tổ chức lễ Hội “chạy lợn” nhắc lại sự tích vào đời Hùng Vương thứ 18, có một vị tướng tên húy là Nguyễn Hiển, hành quân qua đây để đánh đuổi giặc. Các bô lão trong làng xin làm cỗ khao quân, vị tướng yêu cầu phải làm nhanh để binh sĩ lên đường hành quân đánh giặc. Vào ngày lễ hội trên, con lợn được đem ra lễ hội “chạy lợn” phải được nuôi hết sức cẩn thận. Trước lễ hội 10 ngày, chỉ cho ăn cháo gạo nếp, tắm rửa bằng nước lá thơm sạch sẽ mỗi ngày. Dân làng mở hội “chạy lợn” để nhớ về một truyền thống có ý nghĩa về tình quân dân cá nước thời xa xưa. Nhóm nào làm thịt nhanh mâm cỗ đầy đủ đầu, đuôi, bộ lòng sẽ được thưởng.

Sự tích cây huyết dụ, theo truyền thuyết ngày xưa ở gần Chùa, có người chuyên làm thịt heo buổi sáng đem ra chợ bán, thời đó chưa có đồng hồ báo thức, buổi sáng Chùa thường đánh chuông, tiếng Đại hồng chung ngân xa. Người làm thịt heo nghe tiếng chuông thức dậy giết heo, nhưng đêm đó thầy Trù Trì nằm chiêm bao thấy con heo nái tới vang xin ngài đừng đánh chuông buổi sáng, để người giết heo ngủ quên, heo sắp đẻ một đàn con, nếu giết mẹ thì chết cả con… Thức giấc thầy Trù Trì không đánh chuông sáng, người chuyên làm thịt heo ngủ trễ, không thể thịt con heo đã nhốt trong chuồng để bán buổi chợ sáng, người đó đến Chùa la lối tại sao Thầy không đánh chuông sáng? Thầy kể lại cho người đó nghe giấc mơ đêm qua, ông ta về nhà thấy con heo nái mình định làm thịt đẻ được chục heo con. Ông ta ân hận, bởi con vật đều có sự sống, ông mang con dao sử dụng hàng ngày tới cắm ở sân Chùa, thề không sát sanh nữa, từ chỗ con dao mọc lên cây huyết dụ. Trong Tam Quốc Chí, cũng có câu chuyện liên hệ tới Lợn (một con lợn đổi 8 mạng người). Đó là chuyện Tào Tháo giết cả nhà Lữ Bá Xa, Ông Lữ đi mua rượu, người nhà mài dao chuẩn bị giết heo đãi Tào Tháo, Tháo là người da nghi tưởng lầm họ đang tìm cách giết mình. Nên Tháo giết hết và xuống bếp thấy con heo bị cột nằm chuẩn bị làm thịt, biết mình giết lầm bỏ đi ra đường gặp Lữ cưỡi lừa màng vò rượu về…Tháo giết luôn để tránh thù sau! thật là con người quá khốn nạn.

Trong dân gian còn có chuyện cổ tích Trạng lợn. Trạng Lợn xuất hiện như một nhân vật trào phúng, đời vua Lê Thánh Tông đả kích những thói hư tật xấu của bọn quan lại…Ngược lại quan thiến heo, người Bắc gọi là quan hoạn lợn(1) năm 1977 ông ta làm Phó Thủ tướng kiêm nhiệm Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp tại miền Nam. Theo ký số X1, X2 và X3. Ngày 23-3-1978 tất cả các cơ sở kinh doanh, buôn bán, nhà hàng, cửa hàng, kho tàng, trung tâm dịch vụ bị niêm phong. Nhà cầm quyền CS đánh tư sản tịch thu nhà cửa, đuổi người ta đi kinh tế mới là một hình thức ăn cướp tài sản của người dân miền Nam. Cả năm hàng đoàn xe tải bịt bùng, nối tiếp nhau chở hàng về miền Bắc, làm cho người dân miền Nam đến tận cùng khổ đau, nghèo đói… Sau chiến dịch X3, hang chục ngàn gia đình cán bộ CS miền Bắc vào Sài gòn sinh sống trong những ngôi nhà được tịch thu để rồi cả heo và người sống chung trong phòng. Những ngôi nhà ấy bây giờ giá trị hàng triệu đô, từ bần cố nông bây giờ họ là “đại gia”. Chúng tôi đi qua đường Kỳ Đồng, gần Dòng Chúa Cứu Thế, nhìn lại nhà xưa gợi lại kỷ niệm một thời đã bị cướp mất!

Tổng bí thư CS Nga Nikita Khrushchev từng hãnh diện về nguồn gốc chăn heo của mình, kể chuyện thuở ấy đi chăn heo tiền lương rất rẻ. Làm nghề thiến heo, phu đồn điền cao su, y tá… không ai chê trách, nhưng chỉ chê thành phần học vấn ít, và cuồng tín lãnh đạo đất nước để rồi bán nước cầu vinh.

Những câu chuyện cổ tích hay huyền thoại trong dân gian, đều nhắc nhở con người sống phải có đạo đức và đức tin. Nếu sống theo chủ nghiã vô thần, họ không tránh được những hình phạt, không đời nầy thì cũng tới đời con cháu. Nhìn lại lịch sử Việt Nam trong 43 năm qua biết bao nhiêu đổi thay tình người bị đánh mất, đạo đức suy đồi…giặc ngọai xâm chiếm đất đai, biển đảo của Tổ Tiên chúng ta bỏ xương máu dựng nước. Bọn “lợi dụng chức quyền, nhóm lợi ích” cậy quyền, tham lam tranh giành quyền lực đấu đá, thanh trừng phe nhóm, phá nát đất nước…Nhiều người đã qua đời nhưng vẫn bị người đời nguyền rủa, đúng như tục ngữ:

Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ

Đời người vô thường và mong manh, sống phải có đức cho con cháu được nhờ theo luật nhân qủa thì „ai gieo gió thì giặt bảo“.

TT Donald Trump nói trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 25/9/2018 kêu gọi các nước trên thế giới “chống lại chủ nghĩa xã hội và những đau khổ mà nó đã gây ra cho mọi người”.

Báo cáo Chỉ số Dân chủ 2018 của tạp chí The Economist công bố ngày 8/1 xếp Việt Nam vào trong số những nước độc tài với điểm số là 3.08 trong thang điểm từ 0 đến 10, trong đó 0 là thấp nhất và 10 là cao nhất. Điểm số này cũng tương đương như năm 2017. Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) ngày 10/1 kêu gọi Liên minh châu Âu hoãn phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, cho tới khi chính phủ Việt Nam có các biện pháp cụ thể để cải thiện hồ sơ nhân quyền ngày càng tệ hại của mình.

Dân tộc Việt phải noi gương tiền nhân chống lại giặc ngoại xâm để bảo vệ biển đảo. Năm con heo đến mọi người mơ uớc nước Việt chúng ta có “ngọn gió đổi thay”, để Việt Nam có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền là cơ hội làm nên những trang sử oai hùng cho dân tộc Việt.

Nguyễn Quý Ðại
————————————–

Tài liệu tham khảo 

Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên viết: Đỗ Mười làm nghề hoạn lợn

Bách khoa toàn thư Wikipedia

Tiere und Lebensräume của wissensbibliothek

Tuyển tập tục ngữ ca dao Việt nam nhà Xb văn học

(Thành thật cảm ơn các tác giả, và tôi xin mạn phép copy hình tài liệu các loại heo rừng được phổ biến trong tự điển)


VIDEO :





No comments:

Post a Comment

View My Stats