Tuesday, 29 January 2019

LÝ DO DÂN VENEZUELA THIẾU ĐÓI DÙ SỐNG TRÊN BIỂN 'VÀNG ĐEN' (Thành Nguyễn)




Thành Nguyễn
Thứ ba, 29/1/2019, 11:49 (GMT+7)

Giá dầu lao dốc cùng chính sách kiểm soát giá nông sản khiến nông dân Venezuela từ bỏ đồng ruộng, thực phẩm ngày càng khan hiếm.


Chuồng trại bỏ hoang ở Venezuela trong cuộc khủng hoảng lương thực. Ảnh: Washington Post.

Khi mặt trời vừa mọc ở một thung lũng vùng nông thôn phía tây bắc Venezuela, cách thủ đô Caracas vài giờ lái xe, cụ ông 86 tuổi Rafael Farfan chuẩn bị ra cánh đồng mà ông đã canh tác suốt 5 thập kỷ qua. Dù đã rất già, ông vẫn phải đi cày cuốc, vì không có tiền để thuê người làm công như trước đây, theo CGTN.

"Tôi không còn khỏe như trước đây nữa. Công việc đồng áng rất nặng nhọc, tôi thì không có máy móc phù hợp, nên mọi thứ vẫn phải làm bằng tay", ông tâm sự. Khi lạm phát ở Venezuela lên đến mức một triệu % mỗi năm, chi phí mua giống, phân bón, bảo dưỡng thiết bị và thuê nhân công đã vượt quá khả năng của gia đình Farfan.

Họ phải trông cậy vào số chuối, đậu nành và sắn trồng được để đắp đổi qua ngày, khi mỗi tháng cả gia đình 6 người ở nông trại chỉ nhận được một hộp thực phẩm theo chương trình bao cấp của chính phủ. "Hộp thực phẩm này chỉ đủ cho nhà tôi dùng trong ba ngày. Những ngày còn lại, chúng tôi phải ăn những thứ gì mình trồng được", Farfan nói.

Khi chưa tới mùa thu hoạch, gia đình Farfan chỉ dám ăn ngày hai bữa, có những lúc hết sạch đồ ăn và phải chống đói bằng cốc cà phê.

Ở vùng Aragua gần đó, Saulo Escobar từng nuôi tới 200.000 con gà trong trang trại của mình, nhưng giờ đây chỉ còn chưa tới 70.000 con. Escobar buộc phải bỏ hoang nhiều khu chăn nuôi bởi không còn tiền để mua thức ăn cho chúng.

Với những nông dân như Farfan hay Escobar, việc trồng trọt, chăn nuôi đã trở thành một gánh nặng thực sự và chỉ giúp họ chống đói qua ngày. Chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro thực thi chính sách kiểm soát giá cả hàng hóa nghiêm ngặt và buộc nông dân phải bán lương thực, thực phẩm theo giá quy định, vốn thấp hơn rất nhiều so với chi phí để làm ra các sản phẩm đó.

Chính sách kiểm soát giá của chính phủ khiến nông dân không thể kiếm được tiền từ công sức lao động của mình, thậm chí lâm vào cảnh "càng làm càng lỗ" và buộc phải từ bỏ ruộng vườn, trang trại. Farfan cho biết gần một phần tư số hộ trong làng ông đã bỏ nghề nông, chuyển tới các thành phố lớn để sinh nhai hoặc vượt biên ra nước ngoài.

Những người như ông vẫn tiếp tục bám trụ lại để trồng trọt, nhưng không phải tạo ra sản phẩm bán cho thị trường, mà là để giúp gia đình khỏi chết đói. Tình cảnh này xảy ra ngày càng phổ biến, dù vùng đất xung quanh họ hội đủ điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp: đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, khí hậu thuận lợi. Trữ lượng dầu mỏ, nguồn tài nguyên được ví như "vàng đen", lên tới gần 300.000 triệu thùng giúp người dân Venezuela hưởng giá xăng rẻ nhất thế giới, chỉ ở mức 0,01 USD/lít, theo Washington Post.

Người tiền nhiệm của Maduro, cố tổng thống Hugo Chavez, từng thực thi các chính sách cải cách kinh tế một cách triệt để bằng cách quốc hữu hóa các nông trường và thực thi chế độ phân phối thực phẩm dưới sự giám sát của nhà nước. Trong thời kỳ giá dầu tăng cao đem về cho Venezuela 43 tỷ USD vào năm 2009, mọi thứ có vẻ ổn thỏa khi chính phủ ban phát trợ cấp một cách rộng rãi và mọi người hài lòng về những gì mình nhận được.

Dân Venezuela chen lấn bên ngoài một điểm phân phối lương thực. Ảnh: AFP.

Venezuela từ lâu đã phải nhập khẩu một số loại nông sản, chẳng hạn như lúa mì, vì khí hậu nhiệt đới ở nước này không thuận lợi cho việc trồng lúa mì quy mô lớn. Nhưng các số liệu thống kê thương mại cho thấy các chính sách cải cách ruộng đất của Chavez đã khiến Venezuela phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu lương thực.

Chính phủ Venezuela nhiều năm qua không công bố dữ liệu thống kê về nông nghiệp, nhưng chuyên gia nông nghiệp Carlos Machado ước tính số tiền trung bình trên đầu người mà Caracas chi ra mỗi năm để nhập khẩu lương thực năm 2012 là 500 USD, tăng gấp năm lần so với năm 2004. Đây là thời kỳ chính phủ Venezuela quốc hữu hóa hơn 4 triệu hectare đất nông nghiệp trên toàn quốc. Cũng trong thời kỳ này, giá dầu lao dốc và lượng hàng hóa nhập khẩu giảm 73%.

Khi giá dầu lao dốc và sản lượng khai thác dầu sụt giảm kéo theo tỷ lệ lạm phát phi mã, Venezuela không còn đủ ngoại tệ để nhập khẩu lương thực nhiều như trước đây và người dân nước này bắt đầu đối mặt với một cuộc khủng hoảng đói ăn thực sự.

"Vấn đề không chỉ nằm ở việc quốc hữu hóa trang trại", Machado nhận định. "Chính sách bao cấp biến chính phủ Venezuela thành nhà sản xuất, chế biến và phân phối lương thực, khiến chuỗi sản xuất bị ảnh hưởng bởi tệ quan liêu trì trệ".

Nông dân Venezuela thì cho rằng việc sản xuất của mình bị bóp nghẹt, khi sản lượng lúa, ngô và cà phê đã giảm 60% chỉ trong vòng một thập kỷ, theo số liệu của Hội Nông dân Venezuela (Fedeagro). Gần như toàn bộ nhà máy đường hoạt động cầm chừng hoặc tê liệt sau khi quốc hữu hóa từ năm 2005.

"Nông sản bán ra theo giá quy định nên chúng tôi không thu được lời lãi gì mà chỉ có lỗ", một chủ trang trại bò sữa ở bang Guarico giấu tên cho biết. Người này tiết lộ rằng để mua một chiếc máy kéo mới, ông sẽ phải dùng toàn bộ số tiền kiếm được trong một năm. "Chỉ có phép màu mới giúp ngành nông nghiệp của chúng tôi sống sót".

Theo Vicente Carrillo, cựu chủ tịch hiệp hội các nhà chăn nuôi gia súc Venezuela, tổng đàn gia súc của nước này đã giảm từ 13 triệu con năm 2012 xuống còn khoảng 8 triệu con năm 2017. Bản thân Carrillo cũng phải bán trang trại của mình cách đây hơn 10 năm. "Tôi đã dành 30 năm cuộc đời cho công việc này, nhưng cuối cùng phải bỏ lại mọi thứ", ông nói.

Sản xuất đình đốn, giá cả tăng cao, chỉ có một bộ phận nhỏ người giàu ở Venezuela mới có thể mua đủ thực phẩm trên thị trường chợ đen, nơi giá nửa cân gạo nhập khẩu từ Brazil hay Colombia có thể lên tới 6.000 bolivar. Mức giá này chỉ tương đương 1 USD theo tỷ giá chợ đen, nhưng ngang ngửa tiền công cả ngày của một công nhân bình thường, vì đồng bolivar đã mất giá tới 99% trong 5 năm qua.

Những người nghèo không có ngoại tệ buộc phải sống dựa vào thực phẩm bao cấp của chính phủ hoặc xếp hàng suốt nhiều tiếng tại các siêu thị để được mua hàng hóa theo giá quy định của nhà nước. Tuy nhiên, các kệ hàng trong siêu thị thường xuyên trống rỗng do không đủ nguồn cung.

Các kệ siêu thị ở Venezuela thường xuyên trong trạng thái trống rỗng. Ảnh: MIC.

Bộ Y tế Venezuela năm 2017 công bố số liệu cho thấy hơn 11.000 trẻ em nước này tử vong trong năm 2016, khiến tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tăng lên đến 30%. Một báo cáo do NYTimes công bố sau khi phỏng vấn các bác sĩ tại 21 bệnh viện công ở Venezuela cho thấy gần 400 trẻ chết vì suy dinh dưỡng ở nước này trong năm đó.

Những nông dân như Escobar không thể làm được gì để tăng nguồn cung cho thị trường và giải quyết nạn đói. Ông cần tới 400 tấn thức ăn gia cầm độ đạm cao mỗi quý cho trang trại của mình, nhưng chỉ được nhập khoảng 100 tấn. Cũng như nhiều nông dân khác, Escobar buộc phải tìm tới thị trường chợ đen, nhưng cũng chỉ mua được loại thức ăn gia cầm chất lượng thấp, khiến đàn gà của ông ngày càng gầy gò và đẻ ít trứng hơn. "Chất lượng sản phẩm của tôi đi xuống, năng suất cũng xuống theo", ông nói.

Tổng thống Maduro gần đây công bố kế hoạch mới nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực. Ông kêu gọi người dân ở các thành phố tận dụng mọi ô đất trống để tăng gia sản xuất, đồng thời cam kết đầu tư 1,2 tỷ USD cho các dự án nông nghiệp. Tuy nhiên, các giải pháp này đến nay chưa phát huy hiệu quả, khi các nhà kinh tế cho rằng mô hình tăng gia nhỏ lẻ chỉ đáp ứng được nhu cầu lương thực của một bộ phận nhỏ dân chúng, còn các dự án đầu tư vẫn chưa thực sự hiệu quả do nạn tham nhũng, quản lý yếu kém.

Theo Escobar, cách duy nhất để những nông dân của ông vẫn tiếp tục bám trụ với trang trại, ruộng đồng là tìm cách lách luật và bán nông sản theo giá thị trường chợ đen, với hy vọng nhà chức trách sẽ "ngó lơ". "Nếu cứ bán thịt gà theo giá quy định của nhà nước, tôi thậm chí còn không thể mua nổi một cân thức ăn cho gà", ông nói.

Thành Nguyễn




No comments:

Post a Comment

View My Stats