Friday, 18 January 2019

HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM NÀO? (Phạm Trần)





Sau 44 năm vắng bóng trên diễn đàn Hướng Đạo toàn cầu, Tổ chức Hướng Đạo ở Việt Nam có tên là “Pathfinder Scouts Vietnam” (PSVN), tạm dịch là “Người Dẫn Đường”, đã chính thức được tái gia nhập là thành viên thứ 170 của Phong trào Hướng đạo Thế giới (the World Organization of the Scout Movement, WOSM).

Một Thông báo chính thức của WOSM gửi đi từ Malaysia ngày 10/01/2019 viết: "World Scouting today welcomed Pathfinder Scouts Vietnam as its 170th member, marking a historic moment as Vietnam formally rejoins the World Organization of the Scout Movement (WOSM) after 44 years."

WOSM coi đây là “dấu mốc lịch sử”, tiếp theo sau một giai đoạn hợp tác và thống nhất tổ chức Hướng đạo tại Việt Nam, được hậu thuẫn bởi các Trưởng địa phương và sự hợp tác chặt chẽ với Trung tâm yểm trợ của Văn phòng Hướng đạo Thế giới vùng Á châu-Thái Bình Dương và Ủy ban Hướng đạo khu vực.

(The move comes following a period of collaboration and unification for Scouting in Vietnam, supported by local leaders in close collaboration with the World Scout Bureau’s Asia-Pacific Support Centre and the Regional Committee.)

WOSM viết tiếp rằng: "Hướng đạo đã có mặt ở Việt Nam gần một Thế kỷ qua, nhưng những hoạt động chính thức của Phong trào đã bị đình hoãn do hậu quả của chiến tranh trong thập niên 1960 và 1970, đưa đến hậu quả bị chính thức mất tư cách thành viên của WOSM vào năm 1975. Tuy nhiên, trong vòng 20 năm qua, các hoạt động của Hướng đạo đã được hồi sinh hàng tuần bởi những Huynh trưởng đã từng được huấn luyện dành cho các lớp Sói (từ 7 đến 10 tuổi), Thiếu sinh (từ 11 đến 15 tuổi) và Tránh sinh (từ 18 tuổi trở lên)."

(Scouting has existed in Vietnam for nearly a century, but official Scouting activities ceased as a consequence of the war in the 1960s and 1970s, resulting in the loss of official WOSM membership in 1975. However, over the past two decades, Scouting has seen a resurgence at the grassroots level with activities for Cubs , Scouts , and Rovers conducted on a weekly basis by trained Scout leaders.) 

WOSM nói rằng: "Trong những lần gặp gỡ mới đây giữa những Trưởng lãnh đạo Việt Nam với Đại diện của Trung tâm yểm trợ Á Châu-Thái Bình Dương, một số thành viên của Ban Điều hành lâm thời Pathfinder Scouts Vietnam đã bày tỏ ước muốn và mong thấy tương lai của Phong trào Hướng đạo ở Việt Nam, sau một thời gian chờ đợi, đã đến lúc giới trẻ Việt Nam cần được thụ hưởng chương trình giáo dục Hướng đạo mà họ xứng đáng được đón nhận."

(During recent meetings of Vietnamese leaders with representatives from the Asia-Pacific Support Centre, several members of Pathfinder Scouts Vietnam’s interim board expressed their eagerness and anticipation for the future of Scouting in Vietnam that after a long wait, the time has come to give the young people of Vietnam the educational programme of Scouting they long deserve.) 

Vẫn theo WOSM, hiện nay có khoảng 5,000 Hướng đạo sinh ở Việt Nam, và những Lãnh đạo của Phong trào là những cựu Hướng đạo trong các lĩnh vực thương mại, giáo dục và dịch vụ công cộng.

Giám đốc Á Châu-Thái Bình Dương J. Rizal C. Pangilinan nói: "Pathfinder Scouts Vietnam đã mất 20 năm để có ngày hôm nay, và chúng tôi trông đợi một tương lai rộng mở đến với Phong trào Hướng đạo ở Việt Nam. Dự án chiến lược của Pathfinder Scounts Vietnam là có thêm đoàn viên và phát triển bền vững. Chúng tôi có cả một đội ngũ các Trưởng lãnh đạo, các Cố vấn của Hướng đạo Thế giới và những đối tác trong và ngoài Việt Nam để yểm trợ Hướng đạo Việt Nam đạt được mục tiêu này."

(Today, there are more than 5,000 Scouts in Vietnam and the country’s Scout leadership comprises former Scouts from the business, education, and public service sectors. “This journey for Pathfinder Scouts Vietnam has been 20 years in the making, and we are looking at the future of Scouting in Vietnam with great anticipation,” said the Regional Director of the Asia-Pacific Scout Region, J. Rizal C. Pangilinan. He added that “Part of Pathfinder Scouts Vietnam’s strategic goals are membership growth and the Sustainable Development Goals. We have a pool of Scout leaders, WOSM consultants, and partners inside and outside of Vietnam to support the organisation in achieving these goals.)

Tại sao và tại sao?

Nhưng tại sao tổ chức Hướng đạo trong nước không lấy danh xưng là “Hướng đạo Việt Nam” (The Vietnamese Scout Association) cho phù hợp với danh nghĩa đại diện cho một Quốc gia có tư cách pháp nhân?

Không có bất cứ lời giải thích hay bình luận nào từ tổ chức Pathfinder Scouts Việt Nam, nhưng vào ngày 11/01/2019, Tác giả Thanh Tâm viết trên Website Giúp Ích của Hướng Đạo Cần Thơ rằng: "Pathfinder Scouts Vietnam là tên đối ngoại, Danh xưng trong nước vẫn là Hướng Đạo Việt Nam. (Đã có trong Hiến chương)."

Dầu vậy, cả Hiến chương và Danh sách Ban Lãnh đạo của Pathfinder Scouts Việt Nam đã không được công khai.

Nhưng trong khi WOSM phổ biến đi khắp nơi tin vui PSVN được tái gia nhập vào đại gia đình Hướng đạo Thế giới sau 44 năm vắng mặt thì tất cả báo, đài của nhà nước Cộng sản Việt Nam đã bị cấm không đăng tin này. 

Tại sao? Lý do vì trước hết, mặc dù Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định", nhưng phía Chính phủ và Quốc hội đã cố ý trì hoãn việc biên soạn hai Dự luật “lập hội” và “biểu tình” để cướp quyền Hiến định của dân.

Vì vậy, khi tổ chức Hướng đạo “Pathfinder Scouts Việt Nam” được quay lại sinh hoạt trong Phong trào Hướng đạo Thế giới thì nhà nước đã cố tình “chôn tin” để không bị nhận diện là đã công nhận tư cách “Hội” của Hướng đạo.

Hành động này cũng giống như, từ 20 năm qua, cảnh sát và công an không còn phá đám hay ngăn chặn lõa lồ các sinh hoạt “công khai”của các tổ chức Hướng đạo chưa hề bao giờ được chính quyền ký giấy cho phép hoạt động như các nhóm “Hướng đạo chui”, “Hướng đạo gia đình”, “Hướng đạo nhóm”, Hướng đạo Tôn giáo”v.v... Hơn nữa, trong số những người đứng đầu còn có cả đảng viên đảng CSVN, và nhiều con cái đảng viên cũng tham gia sinh hoạt trong Hướng đạo. Một vài nhóm Hướng đạo tự phát còn dán cờ Đỏ sao vàng lên áo như lá bùa hộ mệnh mỗi khi sinh hoạt vui vẻ. Hình vẽ của “Đạo Sài Gòn”, trên chỏm chữ S màu đỏ có cả hình ngôi sao Vàng!

Mặt trước và mặt sau

Đó là phía trước muôn hình vạn mặt của chủ trương làm ngơ cho Hướng đạo chui mà hoạt động công khai như vẫn diễn ra ở vườn Tao Đàn, giữa trung tâm thành phố Sài Gòn vào mỗi cuối tuần, hay ở nhiều địa phương khác ở miền Nam như Cần Thơ, Vũng Tầu, Đà Nẵng, Đà Lạt v.v…

Nhưng sau lưng của hoạt động Hướng đạo tưởng như được tự do ở Việt Nam ngày nay là chủ trương nhất quán của Ban Bí thư đảng CSVN đã tuyệt đối “không công nhận tổ chức Hướng đạo”.

Bằng chứng là Đảng, Chính phù, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và nhiều Bộ, ban, ngành của đảng và nhà nước đã “mũ ni che tai”, hay “ngậm miệng ăn bánh vẽ” để không trả lời 2 Kiến nghị, một của cựu Huynh trưởng Đặng Văn Việt, 99 tuổi, xin “chính thức công nhận Hội Hướng đạo Việt Nam”, đề ngày 01/03/2011. Kiến nghị thứ 2, đề ngày 15/05/2012 của 116 cựu Hướng đạo, Trí thức, Đại biểu Quốc hội, lão thành cách mạng, chuyên gia, nhà giáo v.v.., xin đảng và nhà nước “chính thức công nhận phương pháp giáo dục thanh thiếu niên theo quy trình 1946 của Hội Hướng Đạo Việt Nam.”

Ngoài ông Đặng Văn Việt, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 thời kháng chiến chống Pháp, được phía quân lính Pháp coi là “Con hùm xám đường số 4”, đứng đầu Kiến nghị 2, còn có Giáo sư Tương Lai và Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Bằng chứng khác do Luật sư Nguyễn Lệnh, cựu Huynh trưởng Hướng đạo, đã viết bài phổ biến trên báo mạng Bauxite Việt Nam ngày 08/05/2011, vạch trần âm mưu triệt hạ Hướng đạo của đảng CSVN.

Một đoạn trong bài viết: "Tuy nhiên, trong khi các huynh trưởng HĐVN đang xúc tiến các thủ tục để xin thành lập Hội HĐVN thì bất ngờ biết được có Thông báo số 143-TB/TW ngày 20/4/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam gởi đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ trung ương đến các địa phương nhằm ngăn cản, không cho đặt vấn đề tái lập tổ chức Hướng đạo. Nhiều nhóm Hướng đạo đã liên tục gởi đơn xin phép chính quyền cho phép tái lập nhưng đều không nhận được câu trả lời. Rồi đến ngày 20/5/2008 lại có Thông báo tiếp theo số 157-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhắc lại chủ trương của Thông báo 143 và chỉ đạo rất cụ thể, chi tiết cho các cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể v.v... nhằm thực hiện chủ trương không cho tái lập tổ chức Hướng đạo. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, Thành ủy đã triển khai thực hiện Thông báo của Ban Bí thư TW bằng một bản Kế hoạch rất cụ thể (Văn bản số 47-KH/TU ngày 20/4/2009)."

Ở một đoạn khác, Luật sư Nguyễn Lệnh phản ảnh: "Nếu coi các Thông báo của BBT/TW là nguyên nhân khách quan của vấn đề "Vì sao chưa tái lập Hội HĐVN?" thì sự chia rẽ trong nội bộ tổ chức Hướng đạo mới chính là nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân chủ yếu của câu hỏi đó. Trước khi đi vào phân tích, tìm hiểu các nguyên nhân chưa tái lập Hội HĐVN, tôi xin trích dẫn một đoạn thơ của huynh trưởng Thanh Tâm đã biểu lộ tâm trạng tuyệt vọng sau 35 năm mong đợi kể từ ngày thống nhất đất nước qua bài thơ "Phong trào đi về đâu?":

"Tám chục năm ròng đã góp công,

-45 Nghị định – thế là xong.

Hai từ Hướng đạo không còn nữa,

Tái hoạt Phong trào cũng hết mong…"

Trong 35 năm mong đợi Nhà nước Việt Nam giải quyết yêu cầu thống nhất Hội HĐVN, các huynh trưởng HĐVN đã phải sinh hoạt "chui" 28 năm đầu trong hoàn cảnh Đảng và Nhà nước đã không tạo điều kiện hay giúp đỡ đưa Hội HĐVN vào khuôn khổ pháp luật như các hội bình thường khác. Trong 7 năm còn lại kể từ năm 2003 khi có Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 qui định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội mà tất cả các huynh trưởng cứ ngỡ rằng cơ hội xin phép hoạt động chính thức của Hội đã mở ra thì các Thông báo 143 rồi Thông báo 157 của BBT/TW đã gần như dập tắt những hy vọng, những mong đợi của các Hướng đạo sinh VN."

Nguồn gốc hướng đạo

Nên biết Hội Hướng đạo đã có mặt ở Việt Nam từ năm 1930 do Trưởng Trần Văn Khắc sáng lập tại Hà Nội. Theo Bách khoa toàn thư mở thì ông sinh năm 1902, từng là một nhà giáo và trưởng đoàn thể dục thể thao tại Hà Nội vào những năm cuối thập niên 1920. Ông có tên rừng trong sinh hoạt Hướng đạo là "Sếu siêng năng".

Sau khi Việt Nam Cộng hòa bị quân đội Cộng sản đánh chiếm ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông và gia đình đã trốn khỏi miền Nam bằng thuyền và định cư tại thủ đô Ottawa của Canada. 

Tại Hội nghị Trưởng Hướng đạo Việt Nam hải ngoại tổ chức tại Costa Mesa, California vào ngày 2 và 3 tháng 7 năm 1983, Trưởng Trần Văn Khắc được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam đầu tiên tại hải ngoại.

Cuộc đời ông phần lớn gắn bó với phong trào Hướng đạo Việt Nam mãi đến khi ông mất vào năm 1990 tại Ottawa, Canada

Những tên tuổi nổi tiếng khác của hai phía trong cuộc chiến đã đóng các vai quan trọng vào sự trưởng thành của Hướng đạo Việt Nam còn có các ông ông Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Lưu Hữu Phước, Tôn Thất Tùng, Võ Thanh Minh, Phạm Ngọc Thạch, Trần Văn Tuyên, Phạm Biểu Tâm, Trần Điền, Cung Giũ Nguyên.
Hướng đạo tỵ nạn

Nhưng cũng đáng tiếc, dù ông Hồ Chí Minh, trên danh nghĩa từng là người “lãnh đạo danh dự” của Tổ chức Hướng đạo Việt Nam từ năm 1946, nhưng ngay sau khi nắm quyền cai trị miền Bắc năm 1954, ông đã ra lệnh cấm tiệt Hội Hướng đạo Việt Nam.

Trong khi đó tại miền Nam, nơi Chính phủ Việt Nam Cộng hòa cầm quyền thì Phong trào Hướng đạo được sinh hoạt tự do khắp nơi. Hàng chục ngàn đoàn viên đã tham gia hoạt động, và Hướng đạo Việt Nam là đại diện duy nhất của nước Việt Nam trong tổ chức WOSM cho đến ngày miền Nam mất vào tay Cộng sản 30/04/1975.

Sau 30/4/1975, chính quyền Cộng sản lại cấm Hướng đạo hoạt động, dù các sinh hoạt “chui” đã hồi sinh từ thập niên 90 ở miền Nam Việt Nam.

Tuy nhiên, truyền thống tốt đẹp của Hướng đạo Việt Nam vẫn bừng sáng và đã tái hoạt động ngay từ khi làn sóng thuyền nhân Việt Nam trôi dạt đến các trại Tị nạn ở Nam Dương, Mã Lai Á, Phi Luật Tân. Sau khi đến định cư tại nhiều nước trên Thế giới, Hướng đạo Việt Nam lại tưng bừng hoa nở.

Theo Trưởng Võ Thành Nhân, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam (hải ngoại), đã có ngót 7,000 Hướng đạo sinh đang sinh hoạt trên Thế giới, đông nhất tại Mỹ với khoảng 5,000 đoàn viên.

Từ ngày thành lập năm 1983, Hướng đạo Việt Nam hải ngoại đã tổ chức được 11 Trại họp mặt toàn thế giới

Tình thần Hướng đạo của người Việt hải ngoại còn được minh định trong Hiến Chương rằng: "Hướng Đạo Việt Nam là một đại gia đình hợp nhất cả hai phái nam và nữ, liên tục noi theo tôn chỉ Hướng Đạo do Baden-Powell khởi xướng và đứng trong Phong trào Hướng Đạo Thế Giới.

Hướng Đạo Việt Nam mang bản sắc dân tộc, đáp ứng với nhu cầu hiện tại là duy trì truyền thống tinh thần và văn hóa dân tộc. Trong lãnh vực này, Hướng Đạo Việt Nam sẵn sàng hợp tác với những tổ chức người Việt hải ngoại có những hoạt động cùng chung mục đích.

Hướng Đạo Việt Nam hướng dẫn các sinh hoạt trong sự tôn trọng qui lệ của hai tổ chức Nam và Nữ Hướng Đạo Thế Giới, cùng chủ quyền của Hội Đồng Hướng Đạo từng quốc gia.”

Như vậy thì khi Đảng Cộng sản Việt Nam thù ghét Hướng đạo đến tận xương tủy thì sự công nhận của Phong trào Hướng đạo Thế giới ngày 10/01/2019 đối với Pathfinder Scouts Việt Nam sẽ không chỉ thách thức cho Hướng đạo trong nước mà còn là gáo nước lạnh tạt vào mặt những lãnh đạo Cộng sản vô thần.

Bởi vì, các Hướng đạo sinh đã thề:

“Tôi xin lấy danh dự hứa sẽ cố gắng hết sức:

- Làm bổn phận đối với tín ngưỡng, tâm linh và quốc gia tôi.

- Giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào.

- Tuân theo Luật Hướng đạo.”

(01/019)







No comments:

Post a Comment

View My Stats