Friday, 18 January 2019

BẢN TIN NGÀY 18/1/2019 (Báo Tiếng Dân)




18/01/2019

45 năm Hải chiến Hoàng Sa

Đã 45 năm kể từ khi cuộc chiến đấu oai hùng của những người lính VNCH, bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ Quốc. Mặc dù những người lính đã chiến đấu hết mình nhưng thất bại, Hoàng Sa rơi vào tay Trung Cộng, nhưng người dân Việt Nam vẫn luôn nhớ tới sự hy sinh anh dũng của 74 tử sĩ VNCH. Hàng năm, vào những ngày này, mặc dù bị chính quyền cản trở, nhưng người dân vẫn lặng lẽ tưởng nhớ tới sự hy sinh của những người lính đó.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Người Việt Nam vẫn luôn khắc cốt ghi tâm về ngày 19-1. Ông Trần Văn Sơn, một trong các nhân chứng từng sinh sống, làm việc tại quần đảo Hoàng Sa, nói: “Bằng mọi giá chúng ta phải có những việc làm, hành động để nhắc lại cho thế hệ hôm nay không bao giờ được quên nỗi đau ngày mất Hoàng Sa. Đó là mảnh đất cha ông ta gìn giữ bao đời, đã hi sinh bao xương máu để xây dựng, còn Trung Quốc là những kẻ đi cưỡng chiếm. Chúng ta phải mạnh mẽ và dứt khoát khẳng định rằng Hoàng Sa là của Việt Nam“.

Báo Thanh Niên bàn về 45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam: Mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Bài báo cho biết: Từ khi chiếm được quần đảo Hoàng Sa sau cuộc hải chiến năm 1974 với Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đến nay, Trung Quốc dùng rất nhiều thủ đoạn để xác lập “chủ quyền” lên quần đảo này, từ các biện pháp quân sự như xây dựng, bồi đắp căn cứ trên các đảo nhân tạo, triển khai nhiều khí tài và tập trận, đến các biện pháp dân sự như xây dựng TP Tam Sa trên đảo Phú Lâm.  


Tin Biển Đông

BBC đặt câu hỏi: Ra khỏi EU, Anh hướng về Biển Đông? Bài viết dẫn lời phát ngôn viên của hải quân Mỹ, nhận định, vụ tàu khu trục USS McCampbell của Mỹ và tàu khu trục HMS Argyll của hải quân Hoàng gia Anh cùng tập trận ở Biển Đông về vấn đề thông tin liên lạc từ ngày 11 đến 16/1 vừa qua: “Hai bên trong thời gian gần đây chưa hề có hoạt động chung nào, đặc biệt là tại vùng Biển Đông”.

VOA có bài: Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu xảy ra xung đột ở Biển Đông. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định như vậy, đồng thời cho biết, “Hà Nội đang cố gắng duy trì sự cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào thời điểm cạnh tranh ngày càng tăng giữa hai cường quốc thế giới”.


Phụ nữ VN chấp nhận làm “máy đẻ” cho người TQ

VOV bàn về vấn nạn bán bào thai: Những câu chuyện đau lòng ở huyện miền núi Nghệ An. Thống kê của cơ quan chức năng huyện Kỳ Sơn xác nhận, “từ năm 2017 đến nay trên địa bàn huyện đã có 26 trường hợp phụ nữ vượt biên qua Trung Quốc để bán bào thai. Tất cả đều là người dân tộc Khơ Mú, tập trung chủ yếu tại hai xã Hữu Kiệm và Chiêu Lưu”.
Bà Vi Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết, “thực trạng nhiều chị em phụ nữ tìm cách đi bán bào thai đang là vấn đề nhức nhối… hầu hết đều thừa nhận hành vi của mình, nhiều người tỏ ra hối lỗi, nhưng cũng có người thờ ơ, như không hề biết”.  


Hậu cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng

Hơn 100 dân Lộc Hưng đi nộp đơn kêu cứu không được tiếp, theo BBC. Ông Cao Hà Chánh, đại diện nhóm dân oan Lộc Hưng với hơn 100 người, kể: “Chính quyền cho một lực lượng hàng chục người tới bao vây chúng tôi, làm như chúng tôi là một nhóm tội phạm, trong khi từ chối nhận đơn của chúng tôi. Cuối cùng chúng tôi phải bỏ lại đơn ở chỗ bảo vệ rồi ra về”. Ông Chánh nói thêm: “Cơ quan có quyền lực cao nhất là Ủy ban Thành ủy thì lại không tiếp chúng tôi”.

Hơn 100 dân oan Lộc Hưng nộp đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng của TP HCM và trung ương. Nguồn: FB TMCNN

RFA đặt câu hỏi: Thấy gì qua việc chính quyền đòi xử lý 20 người ở vườn rau Lộc Hưng? Một người dân Lộc Hưng cho rằng, chính quyền xuyên tạc sự thật: “Cái hôm mà tàn phá nhà chúng tôi như thế, chúng tôi hoàn toàn bị bắt và bị cô lập, thì làm sao chúng tôi chống người thi hành công vụ? Bản thân tôi là người bị cô lập trên tượng đài Đức Mẹ, thì chống là chống làm sao?”

Bà Cấn Thị Thêu là người từng ngồi tù vì đấu tranh giữ đất ở làng Dương Nội, bình luận: “Khi mà chính quyền cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, thì đã gặp phải làn sóng phản ứng rất là mạnh mẽ, dữ dội của nhiều người quan tâm. Cho nên việc chính quyền xử lý 20 người ở Lộc Hưng để nó dập tắt phong trào đấu tranh”.




Tin nhân quyền

VOA đưa tin: Cựu nhà giáo Đào Quang Thực bị tuyên 13 năm tù. Ông Đào Duy Tùng, con trai của nhà hoạt động, cựu giáo viên Đào Quang Thực, nói với VOA: “Bản án hôm nay là 13 năm tù và 5 năm quản chế. Có 3 người trong gia đình được tham dự phiên tòa… Các luật sư đã dùng luận điểm để bác bỏ cáo buộc của tòa án nhưng họ không chấp nhận. Tôi thấy bản án này quá nặng vì bố tôi hoàn toàn không có hoạt động gì ‘nhằm lật đổ chính quyền’.”

Trước khi bị bắt, ông Thực đăng trên trang Facebook cá nhân các bài viết “phản đối Formosa trong vụ xả độc làm cá chết kéo dài dọc theo hàng trăm cây số bờ biển miền Trung và những tranh chấp về chủ quyền biển đảo của Việt Nam với Trung Quốc trên biển Đông”.

Nhà hoạt động Đào Quang Thực tại phiên tòa sơ thẩm 19/9/2018. Nguồn: TTXVN


Nghệ sĩ “lề đảng” mất quyền lợi

Nghệ sĩ Hãng phim truyện căng băng rôn chất vấn bị cắt lương, bảo hiểm, theo VnExpress. Sáng 17/1/2019, tại Hãng phim truyện Việt Nam, các nghệ sĩ, trong đó có đạo diễn Thanh Vân, Anh Tuấn… và nhiều đồng nghiệp, bày tỏ với báo chí nỗi bất bình về chuyện bị “Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso – đơn vị chủ quản – cắt lương, bảo hiểm”.

Đạo diễn Anh Tuấn cho biết: “Việc cắt bảo hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nghệ sĩ. Chúng tôi còn 10-20 năm để cống hiến cho hãng phim nhưng không biết tương lai sẽ đi về đâu, rất hoang mang”.

Băng rôn được treo tại cổng của Hãng phim truyện Việt Nam. Nguồn: VNE

Bộ VH,TT&DL lên tiếng về vụ việc nghệ sĩ hãng phim truyện căng băng rôn vì bị cắt tiền lương, theo báo Người Đưa Tin. Chánh Thanh tra bộ VHTT&DL Phạm Cao Thái cho biết: “Về việc công ty Vivaso không trả lương và dừng đóng bảo hiểm xã hội cho 30 công, nhân viên của Hãng, chúng tôi yêu cầu ban Giám đốc công ty Vivaso tổ chức một buổi họp dưới sự tham gia của các bên có liên quan”.


Vụ án tham nhũng ở Lọc hóa dầu Bình Sơn

TAND TP Hà Nội sẽ triệu tập Hà Văn Thắm đến phiên xử vụ án tại Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn, theo VOV. Ông Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank “được triệu tập đến phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Theo cáo trạng, dàn lãnh đạo Lọc hóa dầu Bình Sơn đã tranh thủ quyết định việc gửi tiền của công ty vào OceanBank để chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng và hàng chục ngàn Mỹ kim.

Hà Văn Thắm và hàng loạt cựu lãnh đạo Oceanbank tiếp tục hầu tòa, theo báo Người Đưa Tin. Bài báo cho biết: “Vụ án Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn là quá trình mở rộng tiếp theo của vụ án liên quan đến Hà Văn Thắm và đồng phạm”, dự kiến diễn ra ngày 21 và 22/1 sắp tới.


“Thái tử đảng” lộng hành

Kết quả thi tuyển viên chức ở huyện Nông Cống, Thanh Hóa: Bất thường trong thi tuyển viên chức, chủ yếu ‘con quan’ đỗ, theo VOV. Bài viết nhận định: “Một kỳ thi hài hước đến mức, quyết định cho điểm của giám khảo chỉ giám khảo đó biết đúng hay sai và đương nhiên kết quả đó được bí mật niêm phong 20 ngày sau mới công bố”.

Theo phản ánh của người dân, kỳ thi tuyển diễn ra ngày 1/12/2018, trong phòng thi số 2, thí sinh V.T.H, con dâu ông Lê Đăng Nguyên, cán bộ phòng Tài chính huyện “mang tài liệu vào phòng chép”, thí sinh N.T.H, em họ ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Phòng giáo dục huyện, “thì được chính ông Sơn sát hạch phỏng vấn”.

Báo Người Lao Động có bài: Đám cưới con cán bộ tổ chức ngay… trụ sở UBND xã vào giờ hành chính! Sáng 17/1/2019, người dân xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình “khi đến giao dịch và làm các giấy tờ tại trụ sở UBND xã thì bị một rạp cưới chắn lối đi, che gần toàn bộ sân của trụ sở”. Hậu quả: “Mọi giao dịch của UBND xã Lý Trạch gần như bị ‘tê liệt’ bởi đám cưới. Cán bộ, nhân dân đến liên hệ làm việc với xã phải đi qua 2 dãy rạp cưới”.
Bài báo cho biết: Đám cưới “do bà Lê Thị Hát, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lý Trạch, tổ chức cho con trai út của mình”. Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch khẳng định đã chỉ đạo chính quyền xã phải di chuyển đám cưới tới một vị trí khác nhưng xã không chấp hành.

Đám cưới con trai bà Lê Thị Hát, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Lý Trạch. Nguồn: NLĐ

Lãnh đạo huyện Bố Trạch hứa sẽ xử lý mạnh tay vụ con cán bộ tổ chức cưới tại sân UBND xã, theo báo Người Đưa Tin. Ông Trần Quang Vũ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, nói: “Việc này xảy ra trong giờ hành chính là sai, làm mất an toàn, an ninh, trật tự.. Tôi đang chỉ đạo cán bộ xuống làm việc lập biên bản và sẽ xử lý mạnh tay”.


Vụ chạy thận làm chết người ở Hòa Bình

Báo Lao Động đặt câu hỏi về phiên xét xử vụ án Hoàng Công Lương: Cty Thiên Sơn có bán thầu gây họa? HĐXX cho rằng, “Điều 89 Luật Đấu thầu cấm hành vi bán thầu, hành vi của Thiên Sơn như vậy có vi phạm Luật Đấu thầu”. Bà Nguyễn Đinh Hương, đại diện công ty Thiên Sơn lập luận: Công ty này là “doanh nghiệp kinh doanh, 100% vốn tư nhân nên việc ký hợp đồng với Công ty Trâm Anh là thỏa thuận mua bán, không phải bán thầu”.

Vụ chạy thận 9 người chết: Hai bị cáo đổ trách nhiệm cho cấp dưới, theo Zing. Bị cáo Trương Quý Dương, cựu Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình cho rằng, “việc lọc máu thuộc trách nhiệm của Khoa Hồi sức tích cực”. Đến lượt bị cáo Hoàng Đình Khiếu, cựu Phó GĐ phụ trách Khoa Hồi sức lại phản bác ông Dương và nói: “Trách nhiệm về chất lượng nước sử dụng cho lọc máu, hỏng hóc của máy móc tôi cho rằng thuộc về Phòng vật tư”.

Người nhà nạn nhân vụ án tai biến chạy thận đề nghị tuyên bác sĩ Lương vô tội, theo báo Phụ Nữ VN. Bà Nga, đại diện gia đình nạn nhân Chính đề nghị HĐXX “tuyên bị cáo Lương vô tội, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Sơn và bị cáo Quốc. Ông Toại, người nhà nạn nhân Phượng ngoài yêu bồi thường còn đề nghị giảm nhẹ cho các bị cáo Sơn, Quốc và Đỗ Anh Tuấn còn lại xem xét theo quy định pháp luật”.


Giáo dục VN: Bạo hành nối tiếp bạo hành

Vụ cô giáo bắt nam sinh chịu 231 cái tát, rồi một cô giáo tát học sinh đến chảy máu tai, chấn động não còn chưa giải quyết xong, lại thêm vụ cô giáo phủ nhận phạt tát học trò 50 cái, học sinh đồng thanh ‘con sợ cô, con sợ cô lắm’, theo VTC. Ban giám hiệu trường Tiểu học Trung Thành cho biết, “đã nhận 1 đơn và 3 giấy đề nghị xác minh từ phía phụ huynh về việc cô giáo Nguyễn Thị T. chủ nhiệm lớp, bắt phạt hàng loạt học sinh vi phạm tự tát 50 cái vào mặt”.

Một phụ huynh kể: “Điều đáng nói là nếu cháu tát nhẹ một cái cô có thể không bắt cháu tát bù một cái, mà ở đây cô bắt cháu tát lại từ đầu dù con số đã đủ 50 cái rồi, hay nó mới chỉ dừng ở 39, 37 thì cũng phải tát lại từ đầu cho tròn 50 cái”.

Công an vào cuộc vụ cô giáo bị tố phạt học sinh tự tát 50 cái vào mặt, theo báo Lao Động. Ông Quản Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên, cho biết, “ngay sau khi tiếp nhận thông tin cô giáo N.T.T (Trường Tiểu học Trung Thành) phạt học sinh vi phạm kỷ luật bằng cách tự tát vào mặt, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các đơn vị xác minh”.


Ô nhiễm môi trường

VnExpress có bài: Nhiều đô thị Việt Nam khủng hoảng chôn lấp rác. Tại Đà Nẵng, “đô thị hơn một triệu dân mỗi ngày hứng từ 900 đến 1.000 tấn rác sinh hoạt”. Sau gần 30 năm hoạt động, bãi rác lớn nhất TP là bãi Khánh Sơn “đã quá tải, gây nhiều hệ lụy với môi trường sống của cư dân lân cận”. Khoảng 1.700 hộ dân “quanh bãi rác Khánh Sơn hàng ngày phải hít thở không khí kèm mùi hôi đậm đặc. Đã nhiều lần, họ xuống đường chặn xe chở rác ra vào bãi”.

Tại Hà Nội, “sau nhiều lần khủng hoảng rác ở nội thành vì người dân liên tục chặn xe vào bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) vì ô nhiễm, thành phố dự kiến chi 3.400 tỷ đồng để di dời khoảng 1.000 hộ dân trong bán kính 500m quanh khu vực”.

Báo Tài Nguyên và Môi Trường đặt câu hỏi về vụ dân bức xúc vì nhà máy đường gây ô nhiễm: Lãnh đạo Nhà máy khẳng định nước hôi thối màu đen là do tro? Người dân xã Thành An, thị xã An Khê, Gia Lai, khẳng định rằng, “không chỉ xả nước thải hôi thối và dơ bẩn ra môi trường, Nhà máy đường An Khê còn để tiếng ồn, khói, bụi bay tỏa xung quanh khiến sức chịu đựng của họ đã quá giới hạn”.

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ cảnh báo Việt Nam quá phụ thuộc vào năng lượng than, theo RFA. Trong Hội thảo chuyên đề về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng, đảm bảo phát triển bền vững”, tổ chức sáng 17/1/2019 ở Hà Nội, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry“lên tiếng cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam là nghiêm trọng kể từ năm 2008. Ông John Kerry so sánh có thời điểm mức độ ô nhiễm tại Hà Nội cao hơn Bắc Kinh, Trung Quốc và New Delhi, Ấn Độ”.


***








No comments:

Post a Comment

View My Stats