Monday, 11 June 2018

THẤT BẠI Ở QUEBEC (Paul Krugman - The New York Times)




Paul Krugman  -  The New York Times
DCVOnline dịch
Posted on June 11, 2018 by editor

Dù long trọng đến đâu, hầu hết các cuộc họp thượng đỉnh đa phương đều nhàm chán và ít có hiệu quả. Tôi đã từng nói chuyện với một viên chức Bộ Ngoại giao có trách nhiệm tổ chức các cuộc họp này; ông mô tả công việc của mình là việc “giữ sắc thái” cho thấy độ bình thường bị đe dọa đến chừng nào tại những Hội nghi như thế.

Tổng thống Trump tại Hội nghị thượng đỉnh G7, ở thành phố Quebec, Canada. Nguồn: Leon Neal/Getty Images

Tuy nhiên, thỉnh thoảng những cuộc họp như vậy đã đem lại kết quả thực sự, dù tốt hay xấu. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2009, 20 quốc gia đã đồng ý gây kích thích cho nền kinh tế và cho các nước gặp khó khăn vay khi đang đối phó với khủng hoảng tài chính, đã đóng vai trò nhất định trong việc giúp thế giới tránh được cảnh đại khủng hoảng ở những năm 1930 tái diễn. Hội nghị thượng đỉnh năm 2010, ngược lại, đã ủng hộ việc thắt lưng buộc bụng và đã làm cho sự hồi phục kinh tế bị trì trệ và, được cho là một phần đã dựng lên sân khấu cho chủ nghĩa cực đoan chính trị đăng đàn.

Tuy nhiên, chưa bao giờ có một thảm họa như cuộc họp G7 vừa diễn ra. Nó có thể là dấu hiệu sự khởi đầu của một cuộc chiến thương mại, thậm chí có thể là sự sụp đổ của liên minh phương Tây. Ít nhất nó đã làm tổn hại đến thanh danh của Mỹ như một đồng minh đáng tin cậy trong nhiều chục năm sắp tới; ngay cả khi Trump cuối cùng sẽ rời khỏi sân khấu trong ô nhục, thực tế là một người như ông ta đã có thể lên cầm quyền sẽ luôn ở trong trí nhớ của mọi người.

Điều gì đã xảy ra ở Quebec? Tôi đã nhìn thấy những tựa đề của báo giới về hậu quả khi Trump đã giữ một vị thế hiếu chiến “Mỹ trước tiên”, đòi hỏi những đồng minh của chúng ta phải nhượng bộ thật nhiều, điều đó đã là rất tệ. Nhưng thực tế thì nó tệ hại hơn nhiều.

Ông ta không đặt Mỹ đầu tiên; Nga đầu tiên thì đúng hơn. Và ông ta không đòi hỏi đồng minh của chúng ta phải có những thay đổi chính sách quyết liệt; ông ta yêu cầu họ ngừng làm những việc xấu mà họ chua bao giờ làm. Đó không phải là một lập trường cứng rắn đại diện cho lợi ích của Mỹ, đó là một tuyên bố về sự thiếu hiểu biết và sự điên rồ về chính sách.

Trump bắt đầu bằng một tuyên bố xin cho Nga được trở lại khối cường quốc G7+1, điều này chẳng có ý nghĩa gì cả. Sự thật là Nga có GDP tương đương với Tây Ban Nha và nhỏ hơn một chút so với Brazil, luôn luôn là một kẻ tham gia lậu trong một nhóm các nền kinh tế lớn. Nga đã được đưa vào G7+1 vì lý do chiến lược, và Nga bị đá ra khi xâm lăng Ukraine. Không có lý do nào có thể để đưa Nga trở lại, dù bất cứ thứ gì mà Putin đã bắt thóp được Trump.

Sau đó, Trump yêu cầu các thành viên G7 khác phải loại bỏ các mức thuế nhập cảng “vô lý và không thể chấp nhận được” của họ đối với hàng hóa của Mỹ — điều này sẽ gây khó cho họ, bởi vì trên thực tế, thuế suất của họ trên hàng hóa Mỹ rất thấp. Ví dụ, Liên minh châu Âu áp dụng mức thuế nhập cảng trung bình chỉ là 3% đối với hàng hóa của Hoa Kỳ. Ai nói như vậy? Chính văn bản hướng dẫn riêng của chính phủ Hoa Kỳ cho giới xuất cảng của Mỹ. Đúng thôi, có một số lĩnh vực cụ thể mà mỗi quốc gia áp đặt các rào cản đặc biệt trong thương mại. Đúng luôn, Canada đặt mức thuế cao đối với một số sản phẩm nhất định trong ngành sữa. Nhưng thật khó để biện luận rằng những trường hợp đặc biệt như vậy tệ hơn việc Hoa Kỳ vẫn đánh 25% thuế nhập cảng vào xe tải hạng nhẹ. Bức tranh tổng thể là tất cả các thành viên G7 đều có thị trường rất cởi mở.

Thế thì Trump nói cái quái gì vậy? Các cố vấn thương mại của ông đã nhiều lần tuyên bố rằng thuế giá trị gia tăng, đóng vai trò quan trọng ở nhiều quốc gia, là một hình thức bảo vệ thương mại không công bằng. Nhưng đây là sự thiếu hiểu biết tuyệt đối: thuế giá trị gia tăng không tạo ra bất kỳ lợi thế cạnh tranh nào — chúng chỉ là một cách đánh thuế bán hàng — đó là lý do tại sao chúng hợp pháp ở WTO. Và cả thế giới sẽ không thay đổi toàn bộ hệ thống tài chính của họ vì tổng thống Mỹ chọn nghe lời của những cố vấn không hiểu bất cứ chuyện gì.

Trên thực tế, mặc dù, Trump có thể không hề có nghĩ về thuế giá trị gia tăng. Ông ta có thể chỉ lên gân, cường điệu. Xét cho cùng, ông ta tiếp tục lên tiếng về những điều độc ác không có, tỉ như một làn sóng tội phạm dữ dội của những người nhập cư bất hợp pháp gây ra (sau đó hàng triệu người đã bỏ phiếu cho cho Hillary Clinton).

Có bất kỳ chiến lược nào đằng sau hành vi của Trump không? Vâng, chính xác là những gì ông ta đã làm nếu ông ấy thực sự là con rối của Putin: hò hét với những quốc gia thân thiện về những tội lỗi họ chưa hề phạm sẽ không mang việc làm lại cho người Mỹ, nhưng chính xác đó là những gì ai muốn gây chia rẽ trong Liên minh phương Tây muốn thấy.

Ngoài ra, có thể ông ta đã dẫy đành đạch vì không chịu nổi khi phải ngồi cùng bàn hàng giờ với những người nhiều quyền lực, những người sẽ không tâng bốc hay hối lộ bằng cách ném tiền vào các doanh nghiệp của gia đình ông ta — những người thực sự không cố gắng hết sức để giấu sự khinh miệt đối với người dẫn đầu một nước đến thời điểm này, vẫn còn là một đại cường quốc.

Tấm ảnh để đời. Trump bi lãnh đạo thế giới hỏi khó tại G7 | 2018 ở Quebec. Cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt @guyverhofstadt  viết, “Just tell us what Vladimir has on you. Maybe we can help.” Nguồn TIME

Bất cứ điều gì thực sự đã xảy ra, đây là một sự thất bại hoàn toàn, và nhục nhã. Và tất cả chúng ta đều biết Trump phản ứng như thế nào trước sự sỉ nhục. Người ta thực sự phải tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Một điều chắc chắn: nó sẽ không tốt lành gì hết.

© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

Nguồn: Debacle in Quebec. By Paul Krugman | The New York Times |June 9, 2018.







No comments:

Post a Comment

View My Stats