Tháng
10-2012, tỉnh Quảng Ninh, vốn nằm sát Trung Quốc, chính thức báo cáo cơ quan
Trung ương và được cho phép nghiên cứu đề án “Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt
Vân Đồn”. Đầu năm 2013, tỉnh này xúc tiến mạnh mẽ, mời gọi các nhà đầu tư lớn
ngoại quốc vì nghĩ rằng họ mới đảm bảo cho thành công đặc khu tương lai. Dần dần,
quy hoạch tầm quốc gia đã xác định 3 đặc khu là Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân
Phong. Và nếu không có gì thay đổi, Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ
được Quốc hội khóa XIV bấm nút tại kỳ họp thứ 5 khởi sự từ 20-05-2018.
Ngày
02-08-2017, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp, thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành
chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu). Tham dự cuộc họp có lãnh đạo
các bộ, ngành và 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, những địa phương
đang xúc tiến xây dựng các đề án đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Góp
ý vào dự thảo Luật do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo theo chỉ đạo của Bộ Chính
trị, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung như phạm vi điều chỉnh,
nguyên tắc áp dụng, chính sách đặc thù thu hút đầu tư, chính sách về đất đai, tổ
chức và hoạt động của chính quyền địa phương… Theo đa số ý kiến, để tạo ưu thế
vượt trội cho các đặc khu, dự thảo Luật cũng cần có các quy định mang tính vượt
trội, vươn lên trên luật lệ hiện hành. Chẳng hạn, Luật Đất đai hiện hành cho
phép giao đất, cho thuê đất tối đa 70 năm đối với đất trong khu kinh tế, đang
khi tại nhiều đặc khu trên thế giới, thời hạn này đến 99 năm. Tạo dựng “sân
chơi mới” hấp dẫn, minh bạch, ổn định, phù hợp với tập quán quốc tế, mở cửa thị
trường, xóa rào cản trong hoạt động đầu tư kinh doanh… Các ý kiến nhấn mạnh mục
tiêu là làm cho các đặc khu có sức cạnh tranh quốc tế, có sức lan tỏa, trở
thành cực tăng trưởng của cả nước. Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phúc - trong nỗi
lo cuống cuồng vì nền kinh tế tài chánh ngày càng suy sụp và quan chức cao cấp
bớt dần cơ hội vơ vét-nhất trí cần tạo lập khung thể chế vượt trội, nghĩa là chỉnh
lý dự thảo Luật theo hướng tăng thời hạn được giao đất, thuê đất, sử dụng đất,
cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà đến gần
cả thế kỷ. (x. http://dantri.com.vn 3-8-2017).
Sáng
ngày 23-05-2018, đang khi Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác
nhau của dự án luật nói trên, thì Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí
Dũng vẫn đề nghị cho phép giữ nguyên thời gian cho thuê đất 99 năm như dự thảo,
bởi đây cũng là 1 chính sách vượt trội của nước ta và nhiều nước đã thực hiện.
Ông ta nói thế để giải trình lo lắng của một số đại biểu, chằng hạn sử gia
Dương Trung Quốc, vốn cho rằng trong thời đại công nghệ 4.0, nhà đầu tư không cần
yếu tố thời gian, có chăng chỉ là những tay đầu cơ bất động sản; và rồi việc ưu
đãi thuê đất 99 năm không cẩn thận sẽ là nơi “để di dân”. Luật sư Trương Trọng
Nghĩa thì đề nghị rà soát chặt chẽ nhà đầu tư chiến lược, thu hút nhà đầu tư
công nghệ cao chứ không chỉ thu hút các nhà đầu tư bất động sản, khu đánh bạc.
(x.http://vietnamnet.vn 23-05-18).
Dự
án luật đang thảo luận đó đã gây ra nhiều phản ứng trong công luận. Theo các
chuyên gia luật, đặc khu với các quy chế quản lý hành chính và luật pháp riêng
biệt, cùng thời hạn thuê đất 99 năm, khiến ai cũng dễ dàng liên tưởng đến các
tô giới, tức phần đất nằm trong một quốc gia có chủ quyền nhưng bị một thực thể
khác quản lý, vào thời chủ nghĩa Thực dân còn tung hoành trên toàn cầu những thế
kỷ trước. Trong lịch sử, Tô giới (Nhượng địa hay Đặc khu) thường được các cường
quốc áp đặt và thiết lập lên trên lãnh thổ của những quốc gia bạc nhược, mất hẳn
tinh thần độc lập dân tộc. Ví dụ điển hình nhất là việc “thuê” Hong Kong 99 năm
mà đế quốc Anh đã ký với triều đình nhà Thanh bên Tàu năm 1898. Thời hạn 99 năm
này sau đó đã được vương quốc Anh phổ biến và trở thành biểu tượng của chủ
nghĩa đế quốc bằng việc cưỡng ép nhiều quốc gia yếu thế tham gia vào các hiệp định
hình thành tô giới (territorial concession) với chính sách ngoại giao pháo hạm
(gunboat diplomacy) khét tiếng một thời.
Hiện
nay, nhờ sự lớn mạnh kinh tế và bành trướng quân sự của mình, Trung Quốc đang
‘trả thù đời’ với thời hạn thuê 99 năm tương tự tại nhiều quốc gia. Lắm nhà
quan sát gọi đây là “chủ nghĩa đế quốc chủ nợ”, hay “chính sách ngoại giao bẫy
nợ” của Trung Quốc vốn đã và đang hiệu quả trong việc kiểm soát các chính phủ tại
nhiều nước đang phát triển. Chẳng hạn tháng 12-2017, Sri Lanka chính thức bàn
giao cảng Hambantota cho Bắc Kinh. Nằm tại đường biển phía Nam nước này, đây là
hải cảng có vị thế địa chính trị đặc biệt quan trọng, cho phép Trung Quốc tiếp
cận nhiều cung đường biển giao thoa ở Ấn Độ Dương. Việc giao quyền kiểm soát hải
cảng ấy cho Trung Quốc trong thời hạn 99 năm trị giá 1,12 tỉ đôla Mỹ. Tuy
nhiên, phần lớn khoản tiền cho thuê này không vào túi chính phủ Sri Lanka, mà
được dùng để trả những gì mà Sri Lanka đang nợ Trung Quốc cho chính việc xây dựng
hải cảng đó.
Ý
đồ kiểm soát Thái Bình Dương và thái độ gây hấn trên Biển Đông bằng sức mạnh
quân sự của tập đoàn lãnh đạo Tàu cộng hiện giờ cũng minh chứng cho những tham
vọng và biện pháp cố hữu thực hiện tham vọng như vậy, đặc biệt là đối với VN.
Do diện tích rộng lớn và vị trí hiểm yếu về mặt quân sự trên biển và đất liền của
ba khu vực được chọn làm đặc khu là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc -mà chắc
chắn Bắc Kinh sẽ nhảy vào- vấn đề an ninh quốc phòng cần phải được xem xét cẩn
trọng về mọi phương diện, để bảo đảm rằng các thế lực ngoại bang vốn luôn mang
dã tâm cướp và lấn đất nước ta bằng chính sách “biên giới mềm” không lợi dụng
việc thuê đất 99 năm ở các Đặc khu nhằm thiết lập cơ sở quân sự và quân báo sâu
bên trong lãnh thổ Việt.
Phải
được xem xét cần trọng vì Vân Đồn chỉ cách các căn cứ quân sự Trung Quốc ở Hải
Nam 200 hải lý; Vân Phong thì đối diện với Trường Sa (nơi Trung Quốc đang xâm
chiếm, cải tạo và quân sự hóa nhiều đảo), lại gần với cảng Cam Ranh; Phú Quốc
là đảo lớn nhất của VN trên vịnh Thái Lan, rất gần với cảng Sihanoukville của
Campuchia, một khu vực đã được thỏa thuận cho Trung Quốc thuê 99 năm và dân Tàu
được tự do sinh sống ở đó bằng cơ chế ưu đãi visa với nước kề cận trong Luật đặc
khu. Họ có thể từ đấy vào Phú Quốc dễ dàng, mua đất, mua nhà, lập những China
town mới. Nguy cơ này chỉ là tiếp nối những nguy cơ đã và đang được gây ra do
những âm mưu và hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, vi phạm luật
pháp quốc tế, uy hiếp và lấn chiếm lãnh hải và đảo, đá của VN để xây căn cứ
quân sự, đe dọa tính mạng và tài sản của ngư dân Việt hành nghề trên biển. Cũng
phải thêm rằng hiện nay, nhờ giá nhà đất thấp hơn so với nhiều quốc gia láng giềng,
VN trở thành địa chỉ hấp dẫn cho giới săn nhà Trung Quốc và Hong Kong. Dân Tàu
đang ồ ạt mua nhà hầu như trên mọi tỉnh của VN, đặc biệt ở những vùng duyên hải.
Công
luận đang nghi ngờ có bàn tay lông lá của Trung Quốc đằng sau tập đoàn FLC
(Finance, Land, Commerce Group) của doanh nhân trẻ Trịnh Văn Quyết. Chân Trời Mới
hôm 30-05-2018 cho biết tập đoàn này đã hoặc sắp có dự án tại 11/14 tỉnh ven biển
miền Trung. Đây là một tập đoàn có quy mô và tiềm lực tài chính nhỏ (vốn điều lệ
: 6.800 tỷ tính tròn, vay và thuê tài chính ngắn hạn 1259 tỷ, vay và thuê tài
chính dài hạn 2.894 tỷ), thế nhưng FLC đã triển khai hàng chục dự án, dự án nào
cũng hàng ngàn tỷ đồng, trong đó có các resort nghỉ dưỡng khổng lồ phủ gần khắp
các vùng ven biển miền Trung. Một điều lạ nữa là với tiềm lực tài chính nói
trên của Trịnh Văn Quyết, các chính quyền địa phương vẫn cứ giao đất, giao bãi
biển, bình quân mỗi tỉnh lên đến hàng ngàn héc-ta cho ông ta. Chưa thấy một
doanh nghiệp nào được quan chức địa phương ưu ái, sốt sắng, hồ hởi một cách bất
bình thường như vậy. Chỗ nào cũng “tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực
UBND tỉnh” đồng thanh hưởng ứng. Sức mạnh tài chính của doanh nghiệp này rõ
ràng không thể giúp gì cho “dân giàu, tỉnh mạnh”. Ngược lại, chúng ta chỉ có thể
hình dung đằng sau sự hồ hởi sốt sắng kia là một sức mạnh chính trị ngoại lai
đang chi phối nhiều chính quyền cấp tỉnh, một âm mưu thâm độc là thu tóm duyên
hải qua việc giết dần nghề cá và xóa dần giới ngư dân Việt, những cột mốc chủ
quyền đất nước trên biển Đông, vì cứ mỗi 8km mới có một đường ra biển!?! Nhiều
người cho rằng việc chiếm bãi biển miền Trung và việc xâm nhập 3 đặc khu sắp
hình thành ở hai đầu và giữa đất nước có liên hệ với nhau chặt chẽ.
Chính
vì thế, hôm 30-05, đã có một thư ngỏ của nhiều tổ chức và cá nhân kêu gọi các đại
biểu Quốc hội đang họp tại Hà Nội “Hãy trả lời KHÔNG đối với Luật Đơn vị
Hành chính-Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, dứt khoát KHÔNG
biểu quyết thuận để thông qua dự luật này” và “KHÔNG tiếp tay cho
cho lòng tham vô đáy của đám tư bản tức nhóm lợi ích đứng sau đề án, đang ẩn
núp dưới chiêu bài “Đại cục” của quốc gia hay “Tình hữu nghị” giữa hai nước và
hai đảng cầm quyền”. Hai hôm sau, 01-06-2018, một lời kêu gọi khác cũng của
những công dân yêu nước “cho rằng phải hết sức dè chừng với việc ai đó
đã có toan tính khi đưa ra dự luật nói trên. Chúng ta phải tỉnh táo trước mọi
thủ đoạn đen tối, phải ghi lòng tạc dạ khuyến dụ của Vua Trần Nhân Tông về tinh
thần cảnh giác không chút mơ hồ về kẻ thù cướp nước từ phương Bắc mà Đại Việt Sử
ký Toàn thư đã chép rõ… Vì vậy, cần bác bỏ ngay dự luật nói trên”. Lời kêu
gọi kết luận: “Toàn thể người VN trong và ngoài nước, QH [hãy] phản đối, rút
bỏ Dự luật về “Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt” đang ẩn chứa nhiều nguy cơ,
hiểm họa…”.
Tuy
nhiên, muốn phản đối có hiệu quả, toàn dân cần tỏ ra sức mạnh tập thể của mình
bằng các cuộc biểu tình đông đảo, rộng khắp, ôn hòa nhưng quyết liệt. Để hoàn
thành việc này, thiết tưởng sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt
những tổ chức có cơ cấu chặt, kỷ luật cao và nhân số nhiều là điều quan trọng.
Nói thẳng ra là các cộng đoàn, các giáo xứ Công giáo. Dĩ nhiên vấn đề đặc khu
không mấy liên quan đến chuyện đạo, nhưng phải nhớ rằng các tín hữu trước hết là
những công dân. Ki-tô hữu bên Đông Âu trước đây và hiện thời ở nhiều nước cũng
luôn biểu tình đấu tranh cho các vấn đề nhân quyền và dễ dàng thắng lợi nhờ
đông đảo và có kỷ luật, với hàng lãnh đạo dấn thân. Họ chẳng bao giờ nghĩ rằng
đó là làm chính trị xấu xa và nghịch đức tin cả.
Xã
luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 292 (01-06-2018)
Ban
Biên Tập
--------------------------------------
XEM THÊM
KTS Trần Thanh Vân
02/06/2018
Cách
đây 9 năm, ngày 10/8/2009, tôi đã viết bài “Đại địa mạch quốc gia”, đăng trên
TuanVietNam. Mặc dù chỉ là một kiến trúc sư cảnh quan, có hiểu biết
chút ít về Phong Thủy, tôi có thể khẳng định Cảng Vân Đồn
– Đền Cửa ông đã được cha ông ta chú ý từ rất sớm.
Khi
viết bài trên, tôi đã nghiệm ra rằng, việc hai vị tướng tài Trần Khánh Dư và Trần
Quốc Tảng bị phạt nặng và bị đưa đi “đầy ải” ở KHU VỰC BIÊN
CƯƠNG VÂN ĐỒN đều có chủ ý, với sắp xếp của Tiên Tổ và Hồn
thiêng sông núi. Nhờ phục sẵn ở đó nhiều năm, nên hai người con có tội đã
hiểu rất rõ địa thế sông núi, đã thuộc làu giờ giấc, chu trình lên xuống
của dòng nước, nên đã giúp Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đánh
các tướng giặc lừng danh Ô Mã Nhi, Thoát Hoan, Phàn Tiếp … một trận đánh
oai hùng, khiến chúng bị đại bại.
Các
vị tướng nhà Trần đã để lại cho hậu thế một câu chuyện về trận đánh vang dội
trên BẠCH ĐẰNG GIANG năm 1288, kết thúc ba lần xâm lược Đại Việt của Đế
quốc Nguyên Mông, một đội quân hung hãn, thiện chiến, mở đầu là Thành
Cát Tư Hãn, đến Hốt Tất Liệt… đã từng đánh thắng khắp châu Á
sang châu Âu, nhưng đến Bạch Đằng Giang, chúng đã để lại
nỗi nhục muôn đời, như lời Bạch Đằng Giang Phú của Trương Hán Siêu viết:
“Đến
nay nước sông tuy chảy hoài
Mà
nhục quân thù không rửa nổi”
Nhà
văn lịch sử lão thành Hoàng Quốc Hải đã bỏ ra nhiều năm hoàn thành bộ
tiểu thuyết BÃO TÁP TRẦN TRIỀU, gồm 6 tập, dài trên 3000 trang, trong đó
có cuốn HUYẾT CHIẾN BẠCH ĐẰNG GIANG, dài 591 trang, kể kỹ lưỡng trận
chiến lẫy lừng, trong đó Chiêu Minh Vương – Thượng tướng Trần Khánh Dư – một
Hoàng tử có tội bị đuổi khỏi cung đình, trở thành anh chàng bán
than chèo thuyền trên sông nước và Đức ông Trần Quốc Tảng, người
con thứ ba của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, vì bị nghi có
mưu đồ làm phản, đã bị đẩy ra biên ải… đều được ghi tên vào
sử sách.
Ngày
nay Đền Cửa Ông và Cảng Vân Đồn vẫn còn đó, là một quân cảng
tuy nhỏ nhưng vô cùng lợi hại. Khi nhà Văn Hoàng Quốc Hải ra thăm quân cảng Vân Đồn để
lấy thêm tư liệu cho cuốn tiểu thuyết, ông được nghe những chia sẻ rất
tâm huyết, rất chân thành, tỏ lòng kính phục về tầm nhìn và tài quân sự của
cha ông xưa.
Thế
mà, hôm nay nghe nói các đại biểu quốc hội, những người đại diện cho
tiếng nói của dân tộc, của nhân dân đang định dâng đất này cho
quân giặc?!
Ô
hô…
Đau đớn
thay!
Không
rõ các vị Đại biểu Quốc Hội có hiểu gì về vùng đất linh thiêng này
không?
Không
rõ các vị Đại biểu Quốc Hội có đọc sách và có một chút kiến thức gì về công
lao giữ gìn đất nước của cha ông ta không?
Xin
các vị Đại biểu Quốc hội hãy thức tỉnh, nếu không sẽ trở thành những kẻ bán nước,
để rồi tên tuổi của các vị sẽ bị ghi vào sử sách, vết nhơ này không thể nào rửa
được.
Kính
mời các vị đọc lại bài viết dưới đây, trước khi quyết định có đặt bút ký Luật Đặc
Khu, giao những vùng đất hiểm yếu cho người nước ngoài trong thời hạn 99 năm.
______
TuanVietNam
10/08/2009
07:51 (GMT + 7)
(TuanVietNam) – Những tìm hiểu của
KTS Trần Thanh Vân về đại địa mạch quốc gia.
Chuyện
700 năm trước
Trong
trận đánh Nguyên Mông lần thứ 3 năm 1288, có hai người “phạm lỗi” với Triều
đình nhà Trần, nhưng đều đã lập nên chiến công lớn, góp phần không nhỏ vào việc
đuổi giặc Nguyên Mông. Đó là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, con nuôi của vua Trần
Thánh Tông và Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, con trai thứ 3 của Quốc công tiết
chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Sách
cũ kể rằng Trần Khánh Dư là người rất có tài, nhưng ăn nói thì quá mạnh bạo mà
sinh hoạt thì hơi phóng túng, nên bị nhà Vua tước hết quan chức, bổng lộc và
ông buộc phải về quê ở Chí Linh làm nghề bán than kiếm sống.
Nhưng
cũng tại nơi đây, Trần Khánh Dư được phục chức và đã trở thành Phó tướng Vân Đồn.
Ông đã chỉ huy quân ta phá tan đội thuyền tiếp tế lương thực của quân Nguyên
Mông và góp công lớn vào trận chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng.
No comments:
Post a Comment