Wednesday, 31 October 2012

THAM VỌNG CỦA MỘT THỨ CÔNG CỤ QUYỀN LỰC (Hahien's Blog)




31/10/2012

Bài viết dưới đây (*) có nội dung rất đáng đọc trừ cái tiêu đề là sai. “Quyền lực thứ tư” ư? Đó là “Tham vọng của một thứ công cụ quyền lực” thì đúng hơn. Làm gì có thứ hai, thứ ba để mà có thứ tư trên cái đất nước này hiện nay? Cứ làm như nước Việt Nam đang theo chế độ tam quyền phân lập không bằng? Các nhà báo của hệ thống báo chí nhà nước chỉ dọa được dân đen về cái mác “quyền lực thứ tư” mà họ đang ảo tưởng thôi. Thực ra họ cũng chỉ là một thứ công cụ của một lực lượng quyền lực duy nhất trong “chế độ độc nhất vô nhị quyền” này. Vì là công cụ nên họ được (bị) sử dụng nhưng cũng chẳng được coi trọng, nhiều lúc họ còn bị những người đang sử dụng họ bắt nạt trở lại (**). Chính vì thế họ đòi được coi trọng, được trả công hoặc chia phần xứng đáng hơn trong nội bộ chính cái “hệ thống độc nhất quyền” ấy mà thôi! Nhân dân chẳng được gì cả trong những chuyện như thế này!

Đi cùng nhân dân để đòi lại đầy đủ những quyền dân sự chính đáng cho nhân dân (trong đó có chính mình) cũng như các quyền dân sự chính đáng cho hoạt động nghề nghiệp của mình, đừng ham hố mấy cái đặc quyền “công vụ” ấy thì mới là các nhà báo chân chính! Lúc ấy mới mong đến ngày có THỨ HAI, THỨ BA rồi THỨ TƯ thực sự theo đúng nghĩa của nó.


_________________________________________________________

(*) Đọc bài trên blog Chu Mộng Long:

Tham vọng của thứ quyền lực thứ tư

Tha hồ mà “thực thi công vụ” trong quần chúng! (Ảnh Google Image)

Chu Mộng Long – Ngày 26 tháng 10 năm 2012, tại nghị trường, ông dân biểu Hà Minh Huệ, phó Chủ tịch Hội Nhà (b)áo đề xuất: “Việc coi báo chí là cơ quan thực thi công vụ cũng cần được đưa vào luật. Việc này sẽ bảo vệ cho báo chí, phóng viên. Ví dụ trong quá trình phóng viên tác nghiệp, nếu người nào cản trở thì sẽ phạm tội danh chống người thi hành công vụ, có thể chuyển qua xử lý theo luật hình sự”.
Một đề xuất bề ngoài tưởng chính đáng nhưng bên trong chứa đầy tham vọng: tham vọng nắm lấy quyền lực vô biên!

Nếu Quốc hội thông qua đề xuất này, từ nay một phóng viên có quyền hạn như một công an, một đặc vụ, thậm chí kinh khủng hơn, một công an, đặc vụ chỉ thực thi pháp luật trong vòng pháp luật cho phép với những ràng buộc khắt khe, còn đám phóng viên choi choi kia sẽ chuyển quyền lực thứ tư đang có của chúng thành một thứ quyền lực vô biên. Nhà báo có lương tri thì ít, hoặc đã bị đốt hoặc bị tù đày, loại nhà báo vô lương tri thì đông như quân Nguyên ngồi xổm trên pháp luật, bất chấp đạo đức, văn hóa tối thiểu. Lợi nhuận của thứ lá cải trong thời buổi kinh tế thị trường bị mất kiểm soát cùng với chiếc bùa hộ mệnh là “thực thi công vụ” sẽ làm cho đám yêu quái này nhảy choi choi giữa trần gian tự do hoành hành: rình rập, soi mói, vặn vẹo, đâm bị thóc thọc bị gạo, vòi vĩnh, kiếm chác, thậm chí trấn áp bất cứ đối tượng nào mà chúng muốn hoặc kiếm ăn hoặc tiêu diệt.
Rất nguy hiểm, vì động cơ hành động của chúng sẽ đâu phải chỉ để tự vệ hay cần được pháp luật bảo hộ như ông nghị trên kia biện hộ, chúng đang có thứ quyền lực thứ tư là tạo ra công luận sẵn sàng ném đá vào bất cứ ai, bây giờ lại còn thêm thứ quyền sinh quyền sát là “thực thi công vụ” trong tay nữa thì bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của chúng!
Nghe mà vãi đái. Trước hết là đám quan chức từ cơ quan sự nghiệp nhà nước đến các loại doanh nghiệp vãi đái. Nhưng quan chức còn có quyền và tiền để bảo hộ, dùng công quỹ cúng tế cho yêu quái để an thân. Thứ đến là nhân dân, chính người dân không tấc sắt mới là nạn nhân thảm khốc. Bởi dân bây giờ lại là đối tượng để bọn yêu quái đội lốt “thi hành công vụ” tấn công quậy phá một cách tự do mà tuyệt nhiên không có gì bảo hộ.
Cứ thông qua điều luật này đi, quần chúng ta lại thêm một phen tơi tả cho bọn báo chí quốc doanh chĩa mũi chĩa mồm vào đó mà kiếm ăn, trục lợi!
Lợi dụng tự do của thứ quyền lực ảo mang danh dự cá nhân, tổ chức người ta ra bôi nhọ và cho dư luận ném đá là một kiểu nhục hình man rợ của thời trung cổ mà báo chí mệnh danh “chính thống” gần đây đã làm, và làm một cách man rợ mà không ai ngăn chặn!
Tự do như thế là quá lắm rồi, ông nghị Hà Minh Huệ ơi! Sự tham vọng quá mức nào cũng chỉ có thể là sự tự lưu đày vào địa ngục của quỷ sứ chứ không mang lại điều tốt cho ông và đồng nghiệp của ông đâu!
Đã có bao nhiêu thế lực lợi dụng “thực thi công vụ” làm khổ dân rồi, thêm báo chí với lực lượng đông như quân Nguyên “thực thi công vụ” nữa thì không biết dân chúng phải chạy dạt về đâu???
Nếu Quốc hội vì “nguyện vọng” của ông nghị đại diện Hội Nhà (b)áo kia mà thông qua điều luật trao “quyền thực thi công vụ” cho mấy triệu nhà báo thì tôi chắc rằng, người Việt, từ quan đến dân, sẽ có một phen chạy loạn hơn cả chạy giặc cướp!
Theo tôi, trong điều kiện nhân cách của nhà báo quốc doanh hiện nay, nếu các ông dân biểu thực sự là đại biểu của dân thì hãy thông qua cái điều luật ngược lại: Những tờ báo không bảo vệ dân mà tấn công vào dân thì cứ cho dân ném cà chua và trứng thối mỗi khi đám phóng viên của chúng xuất hiện! Những nhà báo thuộc hàng giá áo túi cơm hèn hạ chỉ biết lợi dụng tự do nhảy choi choi giữa trần gian, chĩa mũi, chĩa mồm vào quần chúng nhân dân, tổ chức cơ quan để kiếm ăn, lũng đoạn truyền thông để làm cái việc tuyên truyền phản tuyên truyền thì hãy bịt mồm chúng lại, ném chúng trở lại cái địa ngục vốn là nơi cư trú của chúng!
Thưa Quốc hội, với xu hướng lá cải hóa báo chí gọi là “chính thống” hiện nay để làm hại dân hại nước thì chỉ có điều luật tiêu diệt hơn là bảo hộ!
Sau đây xin giới thiệu bài viết của tác giả Hữu Long gửi cho Blog Chu Mộng Long bàn về cái nội dung đề xuất của ông nghị Hà Minh Huệ. Bài viết hay, súc tích với trình độ lí luận tỉnh táo, sắc sảo, nhưng rất tiếc cái tiêu đề không thích hợp lắm. Xin thưa tác giả, chúng không “đầu đất” tí nào mà ranh ma xảo quyệt với tham vọng độc quyền sinh sát trong thời buổi chiếc bùa trấn yêu quái của pháp luật, đạo đức, văn hóa không đủ mạnh để trấn dẹp chúng.
———————————-

VỀ CÁI ĐẦU ĐẤT CỦA BÁO CHÍ LÁ CẢI
28/10/2012 – 06:30

Hoạt động báo chí là công vụ?

Khi sức sản xuất của nền kinh tế được giải phóng năm 1986, kéo theo hàng loạt các biến đổi sâu rộng của đời sống xã hội, báo chí cũng có một cuộc lột xác ngoạn mục và ngày càng giữ vai trò lớn hơn đối với sự phát triển.
Vai trò đó cũng khiến giới báo chí va chạm nhiều hơn với phần còn lại của xã hội và không tránh khỏi những mâu thuẫn phát sinh. Hiện tượng phóng viên bị cản trở tác nghiệp và bị hành hung tồn tại như là biểu hiện rõ ràng nhất của những mâu thuẫn này. Trong hoàn cảnh đó, có những nỗ lực nhất định từ giới báo chí đi tìm một cơ chế bảo vệ các phóng viên trước các rủi ro nghề nghiệp, mà một trong số những người có liên quan là Hội Nhà báo Việt Nam.
Tại diễn đàn Quốc hội ngày 26-10 vừa qua, đại biểu Hà Minh Huệ – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ quan điểm cho rằng: “Việc coi báo chí là cơ quan thực thi công vụ cũng cần được đưa vào luật. Việc này sẽ bảo vệ cho báo chí, phóng viên. Ví dụ trong quá trình phóng viên tác nghiệp, nếu người nào cản trở thì sẽ phạm tội danh chống người thi hành công vụ, có thể chuyển qua xử lý theo luật hình sự”.
Có thể những ai có tâm huyết với việc bảo vệ các phóng viên sẽ thoáng vui mừng với đề xuất này nhưng điều đó lại chứa đựng những nhầm lẫn lớn về địa vị pháp lý của phóng viên.
Tồn tại nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm công vụ nhưng tựu chung lại, đó là những việc mà một người nhân danh nhà nước và mang quyền lực nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật, ví dụ cán bộ hành chính, công an, cảnh sát, kiểm sát viên,… Trong hầu hết trường hợp, người thực hiện công vụ là cán bộ, công chức nhà nước và việc họ làm được bảo đảm thi hành bằng các công cụ trấn áp.
Trong khi đó, báo chí lại là một khái niệm thuộc về xã hội. Chúng ta có hàng loạt các tờ báo của các tổ chức hội đoàn, từ đoàn thanh niên, hội sinh viên, hội nông dân, hội phụ nữ, hội người cao tuổi, báo của Đảng, báo của Mặt trận Tổ quốc, báo của doanh nhân, báo của công nhân, báo của cả trẻ em mầm non lẫn tiểu học, trung học,…
Sẽ có những thắc mắc về các tờ báo trực thuộc các cơ quan nhà nước, theo hình thức là các đơn vị sự nghiệp. Đó là một hình thức truyền thông của các cơ quan nhà nước hoặc là một dịch vụ do Nhà nước cung cấp cho công chúng, có thu tiền thông qua giá báo và quảng cáo. Đó là dịch vụ chứ không phải công vụ.
Những người sốt ruột cổ vũ cho việc biến cơ quan báo chí thành cơ quan thực thi công vụ sẽ không thể giải thích được cho các phóng viên “nhí” của các tờ báo Nhi Đồng, Thiếu Niên Tiền Phong thế nào là công vụ và sẽ giải thích cho xã hội thế nào khi gọi các em nhỏ này là những người thực thi công vụ? Báo của hội sinh vật cảnh, hội nuôi chim, hội cá cảnh, hội chó cảnh cũng là cơ quan thực thi công vụ? Và việc họ đến quán thịt chó viết bài cũng là công vụ? Điều này nghe có vẻ rất hài hước.
Tư duy bám vào Nhà nước vô hình trung đi ngược lại với cái mà chúng ta đang gọi là “xã hội hóa” các hoạt động của Nhà nước. Chúng ta đã buông hoạt động công chứng, cho lập trường tư, bệnh viện tư như một nỗ lực xác lập lại tư duy xã hội về Nhà nước, rằng có những thứ thực ra không thuộc về Nhà nước như thói quen nhiều người vẫn nghĩ.
Chính tư duy ôm đồm có từ thời bao cấp này, trớ trêu thay, lại đang là nguyên nhân cơ bản khiến Nhà nước không thể tăng lương được theo đúng lộ trình vào 1-5-2013. Cái gì cũng Nhà nước, nghiên cứu khoa học cũng Nhà nước, dạy học cũng Nhà nước, đăng ký giao dịch bảo đảm cũng Nhà nước, giới thiệu việc làm cũng Nhà nước, làm kinh tế cũng Nhà nước. Vậy thì thật không khó khăn chút nào để tìm nguyên nhân tại sao lương cán bộ, công chức lại thấp và tại sao họ không thể được tăng lương đợt này.
Bản thân báo chí chỉ là một tổ chức bình thường như bao tổ chức khác trong xã hội. Họ bị hành hung? Đã có Bộ luật Hình sự. Họ bị thiệt hại tài sản? Đã có Bộ luật Dân sự. Họ có những rủi ro nghề nghiệp? Vậy tại sao không phát triển dịch vụ bảo hiểm dành riêng cho nhà báo như bao nước khác đã làm? Nếu hoạt động báo chí được coi như công vụ vì tính chất nguy hiểm, vậy hoạt động thám tử, hoạt động luật sư có nguy hiểm không? Và nếu nhốt hết họ vào cái túi “công vụ” thì liệu cái túi đấy sẽ phải rộng bao nhiêu cho vừa?
Báo chí cũng có bổn phận và ranh giới như bao nghề nghiệp khác. Việc họ không được phép vào nơi này hay nơi khác – mà một số người gọi là cản trở tác nghiệp, trong hầu hết trường hợp, thuần túy là vấn đề dân sự. Đây là công ty của tôi, là hội nhóm của tôi, là tài sản của tôi và tôi không cho phép báo chí tiếp cận, có sao không? Không. Đó là quyền của họ. Mọi việc chỉ khác đi nếu đó là các cơ quan nhà nước, với nghĩa vụ và bổn phận phải cung cấp thông tin cho xã hội, có thể thông qua công cụ của xã hội là báo chí. Và trong trường hợp đó thì phải điều chỉnh lại các cán bộ nhà nước, chứ không phải điều chỉnh báo chí.
Ý tưởng coi báo chí là công vụ có thể chỉ vì mục đích bảo vệ phóng viên nhưng lại vô tình cổ vũ cho tư duy bám vào Nhà nước và khiến ranh giới giữa Nhà nước và xã hội trở nên rất khó xác định.
HỮU LONG


(**) Chẳng hạn như vụ nhà báo bị một thứ công cụ quyền lực khác đánh cho sưng mặt mà không dám “ẳng” tại Văn Giang gần đây.





No comments:

Post a Comment

View My Stats