Tuesday 8 October 2024

TRUNG QUỐC PHẢI ĐỐI PHÓ VỚI HỢP TÁC TUẦN DUYÊN VIỆT NAM – PHILIPPINES Ở BIỂN ĐÔNG? (Thu Hằng / RFI)

 



Trung Quốc phải đối phó với hợp tác tuần duyên Việt Nam-Philippines ở Biển Đông ?

 

(Thu Hằng / RFI)

Đăng ngày: 07/10/2024 - 13:47

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20241007-trung-quoc-phai-doi-pho-voi-hop-tac-tuan-duyen-viet-nam-philippines-o-bien-dong

 

Tại sao Việt Nam và Philippines không ngồi lại đối thoại với nhau về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông để hợp lực đối phó với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc ? Câu hỏi này từng được các nhà nghiên cứu Pháp nêu lên khi trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt (1). Những diễn biến gần đây cho thấy hai nước láng giềng Đông Nam Á đang có những bước đi đối thoại, thúc đẩy hợp tác trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc có chiến lược đối phó như thế nào ?

 

HÌNH :

Một tàu hải cảnh Trung Quốc gần một tàu của cảnh sát biển Việt Nam trên Biển Đông ngày 14/05/2014. REUTERS/Nguyen Minh/Files

 

Việt Nam - Philippines quyết định phối hợp về vấn đề Biển Đông

 

Kể từ đầu năm 2024, Việt Nam và Philippines liên tục có những hoạt động thúc đẩy hợp tác song phương. Bắt đầu là chuyến công Việt Nam của tổng thống Philippines Marcos Jr. vào cuối tháng 01. Tại đất nước được ông Marcos đánh giá là “đối tác chiến lược duy nhất của Philippines” ở Đông Nam Á, ngày 30/01, hai bên đã ký kết hai bản ghi nhớ về an ninh về “ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông” và “hợp tác trên biển” giữa lực lượng tuần duyên hai nước. “Những thỏa thuận này có thể hiểu là sẽ có lợi cho cả hai nước”, theo nhận định với RFI Tiếng Việt ngày 26/02 của giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Đông Nam Á Daniel K. Inouye (DKI APCSS) tại Hawai, Mỹ. Và “cũng có thể coi là bước đầu tiên tiến tới một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông”.

 

Đây là cơ sở để phát huy những sáng kiến hợp tác tiếp theo. Cuối tháng 07, tàu CSB 8002 rời cảng Việt Nam để đến Philippines giao lưu và lần đầu tiên tham gia huấn luyện chung với đối tác Philippines ngày 09/08. Ngay sau đó, Lực lượng tuần duyên Philippines thông báo sẽ gửi một tàu đến Việt Nam vào cuối năm để thúc đẩy hợp tác hàng hải giữa hai nước. Trước đó, trong tháng 6 và 7, cả hai nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc lần lượt nộp lên Liên Hiệp Quốc Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Biển Đông.

 

Đến cuối tháng 08, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phan Văn Giang thăm Philippines trong ba ngày từ 29-31/08. Hai bộ trưởng chứng kiến lễ ký Ý định thư giữa hai bộ Quốc Phòng về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa đường biển ; Ý định thư giữa hai bộ Quốc Phòng về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân y. Sự kiện này được bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Teodoro đánh giá là Manila và Hà Nội “đã thấy một nền tảng hợp tác vững chắc để xây dựng niềm tin”.

 

 

Hợp tác Việt Nam - Philippines và tác động đến Trung Quốc

 

Liệu hàng loạt sự kiện thắt chặt hợp tác về an ninh và hàng hải giữa Việt Nam và Philippines trong những tháng gần đây có trở thành một mối đe dọa cho Trung Quốc ? Trả lời RFI Tiếng Việt, nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, Trường Sư phạm Lyon (École normale supérieure de Lyon), nhận định :

 

“Theo quan điểm của tôi, đây là vấn đề hợp tác kỹ thuật hơn là cách tiếp cận chiến lược của chính quyền Việt Nam. Vấn đề này nằm trong khuôn khổ hợp tác quân sự và an ninh cổ điển, kiểu hợp tác này cũng tồn tại với lực lượng tuần duyên Trung Quốc. Theo tôi, trước tiên chúng ta có thể thấy sáng kiến ​​này phản ánh tính thực dụng của các nhà lãnh đạo Việt Nam và minh họa cho chính sách giữ khoảng cách cân bằng vốn là đặc trưng của ngoại giao Việt Nam. Hợp tác về mặt quân sự với Philippines cho phép Việt Nam thể hiện là một chủ thể đáng tin cậy trước các nước khác trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, và có lợi thế là thể hiện rằng Hà Nội không từ bỏ tham vọng của họ ở Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa.

 

Các cuộc diễn tập chung vào tháng 08/2024, giữa thủy thủ Việt Nam và Philippines, đã xác nhận điểm này. Hai bên tập trung vào hỗ trợ và cứu hộ chứ không phải vào các hành động tấn công. Hai bên không gửi bất kỳ thông điệp thù nghịch nào tới Trung Quốc. Người ta cũng thấy rằng Việt Nam rất kín tiếng trong giai đoạn đỉnh điểm căng thẳng gần đây giữa Manila và Bắc Kinh. Trong những điều kiện này, ít có khả năng Bắc Kinh nhìn nhận là có một mối đe dọa trong diễn biến hiện nay về quan hệ giữa Việt Nam và Philippines”.

 

 

Bắc Kinh hung hăng với Manila, “hòa dịu” với Hà Nội

 

Trên thực tế, Trung Quốc cũng có cách tiếp cận và ứng xử rất khác nhau đối với Việt Nam và Philippines.

 

“Theo tôi, đây là một diễn biến rất thú vị, trái ngược với những gì vẫn diễn ra cách đây 3 năm. Ngày nay, dường như có một cách tiếp cận khác từ phía chính quyền Trung Quốc đối với vấn đề Philippines và Việt Nam. Tôi nghĩ Trung Quốc có lợi khi Việt Nam và Philippines trái ngược nhau về lựa chọn chiến lược. Một lựa chọn khác của Trung Quốc, đó là để Philippines và Việt Nam duy trì quan hệ ở mức độ hợp tác kỹ thuật, chứ không phải là có tầm nhìn chung chiến lược vì điều này có thể sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc. Chúng ta vẫn biết là Phililppines xích lại gần Hoa Kỳ hơn từ vài năm nay nhưng Việt Nam vẫn giữ khoảng cách với Mỹ. Cho nên vẫn cần phải theo dõi thêm về diễn biến mới này. Ngoài ra, những thay đổi chính trị gần đây ở Việt nam có thể cho thấy rằng xu hướng hiện nay có lẽ là xu hướng có lợi cho việc ổn định quan hệ với Trung Quốc hơn là gây căng thẳng”.

 

Về chiến lược đối phó với những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hơn 80% diện tích Biển Đông, Việt Nam và Philippines có chiến lược hoàn toàn khác nhau. Philippines công khai những sự cố, tranh chấp thậm chí là xô xát gây thương tích với tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, đặc biệt là ở hai điểm nóng bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và bãi cạn Sa Bin (Sabina). Bắc Kinh cũng không ngừng gia tăng sức ép đối với tàu của lực lượng tuần duyên Philippines cũng như chính quyền Manila. Nhà nghiên cứu Laurent Gédéon phân tích :

 

“Cần phải nhớ rằng tầm nhìn địa-chiến lược của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở biên giới Biển Đông mà còn xa hơn, một bên là phía đông Thái Bình Dương và bên kia là Ấn Độ Dương. Do đó, chắc chắn là sự chú ý chiến lược của Trung Quốc hiện đang chuyển hướng mạnh mẽ sang Philippines trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, trong đó có thông qua Manila”.

 

Vì Bắc Kinh bận tập trung buộc tàu của Philippines rời khỏi hai bãi cạn, Hà Nội được cho là đã tận dụng thời gian lắng dịu trong căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông để tăng tốc bồi đắp ở ít nhất 4 trên 6 rạn san hô chính ở quần đảo Trường Sa. Ngày 09/09, trang web Chathamhouse cho biết “các hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động cải tạo đất quy mô lớn đang diễn ra tên các rạn san hô do Việt Nam kiểm soát. Hoạt động này, được xác định vào năm 2022, đã tăng đáng kể về quy mô trong năm nay (2024) và có vẻ sẽ tiếp tục”.

 

Ví dụ tại Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef), tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải AMTI, trụ sở tại Washington (Mỹ), cho rằng có thể có một đường băng dài 3 km để chiến đấu cơ tầm xa có thể hạ cánh. Đảo Nam Yết (Namyit), sau khi được cải tạo trên diện rộng, hiện là thực thể lớn thứ hai của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, sau bãi Thuyền Chài. Theo hình ảnh được công ty Maxar Technologies chụp tháng 06/2024, một bến cảng lớn đã được nạo vét bên trong rạn san hô.

 

Tuy nhiên, tốc độ bồi bắp của Việt Nam không thể bằng Trung Quốc. Điều đáng nói là mặc dù thường xuyên phản đối các yêu sách của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, nhưng Trung Quốc lại rất ít bình luận về các hoạt động cải tạo đất hiện tại của Hà Nội. Lý do tại sao ? Nhà nghiên cứu Laurent Gédéon giải thích :

 

“Dưới thời của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã cải thiện quan hệ chính trị với Trung Quốc bằng cách tránh để gia tăng cạnh tranh lãnh thổ giữa hai nước. Ngoài ra, việc nâng cấp mối quan hệ Việt-Trung lên tầm “cộng đồng chung vận mệnh”, theo phát biểu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12/2023 nhân chuyến thăm Việt Nam, mà Hà Nội coi đây là “Xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc”, cũng là một bước tiến quan trọng mà Hà Nội từng do dự trước đó, chủ yếu vì lý do tranh chấp trên biển giữa hai nước.

 

Có nghĩa là nếu quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh dường như đang đi theo hướng ngày càng hòa bình hơn thì điều này không ngăn cản được những căng thẳng lẻ tẻ trên thực địa. Do đó, Việt Nam duy trì hợp tác quân sự tích cực với Philippines, điều này cho phép Hà Nội duy trì uy tín trước cả Bắc Kinh cũng như Washington và các đồng minh của Mỹ trong khu vực”.

 

Điều đáng chú ý, được nhà nghiên cứu Laurent Gédéon nhấn mạnh, là sự cải thiện mối quan hệ Trung Quốc - Việt Nam diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines tại các vùng biển tranh chấp, đặc biệt là các vụ đối đầu giữa lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc và Philippines. Dù không chính thức lên tiếng về việc Hà Nội thắt chặt hợp tác với Manila nhưng Bắc Kinh không quên gián tiếp “nhắc nhở” Hà Nội :

 

“Người ta thấy rằng ngay trước khi Việt Nam chuẩn bị tổ chức cuộc tập trận chung trên biển với Philippines vào ngày 09/08, trong vòng chưa đầy một tuần, một drone của Trung Quốc đã bay sát bờ biển Việt Nam hai lần, vào ngày 02 và ngày 07/08. Vụ xâm nhập thứ hai diễn ra ba ngày sau khi ông Tô Lâm được bầu làm tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng điều đáng chú ý lần này là Trung Quốc đã cố tình kích hoạt đèn hiệu của máy bay, mặc dù họ không hề làm như vậy trước đó. Việt Nam chưa lên tiếng về vụ việc này và có thể coi đây là tín hiệu chính trị từ Bắc Kinh nhằm làm giảm căng thẳng”.

 

Một tháng sau sự kiện này, Vùng Cảnh sát biển Việt Nam 3 đã tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật hiếm hoi, từ ngày 05 đến 11/09, ở ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, để kiểm tra phản ứng trước các mối đe dọa an ninh và bảo vệ chủ quyền.

 

Ngay khi được bầu làm tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, ông Tô Lâm dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc. Hai nước đã ra thông cáo chung ngày 20/08 và vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông được nêu trong Điểm 10 của thông cáo : “(…) Hai bên nhất trí (…) cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông (…)”, phù hợp với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp”.

 


(1) Việt Nam, Malaysia, Philippines: Gác tranh chấp, chống Trung Quốc ở Biển Đông?

Thu Hằng

 

------------------------

Các nội dung liên quan

 

BIỂN ĐÔNG - VIỆT NAM - PHILIPPINES

Tuần duyên Philippines sẽ gởi một tàu đến Việt Nam để tăng cường hợp tác hàng hải

 

PHÂN TÍCH

Tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, Việt Nam và Philippines kỳ vọng gì ?

 

Tạp chí Việt Nam

Ranh giới ngoài thềm lục địa: Vấn đề cần giải quyết giữa Việt Nam và Philippines

 

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats