Trung
Quốc - Nga, hai điểm tựa của Iran trong xung đột ở Trung Đông
Thanh Hà - RFI
Đăng
ngày: 05/10/2024 - 16:14
Nếu
thực sự lao vào một cuộc đọ sức trực tiếp với Israel và phía sau lưng Nhà nước
Do Thái là Hoa Kỳ, thì Iran có thể trông cậy vào ai ? Câu trả lời hiển nhiên nhất
là Nga và Trung Quốc.
HÌNH
:
Iran
phô trương tên lửa nhân Ngày Quân Lực, 17/04/2024, tại thủ đô Teheran. AP
- Vahid Salemi
Ngọn lửa chiến tranh lan rộng tại Trung Đông
khi hai đối thủ chính trọng khu vực là Israel và Iran trực tiếp lao vào cuộc đọ
sức. Trên chiến trường Ukraina, Kiev rút quân khỏi Vouhledar, liên tục lùi bước
trước sức mạnh của quân Nga. Tại lễ khai mạc thượng đỉnh Khối Pháp Ngữ lần thứ
19 tại Villers-Cotterêts, vùng Hauts de France, trong số các nguyên thủ quốc
gia tham dự có chủ tịch nước kiêm tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, Tô Lâm.
Tân thủ tướng Pháp Michel Barnier phát biểu trước Quốc Hội về chương trình hành
động trước khi nội các cánh hữu này bị 192 dân biểu cánh tả kiến nghị « bất
tín nhiệm ».
Thưa
quý thính giả, thời sự trong tuần nổi bật với những sự kiện vừa nêu. Tuy nhiên,
tạp chí hôm nay xin tập trung vào hai điểm nóng trên thế giới : Trung Đông và
Ukraina.
*****
Trong
một chục ngày, quân đội Israel phối hợp với bên tình báo tiêu giệt thủ lĩnh và
các chỉ huy cấp cao nhất của Hezbollah, lực lượng vũ trang Hồi Giáo theo hệ
phái Shia được Iran yểm trợ. Tại Liban và vùng Cisjordanie, Israel dồn dập oanh
kích những khu vực bị coi là sào huyệt khủng bố của Hezbollah và của phong trào
Hồi Giáo Palestine Hamas, cũng được Teheran bảo trợ.
Liên
tiếp lãnh đòn, Cộng Hòa Hồi Giáo Iran bắt buộc phải trả đũa để bảo toàn ảnh hưởng
trong khu vực. Trong đêm 01/10/2024; Teheran bắn 200 tên lửa về phía Israel.
Cho dù không gây nhiều thiệt hại cho đối phương, nhưng đây là lần thứ nhì trong
vòng nửa năm, Iran trực tiếp thách thức an ninh của Nhà nước Do Thái, một quốc
gia có vũ khí hạt nhân.
Ở
Tel Aviv, uy tín của thủ tướng Benjamin Netanyahu với công luận trong nước lên
như diều gặp gió. Không còn thấy bất kỳ một cuộc xuống đường nào đòi ông từ chức
vì đã một năm nay vẫn chưa đưa được 101 con tin Israel, còn bị Hamas bắt giữ tại
Gaza từ sau loạt khủng bố ngày 07/10/2023, về lại với gia đình.
Tại
Washington, một tháng trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, chính quyền Biden vừa khẳng
định « Israel có quyền tự vệ », vừa tuyên bố « không cho phép
Israel vượt lằn ranh đỏ, tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran ».
Tehran
- Matxcơva : Đổi tên lửa đạn đạo lấy bí quyết chế tạo vũ khí nguyên tử
Trước
tình hình dầu sôi lửa bỏng này Trung Quốc và Nga khá kín tiếng. Matxcơva kêu gọi
các bên « kềm chế ». Bắc Kinh tỏ thái độ « có trách nhiệm »
với chủ trương các bên cần « xuống thang ». Trên đài RFI hôm
02/10/2024, chuyên gia về
địa chính trị Dominique Moïsi thuộc Viện nghiên cứu Montaigne, Paris nhấn mạnh : xung đột
ở Trung Đông hoàn toàn có lợi cho Nga.
« Về
phía Nga, đâu đó, Matxcơva là bên hưởng lợi hơn cả từ sau loạt khủng bố hôm
07/10/2023. Có thể nói là Nga đã thắng lớn từ khi nổ ra chiến tranh ở Gaza và
cuộc xung đột này giờ đây đã lan rộng tới Liban, mà có thể là còn đang lan tiếp
tới toàn khu vực ở Trung Đông. Chiến sự tại đây chi phối cộng đồng quốc tế.
Phương Tây giảm chú ý và viện trợ cho Ukraina. Tóm lại, chiến tranh Gaza hoàn
toàn có lợi cho nước Nga ».
Drone
do Iran chế tạo đã được phát hiện tại Ukraina ngay từ 2022 khi Nga bắt đầu
« chiến dịch quân sự đặc biệt » đánh chiếm nước láng giềng sát cạnh.
Điều phương Tây lo ngại hơn cả là hợp tác giữa Matxcơva với Teheran trong lĩnh
vực hạt nhân. Trong những báo cáo gần đây, Âu Mỹ khẳng định « Iran đã cấp
hơn 200 tên lửa đạn đạo Fath-360 » cho Nga.
Washington
và Luân Đôn thậm chí còn cho rằng để đổi lấy tên lửa có tầm bắn tối đa 120 km
và có khả năng mang theo đầu đạn 150 kg này, Matxcơva « dường như đã chia
sẻ bí quyết hạt nhân với Iran ».
Teheran
chuẩn bị triển hạn thỏa thuận « đối tác chiến lược toàn diện » với
Nga nhân thượng đỉnh khối BRICS được tổ chức tại Kazan trong tháng này. Đây là
bước kế tiếp vào lúc « đối tác song phương không ngừng được mở rộng đặc biệt
là trong lĩnh vực quân sự », như nhiều nhà quan sát ghi nhận (Báo Le
Figaro ngày 03/10/2024).
Bắc
Kinh : Iran, « một yếu tố trong cuộc đọ sức với Mỹ »
Nhìn
từ phía Trung Quốc, chảo lửa ở Trung Đông trước hết là một hiểm họa đối với
kinh tế toàn cầu, như chuyên gia về địa chính trị Viện Montaigne, Dominique
Moïsi phân tích :
«
Bắc Kinh không có lợi ích gì và cũng hoàn toàn không có ý định can thiệp vào
tình hình rất phức tạp tại Trung Đông. Trung Quốc tuy nhiên không muốn tình trạng
tại khu vực này bị xấu đi hay xung đột gia tăng cường độ, vì như vậy sẽ ảnh hưởng
đến kinh tế toàn cầu, và trực tiếp tác động đến tăng trưởng của Trung Quốc vốn
đã không mấy khả quan. Kịch bản tốt nhất đối với Trung Quốc là tình hình ở
Trung Đông được hạ nhiệt, nhưng Bắc Kinh không lên tuyến đầu trên hồ sơ này và
đây không phải là thời điểm, mà thực ra thì Trung Quốc cũng không sẵn sàng để
can thiệp vào xung đột ở Trung Đông ».
Bất
chấp lệnh cấm vận, từ năm 2020 đến 2023 tổng kim ngạch xuất khẩu dầu hỏa của
Iran sang Trung Quốc đã được nhân lên gấp ba. Theo các số liệu của Hạ Viện Mỹ,
« 80 % xuất khẩu dầu hỏa của Iran là để cung cấp cho thị trường Trung Quốc »
và Bắc Kinh chấp nhận rủi ro, bởi « dầu của Iran vừa rẻ, vừa có chất lượng
cao ».
Nghiên
cứu của hãng tin Anh Reuters hồi tháng 10/2023 cho thấy « nhờ dầu hỏa của
Iran, Trung Quốc tiết kiệm được 10 tỷ đô la trong 9 tháng đầu năm 2023 ».
Cơ quan tư vấn chuyên về năng lượng Kpler, được Reuters trích dẫn, thẩm định :
Iran bán dầu hỏa cho Trung Quốc với giá thấp hơn từ 5 đến 13 đô la một thùng dầu,
và « trên bàn cờ địa chính trị, Iran là một yếu tố trong mắt Bắc Kinh để đối
phó với Hoa Kỳ ». Hỗ trợ kinh tế Iran, Trung Quốc tạo sức mạnh cho một quốc
gia đang trở thành một mối thách thức quân sự và địa chiến lược đối với Mỹ ở
Trung Đông, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng với Israel hiện tại ».
Israel
« tuyên chiến » với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc
Lần
đầu tiên trong lịch sử Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký định chế đa quốc gia này bị
một thành viên « Cấm cửa ». Ngoại trưởng Israel hôm 02/10/2024 tuyên
bố Antonio Guterres là một « nhân vật không được hoan nghênh » do ông
đã không trực tiếp lên án Iran tấn công Israel đêm hôm trước. Đây là dấu hiệu mới
cho thấy quan hệ rất căng thẳng giữa Nhà nước Do Thái với Liên Hiệp Quốc từ sau
loạt tấn công đẫm máu trên lãnh thổ Israel hôm 07/10/2023, và cũng thể hiện người
đứng đầu Liên Hiệp Quốc bị lép vế so với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Trên đài RFI, chuyên gia về Liên Hiệp Quốc Romual Scriora phân tích :
« Israel
nhắm vào Liên Hiệp Quốc bởi đây là một mục tiêu dễ tấn công. Dễ chỉ trích tổng
thư ký Liên Hiệp Quốc và tuyên bố Israel không hoan nghênh đón tiếp ông Antonio
Guterres dễ làm hơn là chĩa mũi dùi vào tổng thống Hoa Kỳ chẳng hạn. Do vậy, tấn
công vào tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tức là thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu
nhắm vào cộng đồng quốc tế. Hơn thế nữa, điều này cho phép ông chứng minh với
công luận trong nước về tính chính đáng của các cuộc xung đột. Netanyahu đặt
Israel trong thế là nạn nhân của cộng đồng quốc tế, của nạn bài Do Thái mà theo
ông là khá phổ biến ».
Vouhledar,
một khúc quanh trong cuộc chiến Ukraina có lợi cho Putin
Về
cuộc xung đột kéo dài trên lãnh thổ Châu Âu : Ukraina chính thức thông báo
rút quân khỏi thành phố Vouhledar, vùng Donbass ở miền Đông. Hôm 02/10/2024,
quân đội Ukraina đã để mất thành phố có vị trí chiến lược, nằm giữa Mariupol và
Donestk : thêm một dấu hiệu về những khó khăn ngày càng tăng mà lực lượng của
Kiev đang phải đối mặt.
Đối
với Nga, đây là một « cột mốc quan trọng » trong cuộc chiến Matxcơva
đã khai mào từ tháng 2/2022. Chuyên gia về quân sự Ulrich Bounat, giải thích với
nhà báo Julien Chavanne của RFI :
« Sự
mất mát này trước hết là cả một biểu tượng, bởi vì từ hơn hai năm rưỡi nay,
Ukraina đã trường kỳ kháng chiến, và tương tự như ở một số nơi, sau một thời
gian cố thủ, rốt cuộc đã phải lùi bước trước đà tiến và sức mạnh của quân Nga.
Từng bước, khả năng của Nga chiếm đóng một vài khu vực mang tính chiến lược rồi
họ cứ tiến thêm, chiếm thêm đất của Ukraina. Một trong những điểm được ghi nhận
tới nay, và chúng ta có thể kiểm chứng trong trường hợp của thành phố
Vouhledar, là tại nhiều nơi Ukraina đã không xây dựng được một đường chiến tuyến
vững chắc chung quanh những thành trì quan trọng này. Điều đó cho phép quân Nga
dễ dàng chiếm được những địa danh này như điều đã từng xảy ra ở Aviivka nơi họ
đã tiến được từ 10 đến 15 km trong vỏn vẹn vài tuần lễ, bởi vì phía Ukraina thiếu
một sự chuẩn bị ».
Gaza,
Ukrain : Tâm điểm giải thưởng Bayeux giành cho phóng viên chiến trường
Tình
hình ở Gaza sau một năm xung đột và chiến tranh Ukraina là tâm điểm chương
trình triển lãm, hội thảo và giới thiệu phim và sách dành cho các phóng viên
chiến trường tổ chức tại thành phố Bayeux, vùng Normandie tây bắc nước Pháp. Sự
kiện mở ra từ ngày đến ngày 13/10/2024. 350 phóng viên chiến trường được mời
tham dự sự kiện. Trong năm vừa qua, 58 nhà báo đã thiệt mạng trong các cuộc
xung đột vũ trang trên thế giới. Trong số các nạn nhân tại Gaza, một nhà báo của
hãng tin Anh Reuters thiệt mạng hôm 13/10/2023 và cùng ngày, 6 phóng viên quốc
tế bị thương. Văn phòng đại diện của hãng tin Pháp AFP tại Gaza bị hư hại nặng
nề hôm 02/11/2023.
Canada
cam kết ngừng « hút nhân viên y tế của châu Phi »
Xin
khép lại tạp chí hôm nay bằng một tin mang tính xã hội : tỉnh Québec của
Canada trong tuần đã chính thức thông báo ngừng tuyển dụng y tá tại một số quốc
gia châu Phi, như trường hợp của Maroc. Người lao động ở các nước chậm phát triển
ước mong sang Âu - Mỹ hành nghề để được trả lương cao, nhưng lại tạo ra một cuộc
khủng hoảng y tế ngay trên nước họ, nơi mà hệ thống y tế vốn đã rất tệ.
Như
nhiều nước phát triển phương Tây, Canada thiếu y tá, hộ lý phục vụ trong bệnh
viện. Quốc gia Bắc Mỹ này đã tạm thời tìm ra giải pháp tuyển dụng nhân viên y tế
nước ngoài, qua đó làm suy yếu thêm mạng lưới y tế và bệnh viện tại các nước chậm
phát triển. Từ Quebec thông tín viên Pascale Guéricolas giải thích :
«
'Đây là một quyết định đã được suy nghĩ chín chắn, được cân nhắc và công bằng'.
Đại sứ Macoc tại Canada Souriya Otmani đã hoan nghênh quyết định của vùng
Québec ngừng tuyển dụng thêm y tế của Maroc đến làm việc tại các bệnh viện ở
Québec. Cách nay vài tháng, nhà ngoại giao này từng công khai nói đến hiện tượng
Maroc bị thất thoát nguồn nhân lực do các y tá sang làm việc tại Québec.
Trong
hai năm, hơn một ngàn y tá bỏ đi khỏi châu Phi, nhất là những người từ
Cameroune, hay Côte d’Ivoire. Tại châu Phi, 37 quốc gia có số lượng nhân viên y
tế thấp hơn so với mức trung bình trên thế giới, theo như báo cáo của Tổ Chức Y
Tế Thế Giới. Rõ ràng là chính quyền của vùng Québec đã hưởng ứng kêu gọi của Tổ
Chức Y Tế Thế Giới trước hiện tượng hệ thống y tế tại một số quốc gia đang yếu
kém.
Thiếu
y tá là một nguyên nhân dẫn đến nguy cơ về sức khỏe cộng đồng. Theo đài phát
thanh Radio Canada, hệ thống bệnh viện tại nước này tiếp tục tuyển dụng nhân
viên ở các nước trong vùng Vịnh và từ Tunisia ».
-------------------------------
Các
nội dung liên quan
PHÂN
TÍCH
Tấn
công Israel bằng tên lửa: Nước cờ đầy mạo hiểm của Iran
Tạp
chí Tiêu điểm
Nga
hợp tác quân sự với Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên, nhưng với giá
nào ?
No comments:
Post a Comment