Sunday, 6 October 2024

TRUNG ĐÔNG CHÌM TRONG MÁU LỬA, MỘT NĂM SAU VỤ THẢM SÁT Ở ISRAEL NGÀY 7 THÁNG 10 (Thụy My / RFI)

 



Trung Đông chìm trong máu lửa, một năm sau vụ thảm sát ở Israel ngày 7 tháng Mười  

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 06/10/2024 - 00:57

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20241005-trung-%C4%91%C3%B4ng-ch%C3%ACm-trong-m%C3%A1u-l%E1%BB%ADa-m%E1%BB%99t-n%C4%83m-sau-v%E1%BB%A5-th%E1%BA%A3m-s%C3%A1t-%E1%BB%9F-israel-ng%C3%A0y-7-th%C3%A1ng-m%C6%B0%E1%BB%9Di

Đúng một năm sau vụ Hamas thảm sát man rợ người Do Thái, các tuần báo tập trung bài vở cho vùng đất Trung Đông không ngừng xảy ra những biến động.

 

HÌNH :

Ảnh chỉ mang tính minh họa : Một người câu cá ở Tel Aviv bên bờ biển Địa Trung Hải, nơi cuộc xung đột diễn ra giữa Israel và Hamas. Ảnh chụp ngày 04/10/2024. REUTERS - Gonzalo Fuentes

 

Courrier International đưa tít trang bìa « 7 tháng Mười, một năm chiến tranh », The Economist tổng kết « Một năm Trung Đông náo động », Le Nouvel Obs nói về « Cuộc chiến không hồi kết của Israel » trong khi L’Express chú ý đến khía cạnh « Một năm lan rộng nạn bài Do Thái ». Le Point tuy dành trang bìa cho các vấn đề kinh tế Pháp nhưng hồ sơ bên trong là « Cận Đông trên miệng núi lửa ».

 

 

Một năm trôi qua, cánh cửa địa ngục vẫn chưa khép lại

 

Le Nouvel Obs nhận xét, một năm sau vụ thảm sát kinh hoàng của Hamas trên lãnh thổ Israel dẫn đến cuộc trả đũa khủng khiếp của Nhà nước Do Thái tại Dải Gaza và nay là chống lại Hezbollah ở Liban, ngày 07/10/2023 đã trở thành một thời điểm lịch sử. Chỉ cần nói « ngày 7 tháng Mười », cũng như « ngày 11 tháng Chín » để chỉ vụ tấn công tòa tháp đôi ở Manhattan năm 2011, hay « ngày 13 tháng Mười Một » về vụ khủng bố Bataclan ở Paris năm 2015.

 

Vào sáng sớm ngày 07/10 hôm ấy, người ta chưa nhận ra tầm vóc và tính chất man rợ của những gì diễn ra ở kibboutz Nahal Oz và lễ hội âm nhạc, nhưng sau đó mới biết rằng không phải là một sự cố thường lệ với người Palestine, mà là một sự kiện có thể thay đổi dòng chảy lịch sử. Gần 1.200 người bị giết hại dã man, trong đó hơn 2/3 là thường dân, 250 con tin gồm nam nữ, trẻ em bị bắt đưa về Gaza.

 

Một năm sau, cánh cửa địa ngục vẫn chưa khép lại. Người Do Thái bị chấn thương lâu dài, người Palestine ở Gaza chịu đựng sự trừng phạt tập thể, những nước trong khu vực trước hết là Liban một lần nữa bị lôi kéo vào cuộc xung đột, và xa hơn nữa, một thế giới bất lực trước cú sốc. Hàng trăm con tin Israel vẫn trong tay Hamas, hàng ngàn trẻ em Gaza trong số những nạn nhân bị thiệt mạng và bị thương vì oanh kích. Không thể đánh đồng một nhóm khủng bố với một chính phủ hợp pháp, nhưng cũng phải nghĩ đến số phận thường dân, trước sự thụt lùi của luật pháp quốc tế và sự yếu kém của Liên Hiệp Quốc.

 

 

Số phận khác biệt của ba nhân vật chính

 

Trong trang sử bi thảm này, nổi lên ba cái tên : Benjamin Netanyahou , Yahya Sinouar et Hassan Nasrallah. Thủ tướng Netanyahou, nhân vật gây tranh cãi trên chính trường Israel từ ba thập niên qua, vừa lấy lại được uy tín sau thắng lợi trước Hezbollah. Hai đối thủ của Israel : Sinouar - thủ lãnh Hamas và Nasrallah - thủ lãnh Hezbollah, đã đánh giá thấp khả năng trả đũa của Nhà nước Do Thái và ngỡ rằng các đồng minh Israel có thể can ngăn. Nasrallah đã phải trả giá bằng mạng sống. Phe Hezbollah khoe khoang kho vũ khí hỏa tiễn và drone, tính kỷ luật của tổ chức, sự thống trị trên chính trường Liban ; nhưng tất cả không chống chọi được lâu với trận bão lửa và tình báo siêu việt của Israel.

 

Sinouar may mắn hơn, ông ta vẫn còn sống sót, sau khi Nasrallah bị tan xác dưới quả bom 2 tấn được F-15 của Israel thả xuống, và « người anh em » Ismail Haniyeh bị tiêu diệt ngay tại Teheran hôm 31/07, Fatah Charif Abou al-Amine, chỉ huy Hamas ở Liban chết trong vụ không kích ngày 30/09. Thủ lãnh Hamas ẩn náu sâu trong địa đạo trong khi hai triệu người Palestine khốn khổ trên mảnh đất đã thành bình địa, lệ thuộc vào viện trợ nhân đạo chỉ đến được nhỏ giọt. Le Nouvel Obs cho rằng Yahya Sinouar có thể tự mãn vì vấn đề Palestine lại là trung tâm chú ý, nhưng với cái giá nào ? Và với viễn cảnh nào, trước một đối thủ đầy quyết tâm như Israel ?

 

Netanyahou mơ tóm được Sinouar dù sống hay chết sau khi đã khử Nasrallah : ông có thể ngưng lại cuộc chiến dường như không có chiến lược cụ thể. Israel tái lập được uy tín về khả năng răn đe, nhưng bị dư luận chỉ trích vì thiệt hại gây ra nơi thường dân Gaza. Và liệu cứ phải chinh chiến mãi trong một môi trường thù địch ? Giải pháp nào cho 5,5 triệu người Palestine trên lãnh thổ chiếm đóng từ 1967 ? Trong khi chờ đợi, năm kỷ niệm đầu tiên của ngày 07/10 vừa u ám vì nỗi đau ký ức, vẫn còn các con tin, chiến tranh trên nhiều mặt trận; lại vừa hãnh diện vì chiến thắng - với nguy cơ trở thành ngạo mạn.

 

 

Sai lầm lớn của Hamas khi khởi động cuộc chiến với Nhà nước Do Thái

 

The Economist đi sâu vào sai lầm to lớn của Hamas, và cho rằng có lẽ trong những ngày này, Yahya Sinwar đã phải suy nghĩ về quyết định khủng bố Israel, lôi kéo cả Trung Đông vào vòng xoáy đầy máu lửa. Cuộc thảm sát kinh khủng nhất lịch sử Israel dẫn đến cuộc chiến tranh đẫm máu nhất cho người Palestine, vụ tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào Nhà nước Do Thái.

 

Thủ lãnh Hamas muốn khởi động một cuộc chiến để định hình lại Trung Đông, và đã đạt được, nhưng không phải theo cách ông ta hình dung. Gaza trở thành bình địa ; Hamas thiệt hại nặng ; Hezbollah mất đi thủ lãnh, bộ chỉ huy quân sự và tiếng tăm về năng lực, Iran trở nên dễ tổn thương. Hầu như không có một cuộc biểu tình ủng hộ nào trong thế giới Ả Rập, nhất là sau vụ cáo buộc Israel oanh kích một bệnh viện làm chết nhiều người, nhưng rốt cuộc là tên lửa của Palestine. Không có Nhà nước nào cắt quan hệ với Israel. Ngay cả hệ quả kinh tế cũng hạn chế : giá dầu thô Brent còn thấp hơn 10 đô la so với trước cuộc tấn công vào Israel.

 

Sinwar gây chiến với hai giả thiết : được sự ủng hộ của « trục kháng chiến » hùng mạnh và đoàn kết, một loạt tổ chức dân quân thân Iran, và cả khu vực sẽ chống lại Israel. Nhưng thủ lãnh Hezbollah ngần ngại vì đại đa số người Liban phản đối tham gia chiến tranh để hỗ trợ Gaza, không muốn làm cạn kho vũ khí, và ông chủ Iran cũng không nhiệt tình. Nasrallah có phản ứng nửa vời bằng một chiến dịch bắn hỏa tiễn tầm ngắn khiến 60.000 dân miền bắc Israel phải di tản. Houthi ở Yemen hăng hái hơn nhưng ở xa, chỉ có thể tấn công Israel bằng một ít hỏa tiễn và drone, tuy cũng gây tác hại nhưng không đủ để thay đổi cuộc chiến.

 

Iran và các lực lượng ủy nhiệm đã trở thành nạn nhân sự cường điệu của chính mình. Năm vừa qua cho thấy những nhóm trong « trục kháng chiến » không chia sẻ cùng lợi ích. Các quốc gia Ả Rập lo đàn áp đối lập, không còn coi những cuộc biểu tình ủng hộ Palestine là một loại xú-páp cần thiết ; cũng không muốn ủng hộ Hamas, nhóm Hồi giáo tay sai của Iran. Thế nên tuy tố cáo cuộc tấn công vào Gaza nhưng họ vấn giữ quan hệ với Nhà nước Do Thái. Ngoài mặt ủng hộ ngưng bắn nhưng bên trong họ lo ngại một thỏa thuận làm kẻ thù mạnh hơn.

 

 

Hậu chiến tranh lạnh : Mỹ tả xung hữu đột

 

L'Express nhận định, sau vụ thảm sát man rợ nhất kể từ nạn diệt chủng Shoah, chính phủ Netanyahou đã đáp trả bằng chiến tranh. Một lời đáp trực tiếp, mang tính sống còn của một nền dân chủ mà Hamas và Hezbollah thề sẽ hủy diệt. Sự trả đũa ồ ạt của Nhà nước Do Thái không làm ai ngạc nhiên. Dù là Benjamin Netanyahou hay ai khác, phản ứng để sống sót đều như vậy.

 

Những nhà ngoại giao « đoan chính » nói về sự bất tương xứng khi đáp trả, để xoa dịu dư luận phương Tây trước những hình ảnh bạo lực. Nhưng liệu có phải nhắc lại những hành động khủng bố dã man của Hamas hay Hezbollah ? Có nên quên đi những cánh tay vũ trang được những kẻ cuồng tín điều khiển từ xa ? Bởi vì không chỉ là xung đột Israel-Palestine, mà còn lại sự sống lại của chiến tranh lạnh. Nói theo nhà bình luận Thomas Friedman của New York Times, là « hậu của hậu chiến tranh lạnh ».

 

Không còn Stalin, không còn Truman. Cuộc chiến Đông-Tây xưa kia nhường chỗ cho cuộc đối đầu giữa một phương Tây mất phương hướng và Hoa Kỳ phải tả xung hữu đột, và một « trục kháng chiến » gồm Iran, Nga, Bắc Triều Tiên với sự hỗ trợ ngầm của Trung Quốc. Pháp không thể tiếp tục ngây thơ, phải biết mình đứng đâu trên bản đồ thế giới, nêu đích danh những kẻ khủng bố như Hassan Nasrallah « tay vấy máu người Pháp ».

 

Hoa Kỳ tuy kêu gọi ngưng bắn nhưng vẫn cung cấp vũ khí, đạn dược cho Israel. Vì một lý do đơn giản, theo nhà nghiên cứu Fabrice Balanche của đại học Lyon II : « Nếu Mỹ bỏ rơi Israel, sẽ mở ra cả một đại lộ cho Iran và phía sau là Nga, Trung Quốc ». Tác giả bài viết cho rằng Benjamin Netanyahou đáng ghét hơn cả Donald Trump, nhưng cú đòn mà thủ tướng Israel giáng vào các thủ lãnh Hamas và Hezbollah đã làm rung chuyển toàn bộ « trục kháng chiến ».

 

 

Chiến tích của Israel sẽ đi vào quân sử thế giới  

 

L’Express cũng nhấn mạnh, chỉ trong 10 ngày, Israel đã thực hiện được điều tưởng chừng bất khả : trừ khử toàn bộ ban chỉ huy của Hezbollah, lực lượng dân quân có mấy chục ngàn tay súng và 150.000 rốc-kết mà chẳng mất một người lính nào.

 

Kỳ tích này chắc chắn đi vào lịch sử quân sự thế giới, từ loạt vụ nổ máy nhắn tin cho tới việc tiêu diệt thủ lãnh Hassan Nasrallah. Tình báo Israel hiệu quả chưa từng thấy, khó thể hình dung có ai làm tốt hơn. Tuy nhiên Nhà nước Do Thái không có thời gian để tận hưởng chiến tích.

 

Dịp kỷ niệm ngày 07/10 nhắc nhở cả nước về thực tế đáng sợ của lục địa, một Trung Đông mà số phận của một đất nước có thể đảo lộn với hỏa tiễn hay tấn công tự sát của những kẻ cuồng tín. Iran quen với những vụ khủng bố cộng đồng Do Thái ở nước ngoài, chẳng hạn cuộc tấn công đại sứ quán Israel ở Buenos Aires năm 1992 làm 29 người thiệt mạng, một tháng sau khi một chỉ huy Hezbollah bị tiêu diệt. Vũ khí của Teheran đổ vào Cisjordanie luôn sôi sục, và Iran muốn lật đổ chính quyền Jordanie sau chiến thắng của phe Hồi giáo ở Quốc Hội tháng trước. Rất nhiều thách thức mang tính sống còn cho Israel.

 

 

Không phải Palestine, Iran mới là chìa khóa cho hồ sơ Trung Đông

 

Trên Le Point, bà Simone Rodan-Benzaquen, giám đốc châu Âu của tổ chức phi chính phủ American Jewish Committee (AJC) nhấn mạnh đến vai trò chủ chốt của Cộng hòa Hồi giáo Iran trong việc gây bất ổn cho Trung Đông. Trong nhiều năm trời, các nhà ngoại giao và chuyên gia cho rằng giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine là chìa khóa cho tất cả vấn đề ở Trung và Cận Đông. Ý tưởng này được biến thành lý thuyết dưới thời tổng thống Jimmy Carter (1977-1981), ảnh hưởng đến các chính sách quốc tế. Kể từ ngày 07/10, quan điểm này lại càng thống trị trên truyền thông và chính giới Pháp. Thế nhưng theo tác giả, lý thuyết trên không những sai lạc mà còn nguy hiểm. Phải chăng lời đáp chỉ duy nhất từ phía Israel, và sẽ giúp cải thiện tình hình ở Liban, Afghanistan, Syria, Irak, Yémen, Sudan ?

 

Kể từ 1979, chế độ Teheran lao vào việc xuất khẩu cuộc cách mạng Hồi giáo của mình, thiết lập một « vòng lửa » - chiến lược do tướng Qassem Soleimani vạch ra - dựa vào các tổ chức ủy nhiệm như Hamas, Hezbollah, Houthi để bóp nghẹt Israel ; gây rối ở Syria, Yémen, Irak, Jordanie. Các giáo sĩ Iran tài trợ cho Hamas và 28 tổ chức khủng bố khác ở Cisjordanie, chống lại thỏa thuận Oslo (1993), khuyến khích tấn công tự sát nhắm vào thường dân Do Thái để phá hoại mọi ý định xích lại gần nhau giữa Israel và Palestine. Mới nhất là cản trở thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Xê Út.

 

Nhất là một chế độ Iran sở hữu vũ khí nguyên tử là mối đe dọa không chỉ cho Nhà nước Do Thái mà cả vùng Trung Đông và xa hơn nữa. Iran còn chuyển giao vũ khí cho Nga để giết người Ukraina, liên kết với các nhà độc tài trên toàn thế giới, chống lại phương Tây và trật tự quốc tế đã được thiết lập. Khi coi vấn đề Palestine là chính, cái nhìn của cộng đồng quốc tế lâu nay đã tránh né mối nguy thực sự, và Israel rơi vào một cuộc chiến trên 7 mặt trận. Liên Hiệp Châu Âu không đưa Vệ binh Cách mạng vào danh sách các tổ chức khủng bố, và cũng không áp dụng các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc về chương trình nguyên tử Iran. Trong tình hình nóng bỏng hiện nay, cần khẩn cấp xem lại quan điểm này.

 

 

Nếu chiếm Đài Loan, tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc có thể bí mật tấn công Mỹ

 

Tại châu Á, Le Nouvel Obs phân tích về yếu tố Đài Loan trong chiến lược nguyên tử Trung Quốc. Bắc Kinh nhất quyết chiếm Đài Loan, và nhờ đó từ phía đông của đảo quốc có thể triển khai tàu ngầm hạt nhân ở Thái Bình Dương. Vừa qua Bắc Kinh đã gánh chịu một nỗi nhục lớn : chiếc tàu ngầm nguyên tử thế hệ mới nhất bị chìm tại bến cảng gần Vũ Hán, trong khi lò phản ứng đang có nhiên liệu hạt nhân. Tai nạn này xảy ra từ nhiều tháng qua, được « Wall Street ­Journal » tiết lộ hôm 26/09. Được biết đến cuối 2022 Trung Quốc đã có 48 tàu ngầm loại thường và 6 tàu ngầm nguyên tử, nhưng mẫu mới này là tương lai cho hạm đội.

 

Ngay trước khi bị báo Mỹ vạch trần, Bắc Kinh vừa mới khoe thành công của thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa ngày 25/09 tại Thái Bình Dương. Một hỏa tiễn thuộc loại có sức công phá mãnh liệt nhất thế giới, có thể mang theo những đầu đạn nguyên tử gây thảm họa. Theo « New York Times », tháng Ba năm nay tổng thống Mỹ đã thông qua một tài liệu mật mang tên « Nuclear Employment Guidance » (« Hướng dẫn về việc sử dụng sức mạnh nguyên tử »), định hướng chiến lược đáp trả sự bành trướng nhanh chóng của Trung Quốc, đồng thời đối phó với khả năng « thách thức nguyên tử phối hợp » giữa Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên.

 

Trên lý thuyết, theo nguyên tắc răn đe, Bắc Kinh không sử dụng vũ khí nguyên tử đầu tiên và chỉ ở giới hạn cần thiết. Tuy nhiên Washington không thể yên tâm khi năm 2021 phát hiện những nhà kho cho hỏa tiễn liên lục địa được xây dựng tại các tỉnh sa mạc miền bắc (Tân Cương, Cam Túc, Nội Mông). Trung Quốc có thể tăng gấp ba số đầu đạn nguyên tử, từ 400 lên 1.500 đến năm 2035.

 

Bắc Kinh kiên quyết muốn chiếm Đài Loan vì các lý do chính trị, kinh tế và biểu tượng, và đặc biệt nhờ đó các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc có thể đi vào Thái Bình Dương mà không phải vượt qua eo biển bị các nước khác theo dõi chặt chẽ, khiến đội tàu ngầm trở thành vô hình. Tạp chí « Telos » cho biết khả năng răn đe nguyên tử trên đại dương trở thành nhân tố trung tâm trong tham vọng chiếm Đài Loan. Thế nên có thể hiểu được nỗi lo của Hoa Kỳ : các tiềm thủy đĩnh nguyên tử Trung Quốc có thể bất thần tấn công vào lãnh thổ Mỹ.

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats