Friday, 25 October 2024

TỔNG THỐNG BELARUS TRẢ LỜI BBC VỀ THÔNG TIN LÍNH TRIỀU TIÊN Ở UKRAINE (Steve Rosenberg / BBC News)

 



Tổng thống Belarus trả lời BBC về thông tin lính Triều Tiên ở Ukraine

Steve Rosenberg

Biên tập viên về Nga

24 tháng 10 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c079ey1rz43o

 

Không có nhiều nhà lãnh đạo thế giới nắm quyền trong 30 năm.

Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus đã bị cáo buộc gian lận bầu cử, đàn áp người bất đồng chính kiến ​​và phá hoại nền dân chủ.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/b84d/live/3e84dd70-91f3-11ef-b3c2-754b6219680e.png.webp

Ông Alexander Lukashenko nói các thông tin về việc quân Triều Tiên chiến đấu ở Ukraine là "rác rưởi"

 

Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu EU và Mỹ không công nhận ông là tổng thống hợp pháp của Belarus.

 

Có một điều khác mà chúng ta nên biết về ông: nếu có bất kỳ nhà lãnh đạo nào hiểu rõ về Vladimir Putin thì đó chính là Lukashenko.

 

Hai người đã quen biết trong nhiều năm và thường xuyên gặp nhau.

 

Alexander Lukashenko đã gặp nhà báo BBC bên lề hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế mới nổi BRICS. Ông muốn Belarus trở thành thành viên của nhóm này.

 

Nhà báo BBC đã yêu cầu ông bình luận về những thông tin cho rằng Triều Tiên đã điều quân đến hỗ trợ quân Nga chiến đấu ở Ukraine.

 

"Rác rưởi. Với tính cách của mình, Putin sẽ không bao giờ cố thuyết phục một quốc gia khác đưa quân đội vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine," ông Lukashenko trả lời.

 

"Còn nếu điều đó đúng sự thật thì sao?" nhà báo BBC hỏi.

 

"Sẽ là một bước đi dẫn tới leo thang xung đột nếu lực lượng vũ trang của bất kỳ quốc gia nào, kể cả Belarus, tham chiến,” ông Alexander Lukashenko trả lời.

 

“Ngay cả khi chúng tôi tham gia vào cuộc chiến thì đây cũng sẽ là con đường dẫn đến leo thang. Tại sao ư? Bởi vì quý vị, những người Anglo-Saxon, sẽ ngay lập tức nói rằng một quốc gia khác đã tham gia vào một bên... vì vậy quân đội NATO sẽ được triển khai tới Ukraine.”

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/54d5/live/22c9bad0-91ec-11ef-89ae-5575c76d98e6.jpg.webp

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenkho

 

Nhà báo BBC đã hỏi Tổng thống Lukashenko rằng liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có bao giờ yêu cầu ông cung cấp quân đội Belarus cho cuộc chiến của Điện Kremlin ở Ukraine không.

 

"Không bao giờ. Cả ông ấy lẫn [cựu Bộ trưởng Quốc phòng] Sergei Shoigu, hay Bộ trưởng Quốc phòng hiện tại Andrei Belousov đều chưa bao giờ đặt ra yêu cầu đó.”

 

Nhưng Belarus đã tham gia vào cuộc chiến của Nga. Vào tháng 2/2022, cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine đã được phát động, một phần, từ lãnh thổ Belarus. Tại sao nhà lãnh đạo của nước này lại cho phép Điện Kremlin làm như vậy?

 

"Làm sao anh biết tôi đã cho phép sử dụng lãnh thổ Belarus?" ông Lukashenko hỏi ngược lại nhà báo BBC.

 

"Bởi vì lãnh thổ Belarus đã được sử dụng [cho cuộc tấn công].

 

"Đã có những cuộc tập trận có tới hàng ngàn lính Nga tham gia. Putin bắt đầu rút những binh sĩ này khỏi nơi họ đang đóng ở miền nam Belarus, xuống một con đường, dọc theo biên giới với Ukraine.

 

"Có lúc, ông ấy đã chuyển hướng một số binh lính này đến Kyiv. Tôi chắc rằng họ đã bị khiêu khích. Putin rút quân như thế nào là việc của ông ấy. Qua Kyiv. Hoặc ông ấy có thể đi qua Minsk."

 

"Ông không gọi cho Putin để hỏi chuyện gì đang xảy ra sao?" nhà báo BBC tiếp tục hỏi.

 

"Không. Ông ấy không gọi cho tôi. Và tôi cũng không gọi cho ông ấy. Đấy là quân của ông ấy và ông ấy có quyền di chuyển họ theo bất kỳ cách nào ông ấy thích."

 

Câu trả lời đó phản ánh mức độ ảnh hưởng của Điện Kremlin lên nước láng giềng Belarus.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/550b/live/34eee390-91f9-11ef-8e6d-e3e64e16c628.png.webp

Ông Lukashenko và ông Putin tại một cuộc gặp vào đầu tháng 10/2024

 

Một ví dụ khác: Nga đã bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

 

"Putin có sẵn sàng sử dụng những vũ khí đó trong cuộc chiến ở Ukraine không?" nhà báo BBC hỏi.

 

"Putin sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí bố trí ở Belarus nếu không có sự đồng ý của tổng thống Belarus," ông Lukashenko đáp.

 

"Ông có sẵn lòng cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân không?"

 

"Tôi hoàn toàn sẵn sàng, nếu không thì tại sao lại có những vũ khí này? Nhưng chỉ khi một người lính [nước ngoài] bước vào Belarus. Chứ chúng tôi không có kế hoạch tấn công bất kỳ ai."

 

Các nhóm nhân quyền ước tính hiện có 1.300 tù nhân chính trị ở Belarus.

 

Còn vị tổng thống nước này trước đây đã nói với nhà báo BBC rằng không có tù nhân chính trị nào cả.

 

Nhưng khi trả lời BBC ngày 24/10 (có lẽ là vô tình), ông đã sử dụng cụm từ "tù nhân chính trị" khi nói về số lượng nhỏ được trả tự do trong những tháng gần đây.

 

Một số nhà bình luận đã giải thích việc thả tù nhân là thông điệp từ Lukashenko gửi đến phương Tây rằng ông muốn có mối quan hệ tốt đẹp hơn.

 

Ông phủ nhận điều đó.

 

"Chúng tôi đã trả tự do cho các tù nhân chính trị vì lý do nhân đạo," ông nói. "Họ chủ yếu là người già và người bệnh. Vậy thôi."

 

“Đây không phải là bước đi hướng tới việc cải thiện quan hệ với quý vị. Nếu quý vị không muốn quan hệ với chúng tôi, cũng không sao. Chúng tôi sẽ xoay xở mà không cần quý vị.”

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats