Sunday, 6 October 2024

TÔI, MỘT KẺ . . . ĐẠI NGU! (Đoàn Bảo Châu / Facebook)

 



 

Tôi, một kẻ... đại ngu!   

Đoàn Bảo Châu

6-10-2024   07:03   

https://www.facebook.com/ChauDoan21165/posts/pfbid031WvUxp5pAbfrYqqcZzeZoR8Yi9xsRmRBBi9qxcdTHX29HnHPGnmFPd3r3UT2oMaQl

 

Thấy cộng đồng mạng ào ào chửi bài thơ này, bất đắc dĩ tôi phải đọc. Đọc rồi ngẩn người ra bởi không hiểu tại sao họ chửi. Lòng tự nhủ, mình vốn ngu về thơ nhưng có lẽ không phải ngu mà là đại ngu, bởi thấy bài thơ hay đấy chứ và có thể ông nhà thơ nào đúng khi nói “Việt Nam là cường quốc thơ”.

 

Bài thơ mô tả một lớp học cho trẻ em khiếm thính của nhà thơ Tô Hà. Bài thơ tả việc cô giáo dùng cử chỉ ngôn ngữ qua bàn tay để truyền đạt với học sinh về các âm thanh trong cuộc sống. Bài thơ này được sử dụng trong SGK Tiếng Việt 5, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Giờ chúng ta thử đi từng khổ và cố hiểu tại sao đám đông kia phẫn nộ đến vậy nhé:

 

"Mắt sáng, nhìn lên bảng / Lớp mười nụ môi hồng": Hình ảnh các em học sinh với đôi mắt sáng, đôi môi hồng ngây thơ, biểu hiện sự khao khát học hỏi và niềm vui trong học tập.

 

"Đôi tay cô cụp mở / Báo tưng bừng thanh âm...": Đôi tay của cô giáo là công cụ giao tiếp chính, qua ngôn ngữ ký hiệu, truyền đạt "thanh âm" đến các em. Cụm từ "báo tưng bừng thanh âm" cho thấy sự sống động và nhiệt huyết trong bài giảng. Với các em bé khiếm thính, không nghe được thì đôi bàn tay của cô giáo thay toàn bộ cái thế giới âm thanh mà các em thiệt thòi không có được trải nghiệm.

 

Chưa có gì.

 

"Cánh sẻ vụt qua song / Hót nắng vàng ánh ỏi": Bên ngoài, thiên nhiên rộn ràng với âm thanh của chim hót và ánh nắng. Tuy nhiên, "Các bé vẫn lặng chăm / Nhìn theo cô mấp máy...": Các em không thể nghe thấy được tiếng vỗ cánh qua cửa sổ, tiếng hót líu lo nên chỉ tập trung vào đôi môi cô giáo để "nghe" bài giảng. Tức là chỉ thấy mấp máy thôi, chứ các em có nghe được đâu.

 

Vẫn chưa có lý do để chửi!

 

"Sau ngón tay cô đấy / Là tiếng hạt nảy mầm... / Tiếng lá động trong vườn... / Tiếng sớm mai mẹ gọi...": Qua ngôn ngữ ký hiệu, cô giáo mang đến cho các em thế giới âm thanh mà họ không thể nghe thấy. Mỗi cử chỉ tay của cô chứa đựng biết bao âm thanh của cuộc sống. Làm được thế là một điều kỳ diệu của một người thầy rồi.

 

"Tiếng cuộc đời sâu vợi / Con tàu biển buông neo... / Ngôi sao mọc rừng chiều / Vó ngựa ran vách đá...": Tác giả mở rộng hình ảnh, cho thấy sự phong phú của thế giới mà cô giáo đang truyền đạt, sự sâu sắc âm thầm và vời vợi từ biển cả đến núi rừng. Con tàu biển, ngôi sao, vó ngựa… toàn hình ảnh đẹp, bay bổng và thân thương.

 

Vẫn chưa hiểu chửi cái gì.

 

"Bao nghĩ suy vất vả / Trong mắt người lo toan / Để từng âm có nghĩa / Bật lên từ môi em...": Sự cố gắng và tận tụy của cô giáo trong từ vất vả, lo toan. Cô không chỉ dạy các em hiểu ngôn ngữ, mà còn giúp các em phát âm, để "từng âm có nghĩa" có thể "bật lên từ môi em". Quả là một nỗ lực chắt chiu khát khao từ tấm lòng “người mẹ”. Quá đẹp, quá ý nghĩa và đáng trân trọng.

 

"Nghe cánh vỗ chim non / Trước diệu kỳ tiếng hót / Giữa hồn nhiên lớp học / Ai nụ cười rưng rưng...": Như vậy là các em đã cảm nhận được âm thanh của con chim non vỗ cánh và tiếng hót. Thành quả ấy khiến tấm lòng người cô “mẹ” xúc động rưng rưng giữa những tâm hồn trẻ thơ. Bài thơ tôn vinh sự cống hiến của những người giáo viên dạy trẻ khiếm thính, họ không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn mang đến cho các em một thế giới mới, giúp các em vượt qua giới hạn của bản thân. Bài thơ sử dụng thể thơ tự do, với nhịp điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển, phù hợp với nội dung giàu cảm xúc.

 

Bài thơ là một bức tranh sống động về lớp học khiếm thính, nơi mà âm thanh được truyền tải qua ánh mắt, đôi tay và trái tim. Tác giả đã thành công trong việc khắc họa tình cảm giữa cô và trò, sự tận tụy của người giáo viên và khát khao học hỏi của các em học sinh. Bài thơ mang đến cho người đọc sự xúc động và trân trọng đối với những con người thầm lặng cống hiến cho giáo dục đặc biệt.

 

Tóm lại, đó là một bài thơ hay, quá ý nghĩa, vậy mà đám đông chửi. Thôi, tôi đúng là một kẻ đại ngu về thơ thật rồi. Huhu!

 

Thôi, tôi đi chết đây! Có ai can khô...ong?

 

P.S: Vì nhiều bạn không thích từ ánh ỏi nên nói thêm. Từ "ánh ỏi" trong tiếng Việt mang ý nghĩa chỉ âm thanh lớn, vang vọng, thường diễn tả tiếng chim hót, từ này tạo cảm giác sôi động, náo nhiệt, nhưng vẫn mang tính chất nhẹ nhàng, thanh thoát, không quá ồn ào.

 

Ở đây theo tôi có thể hiểu theo 2 cách. Chim hót ánh ỏi hoặc nắng vàng ánh ỏi. Nắng không tạo được âm thanh nhưng trong ngôn ngữ văn học, từ "ánh ỏi" có thể được sử dụng với tính chất ẩn dụ để miêu tả sự rực rỡ hoặc mạnh mẽ của nắng như một dạng biểu hiện sống động của tự nhiên, giống như cách âm thanh vang dội trong không gian. Đây là một cách nhân cách hóa nắng, gán cho nó sự tác động giống như âm thanh để tăng cường tính hình ảnh và cảm xúc trong bài viết.

 

https://scontent.xx.fbcdn.net/v/t39.30808-6/462165346_10161479343498965_6689393813387044381_n.jpg?stp=cp6_dst-jpg_p526x296&_nc_cat=101&ccb=1-7&_nc_sid=127cfc&_nc_ohc=5yDsPD47R2cQ7kNvgHWrB-e&_nc_ht=scontent.xx&_nc_gid=AO6nivMzGJFhGnCnBOehsn9&oh=00_AYAxJBZ4jha4cpaTUPIbmrG2YwjamC4W6aJDpdDsnt6zPg&oe=67089C69

TIẾNG HẠT NẢY MẦM

 

164 BÌNH LUẬN  

 

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats