Wednesday, 9 October 2024

TẬP CẬN BÌNH ĐƯA TÂN THỦ TƯỚNG NHẬT SHIGERU ISHIBA VÀO THẾ KHÓ NGOẠI GIAO (Katsuji Nakazawa  |  Nikkei Asia)

 



Tập Cận Bình đưa tân thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba vào thế khó ngoại giao

Katsuji Nakazawa  |  Nikkei Asia

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

08/10/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/10/08/tap-can-binh-dua-tan-thu-tuong-nhat-shigeru-ishiba-vao-the-kho-ngoai-giao/

 

Tân Thủ tướng Nhật Bản nhậm chức trong bối cảnh các doanh nghiệp lo ngại về an toàn ở Trung Quốc.

 

Một sự kiện đã xảy ra vào đêm trước cuộc bầu cử để tìm ra lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Nhật Bản vào ngày 27/09, khi Shigeru Ishiba giành chiến thắng ngoạn mục.

 

Sự kiện này diễn ra tại buổi tiệc chiêu đãi do Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức tại một khách sạn ở Tokyo để kỷ niệm 75 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

 

VIDEO :

Tập Cận Bình đưa tân thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba vào thế khó ngoại giao

https://www.youtube.com/watch?v=88IVdCJ83Wo

 

Trong không khí lễ hội, Kosei Shindo, cựu chủ tịch của Nippon Steel, đã có một bài phát biểu thẳng thắn khác thường, bày tỏ quan ngại sâu sắc về môi trường kinh doanh đang xấu đi ở Trung Quốc.

 

Shindo hiện là cố vấn cấp cao của nhà sản xuất thép Nhật Bản và là người đứng đầu Hiệp hội Kinh tế Nhật-Trung, tổ chức chuyên hỗ trợ các công ty Nhật Bản kinh doanh tại Trung Quốc.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F1%2F6%2F1%2F5%2F48345161-1-eng-GB%2Fphoto_SXM2024092800007464.jpg?source=nar-cms

Kosei Shindo, chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Nhật-Trung, đã có những lời thẳng thắn khác thường dành cho Trung Quốc tại một buổi tiệc do Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo tổ chức. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)

 

Trong bài phát biểu của mình, Shindo nói “Vấn đề quan trọng nhất là liệu một môi trường kinh doanh an toàn và an ninh có được duy trì” ở Trung Quốc hay không.

 

Sau đó, ông đề cập đến những vấn đề cụ thể đang cản trở hoạt động kinh doanh của người Nhật tại Trung Quốc.

 

Shindo cho biết: “Nhiều doanh nhân Nhật Bản bày tỏ lo ngại về việc áp dụng hệ thống pháp luật an ninh quốc gia đã được thắt chặt của Trung Quốc nói chung và luật chống gián điệp sửa đổi nói riêng.” Luật sửa đổi có hiệu lực vào tháng 7/2023.

 

Shindo cũng khẳng định vụ một học sinh Nhật Bản 10 tuổi bị đâm chết ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông – xảy ra sau một vụ tấn công bằng dao tương tự ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô vào tháng 6 – đã khiến người Nhật “đau buồn và phẫn nộ.”

 

Quan trọng là Shindo không chỉ trực tiếp đề cập đến những thảm kịch ở Tô Châu và Thâm Quyến, mà còn đề cập đến cách thức áp dụng hệ thống pháp luật liên quan đến an ninh quốc gia.

 

Hồi tháng 1 năm nay, Shindo, khi đó vẫn là chủ tịch của Nippon Steel, đã đến thăm Trung Quốc với tư cách người đứng đầu đoàn đại biểu doanh nghiệp cấp cao của Nhật Bản và đã gặp Thủ tướng Lý Cường.

 

Tuy nhiên, hai bên không đạt được bước tiến nào để giải quyết vụ Trung Quốc bắt giữ và sau đó kết tội gián điệp đối với một nhân viên người Nhật của hãng dược phẩm Astellas Pharma có trụ sở tại Tokyo. Chi tiết về các cáo buộc vẫn chưa được công bố.

 

Trong khi Nippon Steel vẫn được cho là thân Trung Quốc, bài phát biểu của Shindo phản ánh cảm giác khủng hoảng dữ dội.

 

Quan hệ giữa Nippon Steel và Trung Quốc đã có từ nửa thế kỷ trước.

 

Năm 1972, Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Kakuei Tanaka đã có chuyến thăm bất ngờ tới Trung Quốc, sau đó, hai nước đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F1%2F0%2F8%2F5%2F48345801-1-eng-GB%2FPR20241002-0015-01.jpg?source=nar-cms

Shigeru Ishiba và Kakuei Tanaka năm 1983. Chính Tanaka đã thuyết phục Ishiba từ bỏ sự nghiệp ngân hàng và tham gia chính trường. © Kyodo

 

Năm 1978, Phó Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Đặng Tiểu Bình đã đến thăm Nhật Bản để trao đổi các văn kiện phê chuẩn hiệp ước hòa bình và hữu nghị Trung-Nhật. Trong thời gian ở Nhật, ông cũng đã đến thăm Nhà máy Kimitsu của Nippon Steel tại tỉnh Chiba.

 

Đặng bày tỏ mong muốn có một nhà máy thép “tương tự” ở Trung Quốc. Để đáp lại, Nippon Steel đã bắt đầu hợp tác với Công ty Gang thép Bảo Sơn. Một phần nhờ vào sự tham gia của các kỹ sư Nhật Bản, nhà máy thép Bảo Sơn ở Thượng Hải đã được hoàn thành vào năm 1985.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F4%2F4%2F1%2F5%2F48345144-1-eng-GB%2FAP781026087.jpg?source=nar-cms

Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình được công nhân chào đón tại nhà máy thép Nippon ở Kimitsu, phía đông nam Tokyo, vào ngày 26/ 10/ 1978. © AP

 

Vào nửa đầu những năm 1980, khi người ta bắt đầu xây dựng nhà máy thép, Thủ tướng Ishiba cũng đã bắt đầu đặt chân vào con đường chính trị.

 

Khi còn là một nhân viên ngân hàng ở độ tuổi 20, Ishiba đã được cố Thủ tướng Tanaka đề nghị trở thành nhân viên tại ban thư ký của phe ông. Cựu Bộ trưởng Nội vụ Jiro Ishiba, người cha quá cố của Ishiba, rất thân thiết với Tanaka.

 

Ishiba chịu ảnh hưởng đáng kể bởi thái độ phản đối chiến tranh của Tanaka, tham vọng giảm sự phụ thuộc của Nhật Bản vào Mỹ, và chiến công ngoại giao bình thường hóa quan hệ Trung-Nhật của ông.

 

Năm 1986, ở tuổi 29, Ishiba lần đầu tiên được bầu vào Chúng Nghị viện (hạ viện) đầy quyền lực của Quốc hội Nhật Bản.

 

Người Trung Quốc xưa có câu “Uống nước nhớ kẻ đào giếng.” Đáng chú ý là, ở Trung Quốc, Tanaka được cho là “kẻ đào giếng” nhờ việc thiết lập quan hệ chính trị với Nhật Bản, trong khi Nippon Steel được cho là “công ty đào giếng” vì mối quan hệ kinh tế với Nhật Bản.

Quay trở lại mùa hè năm ngoái, bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu cho thấy “giếng nước” đang dần khô cạn.

 

Vào ngày 14/08, khi Fumio Kishida tuyên bố quyết định từ chức chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, theo đó cũng từ chức thủ tướng, Ishiba đang ở Đài Loan.

 

Ishiba, người đã quyết định tham gia cuộc đua giành ghế lãnh đạo, đã đến gặp Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức và cựu Tổng thống Thái Anh Văn. Trong cuộc gặp của Ishiba với Lại, người bị Trung Quốc coi là một kẻ ly khai nguy hiểm, hai bên đã thảo luận về cách các nền dân chủ có thể hợp tác để tăng cường khả năng răn đe chung của họ. Gen Nakatani cũng có mặt tại cuộc họp này.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F4%2F8%2F7%2F5%2F48345784-1-eng-GB%2FPR20241002-0014-01.jpg?source=nar-cms

Lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức (phải) lắng nghe Shigeru Ishiba tại Văn phòng Tổng thống Đài Loan ở Đài Bắc vào ngày 13/08. © Văn phòng Tổng thống Đài Loan/ Kyodo

 

Ishiba và Nakatani vốn có quan hệ thân thiết. Vì vậy, vào thứ Ba ngày 02/10, sau khi Ishiba chính thức được Quốc hội Nhật Bản bầu làm Thủ tướng, không có gì ngạc nhiên khi ông chọn Nakatani làm Bộ trưởng Quốc phòng.

 

Ishiba rất am hiểu về các vấn đề quốc phòng. Về phần mình, Nakatani, người tốt nghiệp Học viện Quốc phòng, đã làm việc với tư cách là một viên chức của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trước khi tham gia chính trường và ông còn từng giữ chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng.

 

Nakatani cũng là đồng lãnh đạo Liên minh Quốc hội Nhật Bản về Trung Quốc, một nhóm các nhà lập pháp liên đảng. Ông đã tích cực giải quyết các vấn đề nhân quyền, bao gồm cả việc đàn áp người Hong Kong và người Duy Ngô Nhĩ.

 

Khoảng hai tuần sau chuyến thăm Đài Loan của Ishiba, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh các động thái quân sự trên vùng trời Nhật Bản và vùng biển lân cận.

 

Vào ngày 26/08, một máy bay do thám Y-9 của Trung Quốc đã xâm phạm không phận Nhật Bản ngoài khơi quần đảo Danjo thuộc tỉnh Nagasaki ở miền tây nước Nhật. Đây là sự cố nghiêm trọng đầu tiên trong lịch sử.

 

Sang ngày 18/09, tàu sân bay Liêu Ninh và hai tàu hải quân khác của Trung Quốc đã di chuyển giữa các đảo Yonaguni và Iriomote thuộc tỉnh Okinawa, gần Đài Loan, tạm thời đi vào vùng tiếp giáp của Nhật Bản, giáp với lãnh hải nước này.

 

Vụ việc này xảy ra cùng ngày với vụ cậu bé 10 tuổi bị đâm chết khi đang trên đường đến một ngôi trường Nhật Bản ở Thâm Quyến.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F8%2F1%2F8%2F5%2F48345818-1-eng-GB%2FPR20241002-0019-01.jpg?source=nar-cms

Một người phụ nữ đặt hoa trước ngôi trường Nhật Bản, nơi đứa trẻ bị đâm chết ở Thâm Quyến theo học, ngày 19/09.

 

Với chín ứng cử viên tranh cử, kết quả của cuộc đua giành quyền lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do rất khó dự đoán. Có lẽ vì thế mà Trung Quốc đã quyết định sử dụng không quân và hải quân để bao vây Nhật Bản. Hãy xem đó là một lời cảnh báo: Bắc Kinh đã bắt đầu hành động hung hăng hơn trong khi Nhật Bản vẫn đang sắp xếp các quân cờ trên bàn cờ phía mình.

 

Một chuyên gia am hiểu chính trị trong nước của Trung Quốc cho biết “Chuỗi động thái quân sự của Trung Quốc đã được phát động từ giữa tháng 8” khi Kishida tuyên bố quyết định từ chức và Ishiba đến thăm Đài Loan.

 

“Rõ ràng Trung Quốc đã lo ngại trước động thái của các chính trị gia Nhật Bản liên quan đến Đài Loan,” vị chuyên gia này nói thêm, lập luận rằng việc máy bay quân sự Trung Quốc vi phạm không phận Nhật Bản không đơn thuần chỉ là sai sót.

 

Một diễn biến khác xảy ra trong mùa hè liên quan đến Nippon Steel. Vào tháng 7, công ty đã công bố quyết định ngừng liên doanh sản xuất tấm thép xe hơi với Gang thép Bảo Sơn. Liên doanh hợp tác giữa hai công ty Nhật Bản và Trung Quốc này đã có từ thời Đặng Tiểu Bình, nhưng thông báo của Nippon Steel cho thấy thời thế đã thay đổi như thế nào.

 

Ngay sau đó, cựu chủ tịch Nippon Steel, Shindo đã mạnh dạn thúc giục Trung Quốc cải thiện môi trường kinh doanh.

 

Trên mặt trận chính trị, trong khi Tanaka đã “đào giếng” cho quan hệ chính trị Trung-Nhật, thì người được ông bảo trợ giờ đây phải đối phó với một Trung Quốc có thái độ đối đầu hơn nhiều.

 

Bắc Kinh đã tỏ ra thận trọng trước cách chính quyền Ishiba xử lý các vấn đề liên quan đến Đài Loan và đặc biệt lo ngại trước đề xuất của tân Thủ tướng về “một phiên bản NATO của châu Á.” Tuy nhiên, chính quyền Tập hiện vẫn áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và quan sát.

 

Ishiba đã bổ nhiệm hai thư ký phụ trách các vấn đề chính trị, trong đó có một cựu quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng mà ông đã quen biết từ lâu. Điều này cho thấy ông có chú ý đến các hành động khiêu khích quân sự cấp cao của Trung Quốc và cũng coi trọng quốc phòng.

 

Nhưng Ishiba sẽ không thể duy trì quan hệ song phương ổn định nếu không đối thoại trực tiếp với Tập, Chủ tịch nước và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F7%2F6%2F7%2F5%2F48345767-1-eng-GB%2Fphoto_SXM2024100100016696.jpg?source=nar-cms

Shigeru Ishiba (phải) bắt tay một nhà lập pháp đồng nghiệp sau khi được hạ viện đề cử làm thủ tướng vào ngày 01/10. Ishiba lần đầu tiên được bầu vào hạ viện vào năm 1986 ở tuổi 29. (Ảnh của Uichiro Kasai)

 

Cuộc gặp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra vào tháng 11, tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở Peru và hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil.

Ishiba có lẽ sẽ phải đi dây ngoại giao, vừa cố gắng ngăn chặn các hành động quân sự của Trung Quốc, vừa cố gắng xây dựng các quan hệ kinh tế mới.

--------------------

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats