Friday, 11 October 2024

SCHRÖDER CÓ LÝ (Diễn Đàn Khai Phóng)

 



SCHRÖDER CÓ LÝ

Diễn Đàn Khai Phóng

08.10.2024 15:59

https://diendankhaiphong.org/schroder-co-ly/

 

Chuyên gia Ukraine bàn về những phát biểu gây tranh cãi của cựu Thủ tướng về Putin


Tác giả: Thomas Sabin phỏng vấn cựu đại tá Ralph Thiele, FOCUS Online, Thứ tư 25.09.2024


Biên dịch: Ninh Dương

 

Cựu Thủ tướng, một người bạn của Putin, Gerhard Schröder, nói về sự đánh giá không đúng mức của phương Tây về nguy cơ xung đột leo thang trong cuộc chiến Ukraine và về việc làn mức hòa bình đã đến gần như thế nào – cũng như cách thức “các thế lực hùng mạnh” đã ngăn chặn không cho điều đó xảy ra.

 

Ralph Thiele, chuyên gia cuộc chiến Ukraine, nhận định về các phát biểu của Schröder.

 

HÌNH : https://diendankhaiphong.org/wp-content/uploads/2024/10/nd08-schroeder.jpg?w=1024

 

Cựu Thủ tướng và người bạn của Putin, Gerhard Schröder, đã trò chuyện trong khoảng hai giờ về tình hình quốc tế hiện tại và những nguy cơ của cuộc chiến tại Ukraine, -theo lời mời của “Weltwoche”. Schröder nhấn mạnh rằng phương Tây đã đánh giá thấp mối nguy cơ xung đột leo thang, rằng một Ukraine gia nhập NATO sẽ không phải là một mối đe dọa cấp bách đối với Nga, và hòa bình thật ra đã nằm trong tầm tay. Tuy nhiên, “các thế lực hùng mạnh” đã chặn đứng điều này.

 

Ralph Thiele, chuyên gia quân sự, nhà nghiên cứu về cuộc chiến ở Ukraine, và là chủ tịch Hiệp hội Chính trị-Quân sự, đồng tình một phần với quan điểm của nhân vật đã bị SPD thanh trừ, trong một cuộc phỏng vấn do FOCUS Online thực hiện.

 

Đồng thời, ông vạch ra những chỗ đúng và sai của Schröder.

 

 

Ông ấy có lợi thế vì hiểu rõ Putin”

 

FOCUS online: Ông Thiele, gần đây cựu Thủ tướng Schröder đã phát biểu tại một sự kiện ở Zürich rằng phương Tây đã đánh giá thấp nguy cơ xung đột leo thang trong cuộc chiến Ukraine. Ông ấy có nói đúng không?

 

Ralph Thiele: Trước hết, Schröder là một chính trị gia rất thông minh, đã cho thấy những đánh giá của ông có thể chính xác, ngay cả khi nó đi ngược lại với dư luận hoặc xu hướng chung. Do đó, tôi sẽ lắng nghe kỹ những lời ông ta nói.

 

Và ông ấy biết rõ Putin.

 

Thiele: Thật vậy, ông ta có lợi thế là biết rõ Putin. Điều này giúp ông dễ dàng hơn trong việc đánh giá các phản ứng từ hệ thống chuyên quyền này. Ấn tượng của tôi cũng vậy, khi nhìn vào việc các thế hệ trẻ và lớn tuổi đánh giá cuộc khủng hoảng: Những người lớn tuổi, đã góp nhặt được nhiều kinh nghiệm với Nga trong cuộc Chiến tranh Lạnh, thận trọng hơn nhiều trong việc đánh giá về cơ nguy khi đối phó với Nga so với những người trẻ tuổi.

 

Ở mức độ nào?

 

Thiele: Những người trẻ thường nói: “Chúng ta hãy làm điều gì đó khác biệt, thử nghiệm một cái mới”. Thế hệ lớn tuổi, được định hình bởi kinh nghiệm của họ và biết những điều khủng khiếp có thể nảy sinh nếu chọn vị thế không đúng. Những người trẻ tuổi không có trải nghiệm xấu này, tuy đó là điều tốt cho họ nhưng đối với chúng ta nó có thể tiềm ẩn những rủi ro lớn.

 

 

“Tư cách thành viên NATO của Ukraine đang và vẫn là một lý do mạnh mẽ để Putin tham chiến”

 

Schröder cũng nói rằng việc Ukraine gia nhập NATO sẽ không là mối đe dọa cấp tính đối với Nga. Điều này trực tiếp bác bỏ một trong những lập luận chính yếu mà Điện Kremlin sử dụng để biện minh cho cuộc chiến chống lại Ukraine.

 

Thiele: Khác với Schröder, tôi nghĩ tư cách thành viên NATO của Ukraine vẫn luôn là lý do mạnh mẽ để Putin tham chiến. Trước hết nó sẽ cho phép Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, cũng như Vương quốc Anh và một số nước Đông Âu tự do hoạt động ngay trên thềm biên giới Nga. Ngay khi cuộc Chiến tranh Lạnh vừa kết thúc, lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã có mặt ở Georgien. Sự hỗ trợ quân sự của phương Tây dành cho Ukraine cũng xảy ra từ rất sớm, mạnh mẽ và tích cực ngay từ đầu. Đây là tất cả những điều khiến bất kỳ cường quốc nào

cũng phải lo ngại nếu nó diễn ra trên vùng biên giới của mình.

 

Vậy thì Putin chỉ phản ứng lại thôi sao?

 

Thiele: Không chỉ riêng đối với Putin, Trung Quốc cũng không muốn có quân đội ở sát biên giới mình, Mỹ cũng vậy. Chúng ta hãy nhớ đến cuộc khủng hoảng Kuba. Đó là điều không thể chấp nhận được đối với nước Mỹ. Đây là một quan điểm kinh điển của một cường quốc. Vì vậy, tôi nghĩ rằng sẽ không có hòa bình nếu có sự đảm bảo Ukraine gia nhập NATO. Như thế, Schröder đã sai ở điểm này.

 

 

Sự giúp đỡ vô điều kiện này của chúng ta thật ngây thơ”

 

Schröder cũng chỉ trích sự giúp đỡ của EU dành cho Ukraine. Ông đề xuất rằng nên kết hợp cung cấp viện trợ tài chính và vũ khí tự vệ với yêu cầu chính phủ Selenskyj phải đưa ra các kịch bản hòa bình nghiêm túc và thực tế. Ông có nghĩ điều này là hợp lý không?

 

Thiele: Đây chính là tiếng nói từ con người chính trị thông minh của ông ta. Nhìn chung, sự giúp đỡ vô điều kiện này của chúng ta thật là ngây thơ. Ngay từ đầu, việc hỗ trợ quân sự cũng xảy ra như thế. Không phải lúc nào người Ukraine cũng biết rõ những thứ gì họ cần.

 

Điều đó cụ thể là gì?

 

Thiele: Ví dụ, ban đầu các thợ may, nha sĩ và thợ làm tóc được tuyển vào quân đội, những người không phải là binh lính có kinh nghiệm và không có đủ khả năng để đánh giá những gì họ cần ở tiền tuyến. Khái niệm về chiến tranh thông minh kết nối, như chúng ta hiểu ở phương Tây, rất khó để họ nắm bắt. Một số yêu cầu cũng khó hiểu và nạn tham nhũng cản trở khả năng tự vệ của Ukraine. Tất cả những điều này cho thấy tầm quan trọng của việc trợ giúp, có thể là vô điều kiện trong lĩnh vực nhân đạo, nhưng vẫn cần phải cảnh giác – chẳng hạn như vấn đề tham nhũng. Nhất là trong lãnh vực viện trợ quân sự và kinh tế, sự hỗ trợ nên được kèm theo điều kiện. Người Mỹ tiến hành điều này rất nghiêm ngặt, trong khi người Đức chúng ta lại khá ngây thơ.

 

Người Mỹ thực hiện điều đó như thế nào?

 

Thiele: Người Mỹ đã thành lập tổ chức riêng của họ trong lãnh vực quân sự để giám sát việc không có điều gì bất thường xảy ra cho số vũ khí mà họ chuyển giao cho Ukraine. Họ kiểm tra để đảm bảo rằng vũ khí thực sự đến nơi quy định. Điều này hoàn toàn cần thiết bởi vì chúng ta đã thực sự thấy vũ khí dành cho Ukraine xuất hiện trên thị trường chợ đen ở Rumänien, Ungarn und Polen. Vì vậy, đây không phải là một điều viển vông mà là một mối lo ngại có cơ sở. Và về mặt chính trị, điều này đã diễn ra từ lâu: Nếu bạn muốn thứ gì đó từ người Mỹ, trước tiên bạn phải đến thăm ngành công nghiệp và ký hợp đồng rồi mới được gặp các chính trị gia tầm cỡ. Đó là phong cách kinh điển của người Mỹ.

 

 

Chiến thắng Putin? “Một mơ tưởng, xa rời thực tế”

 

Schröder cũng bày tỏ quan điểm rằng cuộc chiến ở Ukraine không thể giải quyết được trên bình diện quân sự và sự thỏa hiệp là cần thiết. Điều đó có nghĩa là: Putin cũng không thể chiến thắng. Ông có đồng ý không?

 

Thiele: Điều tôi nhận thấy trước tiên là Ukraine không thể giành chiến thắng về mặt quân sự. Tôi đồng ý. Bởi vì nó sẽ đồng nghĩa với việc đánh bại Nga. Nhưng thắng Nga cũng là câu chuyện mà Selenskyj mang đến Washington với “kế hoạch chiến thắng” của mình. Thế nhưng, đó chỉ là một điều mơ tưởng, xa rời thực tế. Trong bối cảnh này, Schröder đã đúng. Tôi không tin rằng Nga không thể giành chiến thắng trước phương Tây hoặc Ukraine. Điều này là do sự ngờ nghệch trong cách tiếp cận chiến lược của chúng ta. Nga có nền kinh tế có quy mô tương đương với Ý. Phương Tây có thể dễ dàng trang bị vũ khí chống Nga đến cùng, nhưng chúng ta không làm điều đó. Các nước NATO, ngoại trừ Mỹ, không mạnh hơn và vượt trội so với Nga. Ngược lại là đằng khác. Làm sao bạn có thể gây ấn tượng với Putin? Không giống như ông ta, chúng ta không xây dựng một nền kinh tế chiến tranh. Putin đánh cược vào sự thoải mái, an nhàn của chúng ta, và có thể là ông ấy đúng.

 

Cựu thủ tướng cho biết ông đã được phía Ukraine tiếp cận đề nghị tham gia các cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul. Ông đưa ra những thông tin về các cuộc đàm phán cấp cao giữa Nga và Ukraine mà vợ ông đã ghi biên bản. Ông khẳng định, ngược hẳn với một số công bố trên các phương tiện truyền thông, hòa bình từng đã rất gần kề. Điều này có đúng không?

 

Thiele: Schröder thường bị chế giễu và đẩy về phía “những người hiểu Putin”, nhưng nhìn chung, tôi nghĩ có phần đúng trong những gì ông ấy nói. Schröder thực sự là một người phù hợp, cũng như Trung Quốc là một quốc gia phù hợp, để đàm phán với Putin về ngưng bắn và hòa bình, nhờ mối quan hệ tin cậy của họ. Thật đáng tiếc khi chúng ta đã không tận dụng được tiềm năng này, bởi vì Schröder đã bị mất uy tín trong nội bộ đảng do có quan hệ gần gũi với Putin. Đây là vấn đề lợi ích và lợi ích của Đức đáng ra phải là chấm dứt cuộc chiến, vì chúng ta cũng đang phải trả giá đắt cho nó. Ngay chính đối với các cuộc đàm phán: chắc chắn có rất nhiều cách diễn giải khác nhau. Nhưng khi Schröder nói hòa bình đã gần kề thì ít nhất điều đó cũng không quá xa vời thực tế.

 

Tôi có thể hình dung ra rằng, đã có những cân nhắc về việc chấp thuận đề xuất của Schröder.”

 

Schröder cũng nói rằng ban đầu ông đã đưa ra một đề xuất thỏa hiệp có khả năng được đa số đồng thuận. Đề xuất này bao gồm việc giữ nguyên các vùng lãnh thổ phía đông Ukraine. Đối với Krim, sẽ có một giải pháp tương tự như Nam Tirol, tức là trở thành một vùng lãnh thổ tách rời của Nga. Và việc gia nhập NATO của Kiew sẽ bị đình chỉ. Thế nhiên, theo Schröder, thỏa hiệp này đã thất bại vì chính phủ Selenskyj không được quyền tự do quyết định. Ông ám chỉ rằng có “những vòng tròn quyền lực hơn” đằng sau Selenskyj đã ngăn chặn hòa bình. Ý của ông ấy là gì?

 

Thiele: Những cuộc đàm phán hòa bình này diễn ra trong tình huống Nga đang chịu nhiều tổn thất. Khi đó, người Ukraine đã gây nhiều thiệt hại lớn cho binh lính Nga, những người không được chuẩn bị kỹ lưỡng cho chiến tranh và đã rơi vào tình huống sa lầy trong cuộc hành quân vào Kiew. Thực ra, Putin đã kỳ vọng rằng nó sẽ là một cuộc hành quân đơn giản như năm 2014 và sẽ nhanh chóng đưa Kiew trở lại quỹ đạo của Nga. Trong bối cảnh này, với nhận thức rằng lực lượng vũ trang của Putin không đủ sức chiến đấu, cuộc đàm phán tất nhiên có thể được tiến hành một cách bình đẳng. Do đó, tôi có thể hình dung được rằng đã có những cân nhắc về việc chấp nhận đề xuất của Schröder nhằm tránh việc kẻ thù, là NATO, hiện diện ngay trước ngưỡng cửa Nga. Nên nhớ là các căn cứ của CIA và phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ ở Ukraine, những nơi mà vào thời điểm đó đã bị hạ thấp tầm quan trọng đi, nhưng nó thực sự tồn tại. Trong bối cảnh này, sự hiện diện của Mỹ ngay sát biên giới chắc chắn kém phần hào hứng đối với Putin. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng có thể đề xuất của Schröder đã nhận được sự đồng thuận của đa số.

 

 

Và “những vòng tròn quyền lực hơn” đằng sau Selenskyj?

 

Thiele: Chúng ta cũng nghe từ những người khác rằng “các thế lực”, đặc biệt là Mỹ, Kanada và Anh, đã nhìn thấy một cơ hội thực sự để đánh bại Nga. Do Selenskyj được người Ukraine bầu chọn để chấm dứt xung đột với Nga, nên ông có thể đi đến một thỏa hiệp để chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, cùng lúc đó, có thể một áp lực mạnh mẽ từ bên ngoài đã được tác động để chống lại.

 

 

Mỹ muốn Châu Âu gánh vác phần lớn gánh nặng”

 

Schröder nhấn mạnh rằng có những tình huống mà lợi ích của Châu Âu và Mỹ khác biệt, và điều này đang xảy ra hôm nay. Ông cũng cho rằng Đức nên quan tâm đến việc kết thúc chiến tranh vì nó khiến chúng ta phải trả giá đắt, trong khi người Mỹ lại muốn đánh bại Putin. Schröder có lý ở đây không?

 

Thiele: Đúng vậy. Nhưng còn có một khía cạnh khác. Yếu tố kinh tế không thể bị xem nhẹ. Mỹ và Trung Quốc đang trên đà chiếm lĩnh phần còn lại của thế giới về mặt kinh tế. Châu Âu đang trở thành con bò sữa béo bở cho cả hai, điều này chúng ta có thể thấy rõ trong việc cung cấp vũ khí. Mỹ và các đồng minh hưởng lợi nhiều hơn từ cuộc chiến ở Ukraine so với châu Âu. Hơn nữa, người Anh và người Mỹ còn có khẩu hiệu “vào nhanh, ra nhanh”. Người Mỹ thường ở lại lâu hơn, nhưng họ không còn muốn bị mắc kẹt vô tận như ở Việt Nam. Lợi ích chính của Mỹ nằm ở châu Á, nơi các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động. Mỹ luôn tìm kiếm những đối thủ lớn, và sau khi đối phó với “con gấu Nga” giờ đây họ nhắm đến “con rồng Trung Quốc”. Xung đột ở vùng Vịnh và sự kiện ngày 7/10 đã buộc Mỹ phải tập trung lực lượng. Sự quan tâm của Mỹ là 1. Châu Á, 2. Trung Đông và 3. Ukraine. Do đó, Ukraine đang trở thành một thách thức khu vực đối với Mỹ. Cho nên, họ muốn châu Âu gánh vác phần lớn gánh nặng – cả về mặt quân sự, quốc phòng và tái thiết. Châu Âu phải gánh chịu chi phí, trong khi Mỹ sẽ quay trở lại khi có cơ hội để thâu lợi nhuận.

 

 

Tôi có hiểu đúng không, ông đang cáo buộc Mỹ chỉ tham gia vì lý do kinh tế? Joe Biden là một người luôn ủng hộ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, và rất quan tâm đến châu Âu.

 

Thiele: Ngay cả với Biden, chiến lược không phải là vấn đề chủ yếu mang tính cảm xúc mà là sự kết hợp những cân nhắc hợp lý, trong đó mối quan hệ đối tác đóng vai trò quan trọng, đặc biệt về mặt kinh tế. Bạn có thể đọc điều này trong các hướng dẫn chiến lược mà ông ấy đã ban hành ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 3 năm 2021. Theo đó, ông tìm cách đưa Mỹ vào một vị thế quyền lực, trước hết dựa trên nền tảng kinh tế cải thiện, cùng với hiệu suất tốt hơn trong các tổ chức quốc tế, khả năng quân sự hiện đại hóa, ngoại giao và “Mạng lưới liên minh và đối tác vô song của Mỹ”. Người ta có thể thấy rằng mối quan tâm của Biden đối với NATO và châu Âu mang tính chức năng, với mục tiêu củng cố địa vị của Mỹ trên thế giới. Ngoài ra, nó cũng chứa đựng yếu tố giá trị. Và đó là điều là tâm huyết của ông ta.

 

 

Sự đoàn kết của người Nga với Putin có xu hướng trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến”

 

Schröder cũng nói rằng vào thời điểm đó, giới truyền thông và các tướng lĩnh Mỹ tin chắc rằng có thể đánh bại Putin về mặt quân sự và truất phế ông ta. Tuy nhiên, cựu Thủ tướng đã loại bỏ ý tưởng này. Đa số người Nga ủng hộ Putin và tin rằng “phương Tây chỉ sử dụng Ukraine như một mũi nhọn để khiến Nga khuất phục”. Điều này đúng đến đâu và nó có phải là kết quả của một bộ máy tuyên truyền Nga hoạt động hiệu quả?

 

Thiele: Đây không chỉ là tuyên truyền. Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến thông tin bên cạnh cuộc chiến pháo binh và tiêu hao. Mọi tranh luận của các bên đều vượt ra ngoài phạm vi thực tế. Putin nói những điều vô lý với đồng bào của mình để huy động họ, đồng thời phổ biến rộng rãi trên thế giới rằng Mỹ đang dùng Ukraine như một công cụ ủy nhiệm với mục đích làm suy yếu Nga và trục lợi về mặt kinh tế. Quan điểm này được nhiều quốc gia, chẳng hạn như Ấn Độ, Brasilien và Nam Phi chia sẻ, những quốc gia có xu hướng hoài nghi Mỹ và phương Tây. Các giá trị của chúng ta thường được các nước ở Châu Á hoặc Châu Phi xem là phương tiện để đạt được lợi thế kinh tế. Vì vậy, nhiều người tin những gì Putin nói và xem hệ thống vũ khí của phương Tây ở Ukraine như là bằng chứng.

 

 

Còn người dân Nga thì sao?

 

Thiele: Sự đoàn kết của người Nga với Putin có xu hướng trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến. Đây là điều cần phải được xem xét nghiêm túc. Đồng thời, chúng ta đã được nghe suốt hai năm rưỡi rằng Ukraine đang chiến thắng, nhưng giờ thì chúng ta lại thấy họ đứng bên bờ vực. Ở đây cũng vậy, sự thật đã bị bóp méo, điều này không góp phần củng cố Ukraine. Rốt cuộc, nó đã làm cho Putin mạnh hơn và chúng ta yếu đi.

 

./.

 

Ralph D. Thiele


Biên dịch: Ninh Dương

 

Nguồn: https://www.focus.de/politik/ausland/ukraine-krise/ralph-d-thiele-im-interview-schroeder_id_260337701.html#:~:text=Ralph%20D.%20Thiele

 

Giới thiệu nhân vật: Đại tá -đã nghỉ hưu- Ralph D. Thiele

 

Đại tá -đã nghỉ hưu, Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Ralph D. Thiele là chủ tịch Hiệp hội Chính trị-Quân sự, Berlin, chủ tịch hiệp hội EuroDefense (Đức) và Giám đốc điều hành của StratByrd Consulting.

 

Trong sự nghiệp quân sự của mình, ông từng đảm trách nhiều vị trí quan trọng, bao gồm tham gia Ban kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhân viên Văn phòng cá nhân của Tổng tư lệnh NATO, giữ vai trò Tham mưu trưởng tại Học viện Phòng thủ NATO, Tư lệnh Trung tâm Chuyển đổi và Giám đốc Đào tạo tại Học viện Chỉ huy Quân đội Liên bang Đức.

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats