Monday, 7 October 2024

ÔNG TÔ LÂM THĂM MÔNG CỔ : NHÌN LẠI HÀNH TRÌNH KHÁC NHAU CỦA HAI QUỐC GIA (RFA)

 



 

Ông Tô Lâm thăm Mông Cổ: nhìn lại hành trình khác nhau của hai quốc gia

RFA
2024.10.07

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/to-lam-visits-mongolia-looking-back-at-the-different-journeys-of-the-two-countries-10072024125807.html  

 

Hôm 1 tháng Mười, 2024, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm kết thúc chuyến thăm Mông Cổ, tiếp tục lên đường thăm Ireland và hiện thăm chính thức nước Pháp. Đây là chuyến công du dài ngày, diễn ra ngay sau một chuyến công du dài ngày khác vừa kết thúc của ông Tô Lâm tới  Liên Hiệp quốc, Hoa Kỳ và Cuba từ 22 đến 27 tháng Chín. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/to-lam-visits-mongolia-looking-back-at-the-different-journeys-of-the-two-countries-10072024125807.html/@@images/47d7bd7c-644a-4109-854b-6034c893f510.jpeg

Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh đón Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tại Thủ đô Ulaanbaatar ngày 30/9/2024    (Chính phủ Việt Nam)

 

Mông Cổ là nước có vị trí địa chiến lược khá đặc biệt: nằm giữa sa mạc, bốn phía bị bao quanh bởi hai cường quốc độc tài lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Nga nhưng quốc gia nhỏ bé này đã có những bước đi dân chủ hóa một cách mạnh mẽ và quyết đoán. 

 

Về mặt địa lý, Mông Cổ chỉ có hai láng giềng là Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, nước này đã xây dựng chương trình “đối tác láng giềng thứ ba” (the Strategic Third Neighbor Partnership) với Hoa Kỳ dù Hoa Kỳ ở phía bên kia địa cầu. Sự hợp tác này nhấn mạnh vào ba trụ cột: phát triển kinh tế, phát triển hệ thống dân chủ và phát triển hợp tác quân sự, an ninh. 

 

Nhiều nhà quan sát đặt ra câu hỏi tại sao Mông Cổ lại là nước được lãnh đạo Việt Nam chọn thăm ngay sau khi thăm Hoa Kỳ, Cuba. Các nhà quan sát đưa ra nhiều giải thích về mặt địa chiến lược và hai con đường trái ngược của Việt Nam và Mông Cổ sau khi Liên Xổ sụp đổ. 

 

 

Mông Cổ xích lại gần Hoa Kỳ quyết đoán hơn Việt Nam 

 

Năm 2019, Mông Cổ nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên “đối tác chiến lược”. Bốn năm sau, năm 2023, Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên hàng “đối tác chiến lược toàn diện”, tức là cao hơn mối quan hệ Hoa Kỳ - Mông Cổ một bậc. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, mối quan hệ Mông Cổ - Hoa Kỳ mới thực sự “toàn diện” và đi sâu vào phát triển các vấn đề có tính “chiến lược” hơn mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.  

 

Trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer ở Đại học UNSW Canberra điểm lại các bước đi của Mông Cổ đối với Hoa Kỳ và các đồng minh, so sánh với Việt Nam, và khẳng định rằng Mông Cổ đã nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này một cách quyết đoán hơn Việt Nam. Các nguồn lực của Mông Cổ không thể so sánh với Việt Nam: dân số chưa tới 3,5 triệu người, GDP chưa đầy 22 tỷ USD, không có biển, nằm giữa sa mạc và bị bao quanh bởi Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam có hơn 100 triệu dân, GDP gấp hai mươi lần Mông Cổ, giáp với Biển Đông và nằm ở trung tâm Đông Nam Á về mặt địa lý. Theo Giáo sư Carl Thayer, Mông Cổ “không có chính sách quốc phòng bốn không” như Việt Nam. Và quan trọng hơn, “quân đội Mông Cổ đã đến Afghanistan với Hoa Kỳ!”

 

Luật sư Vũ Đức Khanh, Giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Ottawa, Canada, đồng tình với nhận định của GS Carl Thayer và đồng thời cho rằng sự quyết đoán của Mông Cổ đã bắt đầu từ giai đoạn cuối cùng của Liên Xô chứ không phải đợi đến những năm gần đây. 

 

Năm 1911, Trung Hoa Dân Quốc sau khi lật đổ nhà Mãn Thanh đã chiếm đóng Mông Cổ. Đến năm tháng 1 năm 1921, lực lượng Bạch Vệ Nga đã đẩy lùi quân Trung Quốc và giành quyền thống trị Mông Cổ. Đến tháng 6 cùng năm, lực lượng Cộng sản Nga tiến vào Mông Cổ, đánh bại Bạch Vệ Nga và dựng lên chế độ xã hội chủ nghĩa ở Mông Cổ từ đó đến năm 1991. Điểm lại lịch sử hiện đại nói trên của Mông Cổ, Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng đó là bối cảnh dẫn đến sự khác biệt giữa Mông Cổ và Việt Nam khi Liên Xô bắt đầu sụp đổ. Ông nói tiếp: 

 

“Tháng 12 năm 1986, khi ĐCSVN tiến hành đại hội 6 để đổi mới, thì tháng 1 năm 1987, Hoa Kỳ thiết lập bang giao với Mông Cổ, đến tháng 6, họ thành lập đại sứ quán tại thủ đô Mông Cổ Ulaanbaatar. Tức là khi Liên Xô đã tan ra và Việt Nam biết là không thể bám vào Liên Xô thì Mông Cổ đã đi xa hơn Việt Nam rồi. Năm 1991 lại là một dịp đặc biệt khác. Trước khi Liên Xô sụp đổ vào tháng 12 thì Mông Cổ đã làm một cuộc cách mạng dân chủ một cách hòa bình, xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản ở Mông Cổ.”

 

Với những bước đi như vậy, Luật sư Vũ Đức Khanh đồng tình với Giáo sư Carl Thayer rằng Mông Cổ đã có những bước đi quyết đoán hơn Việt Nam trong quan hệ với Mỹ. Theo Luật sư Khanh, Việt Nam chỉ loay hoay với chính sách đu dây, còn Mông Cổ dứt khoát hơn. Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng chúng ta có thể nhìn từ quán tính lịch sử. Trước khi Liên xô sụp đổ, Mông Cổ đã ngả về phía Mỹ và sau khi Liên Xô sụp đổ thì lập tức dân chủ hoá, còn Việt Nam lập tức tới Thành Đô bắt tay với Trung Quốc. Việt Nam bắt tay với Mỹ chậm 8 năm. Theo Luật sư Khanh, điều này có thể được giải thích từ quán tính lịch sử: một bên từng bị Trung Hoa thống trị trong đêm dài "ngàn năm Bắc thuộc", còn bên kia từng thống trị Trung Hoa trong suốt triều đại nhà Nguyên thế kỷ 13 và 14. 

 

 

Việt Nam - Mông Cổ trong cạnh tranh Mỹ - Trung 

 

Trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer cho rằng sự cạnh tranh toàn cầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có nhiều chiều hướng, bao gồm cả việc quốc gia nào đưa ra mô hình phát triển tốt nhất. Chính quyền Biden lập luận rằng sự lựa chọn của các nước khác không phải là chọn phe mà là giữa chế độ chuyên quyền và dân chủ. Trong bối cảnh đó, Mông Cổ là một ví dụ về một quốc gia đã chuyển từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ kể từ khi  Liên Xô sụp đổ. Mông Cổ cũng tìm cách duy trì nền độc lập của mình khỏi Trung Quốc và Nga bằng cách thúc đẩy chính sách "Láng giềng thứ ba" bằng cách thiết lập quan hệ với các quốc gia bên ngoài khu vực lân cận của mình. Hoa Kỳ đã trở thành đối tác chiến lược thứ năm của Mông Cổ vào năm 2019. GS. Carl Thayer nhấn mạnh sự hỗ trợ của Hoa Kỳ được cung cấp để giải quyết nạn tham nhũng tràn lan và thúc đẩy quản trị tốt. Ngày nay, Mông Cổ là một trong hai mươi mốt quốc gia tham gia Quan hệ đối tác dân chủ của Hạ viện Hoa Kỳ. Ngoài ra, kể từ năm 2002, Mông Cổ cũng đã đóng góp hơn 18.000 nhân sự cho Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trên toàn thế giới. Từ năm 2003, Mông Cổ và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (trước đây là Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ) đã đồng tổ chức Khaan Quest, một cuộc tập trận quân sự đa quốc gia nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực ở Đông Bắc Á.

 

Theo GS Carl Thayer, Mông Cổ đóng góp vào an ninh ở Châu Á bằng cách trở thành một ví dụ thành công về một quốc gia đã chuyển đổi thành công sang nền dân chủ với sự hỗ trợ từ bên ngoài. Mông Cổ từ đó cũng trở thành quốc gia đóng góp đáng kể cho các nỗ lực gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc.

 

Trong khi đó, cả GS Carl Thayer và Luật sư Vũ Đức Khanh đều chỉ ra sự khác biệt của Việt Nam so với Mông Cổ là Việt Nam kiên trì chính sách ngoại giao quốc phòng “bốn không”. Ngoài ra, Mông Cổ nhấn mạnh cả ba trụ cột là kinh tế, phát triển hệ thống dân chủ và quân sự, an ninh với Hòa Kỳ. Trong khi đó, Việt Nam né tránh hợp tác với Hoa Kỳ về vấn đề phát huy dân chủ, nhân quyền, chỉ muốn hợp tác quốc phòng và kinh tế.

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats