Friday 4 October 2024

NHÃ NAM và CÂU CHUYỆN CỦA R (Dạ Thảo Phương | Báo Tiếng Dân)

 


Nhã Nam và câu chuyện của R

Dạ Thảo Phương   |   Báo Tiếng Dân

04/10/2024

https://baotiengdan.com/2024/10/04/nha-nam-va-cau-chuyen-cua-r/

 

Việc tác giả Đặng Hoàng Giang lần đầu tiên ra mắt tác phẩm mới không phải ở Nhã Nam làm tôi nhớ đến câu chuyện của R.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/10/1-6-1024x1024.jpg

Ảnh chụp bìa sách của tác giả Đặng Hoàng Giang sắp xuất bản

 

R là luật sư, đến từ một nước phương Tây luôn nằm trong top giàu có, văn minh nhất thế giới. Cha cô là thẩm phán cấp cao. Họ của R trùng với họ của một cố tổng thống rất nổi tiếng (không rõ có họ hàng gì không hay chỉ là trùng hợp).

 

Đám cưới của R ở Anh, gia đình tôi được mời dự nhưng tôi không đi được, cử chồng đi đại diện, về thấy nói là ít người, ấm áp, nhưng rất phong cách “hoàng tộc”. R vừa giản dị, khiêm nhường, vừa luôn toát lên một phong thái “trâm anh” như đã ngấm vào máu, từ cách bài trí nhà cửa, cách tổ chức tiệc xã giao cho đến cách phát âm tiếng Anh, cách thể hiện cảm xúc luôn trang nhã, chừng mực.

 

Hôm đó, tôi nhờ R đọc lại bản tiếng Anh của bài thơ “Trại tâm thần” mà tôi định trình diễn. Câu chuyện lan man dây cà ra dây muống, rồi đột nhiên, dường như chẳng có gì liên quan, R bảo: “Chị gái tôi cũng là một người có vấn đề tâm thần”.

 

R kể, chị gái đã bị cưỡng bức trong phòng thể dục của trường, bởi ba kẻ cùng học. Cô bị trầm cảm ngày càng nặng, phải nghỉ học. Bố mẹ cô cũng phải bỏ tất cả mọi việc, đưa con đi chữa chạy khắp nơi, từ những bệnh viện hiện đại hàng đầu thế giới, đến những thiền viện ở Ấn Độ, Thái Lan, v.v…

 

“Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể, nhưng không gì có tác dụng”. Càng ngày, cô càng trở nên ngơ ngẩn, lúc tỉnh lúc mê, tâm trí như đã rong chơi ở một thế giới khác. Một thời gian bệnh thuyên giảm, cô có bạn trai, có một đứa con, rồi lại chia tay. Cô không thể tự lo cho bản thân, phải ở chung với bố mẹ. Ông bà tuổi già đau yếu nhưng vẫn phải chăm nuôi cả con cả cháu như chưa hết tuổi con mọn. Gia đình cô vĩnh viễn không bao giờ trở lại “bình thường” được nữa.

 

R kể chậm, ngắn. Tôi không nỡ hỏi chi tiết, không dám cả chạm vào tay cô. Chỉ ngây người nhìn cô ngồi so ro trên ghế, nước mắt rơi, khuôn miệng hay cười giờ nhăn nhúm như một vết sẹo sâu.

 

Tôi sốc. Không ngờ mình lại nghe một câu chuyện như vậy từ con gái một gia đình như vậy, ở một đất nước như vậy! Mà chị em R đều 8x, chứ không phải một thế hệ cũ xưa nào.

 

Nhưng đoạn sau của câu chuyện mới làm tôi bị sốc hơn. Tôi hỏi R: “Bọn đó bị đi tù bao nhiêu năm?”. (Dám động vào con gái của thẩm phán cấp cao!).

 

R rúm người lại hơn, lắc đầu:

 

– Không có phiên toà nào hết. Bọn chúng vẫn sống nhơn nhơn như chưa từng gây ra việc đó, có lẽ giờ đã là những “công dân được kính trọng”. Tôi không muốn tìm hiểu tin tức của chúng.

 

– Tại sao không kiện?!

 

– Gia đình tôi lựa chọn như vậy.

 

– Nhưng… Tại sao? Tại sao?

 

– Chúng tôi đã quyết định lựa chọn như thế. Vậy thôi. Im lặng, tập trung vào chữa chạy cho chị ấy. Không thể nói hết gia đình tôi lúc đó cảm thấy suy sụp thế nào. Không muốn ai biết câu chuyện này, chứ đừng nói gì nghĩ đến kiện tụng. Suốt thời tuổi trẻ, tôi gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp cũng như các mối quan hệ tình cảm, mãi cho đến khi gặp được chồng tôi bây giờ. Chuyện của chị gái cũng thay đổi cả nghề nghiệp của tôi. Trước kia, tôi luôn mơ ước làm diễn viên ba lê. Nhưng rồi, tôi đã quyết định trở thành luật sư, tham gia vào các dự án xã hội chống bạo hành. Công việc này làm tôi phải đối mặt với quá nhiều tổn thương tâm lý, nên sau đó tôi đổi lĩnh vực.

 

Nếu ai đó sống sót được sau khi bị cưỡng bức mà không bị mất trí, người đó đã may mắn hơn chị gái của R. Rất nhiều.

 

Tôi nhớ đến bức ảnh gia đình R để ở phòng khách. Nhớ đến bức ảnh cưới của R. Nhớ đến nụ cười rạng rỡ của R trong những bữa tiệc xã giao. Bao nhiêu người đã như tôi trước đây, luôn chỉ biết về gia đình R như vậy?

 

Rồi tôi lại nhớ đến khuôn miệng nhăn nhúm trong nước mắt của cô. Gương mặt đỏ ửng lên vì khóc mà không có một tiếng nấc. Cô đã thực hành khóc thầm bao nhiêu năm? Tôi tự hỏi về khoảng trống giữa những âm tiết khi cô chậm rãi nói, những năm tháng sinh viên, không chịu được áp lực của tâm lý gia đình sau câu chuyện của chị gái, cô đã “không chỉ một lần, muốn chết”.

 

Con quỷ mang tên xâm hại tình dục ghê gớm hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Nó không phải nhân vật trong một câu chuyện mà bạn đọc trên mạng khi ngả người trên ghế êm, trong phòng làm việc có treo tranh và bày sách. Nó có thể bất thần xồ ra cuộc sống thật bất cứ lúc nào, thộp lấy bất cứ cuộc đời của một ai đó và những người liên quan, dù họ ở môi trường nào, có thân thế thế nào. Đó có thể là bạn, là đứa con bạn hằng bảo bọc, hoặc một con người khác, cũng có cơ thể và cảm xúc như bạn, biết đau đớn khi bị đánh đập, ép buộc, lăng nhục mà không đủ sức tự vệ.

 

Đừng ai nói với tôi rằng không chấp nhận việc kẻ xâm hại tình dục lủi đi khi chưa nhận lỗi là tàn nhẫn, là đuổi cùng giết tận. Rằng, những Lương Ngọc An, Hoàng Anh, Nhật Anh, v.v… dù không xin lỗi nhưng cũng đã tổn danh, mất quyền, kéo theo đó là mất tiền, như vậy là “khổ lắm rồi”.

 

Hãy nghĩ đến cái giá mà những nạn nhân của chúng và người thân của họ phải trả, những cái giá thầm lặng đeo đẳng họ cả cuộc đời mà chính họ còn không thể nói ra! Người thân của những kẻ gây tội không có tội, không ai có quyền kỳ thị họ. Nhưng một lời nhận trách nhiệm của bản thân kẻ gây tội là bước đầu tiên và tối thiểu nhất để thể hiện sự tôn trọng với những mất mát của người bị hại, và để gầy dựng lại danh dự của chính kẻ gây hại. Dung túng, coi nhẹ hành động xâm hại tình dục rồi lại truyền bá về văn hoá, cái đẹp, lương tri, tình yêu mến con người,… thì thử hỏi những truyền bá đó có còn giá trị?

 

Phát xít Đức đã giết hại khoảng mười một triệu người, bao gồm khoảng một triệu trẻ em Do Thái. Nhiều sĩ quan cao cấp của Phát xít là những bộ óc tài năng về khoa học, nghệ thuật. Bản thân Hitler là một người đam mê và có hiểu biết sâu sắc về hội hoạ và âm nhạc cổ điển. Khi thiếu vắng sự tôn trọng thực sự đối với thân phận người khác thì một kẻ thông minh, tài năng cũng có thể trở nên gớm ghiếc.

 

Cách đây một tuần, có người bạn FB đề nghị tặng tôi một cuốn sách dịch, nghe nói là hay. Zoom vào ảnh bìa thì thấy logo của Nhã Nam. Bất giác, tôi cảm thấy dạ dày bị một cơn cuộn lên, phải tắt máy tính luôn. Tôi cũng không ngờ cơ thể mình lại có một phản ứng tức thì như vậy.

 

Tôi chưa bao giờ khuyên ai tẩy chay Nhã Nam, đến giờ cũng vậy. Có lẽ phải nửa giá sách tiếng Việt của tôi hơn chục năm gần đây là sách của Nhã Nam, rất nhiều cuốn sách tôi yêu quý, gắn bó đều được xuất bản ở Nhã Nam. Tôi đã từng cứ ra phố sách, thấy logo của Nhã Nam là đã nhiều phần muốn rút ví.

 

Trong vụ bê bối quấy rối tình dục, cách lựa chọn chỗ đứng của Nhã Nam đã tước đi một cơ hội gìn giữ sự sạch sẽ về mặt văn hoá của thương hiệu văn hoá này. Tôi tiếc cho những cá nhân văn minh, có lương tri ở Nhã Nam, họ đã bị vuột mất cơ hội để sự văn minh và lương tri của mình lên tiếng, khẳng định họ không dự phần vào một lối văn hoá ứng xử dung dưỡng cho tệ nạn quấy rối tình dục.

 

Câu chuyện Nhã Nam giờ đã tan chìm trong “bản tin thời tiết” của một “dư luận” luôn nhanh quên, như mọi scandal khác. Nhiều người từng phản đối Nhã Nam dữ dội chắc giờ cũng đã quên. Người viết lại in sách ở Nhã Nam. Bạn đọc lại mua sách Nhã Nam. Các cuộc ra mắt sách chắc lại đông vui. Và các lãnh đạo Nhã Nam, sau hành động đáng hổ thẹn kia, lại có thể ung dung đếm tiền.

 

Nhưng với tôi, những câu chuyện liên quan đến thân phận con người không phải là những scandal, những suất fast food nóng hổi để trí tò mò háu đói dễ dàng vồ vập lấy, rồi dễ dàng lẳng vào sọt rác của lãng quên.

 

Bất kể bao nhiêu năm, chừng nào mà kẻ xâm hại tình dục chưa công khai nhận trách nhiệm thì hắn vẫn cần bị nhìn nhận với tư cách của một kẻ xâm hại tình dục, và gắn với tên tuổi của những kẻ bao che, dung túng cho hắn.

 

Tôi ngừng mua, đọc, cổ vũ cho bất cứ một văn nghệ sĩ, trí thức, tập thể nào sau khi biết họ có thái độ bao che, dung túng cho hành động xâm hại tình dục.

 

Có mấy cuốn sách mới hoặc sắp xuất bản ở Việt Nam mà tôi rất quan tâm: “Phản biện như một chuyên gia” (Lang Minh), “Hơi thở trong bàn tay” (Thái Hạo), “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường” (Đặng Hoàng Giang), “Nexus – Lược sử của những mạng lưới thông tin từ thời đại đồ đá đến trí tuệ nhân tạo” (Yuval Noah Harari- do Bùi Thị Hồng Ninh và Nguyễn Quốc Tấn Trung dịch). May mắn cho tôi, không cuốn nào trong số này in ở Nhã Nam.

 

Thật tốt, là người viết và người đọc hôm nay có nhiều lựa chọn, và có những trường hợp là thông qua sự lựa chọn đó, khẳng định ranh giới đạo đức, trách nhiệm xã hội của cá nhân mình.

 

 

26 BÌNH LUẬN   

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats