“Ngoại giao cây tre”,
như một thứ chủ nghĩa chàng ràng
Nguyễn Hoàng Văn
https://diendantheky.net/nguyen-hoang-van-ngoai-giao-cay-tre-nhu-mot-thu-chu-nghia-chang-rang/
Trong
buổi tiêc trà giữa ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Tổng bí thư, Chủ tịch
nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội vào tháng 12/2023, nhà nước CSVN đã cho
chưng mấy cây tre ngụ ý nói đến trường phái ngoại giao “cây tre Việt
Nam” của ông Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Bi
hài kịch “ngoại giao cây tre”, với hoạt cảnh mới nhất là “cưỡng bức đặc xá”, đã
giúp chúng ta nhận ra rằng, dẫu khác nhau nước lửa, “phóng sinh” và “hiến tế” vẫn
có thể hội tụ ở ý nghĩa “triều cống” khi phải chiều lòng hai cường quốc ở hai đầu
mút của hai hệ tư tưởng trái ngược nhau. [1]
Để
đẹp lòng bên này thì phải nhẫn tâm “hiến tế”, mà để làm hài lòng bên kia thì phải
diễn tuồng “phóng sinh” để có một dáng dấp khai phóng, cởi mở. “Chiến lược ngoại
giao” này, phải chăng, là một trò chơi “ăn bù thua” mà, diễn đạt bằng ngôn ngữ
toán học của Game Theory, là có tổng bằng không?
Đó
là công trình đoạt giải Nobel Kinh Tế 1994 của nhà toán học John Forbes Nash,
xem xét việc cạnh tranh kinh tế như một trò chơi “zero sum” khi cái được của
bên thắng là phần thiệt của bên thua. [2] Phân giải hành vi và toan tính của
con người bằng những nguyên lý toán học đã khó nhai, nhưng soi xét bằng nguyên
lý nhân quyền và dân quyền thì, cái gọi là “ngoại giao cây tre” kia, còn khó
nhai hơn nữa bởi sự thất đức, vô đạo và vô hậu của nghi thức hiến tế như một
hình thức triều cống.
Đó
là một thứ lệ phí bảo kê mà một nước mạnh áp đặt lên nước yếu để đổi chác sự thừa
nhận, để yên. Khi Ngô Quyền giành lại quyền tự chủ thì Trung Quốc vẫn còn rối
ren nên tổ tiên ta chưa phải gánh chịu trò cống nạp này mà phải chờ đến thời
Đinh Tiên Hoàng, khi nước lớn này đã ổn định việc nội trị, có thể thảnh thơi
thò vòi ra xuống phương Nam. [3]
Hiến
tế lại là một nghi lễ man rợ với niềm tin mê muội rằng, với chút quà tươi thấm
đầy máu nóng, là có thể mua chuộc được thần linh để đánh đổi sự thừa nhận, yên
bình. Khi các bộ lạc vùng Trung Đông cắt cổ dê, khi các sắc tộc thiểu số Tây
Nguyên trên đất nước chúng ta đâm thấu tim trâu, hay khi các bạo chúa ở Nam Mỹ
thời văn minh Inca tàn sát hàng loạt trẻ em trong lời khấn vái của các pháp sư
v.v… tất cả cũng chỉ tin rằng món hối lộ của mình sẽ khiến đấng thiên thượng
hài lòng mà không lên cơn thịnh nộ với đất chuyển, nước dâng, cuồng phong hay dịch
bệnh.
Trái
với hiến tế là phóng sinh, nghi lễ mà hạng người mê tín vẫn đều đặn thực hành
vào rằm tháng Bảy và, xét cho cùng, là trò gian lận công đức với đấng bề trên ở
thế giới bên kia. Bất an với mặc cảm thiếu vắng công quả hay ẩn ức thất đức thì
mới nảy sinh nhu cầu trình diễn công đức và đã có cầu thì tất sẽ có cung với sự
hình thành của cả một “công nghiệp” hay “thị trường” ăn theo. Muốn trả tự do để
cá, chim về với nước và trời như một màn biểu diễn thì sẽ có cá có chim như một
thứ hàng hóa tiền trao cháo múc nhưng hậu quả sẽ là những sinh linh vạ vật cảnh
cá chậu chim lồng lừ đừ đón nhận tự do để rồi quay vòng như một thứ “đạo cụ”
cho vở tuồng trình diễn công đức đến mãn đời bởi thân thể đã bị nhiễm đầy thuốc
mê cho dễ bề tóm lại. [4] Điểm xuất phát đã gian thì những bước đi kế tiếp
không thể không ác và trò gian lận công đức này đã khơi mào cho một chuỗi những
hành vi thất đức, vô đạo và vô hậu. Tước đoạt tự do của những sinh linh khác,
hàng loạt, xem quyền sống tự do của chúng như một món hàng mua bán, là thất đức.
Sử dụng cạm bẫy, thuốc mê để giam cầm chúng như một cuộc đầu tư vô tận là vô đạo.
Rồi, sau cùng, những hành vi phá hoại môi sinh này là gì nếu không phải là vô hậu?
Nhưng
với “ngoại giao cây tre” thì hai hành động trái ngược trên có thể xích lại gần
nhau bởi, nếu “đặc xá” gần với ý nghĩa “phóng sinh” thì, để có được những sản
phẩm cung ứng cho màn kịch này, tất trước đó phải bắt bớ, giam cầm. Mà khi việc
trấn áp này tiến hành với mục đích mua vui hay, ít ra, tránh làm phật lòng
“thiên thượng” thì nó, chính xác, là một hình thức “hiến tế” hiện đại. [5]
Khi
“thiên thượng” là nước lớn phải chiều lòng thì cả hai hành vi trên, “phóng
sinh” hay “hiến tế”, đều mang ý nghĩa “triều cống”. Và khi hai nước lớn ngự trị
ở hai thái cực khác nhau thì phẩm vật triều cống cũng phải ở thế bù trừ: “hiến
tế” với những chiến dịch khủng bố, giam cầm để rồi “phóng sinh”, thậm chí “cưỡng
bức phóng sinh”.
Nhưng
không phải vì thế mà, theo cái nhìn của Game Theory, “ngoại giao
cây tre” là một trò chơi có tổng bằng không.
Theo
lý thuyết này thì, trong cạnh tranh kinh tế, tay chơi nào cũng tìm cách để thắng
và khi cùng tham gia với một ý đồ, họ sẽ ngẫu nhiên tạo nên thế cân bằng gọi là
Nash Equilibrium ở đó ai cũng có lợi và, vạn nhất, nếu ai đó cố ý phá vỡ cân bằng,
y không chỉ gây tổn hại cho người khác mà còn tự rước thiệt hại về mình.
Sự
phá vỡ này, hình dung đơn giản theo một thí dụ trong giáo trình Microecomics dành
cho sinh viên năm thứ nhất, là câu chuyện cạnh tranh giữa hai trạm xăng đối diện
nhau. Chia đều một số khách như nhau, với giá bán ngang nhau, cả hai cùng hưởng
một lợi tức như nhau. Nhưng nếu một bên phá giá để giành khách thì bên kia cũng
sẽ hạ giá tương tự để giữ khách, thậm chí còn phá giá thấp hơn để giật khách và
hai bên có thể say máu trả đũa cho đến một điểm dừng khi đã cùng đường cạnh
tranh. Đó là lúc họ không thể nào hạ giá thêm nữa và, trong khi con số khách
hàng chỉ có chừng đó, bên nào cũng phải è cổ ra bỏ công làm lời, rõ ràng cả hai
bên cùng thiệt hại như nhau, sau khi một bên dại dột phá vỡ cân bằng.
Nhưng
với “ngoại giao cây tre” thì quan hệ lại khác bởi, như có thể dễ dàng nhận ra,
cốt lõi của vấn đề là người lái xe phải chọn giữa hai ông chủ trạm. Khi chủ trạm
nào cũng có thể triệt đường sinh sống của mình thì, tình trạng có khác gì Đằng
quốc, một nước nhỏ thời Xuân Thu, qua bài thơ Hồ Xuân Hương:
Đằng
quốc xưa nay vốn nhỏ nhen,
Lại
còn Tề, Sở ép hai bên.
Ngoảnh
mặt sang Tề e Sở giận,
Quay
đầu về Sở sợ Tề ghen
Quay
mặt về Tề là phá vỡ cân bằng trong mối quan hệ đã đạt với Sở, nghĩa là, với Sở,
phải nhượng bộ thêm nữa mới có thể… tái cân bằng. Mà làm hài lòng Sở thì có
nghĩa là phá vỡ quan hệ ổn định với Tề và, hệ quả là, tư thế thương lượng ngày
càng bị hạ thấp, ngày càng bị bắt chẹt và phần bù sẽ không bao giờ đắp nổi số
trừ nên số tổng càng tụt sâu dưới không, nghĩa là một số âm, ngày càng lụn bại.
Ám
ảnh Tề – Sở của Đằng quốc là nỗi sợ nước lớn mà, sợ, xét cho cùng, cũng là một…
yếu tố kinh tế học. Kinh tế học xây dựng trên tiền đề về lòng tham của con người,
theo đó thì hành vi nào của chúng ta cũng bị chi phối bởi phương châm tối đa
hoá lợi nhuận và tối thiểu hoá thiệt hại. Chăm chăm với lợi nhuận là tham, mà
ngay ngáy với ám ảnh thiệt hại là sợ. Và, cũng trong cái nhìn của kinh tế học
thì, chính vì tham và sợ nên, bất luận làm việc gì, từ một tổng thống tân cử đến
vị chủ tịch hay giám đốc công ty, cũng đều hành động với dụng ý đầu tư cho nhiệm
kỳ kế tiếp. Ám ảnh mất đặc quyền này cũng chính là ám ảnh của “ngoại giao cây
tre”.
Nhưng
lịch sử không phải là một mô hình kinh tế học thuần túy và cuộc đời của mỗi con
người không đơn giản là chuỗi dài những quyết định chỉ căn cứ vào con số lời
lãi. Nhân loại chẳng đã tiến những bước rất dài với những phát kiến địa lý, những
phát minh khoa học, những suy nghiệm triết học hay sáng tạo nghệ thuật hoàn
toàn phi lợi nhuận hay sao? Và, như có thể thấy, rất gần, qua câu chuyện “cưỡng
bức đặc xá”, đâu phải cái sợ nào cũng bị ám ảnh với viễn tưởng mất đặc quyền?
Vì sợ, trước một siêu cường xây dựng sức mạnh trên nền tảng của chủ nghĩa tự
do, chúng ta mới có thể chứng kiến màn hài kịch “cưỡng bức tự do”. Và cũng vì sợ,
nhưng là cái sợ vĩ đại cho tương lai của tổ quốc nên người bị “cưỡng bức” ấy,
ông Trần Huỳnh Duy Thức, mới kiên gan thách thức thể chế với bản án 16 năm
tù.
Cuộc
cạnh tranh này, do đó, cũng là cuộc cạnh tranh giữa hai thứ sợ, cái sợ vĩ đại của
một công dân yêu nước và cái sợ ty tiện của giai tầng cai trị mà, nói theo một
nhà bất đồng chính kiến khác, ông Nguyễn Tiến Trung, là giữa cái sợ mất nước với
cái sợ mất đảng.
Như
thế, cái số tổng dưới không kia, nói theo ngôn ngữ kinh tế học, còn là
“opportunity cost”, những mất mát từ những cơ hội bỏ lỡ khi cái sợ nhỏ nhen đè
bẹp cái sợ lớn lao, khi cả dân tộc bị cầm tù trong nỗi sợ một thiểu số nắm đặc
quyền. Sẽ không có một “tổng bằng không” khi đất nước bị cái thiểu số ấy tước
đoạt bao nhiêu là cơ hội để lớn mạnh như những đất nước từng có cùng cơ hội, từ
Thái Lan đến Singapore, Nam Hàn v.v. Như một dân tộc thì, để lớn, để mạnh, phải
tự tin đối phó với mối đe dọa lớn nhất, phải để những nỗi sợ lớn lao đè bẹp những
cái sợ nhỏ nhen và “ngoại giao cây tre”, do đó, nếu thực sự cần thiết, chỉ cần
thiết như một chiến thuật tùy thời và bất thành văn mà bất cứ nền ngoại giao
nào cũng đều áp dụng, không thể là một chiến lược lâu dài và, thậm chí, còn để
tự hào như một “trường phái”.[6]
“Chủ
nghĩa cây tre”, thực chất, chỉ là một thứ chủ nghĩa chàng ràng, vì thiếu tự
tin. Đường lối ngoại giao đã xây dựng trên nền tảng của sự sợ hãi thì cái trò
xoay trở cầu thân giữa hai siêu cường với những màn “hiến tế” và “phóng sinh”
thất đức, vô đạo và vô hậu chỉ có tác dụng duy nhất là làm mai một lòng tự tin
và sức đề kháng của dân tộc.
Sự
sinh tồn của đất nước đòi hỏi một chọn lựa dứt khoát nhằm đối phó với mối đe dọa
mất nước, không thể để tiếng nói của dân tộc ngày bé lại theo cái tư thế thương
lượng ngày càng xuống giá trong cái dáng điệu lật đật của bọn chàng ràng ngoại
giao.
Nguyễn
Hoàng Văn
—————–
Tham
khảo:
1.
“Trần Huỳnh Duy Thức tố bị ‘cưỡng bức đặc xá,’ khiêng ra khỏi nhà tù”
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/tran-huynh-duy-thuc-to-bi-cuong-buc-dac-xa-khieng-ra-khoi-nha-tu/
2.
Giải Nobel Kinh Tế này cũng được trao cho John Harsanyi và Reinhard Selten.
Riêng John Nash còn được trao giải Abel 2015 về Toán. Nash bị tâm thần, trong
đó có triệu chứng bách hại cuồng từ năm 1959, cuộc đời được diễn tả trong
phim A Beautifull Mind, do tài tử Russell Crowe đảm nhận.
3.
Dẫn theo Hoàng Xuân Hãn, trong Lý Thường Kiệt – Lịch sử Ngoại giao,
Tông giáo đời Lý, xuất bản lần đầu năm 1949, bản của NXB Quân Đội Nhân Dân,
Hà Nội, 2003, trang 52.
Trong Ngoại
giao Việt Nam (NXB Công An Nhân Dân, 2004) ông Lưu Văn Lợi, nguyên là
Trưởng ban biên giới chính phủ, viết rằng lệ triều cống bắt đầu từ năm 1258, tức
triều Trần.
Sự
thật thì triều cống đã có từ thời Lý và, trong 63 năm, các vua Lý đã cử 23 sứ bộ
sang cống nhà Tống. Tuy nhiên các chuyến triều cống này bất định kỳ, chỉ có dịp
đặc biệt cần giao hảo. (Hoàng Xuân Hãn, sđd, trang 84)
Vấn
đề là năm 1258 sứ Nguyên sang nước ta đòi lễ vật hàng năm và nhà Trần đã thương
thảo và cuối cùng chấp nhận hạ giá xuống mức định kỳ ba năm một lần, dẫn
theo Đại Việt sử ký toàn thư, Bản in Nội các quan bản, Hoàng Văn
Lâu dịch và chú thích, Hà Văn Tấn hiệu đính ( Nhà xuất bản Khoa Học xã hội, Hà
Nội 1998) tập 2,trang 29.
4.
“Hành trình trầm luân của chim phóng sinh”
https://baophapluat.vn/hanh-trinh-tram-luan-cua-chim-phong-sinh-post283977.html
5.
“Có hay không bàn tay của Trung Quốc trong vụ bắt giữ nhà hoạt động môi trường?’
và:
“Đàn
áp” làm giới bất đồng chính kiến im lặng về chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận
Bình
6.
“Trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong sự nghiệp đổi mới đất
nước”
No comments:
Post a Comment