Sunday, 27 October 2024

NGA LÀ NƯỚC GÂY CHIẾN TRANH UKRAINE LẠI MUỐN LÀM TRUNG GIAN CHO XUNG ĐỘT Ở TRUNG ĐÔNG (Thu Hằng / RFI)

 



Nga : Nước gây chiến ở Ukraina muốn làm trung gian cho xung đột ở Trung Đông

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 26/10/2024 - 11:13

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20241026-nga-nuoc-gay-chien-o-ukraina-muon-lam-trung-gian-cho-xung-dot-o-trung-dong

 

 Nga : Nước gây chiến ở Ukraina muốn làm trung gian cho xung đột ở Trung Đông ; Nam Phi được lợi gì với BRICS mở rộng ? Indonesia đang bước vào thời kỳ quyền lực cứng rắn và chính trị gia tộc ? Trung Quốc “thanh lọc” mạng internet ; Liên Hiệp Châu Âu trao giải Sakharov cho các nhà đối lập Venezuela ; Bầu cử tổng thống Mỹ : Donald Trump kiện Công Đảng Anh vì can thiệp. Trên đây là một số chủ đề trong Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

 

HÌNH :

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) tiếp tổng thống Palestine Mahmoud Abbas bên lề thượng đỉnh BRICS ở Kazan, Nga, ngày 24/10/2024. AP - Alexander Zemlianichenko

 

Nga : Nước gây chiến ở Ukraina muốn làm trung gian cho xung đột ở Trung Đông

 

Thượng đỉnh BRICS tại Kazan (Nga) trở thành diễn đàn kêu gọi hòa bình và mở đàm phán ở Ukraina và Cận Đông. Mọi đề xuất đều được tổng thống Vladimir Putin của Nga, nước gây chiến ở Ukraina, đón nhận “một cách tích cực”, nhưng với một điều kiện được ông nêu trong buổi họp báo ngày 24/10/2024, “đàm phán dựa trên thực tế” chiến trường, nơi Nga chiếm 20% lãnh thổ Ukraina.

 

Nước gây chiến ở Ukraina còn cố trở thành trung gian giải quyết xung đột Trung Đông. Moussa Abou Marzouk, cố vấn và nhà đàm phán của Hamas đóng tại Qatar, đến Matxcơva ngày 23/10 để thảo luận với quan chức Nga về “chấm dứt các cuộc xâm lược và chiến tranh ở Gaza và trong vùng” cũng như nỗ lực của Matxcơva để thống nhất “các phe phái Palestine”. Còn tổng thống Mahmoud Abbas, trong bài phát biểu tại cuộc họp BRICS mở rộng, đã mạnh mẽ lên án Israel.

 

Đặc phái viên RFI Anissa El Jabri tường trình từ Kazan :

 

“Những lời kêu gọi hòa bình không ngừng được đưa ra tại diễn đàn thượng đỉnh Kazan. Tuyên bố chung nhắc đến rất nhiều cuộc xung đột nhưng các nước thành viên BRICS lại dành những lời kêu gọi cấp bách nhất để chấm dứt cuộc xung đột ở Trung Đông. Nhân danh chính quyền Palestine, ứng viên gia nhập nhóm BRICS từ ngày 27/08, ông Mahmoud Abbas đã đưa ra lời kêu gọi, theo lời dịch của Nga như sau :

 

“Thời điểm đã tới, chúng ta phải chấm dứt bạo lực, bất công và sự bành trướng hoạt động xâm lược của Israel. Israel phải chấm dứt hiện diện bất hợp pháp trên các vùng lãnh thổ Palestine và Đông Jerusalem. Nếu không thực hiện như vậy, chúng ta phải sử dụng các biện pháp trừng phạt chống lại họ. Chúng ta cũng phải làm việc và hợp tác với Liên Hiệp Quốc, với các bên quan tâm đến hội nghị quốc tế vì hòa bình. Vì vậy, chúng tôi cũng trông đợi vào sự ủng hộ của BRICS. Nhóm này có ảnh hưởng thực sự trên trường quốc tế và có thể giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến an ninh”.

 

Về phần tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres vẫn giữ vững lập trường của Liên Hiệp Quốc yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động thù nghịch ở dải Gaza và một nền hòa bình công bằng ở Ukraina”.

 

Nam Phi được lợi gì với BRICS ?

 

BRICS trở thành câu lạc bộ hấp dẫn cho các nước phương Nam. Là nước đầu tiên được 4 thành viên sáng lập (Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga) kết nạp, Nam Phi được hưởng lợi như nào từ năm 2010 ? Thông tín viên Claire Bargelès tại Pretoria giải thích : 

 

“Theo quan điểm của chính phủ Nam Phi, diễn đàn BRICS tạo thêm một nền tảng lựa chọn để yêu cầu một trật tự thế giới mới, công bằng hơn. Tổng thống Cyril Ramaphosa cũng muốn thấy trao đổi thương mại được hưởng lợi nhiều hơn từ việc là thành viên của nhóm này.

 

Ông phát biểu : “Chúng tôi có một lĩnh vực tài chính hiện đại, cơ sở hạ tầng hạng nhất và tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi các nước thành viên khác của BRICS tham gia vào sự phát triển tăng trưởng ở Nam Phi cũng như ở phần còn lại của Châu Phi”.

 

Tuy nhiên, cho đến nay, chủ yếu là trao đổi thương mại song phương với Trung Quốc tăng lên đáng kể, như nhận định của nhà nghiên cứu Arina Muresan tại Viện Đối thoại Toàn cầu (IGD) : “Thương mại với Nga và Brazil ít nhiều bị đình trệ và với Ấn Độ thì tăng nhẹ nhưng rất ít so với trao đổi thương mại với Trung Quốc. Vì vậy, xét về những đóng góp hữu hình, về những gì BRICS mang lại cho Nam Phi, chúng ta mới chỉ thu được những lợi ích nhỏ. Nhưng xét về những đóng góp mang tính biểu tượng hơn, đất nước đã được chú ý trên trường quốc tế. Có thể coi chủ yếu nhờ vào việc Nam Phi tham gia BRICS.

 

Pretoria cũng có thể hưởng lợi từ các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Mới (NBD) của BRICS kể từ khi thành lập vào năm 2014”.

 

 

Indonesia đang bước vào thời kỳ quyền lực cứng rắn và chính trị gia tộc ?

 

Ngày 20/10, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Prabowo Subianto, 73 tuổi, đã chính thức nhậm chức tổng thống Indonesia, quốc gia có 280 triệu dân với đa số là người Hồi Giáo. Thắng lợi bầu cử với số phiếu 58,6% của ông Prabowo xác lập tính gia tộc, “truyền ngôi” trong chính trị Indonesia.

 

Thông tín viên Nguyễn Giang tường trình từ Đài Bắc :

01:44

Nguyen Giang_Dai Bac  

 

“Để lập được một liên minh có sức nặng ra tranh cử, ông Prabowo đã có cú lựa chọn ngoạn mục là nhận ông Gibran Raka, con trai của tổng thống từ nhiệm Joko Widodo (tức Jokowi) làm ứng viên phó tổng thống.

 

Tòa Hiến Pháp Indonesia năm ngoái đã hạ tuổi cần thiết để một chính trị gia có thể ra tranh cử phó tổng thống từ 40 xuống 36, giúp cho Gibran đạt tiêu chuẩn. Chánh án phiên tòa, ông Anwar Usman là em rể của tổng thống Jokowi. Bản thân ông Prabowo là con rể của cố tổng thống, nhà độc tài Suharto trước 1989 và nữ chủ tịch Quốc Hội, Puan Maharani, là con gái nữ cựu tổng thống Megawati và là cháu ngoại cố tổng thống Sukarno.

 

Điều gây ra lo ngại về di sản “dân chủ thụt lùi” sau 10 năm ông Jokowi cầm quyền còn là xu thế để cho quân đội quay trở lại nắm các chức vụ dân sự và việc nhà nước kiểm soát báo chí mạnh hơn.

 

Chính phủ Indonesia đã phục hồi một số luật cũ từ năm 1945 và thời kỳ “Kỷ cương Mới” (New Order) dưới quyền ông Suharto, để cho phép chừng 400 tướng tá được biệt phái sang nắm các chức vụ dân sự gồm cả ngành tòa án. Mới nhất đây, chức tân bộ trưởng ngoại giao được trao cho ông Sugiono, một cựu sĩ quan lực lượng đặc nhiệm Kopassus khét tiếng.

 

Một luật khác có hiệu lực từ 2026 hạn chế quyền của bất cứ ai chỉ trích Nhà nước và một luật về truyền thông đang được thảo luận dự kiến sẽ cấm nhà báo mở các phóng sự điều tra.

 

Trước khi nhậm chức, ông Prabowo đã sang Matxcơva thăm ông Putin và chọn Nga như một chân của kiềng ba chân, bên cạnh hợp tác kinh tế với Trung Quốc và quan hệ an ninh với Hoa Kỳ. Những năm tới Jakarta sẽ ưu tiên quan hệ với các nước lớn, có sức mạnh tài chính hoặc quân sự, chứ không còn giữ vị thế đàn anh trong ASEAN để nâng đỡ các nước nhỏ và yếu như Indonesia đã làm trong Phong trào Không liên kết sau Thế Chiến II”.

 

 

Trung Quốc “thanh lọc” mạng internet

 

Trung Quốc muốn làm trong sáng ngôn ngữ trên mạng xã hội, kể cả những ẩn ý, từ mượn để lách kiểm duyệt. Gần đây, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), hợp tác với bộ Giáo Dục, thông báo triển khai một chiến dịch đặc biệt mang tên “Làm rõ và quản lý việc sử dụng ngôn ngữ trực tuyến”.

 

Thông tín viên Cléa Broadhust tường trình từ Bắc Kinh :

 

“Chiến dịch khuyến khích việc sử dụng tiếng Quan Thoại chính xác và hạn chế sự phổ biến các phương ngữ và tiếng lóng trên internet, bị coi là có hại cho các chuẩn mực ngôn ngữ. Chiến dịch nhằm mục đích giảm sử dụng cách chơi chữ và những cụm từ mới thường được sử dụng để tránh kiểm duyệt.

 

Ví dụ : chế độ độc tài, dù ở bất kỳ nơi nào, cũng trở thành “chủ nghĩa tập trung dân chủ”, việc cắt giảm tài trợ là “kinh tế và hiệu quả”, thất nghiệp trở thành “việc làm linh hoạt” và khủng hoảng chính trị là “những bước ngoặt thăm dò”.

 

Quy chế này chủ yếu là nhằm tìm cách ngăn chặn việc phổ biến các thuật ngữ nhạy cảm về chính trị, liên quan đến những chỉ trích chính phủ, chủ nghĩa xét lại lịch sử hoặc các chủ đề nhạy cảm như Đài Loan, Hồng Kông và nhân quyền.

 

Chiến dịch này cũng nhắm đến thanh niên, có nhiều khả năng sử dụng tiếng lóng trực tuyến hơn, điều mà chính phủ coi là mối đe dọa đối với bản sắc văn hóa và các giá trị truyền thống của Trung Quốc. Mục tiêu là tạo ra một môi trường trực tuyến “tích cực” và “lành mạnh” hơn.

 

Các nền tảng như WeChat, Weibo và Douyin phải giám sát và lọc nội dung để đảm bảo tuân thủ các quy tắc ngôn ngữ này… Và các cơ quan chức năng được khuyến khích tập trung vào việc làm sạch thông tin ngôn ngữ bị coi là bất thường và thiếu văn minh, đồng thời thực thi nghiêm ngặt nhiệm vụ cải chính”.

 

 

Liên Hiệp Châu Âu trao giải Sakharov cho các nhà đối lập Venezuela

 

Hàng năm, Liên Hiệp Châu Âu trao giải Sakharov nhằm vinh danh những cá nhân, các tổ chức và nhóm đã có những đóng góp đặc biệt trong việc bảo vệ quyền tự do tư tưởng. Giải thưởng được thông báo ngày 25/10/2024 đã dành vinh danh hai nhà đối lập Venezuela Maria Corina Machado và Edmundo Gonzalez Urrutia vì những hoạt động bảo vệ nhân quyền.

 

Đặc phái viên RFI Jean-Jacques Héry tường trình từ Strasbourg :

 

“Khi chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Roberta Metsola thông báo chính thức tên của những người đoạt giải, tất cả nghị sĩ trong hội trường đứng dậy vỗ tay. Maria Corina Machado là thủ lĩnh của các lực lượng dân chủ Venezuela và Edmundo Gonzalez Urrutia, ứng viên đối lập với Nicolas Maduro trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 06 vừa qua. Ông được Liên Hiệp Châu Âu coi là giành chiến thắng, cho nên ông là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela.

 

Bà Roberta Metsola phát biểu giải thưởng này ghi công “Một cuộc đấu tranh dũng cảm nhằm tái lập tự do và dân chủ ở Venezuela”. Đây cũng là giây phút hân hoan đối với nghị sĩ châu Âu người Bồ Đào Nha Sebastiao Bugalho, thuộc đảng Nhân dân Châu Âu và là một trong những người cổ vũ cho việc hai nhà đối lập Venezuela ra tranh cử tổng thống.

 

Ông phát biểu : “Một ứng viên đã thắng trong cuộc bầu cử này, đó là Edmundo Gonzalez. Ở đây (Nghị Viện Châu Âu), người ta đã nói như vậy vào tháng trước khi bỏ phiếu một nghị quyết. Ông ấy đã phải rời bỏ đất nước vì bị chế độ độc tài truy đuổi. Vì vậy chúng ta nợ Edmundo Gonzalez giải thưởng này và hơn hết chúng ta nợ giải thưởng này với tất cả những người dân Venezuela đã dũng cảm ra khỏi nhà và đi bỏ phiếu”.

 

Lễ trao giải sẽ diễn ra vào thứ Tư 18/12 trong khuôn khổ phiên họp toàn thể ở Strasbourg”.

 

 

Bầu cử tổng thống Mỹ : Donald Trump kiện Công Đảng Anh vì can thiệp

 

Công Đảng Anh bị kéo vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sau khi bị nhóm hỗ trợ tranh cử của ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump khiếu nại lên Ủy ban Bầu cử Liên bang là thế lực “can thiệp nước ngoài trắng trợn”. Đảng cầm quyền ở Anh bị cáo buộc đang cố gắng hỗ trợ bất hợp pháp cho ứng viên đảng Dân Chủ Mỹ. Ngày 23/10, chính phủ Anh bác bỏ cáo buộc này.

 

Thông tín viên RFI Emeline Vin tại Luân Đôn giải thích :

 

“Ban đầu là thông báo (đã bị xóa) trên mạng xã hội LinkedIn từ người đứng đầu hoạt động của Công Đảng : “Có khoảng một trăm nhân viên Công Đảng sẽ đến Hoa Kỳ, vẫn còn 10 chỗ để vận động ở Bắc Carolina. Chúng tôi lo chỗ ở, hãy liên hệ : Công Đảng vì Kamala”. Trong đơn khiếu nại của mình, Donald Trump cũng đề cập đến “mối liên hệ chặt chẽ” giữa Công Đảng và chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân Chủ Kamala Harris, đối thủ cạnh tranh chính của ông.

 

Những lời cáo buộc được đưa ra khi thủ tướng Keir Starmer đang công du tới quần đảo Samoa... Bộ trưởng Môi Trường Steve Reed là người đã phải giảm thiểu vấn đề trong các chương trình sáng thứ Tư (23/10).

 

Ông cho biết : “Các công dân, cá nhân được tự do làm những gì họ muốn với thời gian và tiền bạc của họ. Không có gì lạ khi thấy các nhà hoạt động của một đảng ở nước này đi vận động cho một đảng “anh em” ở nước khác. Điều đó nói lên rằng, không có hoạt động nào trong đó được chính Công Đảng tổ chức hoặc tài trợ : đó là những sáng kiến ​​​​cá nhân, như vẫn được phép làm thế”.

 

Thủ tướng Anh đã gặp ông Donald Trump vào tháng 9, hai người được cho là đã tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp. Luân Đôn bảo đảm rằng “mối quan hệ đặc biệt” gắn kết Vương quốc Anh và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục, bất kể là ai kế nhiệm Joe Biden”.

 

 

------------------

Các nội dung liên quan

 

ĐIỂM BÁO

Hậu oanh kích Israel : Iran hồi hộp, Ukraina cay đắng

 

IRAN - NGOẠI GIAO

Iran tìm điểm tựa chống "bế quan tỏa cảng" Mỹ

 







No comments:

Post a Comment

View My Stats