Sunday, 13 October 2024

MUÔN KIỂU BÀY VẺ TỐN TIỀN Ở THỦ ĐÔ HÀ NỘI (Yến Năng / Báo Tiếng Dân)

 



Muôn kiểu bày vẽ tốn tiền ở thủ đô Hà Nội

Yến Năng

12/10/2024

https://baotiengdan.com/2024/10/12/muon-kieu-bay-ve-ton-tien-o-thu-do-ha-noi/

 

Chiều qua bạn tôi gọi điện, anh kêu buồn và muốn đi nhậu cho khuây khỏa. Hỏi đang ở đâu, anh nói đang ở Trung tâm Hội nghị Quốc Gia. Tôi bảo, hội họp chỗ cao cấp thế kết thúc kiểu gì chẳng có đánh chén linh đình. Anh xác nhận và nói thêm, thế mới buồn!

 

Gặp, hỏi sao buồn, anh kể: Có cái lễ kỷ niệm be bé mà bày vẽ ra tận Trung tâm Hội nghị Quốc gia, tốn không biết bao nhiêu tiền. Năm nào cũng rình rang đủ thứ hội, công trình khoa học thì chẳng có gì đáng kể. Công việc bắt buộc thì phải có mặt chứ nhìn cả đám nhậu nhẹt hỉ hả chúc tụng nhau, anh không chịu nổi.

 

Riêng ngành y, mỗi chuyên khoa đều có một hội trung ương (tim mạch/ thần kinh/ tiêu hoá/ CTCH/ PTTK/ tâm thần…) và vô số hội con của các khu vực. Tất cả các hội này đều tổ chức hội nghị khoa học thường niên, nội dung (về lý thuyết) là báo cáo/ chia sẻ những tiến bộ mới về chuyên môn… Nhưng những kỹ thuật mới, nếu có, thì cũng không đáng kể và không xứng để phải tổ chức đình đám như vậy, hoàn toàn có thể chia sẻ trên các diễn đàn online vừa tiết kiệm vừa hiệu quả.

 

Thực tế thì đại biểu chủ yếu tranh thủ đi hội nghị như một dịp để ăn nhậu, chơi bời, du lịch và tìm kiếm lợi ích cá nhân (quan hệ) chứ rất ít người tham gia với mục đích nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp. Kinh phí tổ chức một hội nghị nhỏ thì vài trăm triệu, lớn thì nhiều tỉ, là một sự lãng phí vô cùng lớn.

 

Chi phí tổ chức các hội nghị này hầu hết đều do các doanh nghiệp tài trợ. Đương nhiên tiền đó được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh, nó làm cho giá thuốc/ vật tư/ máy móc và các dịch vụ y tế phồng lên. Cuối cùng tất cả vẫn là moi từ túi của người bệnh.

 

Trời thu mát nhưng hanh, cốc bia hơi lạnh sâu uống thật đã. Tôi hiểu bạn tôi, cũng những cốc bia này, nếu uống ở cái hội nghị kia, hẳn là nó bỏng và tanh, vì anh sẽ khó tránh được cái mặc cảm tội lỗi là đang uống máu người bệnh. Nhưng ở đó, có lẽ không có người thứ hai trăn trở như anh. Họ cứ vô tư tưng bừng hưởng thụ thôi, luôn có sẵn cả trăm triệu con bệnh xếp hàng trả tiền rồi.

 

                                                       ***

 

Có hàng chục triệu người Việt đang sống trong nước nhưng chưa một lần đặt chân đến thủ đô, hẳn là không ai trong số đó chưa từng nghe tên hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm). Người nước ngoài chưa từng đến Việt Nam nhưng đã biết chút ít về Việt Nam, có lẽ cũng hiếm ai không biết Hà Nội có hồ Gươm… Lần đầu đến Hà Nội, hồ Gươm thường sẽ là một địa chỉ không thể bỏ qua của du khách.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/10/4-4-1536x865.jpg

Mô hình chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Ảnh: FB Yến Năng

 

Tôi không hiểu trong những ngày Hà Nội rầm rộ tổ chức sự kiện mừng “70 năm giải phóng thủ đô” này, khách phương xa sẽ thất vọng nhường nào, khi đến nơi mà không thấy cái hồ huyền thoại yêu dấu đâu. Đoạn bờ hồ đẹp nhất đã bị một tổ hợp kỳ quái những mô hình che khuất. Đường Đinh Tiên Hoàng đã biến thành cái phố, nhà mặt tiền kín hai bên, chật chội bức bối không khác gì bất cứ con phố Hà Nội nào khác nhưng xấu xí và lố bịch thậm tệ.

Một đoạn lan can cầu Long Biên, vài ngôi nhà cổ, cột cờ Hà Nội, Nhà hát lớn, chợ Đồng Xuân… tất cả đều được làm giả bằng những vật liệu rẻ tiền, kỹ thuật mô hình rẻ tiền, sao chép một cách máy móc, vụng về và lộn xộn, không một chút nghệ thuật. Vô duyên nhất là 5 khối hộp thô thiển hình cái cổng, phía trên in tên 5 cửa ô, đặt tùy tiện trên những tuyến đường xung quanh hồ.

 

Sẽ có người bảo, những mô hình này là để phục vụ cho kịch bản mô tả lại quang cảnh nhân dân Hà Nội hân hoan chào đón bộ đội tiến vào “giải phóng thủ đô” 70 năm trước. Điều này không những không thể biện minh nổi cho đống hàng mã khổng lồ kia, nó còn tố cáo sự dốt nát của ban tổ chức sự kiện thêm một lần nữa: Dân giả, chào đón bộ đội giả trong một không gian giả.

 

Toàn bộ việc này chỉ làm cho người có hiểu biết thấy nực cười nhưng lại không giúp ích gì cho việc tiếp cận lịch sử của lớp người trẻ và đặc biệt có hại cho học sinh và các em nhỏ. Nó rất dễ gieo vào đầu các em ấn tượng: 70 năm trước có một đoàn bộ đội tiếp quản thủ đô bằng cách diễu hành qua những địa danh được mô hình hóa kia. Năm mô hình cái cổng chình ình đặt quanh hồ Hoàn Kiếm không chỉ làm rối loạn phương hướng và bóp méo hình dung về kinh thành Thăng Long xưa, nó còn tiêu diệt những gì cổ kính đẹp đẽ còn lại trong ký ức tập thể và trong trí tưởng tượng của các em nhỏ…

 

Không chỉ làm biến mất hồ Gươm, một công trình kiến trúc quan trọng có tính biểu tượng của Hà Nội cũng bị chà đạp thô bạo không kém. Mặt tiền Nhà hát lớn bị một giàn giáo khổng lồ dựng lên che kín để treo loa đài phông bạt, dù cách đó vài trăm mét, họ dựng lên một cái mô hình thô thiển để “tôn vinh” chính cái công trình kiến trúc mà họ che bỏ đó. Thật trớ trêu, một màn hình điện tử khổng lồ nuốt mất Nhà hát lớn lại ghi chữ Nhà hát lớn và mô tả lại cái hiện hữu rất thực bị nó che đi.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/10/11.jpg

Ảnh: FB Yến Năng

 

Giữa thời đại công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo này, không thiếu gì cách để thực hiện một sự kiện thực sự hoành tráng và có giá trị nghệ thuật cao thì họ lại dùng những phương pháp cực kỳ thủ công và lạc hậu để tiêu một số tiền khổng lồ, rồi sau đó thải ra môi trường một núi rác độc hại khó phân hủy. Quanh sự kiện này có quá nhiều vấn đề để nói. Nhưng điều tôi băn khoăn là, không biết những người tự hào mình là người Hà Nội gốc có ai cảm thấy mình bị tổn thương không?

 

Những người sống bằng nghề nghiên cứu lịch sử và văn hóa có ai thấy mình bị tát thẳng vào mặt không?

 

Những người có chuyên môn, cụ thể là các họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, đạo diễn, ca sĩ, diễn viên… có ai thấy mình bị xúc phạm không?

 

Chủ tịch các hội văn hóa nghệ thuật các cấp, hiệu trưởng các trường kiến trúc, mỹ thuật, sân khấu điện ảnh, văn hóa, nhân văn… có ai thấy mình có trách nhiệm lên tiếng để tham mưu cho chính quyền làm việc đúng đắn hơn không?

 

Hay chỉ rặt một lũ vô liêm sỉ vừa giả vờ than thở vừa ngậm miệng ăn tiền?

_____

*Ghi chú: Tiêu đề do Tiếng Dân đặt

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats