Friday, 25 October 2024

MỘT BỨC ẢNH KHÁ ẤN TƯỢNG (Nguyễn Khắc Mai | Báo Tiếng Dân)

 


Một bức ảnh khá ấn tượng

Nguyễn Khắc Mai

25/10/2024

https://baotiengdan.com/2024/10/25/mot-buc-anh-kha-an-tuong/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/10/1-86.jpeg

Từ trái qua phải: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại lễ bàn giao công tác Chủ tịch nước hôm 22/10-2024. Nguồn: TTXVN

 

Sáng hôm 23-10, thấy trên báo có bức ảnh khá ấn tượng. Bốn vị lãnh đạo tối cao của đất nước xếp hàng ngang, nghiêm trang chắp tay trước ngực.

 

Chắp tay trước ngực là cử chỉ thiêng liêng của văn hóa Việt. Thường người ta chắp tay để bái lạy Thần Phật, Thánh Hiền, Tổ Tiên. Người ta cũng chắp tay để cung kính đối với một sự kiện trọng đại nào đó. Chắp tay để bái lạy người mà mình phải cung kính. Có khi chắp tay là để khấn nguyện cầu xin một ân sủng, một điều tốt đẹp nào đó.

 

Chắp tay còn để sám hối lỗi lầm và cầu mong được tha thứ và sửa lỗi. Chắp tay thành hình búp sen để ngang ngực là cử chỉ văn hóa đẹp đẽ, cung kính và thành tín đối với người và điều mà mình tôn kính.

 

Từ trước tới nay tôi chưa thấy “Tứ trụ” làm điều này. Chỉ thấy họ giơ tay vẫy chào thôi. Họ đang chắp tay khấn nguyện điều gì, mình không biết, chỉ thấy cảm động.

 

Nếu họ thành kính đối với Thần Phật, Thánh Hiền, Tổ tiên nước Việt thì hay quá. Hay hơn nữa là họ đang bái lạy nhân dân, những người mà họ vẫn nói rằng Dân là gốc, là chủ của Nước.

 

Đạo lý thân dân, tân dân chính là đạo lý Việt. Dẫu những người cầm đầu Đất Nước có tài ba đến đâu, họ có những lý thuyết chủ nghĩa hay ho đến đâu, mà không thân được Dân, vẫn coi Dân như cỏ rác, như thứ dân, thần dân, thì họ không thể là người của nền văn hiến Việt.

Người xưa nói, tân dân tức là phải biết làm cho dân tự mình đổi mới nhân cách, nhân phẩm, nhân tính. Biết làm cho dân đổi mới được chính mình, đổi mới xã hội, mới thật là hiểu được nghĩa của hai chữ tân dân.

 

Muốn thân dân và tân dân, nên học minh triết của đời Trần. Sang năm ta sẽ kỷ niệm 800 năm lên ngôi của nhà Trần. Trần Thái Tông lên ngôi năm 1225, đến nay là 800 năm. Ông là một vị vua anh hùng, một nhà Phật học uyên bác, người thật sự đã làm theo lời dạy bảo của một thiền sư: “Bậc nhân chủ (người cầm đầu Đất Nước) phải biết lấy ý của thiên hạ làm ý của mình, lấy lòng của thiên hạ làm lòng của mình”.

 

Trần Hưng Đạo thì dạy “Phải khoan thư sức Dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Còn bà phi của vua Trần Duệ Tông thì để lại Kê Minh Thập Sách (Mười chính sách trị nước an dân). Bà đang được thờ ở Kỳ Anh như một vị thần của biển cả. Sách thứ nhất là “Phù quốc bản, hà bạo khử tắc Dân tâm tự an”. Phù quốc bản, nghĩa là nâng dân lên (chứ không phải đè đầu cởi cổ họ!).

 

Ý dân, lòng dân hôm nay là gì, phải chân thành suy nghĩ và tìm hiểu. Chúng ta có hình thức tiếp xúc cử tri, nhưng cơ bản vẫn không biết và tuồng như không muốn biết dân nghĩ gì và mong ước gì.

 

Tại sao ta không trưng cầu ý dân để hỏi dân những vấn đề trọng yếu của đất nước? Hiện nay ta dang gạt dân ra một bên và hành xử có vẻ từa tựa như thời phong kiến. Một nhóm nhỏ người suy nghĩ như Mao, chính quyền ở đầu ngọn súng, và đã làm y như Các Mác từng dự báo:

 

Một khi giai cấp công nhân giật được chính quyền, họ sẽ thúc đẩy một thể chế ủy trị, để cho một nhóm người tự bầu cử, để đại diện cho họ và cai trị họ. Ngay lập tức họ sẽ rơi tỏm vào sự lừa dối và lệ thuộc. Sau một hồi hưng phấn cách mạng trong một kiểu nhà nước mới, họ sẽ bừng tỉnh và thấy mình là nô lệ, là con rối và là con mồi của những tham vọng mới”.

Nhiều chuyện lắm, như hiện nay đang hô hào tiến vào “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Không ai khác, chỉ có dân mới là chủ thể của sự vươn mình. Không thành tâm tạo ra những điều kiện dễ dàng, thuận lợi để dân vươn mình, thì câu chuyện cũng chỉ là khấn vái hình thức mà thôi.

 

Tôi chợt nhớ, gần đây khi ông Trọng còn sống, ông đã cho người đi cầu xin được công nhận kinh tế thị trường. Thật cũng không khác mấy chuyện ngày xưa đi cầu phong một tước vương, cũng là xin xỏ mà thôi! Cớ sao không xin Dân và tạo điều kiện cho họ làm kinh tế thị trường? Một khi Dân đã làm kinh tế thị trường thì hà tất gì phải đi xin xỏ ai nữa?

 

Hình như cái não trạng ăn mày đã là một nét của cốt tính Việt. Có những làng đã trở thành phong tục, cứ ăn tết xong thì cả làng phải tay bị tay gậy đi ăn mày. Người ta bảo, có như thế mới may mắn làm ăn!

 

Những người hô hào vươn mình đã rất có lý khi cho rằng phải tự chủ, tự lực, tự cường… Làm cho dân biết và có năng lực để tự chủ, tự lực, tự cường phải là đột phá của thế hệ cầm quyền mới. Họ phải để dành thời gian cho suy nghĩ đạo lý và một thời gian nhiều hơn cho tư duy chính sách.

 

Phải thừa nhận rằng, nhiều người cầm quyền của nước ta rất giỏi nói đạo lý, tôi gọi đó là tư duy đạo lý. Nhưng họ rất kém về tư duy chính sách. Rất nhiều Đại hội, những người lãnh đạo vẫn than phiền, đường lối không đi vào cuộc sống. Có anh em trao đổi với tôi, tôi nói rằng, vì đường lối không thật chính xác, mà chính sách thi hành lại không hợp thời, hợp lòng người, hợp tiến hóa và hợp lý.

 

Chính hai cụ tổ của đảng là Mã Khắc Tư và Ân Cách Tư (*) đã tiên đoán và chỉ ra rằng: Ngững người cộng sản phải biết lấy những thực tế, văn minh của những dân tộc tiên tiến để làm tiền đề cho chính sách của mình. Nhưng những đồ đệ của hai ngài lại không nghĩ được như thế, họ khinh ghét và thù hằn sự văn minh, tiên tiến của những nước hiện đại. Và khi đã không đi được với cái tiên tiến hiện đại, họ chỉ còn nước quay về cường điệu khuếch đại cái phong kiến lỗi thời mà thôi. Lại còn cho một bọn dỏm tung ra lý thuyết rằng, cái này không hợp với tạng Đông phương của mình!

 

Để vươn mình, phải khai thông dòng chảy, nên anh Tô Lâm có lý khi cho rằng cái nghẽn lớn nhất, nghẽn của nghẽn là thể chế. Nhưng nếu chỉ sửa đổi những luật lệ để đảng hoạt động dễ dàng hơn, chính quyền từ trung ương đến địa phương hoạt động thuận lợi hơn, thì đó mới chỉ khai thông những chỗ nghẽn nhỏ.

 

Phải tạo ra một nền kinh tế tư nhân phát triển lành và mạnh, làm cho dân không còn nỗi sợ truyền đời, nuôi béo rồi mổ thịt. Làm sao để thu hút dòng đầu tư của người Việt ở nước ngoài, khi họ về nước họ không chỉ mang theo tài cán và tài sản của mình, mà họ còn mang theo cả những bạn hàng của họ.

 

Đừng sợ họ về rồi tranh quyền. Cha ông ta từng để lại bài học ai tài giỏi hơn thì trao quyền cho họ. Mác từng nói, “cạnh tranh có ích như phân công lao động, không thể thủ tiêu được cạnh tranh”. Cái xấu của nó chỉ là sự biến mất của đối tượng cạnh tranh mà thôi. Có nghĩa rằng nếu ta vẫn cứ tài, cứ giỏi, cứ đức hạnh thì ai mà giành ngôi thứ với ta được? Nhưng nếu có người giỏi hơn ta thì cha ông ta đã có cái đức nhượng quyền. Đừng sợ mất ghế, chỉ nên sợ ta thật bất tài, bất đức. Tôi thật sự ngưỡng mộ cách suy nghĩ của anh Vượng, một ứng cử viên mà ông Trọng từng chọn.

 

Lại còn phải mở rộng tư duy và chính sách để có một xã hội dân sự lành và mạnh. Khi trong tiêu chí của nhà nước ta là giàu mạnh, văn minh, công bằng, dân chủ, thì không có con đường thứ hai ngoài việc phát triển một xã hội dân sự tử tế, nhân văn và đạo đức.

 

Quan sát lịch sử hiện đại, phải đi đến kết luận rằng, các nước đã phát triển theo hướng rồng bay đều tăng tốc nhờ có một xã hội dân sự thứ thiệt. Không có bất cứ quốc gia nào bay lên được duy chỉ với chiếc cánh nhà nước. Họ đều bay lên với đôi cánh nhịp nhàng mạnh mẽ, không chỉ có hoạt đông quản trị thông minh và nhân văn của nhà nước, mà còn có một xã hội dân sự tự do bình đẳng, thật sự tự chủ, tự lực, tự cường như ông Tô Lâm đã nói.

 

Hãy ban hành những luật tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do lập hội như thời đầu Cách mạng Tháng Tám mà Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp từng làm (không phải từng nói).

 

Thế hệ lãnh đạo mới đang chắp tay khẩn cầu, mong ước điều gì, đang hứa hẹn điều gì, đang lo toan và sám hối điều gì?

 

Khi thấy họ có vẻ chân thành đến vậy, tự nhiên tôi cũng muốn chắp tay khấn vái hồn thiêng Non Nước hãy phù hộ cho họ sức khỏe, minh mẫn, với tầm nhìn và cái tâm minh triết, để cùng đứng mũi chịu sào làm cho nhân dân là người chủ thật sự của cuộc vươn mình.

________

 

(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Mã Khắc Tư và Ân Cách Tư là phiên âm tên của Karl Mark và Friedrich Engels.

 








No comments:

Post a Comment

View My Stats