Mối liên hệ giữa phe
cực hữu Pháp và nước Nga : Một thế kỷ ảnh hưởng
Thùy
Dương - RFI
Đăng ngày: 30/09/2024 - 13:35Sửa đổi
ngày: 30/09/2024 - 13:38
Là
một đối trọng với Hoa Kỳ và là một Nhà nước bảo thủ, chuyên quyền, nước Nga của
Vladimir Putin được phe cực hữu Pháp xem như một hình mẫu lý tưởng. Đây là nhận
định của hai nhà nghiên cứu Nicolas Lebourg và Olivier Schmitt, đồng tác giả của
cuốn sách « Paris-Matxcơva : 1 thế kỷ cực hữu » (NXB Seuil)
mới được phát hành hôm 06/09/2024.
HÌNH
:
Tổng
thống Nga Vladimir Putin (P) và lãnh đạo đảng cực hữu Pháp, ứng viên tổng thống
Pháp 2017, tại Matxcơva ngày 24/03/2017. Mikhail KLIMENTYEV / SPUTNIK / AFP
Đảng
cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc - Rassemblement National (RN) hiện nay do chính trị
gia trẻ tuổi Jordan Bardella đứng đầu, nhưng thực ra vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của
chính trị gia Marine Le Pen, con gái ông Jean-Marie Le Pen, đồng sáng lập đảng
Mặt Trận Quốc Gia (Front National - FN), tiền thân của đảng RN.
Mối
liên hệ giữa đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc và nước Nga của Vladimir Putin
lâu nay được báo chí Pháp nói đến nhiều, nhất là những vụ tai tiếng và điều tra
về việc đảng Tập Hợp Dân Tộc vay những khoản tiền lớn lên đến cả chục triệu
euro của các ngân hàng Nga để phục vụ chương trình vận động tranh cử của đảng,
hay việc đảng của bà Le Pen ủng hộ việc Matxcơva chiếm bán đảo Crimée của
Ukraina. Chẳng hạn, báo Pháp Le Nouvel L’Obs ngày 18/06 nói đến một « mối
tình » giữa đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc RN và nước Nga của
Putin.
Thế
nhưng, theo Nicolas Lebourg, chuyên gia về cực hữu, nhà nghiên cứu cộng tác với
CEPEL - Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Xã hội, thuộc đại học Monpellier của
Pháp và Olivier Schmitt, giáo sư Khoa học chính trị của Trung tâm Nghiên cứu
chiến tranh, thuộc Đại học Nam Đan Mạch, dựa trên các tài liệu lưu trữ của cảnh
sát Pháp, mối liên kết giữa đảng cực hữu Pháp và nước Nga không phải là ngẫu
nhiên và bây giờ mới có, mà là kết quả của một quá trình kéo dài cả thế kỷ.
Sau
Cách mạng Nga năm 1917, nhiều người Nga sống lưu vong tại Pháp đã liên kết với
phe cực hữu của Pháp, trên hết là để chống chủ nghĩa Xô Viết. Từ năm 1917 đến
năm 1945, khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, Pháp là sân sau chủ yếu của những người
Nga chống Liên Xô và chính họ là những người có liên quan đến các biến động của
phe cực hữu Pháp.
Trong
suốt thời chiến tranh lạnh, cho dù phe cực hữu châu Âu - ở Pháp, cũng như tại
nhiều nước khác - chủ yếu vẫn có thái độ thù địch với chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng
một số thành viên thì đã muốn xem Liên Xô như một giải pháp thay thế cho chủ
nghĩa toàn cầu do Washington triển khai mà họ ghét bỏ.
Ngày
nay, chế độ của Vladimir Putin, vốn luôn thể hiện họ là chế độ giữ gìn « các
giá trị truyền thống », khiến cách hữu Pháp mê mẩn.
Marine
Le Pen : Nga la đại diện cho thế giới đa cực
Trước
hết, về khái niệm cực hữu, trong bài phỏng vấn đăng trên trang tin Pháp Made in
Perpignan ngày 19/09, chuyên gia về cực hữu Nicolas Lebourg, giải thích :
Từ « cực hữu » đã tồn tại trong lịch sử, trong ngôn
ngữ Pháp từ những năm 1820, tức là từ hai thế kỷ nay, nên không thể cho là tư
tưởng cực hữu xuất phát từ Đức quốc xã. Những người « cực hữu » đề
xuất hướng tới một xã hội hoàn toàn nhỏ gọn, một quốc gia nơi tất cả mọi người
đều đồng nhất với nhau và ai cũng có vị trí của mình, đồng thời phải xem xét lại
các mối quan hệ quốc tế. Ví dụ, theo Nicolas Lebourg (trong bài trả lời phỏng vấn
Libération), tất cả những gì là xuyên quốc gia, như Tổ Chức Y Tế thế Giới, tổ
chức Thương Mại Thế Giới, hay Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, đều là không thể chấp
nhận được.
Lãnh
đạo thực sự của đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc, bà Marine Le Pen không hề bị
ám ảnh bởi nền văn hóa Nga, nhưng bà ấy bài xích một chủ nghĩa toàn cầu, xuyên
quốc gia đi ngược lại với chủ quyền quốc gia. Trong cuốn sách xuất bản hồi năm
2012, rõ ràng chính trị gia cực hữu Marine Le Pen hình dung nước Nga như một khả
năng về một thế giới đa cực, làm đối trọng với chủ nghĩa toàn cầu đặt Mỹ làm trọng
tâm. Nói cách khác, Mỹ đại diện cho thế giới đơn cực, còn Nga đại diện cho thế
giới đa cực. Và chính điều này khiến Nga thu hút Marine Le Pen, chủ yếu về vấn
đề quyền tự chủ quốc gia.
Trên
Libération ngày 04/09, chuyên gia về quan hệ quốc tế Olivier Schmitt khẳng định
quan điểm của Marine Le Pen : « Chủ nghĩa đế quốc Mỹ hủy diệt các
quốc gia, tức là hủy diệt đất nước của chúng ta », thế nên mô
hình mặc định thay thế chủ nghĩa đế quốc Mỹ chính là Nga.
Nhìn
lại lịch sử, trong bài phỏng vấn đăng trên trang tin Pháp Made in Perpignan,
chuyên gia về cực hữu Nicolas Lebourg nhắc lại là ý tưởng của Alexandre Dougine,
sinh năm 1962 tại Matxcơva, một nhà lý luận chính trị cực hữu người Nga nổi tiếng
với quan điểm dân tộc cực đoan và tân phát xít, về một đế chế Nga vĩ đại, có khả
năng tập hợp các sắc tộc hoặc tôn giáo khác nhau, phần lớn là dựa trên những lý
thuyết mà các trí thức cực hữu Pháp và Nga đã phát triển ở Pháp vào những năm
1920. Và các ý tưởng này đã được sử dụng nhằm hợp pháp hóa cuộc chiến ở
Ukraina.
Quyền
lực Putin : Mô hình cực hữu Pháp hướng tới ?
Bản
chất quyền lực của Putin là như thế nào ? Liệu kiểu quyền lực của Vladimir
Putin có phải là mô hình cho phe cực hữu Pháp hay không ? Trả lời những
câu hỏi này của Libération, nhà nghiên cứu Nicolas Lebourg phân
tích là « quyền lực Putin rõ ràng là một quyền lực phi tự do.
Không thể và không được coi ông ta là phát xít ». Đồng thời với sự
củng cố quyền lực của Putin tại Nga từ vài năm nay, theo kiểu có nhiều nhà đối
lập Nga bỗng dưng một ngày « ngã nhào qua cửa sổ » và
tử vong, thì trùng hợp thay, tại châu Âu sự cám dỗ trước kiểu quyền lực phi tự
do cũng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, không chỉ đối với phe cực hữu.
Mọi
người có thể đã nghĩ rằng việc chính quyền của Nga biến thành chế độ độc tài
càng trở nên hiển hiện hơn thì sẽ khiến mô hình này bớt phần hấp dẫn, thế nhưng
thực tế hoàn toàn ngược lại : mô hình quyền lực kiểu Putin ngày càng trở
nên hấp dẫn hơn. Chủ nghĩa phi tự do trở thành một mô hình cám dỗ trên
toàn cầu.
Chuyên
gia Olivier Schmitt thì nhận định là đang có sự toàn cầu hóa về tầm nhìn của
cánh hữu cực đoan, đương nhiên là với những điểm khác biệt tùy thuộc vào các
trào lưu chính trị. Các nhà nghiên cứu ghi nhận là có sự phổ cập tầm nhìn theo
đó xã hội phải được bảo vệ đặt trong tổng thể giống như một cơ thể sống. Tất cả
những gì nằm hẳn bên ngoài hay đang ở bên lề đều phải bị loại bỏ, và cách làm tốt
nhất là phải có một ngươi điều hành mạnh mẽ. Mọi người có thể nhìn thấy điều
này trong « truyền thuyết » về sự phục hồi của nước
Nga nhờ có Vladimir Putin thời hậu Yeltsin (1992-1998), thời kỳ mà Putin được
cho là đã khiến các nhà tài phiệt Nga phải chịu khuất phục.
Thế
nhưng, điều đó chỉ hoàn toàn là hư cấu. Vladimir Putin đã trừ khử những nhà tài
phiệt Nga không theo ông ta và tự coi mình là cha đỡ đầu cho những nhà tài phiệt
khác. Nhà nước Nga vẫn có tham nhũng một cách có cơ cấu và sâu rộng. Thế nhưng,
chế độ Putin đã cố gắng tạo ra huyền thoại về vị cứu tinh Putin và khiến nhiều
người ở nước ngoài tin như vậy, trong đó có phe cực hữu của Pháp, vốn tin rằng
Nhà nước Pháp tham nhũng và phải bị thanh lọc.
Chiến
tranh Ukraina : Vết nạn nứt giữa các thế hệ trong nội bộ cực hữu
Tuy
nhiên, theo bài viết của chính hai nhà nghiên cứu Nicolas Lebourg và Olivier
Schmitt đăng tải trên trang mạng nghiên cứu The Conversation ngày 25/09, chiến
tranh Ukraina cũng đã gây ra một vết rạn nứt sâu ngay trong nội bộ phe cực hữu
Pháp.
Trở
lại báo Pháp Libération, chuyên gia về cực hữu Nicolas Lebourg xem đây là một
cuộc xung đột thế hệ trong nội bộ phe cực hữu Pháp. Lớp người cũ thì có quan điểm
ủng hộ Nga trong khi giới trẻ cấp tiến thường ủng hộ Ukraina. Theo ông, điều
này chủ yếu liên quan đến vấn đề sắc tộc : Ukraina là một dân tộc da trắng đồng
nhất, còn Nga là tổng thể có cả một bộ phận người châu Á và Hồi giáo. Nhãn quan
mang tính dân tộc về thế giới của các thành viên thuộc lớp trẻ của phe cực hữu
Pháp lớn đến mức tạo ra sự đoạn tuyệt hoàn toàn với lớp già về vấn đề này.
-----------------------------
Các
nội dung liên quan
CỰC
HỮU PHÁP - NGA - PUTIN
Đảng
cực hữu Tập Hợp Dân Tộc của Pháp và nước Nga của Putin : « Mối
tình » không che giấu
No comments:
Post a Comment