Saturday, 19 October 2024

LIÊN HIỆP QUỐC KÊU GỌI VIỆT NAM PHÓNG THÍCH NHÀ BÁO PHẠM CHÍ DŨNG (VOA Tiếng Việt)

 



LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Phạm Chí Dũng

VOA Tiếng Việt

19/10/2024

https://www.voatiengviet.com/a/lhq-keu-goi-viet-nam-phong-thich-nha-bao-pham-chi-dung/7828393.html

 

Nhóm công tác của Liên Hiệp Quốc về vấn đề bắt giữ tùy tiện (UNWGAD) vừa đưa ra kết luận về trường hợp của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, cho rằng việc chính quyền Việt Nam giam giữ ông là tùy tiện và vi phạm các công ước quốc tế mà nước này đã ký kết, theo luật sư của ông và bản ý kiến của nhóm làm việc.

 

https://gdb.voanews.com/5f0ebc18-6102-4e79-81ef-1ab91cb530fe_cx4_cy3_cw96_w1023_r1_s.jpg

Nhà báo Phạm Chí Dũng

 

UNWGAD đã thông qua bản ý kiến về trường hợp của ông Dũng tại phiên họp thứ 100 của nhóm này vào ngày 30/8/2024.

 

Trong đó, UNWGAD tuyên bố rằng “việc tước đoạt quyền tự do của ông Phạm Chí Dũng là tùy tiện và trái với nhiều quyền khác nhau được quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị”, theo bản ý kiến (Opinion) số 39/2024 được phổ biến ngày 1/10/2024 mà VOA xem được.

 

Trong bản ý kiến, UNWGAD kết luận rằng chính phủ Việt Nam đã không thiết lập được cơ sở pháp lý cho việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), đồng thời là một blogger, cộng tác viên của đài VOA Tiếng Việt.

 

Ông Phạm Chí Dũng, 58 tuổi, bị chính quyền bắt giam ngày 16/11/2019 với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”, cùng với hai thành viên khác của IJAVN là Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn. Ông Dũng bị tuyên án 15 năm tù, trong khi ông Thụy và ông Tuấn mỗi người bị phạt 11 năm tù.

 

 

Ý kiến của luật sư

 

Ông Kurtulus Bastimar, người nộp hồ sơ của ông Phạm Chí Dũng lên UNWGAD, nhận định với VOA rằng phán quyết này là một quyết định quan trọng cho thấy chính quyền Việt Nam đã “vi phạm” luật pháp quốc tế “nghiêm trọng”.

 

“LHQ đã phát hiện ra nhiều vi phạm trong bản đệ trình của chúng tôi khi đưa trường hợp của ông ấy tới nhóm công tác UNWGAD. Chính phủ Việt Nam đã không phản hồi hoặc không thể phản hồi các cáo buộc mà chúng tôi đưa ra”, ông Bastimar, luật sư nhân quyền người Thổ Nhĩ Kỳ, nhận xét.

 

“LHQ đã quyết định rằng các quyền và tự do cơ bản của ông Dũng đã bị vi phạm. Chẳng hạn, ông không được phép liên lạc với luật sư và với gia đình, đặc biệt là gia đình” trong thời gian chính quyền tạm giam ông Dũng, vẫn lời ông Bastimar.

 

“Một trong những phần vi phạm quan trọng nhất mà LHQ quyết định là quyền tự do ngôn luận của ông đã bị xâm phạm và rằng ông bị bắt giữ là do thực tế ông đang thực hiện quyền tự do ngôn luận, vì ông làm nhà báo hoặc công việc liên quan đến nhà báo”, vị luật sư cho biết thêm.

 

VIDEO : Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng bị bắt vì ‘tuyên truyền chống nhà nước’   

https://www.voatiengviet.com/a/5175946.html#player-start-time=17.93786

 

Theo bản ý kiến, việc chính quyền Việt Nam bắt giữ ông Dũng thiếu cơ sở pháp lý (Mục 1), nó chỉ dựa trên hành động thực thi các quyền tự do bày tỏ và biểu đạt ý kiến của ông (Mục 2), có nhiều vi phạm trong quá trình xét xử và tố tụng (Mục 3), và việc cầm tù ông còn do có nguyên nhân từ các hoạt động bày tỏ quan điểm chính trị và ý kiến khác của ông (Mục 5).

 

Như vậy, sau hơn 5 năm ba thành viên IJAVN bị ngồi tù, đến nay LHQ đã tuyên bố việc chính quyền Việt Nam bắt giam họ là tùy tiện.

 

Trước đó, UNWGAD hồi năm 2021 ra tuyên bố ông Tuấn bị chính quyền Việt Nam giam giữ tùy tiện, đến năm 2023 nhóm này ra kết luận tương tự đối với trường hợp ông Thụy.

 

Việt Nam không phản hồi

 

Theo nguyên tắc làm việc của UNWGAD, vào ngày 12/3/2024, nhóm công tác này đã chuyển tới chính phủ Việt Nam một văn thư yêu cầu giải trình liên quan đến trường hợp ông Phạm Chí Dũng.

 

Nhóm này yêu cầu Hà Nội phản hồi chậm nhất vào ngày 13/5/2024, về tình hình hiện tại của ông Dũng, làm rõ các quy định pháp lý biện minh cho việc giam giữ ông, cũng như các điều luật đó phù hợp ra sao với các nghĩa vụ của chính phủ Việt Nam theo luật nhân quyền quốc tế, đặc biệt là với các điều ước quốc tế đã được nước này phê chuẩn.

 

Tuy nhiên, tính đến ngày nhóm công tác lập bản ý kiến này, ngày 30/8/2024, chính phủ Việt Nam vẫn chưa trả lời hay ra yêu cầu gia hạn phản hồi cho UNWGAD.

 

“Nhóm làm việc lấy làm tiếc rằng họ vẫn chưa nhận được một phản hồi nào từ chính quyền Việt Nam về văn thư đã gửi”, bản ý kiến viết.

 

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về bản ý kiến của UNWGAD liên quan đến trường hợp của nhà báo Phạm Chí Dũng, nhưng chưa được trả lời.

 

Trước đó, trong một phản hồi cho các chuyên gia LHQ về trường hợp của ông Dũng và ông Thụy, ngày 12/8/2021, chính quyền Việt Nam lập luận rằng hai ông bị khởi tố do các hoạt động của họ “vi phạm pháp luật Việt Nam”, chứ không phải do họ thực hiện các quyền tự do cơ bản.

 

Hà Nội cũng khăng khăng rằng những điều luật mà họ áp dụng để bắt giam và xét xử những nhà báo này là “phù hợp” với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 

XEM THÊM:

Nhà báo Phạm Chí Dũng không kháng cáo, dân biểu Đức ‘bàng hoàng’

 

 

Kêu gọi trả tự do

 

Trong bản ý kiến, UNWGAD yêu cầu chính quyền Việt Nam “thực hiện các bước cần thiết để khắc phục tình hình của ông Dũng, trả tự do cho ông ngay lập tức” và bồi thường theo luật pháp quốc tế.

 

Ngoài ra, UNWGAD cũng kêu gọi Hà Nội tiến hành một cuộc điều tra độc lập liên quan đến việc tước đoạt quyền tự do của ông Dũng một cách tùy tiện.

 

Nhóm công tác còn cho biết trường hợp của ông Dũng là một trong số nhiều trường hợp được đưa ra xem xét trong những năm gần đây liên quan đến việc chính quyền Việt Nam tước đoạt quyền tự do của con người một cách tùy tiện, đặc biệt là quyền tự do của người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam.

 

“Nhiều trường hợp trong số này tuân theo một mô thức bắt giữ quen thuộc là không tuân thủ các quy định quốc tế, việc giam giữ kéo dài trước khi được đưa ra xét xử và không được tiếp cận luật sư, bị biệt giam..., xét xử theo điều luật hình sự được diễn đạt một cách mơ hồ”, nhóm công tác nhận xét, bày tỏ sự quan ngại rằng mô thức này cho thấy một vấn đề mang tính hệ thống về việc giam giữ tùy tiện ở Việt Nam, mà nếu tiếp diễn, có thể dẫn đến “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”.

 

UNWGAD cũng nêu mong muốn được Hà Nội chấp nhận để họ thực hiện chuyến công tác ở đất nước này. Kể từ chuyến làm việc gần nhất vào năm 1994 đến nay, nhóm này chưa được chính quyền Việt Nam phản hồi tích cực trước những yêu cầu sang công tác của họ.

 

UNWGAD được thành lập trên cơ sở Nghị quyết 1991/42 của Ủy ban Nhân quyền LHQ và có nhiệm vụ điều tra các vụ bắt giữ, tạm giam, cầm tù mà các nước thành viên thực hiện, xem có đúng với Hiến chương Nhân quyền LHQ hay không.

 

“LHQ đã ra phán quyết mạnh mẽ rằng chính phủ Việt Nam nên ngừng bắt giam, khởi tố dựa trên quyền tự do ngôn luận, bởi vì mỗi trường hợp vừa qua cho thấy chính phủ đã sử dụng Bộ luật Hình sự với tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ để hạn chế hoặc vi phạm quyền tự do ngôn luận”, luật sư Bastimar bày tỏ.

 

Ông Bastimar cũng là người đã giúp gia đình các tù nhân Phạm Đoan Trang, Lê Hữu Minh Tuấn, Nguyễn Bảo Tiên đệ đơn và được nhóm làm việc đưa ra kết luận là họ bị bắt giữ tùy tiện.

 

Trước khi bị bắt, ông Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế, sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Trước năm 2013, ông đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng.

 

Do viết bài chống tham nhũng, ông từng bị công an bắt giam vào năm 2012. Năm 2013, ông tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự, ông thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, ông được tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) vinh danh “Anh hùng thông tin”.

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats