Kinh tế ảm đạm, Trung Quốc gia tăng
gây hấn!
Hiếu Chân/Người Việt
October
4, 2024 : 11:02 PM
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/kinh-te-am-dam-trung-quoc-gia-tang-gay-han/
Sau
nhiều thập niên tăng trưởng mạnh mẽ, kinh tế Trung Quốc đang bước vào giai đoạn
suy trầm, làm lung lay niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của đảng Cộng sản
đúng dịp kỷ niệm 75 năm lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, ngày 1 Tháng Mười,
1949.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/10/A1-Trung-Quoc-am-dam-1536x1022.jpg
Người
dân Trung Quốc ngồi bên ngoài một cửa hàng quần áo ở Bắc Kinh hôm 4 Tháng Mười,
trong kỳ nghỉ kéo dài một tuần kỷ niệm Quốc Khánh nước này. (Hình minh họa:
Greg Baker/AFP via Getty Images)
Để
xoa dịu mối lo của công chúng trước những khó khăn kinh tế và để củng cố niềm
tin của người dân, đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) có thể chọn một giải pháp cực
đoan là kích thích chủ nghĩa dân tộc và gia tăng xung đột với các nước láng giềng
như họ đã từng làm nhiều lần trong lịch sử, theo cách gọi là đẩy mâu thuẫn ra
bên ngoài mỗi khi nội bộ có vấn đề nghiêm trọng. Một lựa chọn như vậy sẽ tác động
lớn tới nhiều quốc gia và Việt Nam có thể là nước thiệt hại nặng nhất.
Kinh
tế ảm đạm
Nhà
cầm quyền Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 5% trong năm nay,
nhưng chưa tới một phần năm số kinh tế gia được hãng tin tài chính Bloomberg hỏi
ý kiến nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ đạt được mục tiêu đó. Người tiêu thụ thắt chặt chi
tiêu, giá cả hàng hóa giảm (thiểu phát), thất nghiệp lan tràn, thị trường địa ốc
sụp đổ và phản ứng tiêu cực của các đối tác thương mại quốc tế là những thách
thức mà Trung Quốc đang phải đối phó.
Về
chi tiêu – động lực chính của tất cả các nền kinh tế – theo Giáo Sư Fuxian Yi,
đại học University of Wisconsin-Madison, viết trên tạp chí International
Economy, mức tiêu dùng bình quân của một gia đình Trung Quốc so với tổng sản lượng
kinh tế quốc dân (GDP) hiện chỉ là 37%, rất thấp so với tỷ lệ 68% ở Hoa Kỳ, 61%
ở Ấn Độ và 55% ở Việt Nam. Người dân ít tiêu dùng vì thu nhập của họ giảm; nếu
như vào đầu thập niên 1980, thu nhập của một gia đình Trung Quốc chiếm khoảng
50-65% GDP thì nay tỷ lệ đó chỉ còn 44% và ông Yi ví hoàn cảnh của người dân
Trung Quốc “giống như một con ếch từ từ bị đun nóng.”
Tiêu
thụ giảm trong khi đường lối kinh tế của đảng CSTQ xưa nay là thúc đẩy sản xuất
và coi nhẹ tiêu dùng đã dẫn tới tình trạng dư thừa công suất, hàng hóa làm ra
nhiều nhưng bán không chạy, cung vượt cầu khiến các nhà công nghiệp phải liên tục
giảm giá. Trong khi hầu hết các nước khác lo lắng về lạm phát (inflation) thì
Trung Quốc ngược lại, đau đầu vì thiểu phát (deflation).
Sự
sụp đổ của thị trường địa ốc chẳng hạn là minh chứng rõ nhất cho tình trạng dư
thừa: nhiều thập niên qua, Bắc Kinh khuyến khích các tập đoàn xây dựng mở rộng
xây cất để tạo việc làm cho công nhân và thúc đẩy sản xuất xi măng, sắt thép, đồ
dùng nội thất; hậu quả là cả nước có vô số “thành phố ma” với hàng chục triệu
ngôi nhà không có người ở, gần đây nhiều tập đoàn địa ốc lớn công bố phá sản và
giá nhà giảm liên tục vẫn không có người mua.
Không
bán được hàng trong nước, Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh xuất cảng. Dữ liệu của
Bloomberg cho thấy tăng trưởng xuất cảng của Trung Quốc hiện ở mức cao nhất hai
năm qua nhưng xu thế đó sẽ không kéo dài do phản ứng trả đũa của các nước đang
lo ngại hàng nhập cảng từ Trung Quốc bóp chết các nhà sản xuất nội địa và làm
trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp. Lấy mặt hàng xe hơi làm ví dụ. Năm
2023, Trung Quốc sản xuất khoảng 30 triệu chiếc xe, nhiều nhất thế giới và xuất
cảng 5 triệu chiếc, chủ yếu là xe điện (EV). EV Trung Quốc có giá rẻ và nhiều
tính năng kỹ thuật tân tiến phần lớn nhờ vào sự đầu tư và trợ cấp hào phóng của
chính phủ Bắc Kinh.
Để
bảo vệ các nhà sản xuất EV non trẻ trong nước, chính phủ Mỹ và Canada quyết định
áp thuế 100% lên xe EV Trung Quốc; đi xa hơn, Mỹ còn cấm nhập cảng tất cả xe EV
vận hành bằng nhu liệu Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia.
Mới
đây nhất, hôm Thứ Sáu, 5 Tháng Mười, Ủy Ban Châu Âu (EC) bỏ phiếu thông qua đề
nghị áp thuế 45% lên EV Trung Quốc, bất chấp mối lo ngại một cuộc thương chiến.
EU dường như đã bắt đầu rút ra bài học từ việc không đánh thuế cao lên tấm
quang năng (solar cell) của Trung Quốc cách đây 10 năm làm cho 90% thị phần
solar của EU rơi vào tay các công ty Trung Quốc. Chính phủ Bắc Kinh tất nhiên
phản ứng một cách giận dữ và đe dọa có biện pháp trả đũa mạnh mẽ.
Cũng
do tiêu dùng yếu kém, khu vực dịch vụ của Trung Quốc chỉ cung cấp được 45% số
việc làm khiến cho thanh niên rơi vào tình trạng thất nghiệp. Số liệu của Cục
Thống Kê Quốc Gia Trung Quốc (NBS) ghi nhận trong Tháng Tám vừa qua, tỷ lệ thất
nghiệp của thanh niên độ tuổi 16-24 tuổi là 18.8%, thực tế có thể còn cao hơn,
nhất là trong số sinh viên tốt nghiệp đại học vốn chủ yếu làm trong lĩnh vực dịch
vụ công nghệ. Các chế độ độc tài sợ nhất là sinh viên thất nghiệp sẽ đứng dậy
phản kháng, gây bất ổn chính trị.
Tiêu
dùng yếu kém một phần quan trọng do tỷ lệ sinh sản giảm; thất nghiệp làm cho giới
trẻ không muốn lập gia đình và sinh con đẻ cái; nghĩa là xu hướng tiêu dùng sẽ
tiếp tục yếu kém kéo dài – cái vòng luẩn quẩn đó không dễ giải quyết.
Xoa
dầu trị ung thư
Trong
diễn văn mừng ngày Quốc Khánh 1 Tháng Mười, ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc,
thừa nhận kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều chướng ngại nhưng ông cam kết nỗ lực
đạt mức tăng trưởng 5% và kêu gọi toàn dân “hoàn toàn tin tưởng vào đảng, vào
quân đội và nhân dân.”
Đúng
ra Trung Quốc đã vận dụng rất nhiều cách để thoát ra khỏi khủng hoảng, vực dậy
nền kinh tế. Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc – tức là ngân hàng nhà nước, giống
như Ngân Hàng Trung Ương (Fed) của Mỹ – bắt đầu hạ lãi suất, bơm thêm tiền vào
ngành kinh tế và cho phép các ngân hàng thương mại giảm tỷ lệ tiền dự trữ bắt
buộc để có thêm tiền cho khách hàng vay. Trung Quốc cũng quyết định bán công
trái (bond) lấy 2,000 tỷ yuan ($248 tỷ) để hỗ trợ chính quyền các địa phương
đang ngập đầu trong núi nợ nần và trợ cấp cho trẻ em những gia đình đông con.
Các
biện pháp kích thích đó đã có tác dụng tâm lý, đẩy chỉ số chứng khoán Trung Quốc
vọt lên trong những ngày đầu Tháng Mười, bắt kịp các chỉ số chứng khoán chính
trên thế giới, nhưng đà tăng trưởng đó chắc chắn không kéo dài được vì vấn đề của
kinh tế Trung Quốc nằm ở cơ cấu bất hợp lý giữa sản xuất và tiêu thụ, ở hệ thống
đề cao kinh tế quốc doanh do nhà nước kiểm soát. Vấn đề đó không thể giải quyết
một cách đơn giản bằng các gói kích thích.
Thôi
thì chuyện vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hãy để cho các nhà hoạch định
chính sách ở Bắc Kinh tính toán. Có điều giới lãnh đạo đảng CSTQ từ lâu vẫn cho
rằng, mọi khó khăn của họ là do các “thế lực thù địch” bên ngoài gây ra nhằm
kìm hãm đà tiến của Trung Quốc, từ đó mà kích động tinh thần “ái quốc” của khối
dân chúng đông đảo hỗ trợ hành động của nhà cầm quyền.
Hướng
xung đột ra ngoài
Trong
vấn đề kinh tế hiện nay, ngoài những chương trình kích thích vừa trình bày
trên, chính quyền Bắc Kinh thực hiện song song hai biện pháp khác: một là trấn
áp các tiếng nói phản biện ở trong nước và hai là đẩy mạnh xung đột ở nước
ngoài. Tuần báo The Economist (Anh) ghi nhận một chiến dịch truy bức đang diễn
ra tại Viện Kinh Tế thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc (CASS), các nhà khoa
học hàng đầu của viện bị thanh trừng trong một nỗ lực gây áp lực lên các học giả
để họ không được bày tỏ sự bi quan về triển vọng kinh tế của đất nước.
Ở
bên ngoài, Trung Quốc càng ngày càng siết chặt vòng vây chung quanh Đài Loan mà
Bắc Kinh coi là lãnh thổ của mình, liên tục xung đột với Philippines và Việt
Nam trên Biển Đông, sẵn sàng gây hấn ở quần đảo Senkaku và kích thích một phong
trào bài Nhật trong dân chúng Trung Quốc. Cái chết oan ức của một học sinh Nhật
10 tuổi bị tấn công bằng dao gần một trường học ở Thâm Quyến hôm 18 Tháng Chín
là một minh chứng về sự kích động chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc.
Với
Việt Nam, Philippines, các vụ tấn công của Trung Quốc xảy ra thường xuyên hơn,
tàn bạo hơn, đặc biệt là trong vài tháng qua sau khi Manila và Hà Nội ký thỏa
thuận hợp tác giữa lực lượng Cảnh Sát Biển hai nước hồi Tháng Giêng và tổ chức
cuộc tập trận chung vào Tháng Tám.
Có
nhà quan sát nhận định Trung Quốc lợi dụng lúc Mỹ bận tâm vào cuộc bầu cử tổng thống
và vụ leo thang xung đột ở Trung Đông để đẩy mạnh hoạt động khiêu khích trên Biển
Đông nhằm thay đổi hiện trạng khu vực. “Đối tượng” mà các hành động hung hăng của
Bắc Kinh nhắm tới không chỉ là ngư dân Việt Nam hoặc lính biên phòng
Philippines mà các nhà hoạch định chính sách của Mỹ ở Washington, đặc biệt do Mỹ
có hiệp định phòng thủ chung với Philippines và quan hệ Việt-Mỹ khởi sắc hơn
trong chuyến thăm Mỹ vừa qua của ông Tô Lâm, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt
Nam.
Qua
hành động gây hấn gần đây, có thể Bắc Kinh muốn thử thách quyết tâm của người Mỹ,
và cũng có thể nhằm đánh lạc hướng dư luận trong nước về tình hình ảm đạm của nền
kinh tế và củng cố niềm tin vào đảng CSTQ, vào quân đội như lời phủ dụ của ông
Tập Cận Bình.
Không
phải ngẫu nhiên mà sau khi hai tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi số hiệu QNg 97539
TS và QNg 90659 TS bị các tàu Hải Cảnh Trung Quốc Sansha Zhifa 101 và Sansha
Zhifa 301 tấn công và cướp bóc dã man ngày 29 Tháng Chín gần quần đảo Hoàng Sa.
Ông
Eduardo Ano, cố vấn an ninh quốc gia Philippines, đã lên tiếng khẳng định đất
nước ông đứng về phía Việt Nam, lên án “hành động nghiêm trọng” của Trung Quốc.
Ông Matthew Miller, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, hôm 3 Tháng Mười cũng
tuyên bố trên mạng X: “Hoa Kỳ quan tâm sâu sắc tới các bản tường trình về hành
động nguy hiểm của tàu chấp pháp Trung Quốc chống tàu đánh cá Việt Nam gần quần
đảo Hoàng Sa hôm 29 Tháng Chín. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc dừng ngay hành vi
nguy hiểm và gây bất ổn ở Biển Đông.”
Xem
ra việc Trung Quốc chủ động gây hấn với các nước trong khu vực để đánh lạc hướng
dư luận lần này có thể là lợi bất cập hại. [qd]
No comments:
Post a Comment