Wednesday 9 October 2024

HÀNH TRÌNH 75 NĂM ĐƯA TRUNG QUỐC "VĨ ĐẠI TRỞ LẠI" (Chi Phương / RFI)

 



Hành trình 75 năm đưa Trung Quốc « vĩ đại trở lại »

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 08/10/2024 - 14:50  -  Sửa đổi ngày: 08/10/2024 - 15:39

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20241008-h%C3%A0nh-tr%C3%ACnh-75-n%C4%83m-%C4%91%C6%B0a-trung-qu%E1%BB%91c-v%C4%A9-%C4%91%E1%BA%A1i-tr%E1%BB%9F-l%E1%BA%A1i

 

Hồi đầu tháng này, ngày 01/10/2024, Trung Quốc kỷ niệm ngày quốc khánh, tròn 75 năm đảng Cộng Sản cầm quyền. Chính sách cai trị độc đảng tại Trung Quốc của Tập Cận Bình, với tầm nhìn « phục hưng Trung Quốc » dù không có nhiều điểm chung, nhưng nếu nhìn sâu xa, lại là sự tiếp nối của một bộ nguyên tắc về chính trị và kinh tế từ 75 năm qua.

 

HÌNH :

Ảnh của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bảo tàng đảng Cộng Sản Trung Quốc, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 12/11/2021. AP - Ng Han Guan

 

RFI xin giới thiệu bài phân tích của nhà nghiên cứu  Elizabeth Economy tại Hoover Institution, đăng trên The Diplomat ngày 01/10/2024.

 

Theo The Diplomat, đảng Cộng Sản cai trị Trung Quốc trong suốt 75 năm qua mà không có sự phản đối “đáng kể” nào kể. Từ một quốc gia nghèo đói, bị chiến tranh tàn phá, trở thành một đại cường, Trung Quốc khiến thế giới kinh ngạc về quá trình chuyển đổi hiện đại. Trên trường quốc tế Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có vị trí trung tâm trên bàn cờ quốc tế, có quân đội mạnh, và đi đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ quan trọng, từ xe điện, 5G cho đến Trí tuệ nhân tạo (AI).

 

Đối với lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình, những thành tựu mà Trung Quốc đạt được là những dấu hiệu quan trọng để thực hiện tầm nhìn “phục hưng đất nước”, khiến Trung Quốc “vĩ đại trở lại”. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Tập Cận Bình đã đưa ra nhiều sáng kiến để trẻ hóa đất nước, như Sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường, Made in China 2025, …, xây dựng một nền kinh tế hiện đại có thể cạnh tranh với Hoa Kỳ và các nước công nghiệp phát triển khác, có quân đội hùng mạnh để có thể thực hiện các tham vọng về chủ quyền và có được vị thế trung tâm trên trường quốc tế.

 

Không chỉ riêng ông Tập mà hầu hết các lãnh đạo của Trung Quốc kể từ khi lập quốc đều đưa ra tầm nhìn để phục hưng Trung Quốc. Dưới thời Mao Trạch Đông, cố lãnh đạo Trung Quốc coi việc tạo dựng một hệ thống chính trị theo chủ nghĩa xã hội (sau đó là cộng sản) là ưu tiên. Mao Trạch Đông cũng tìm cách thống nhất Đài Loan, theo một mô hình cho phép Đài Loan tự chủ về các vấn đề chính trị nội bộ, kinh tế, và cả quân đội, nhưng Hoa Lục vẫn duy trì kiểm soát về chính sách đối ngoại. Đây chính là khởi nguồn của lập trường “một đất nước hai chế độ” mà Đặng Tiểu Bình người kế nhiệm ông Mao noi theo.

 

Tuy nhiên Đặng Tiểu Bình lại đưa ra một khái niệm khác về việc phục hưng Trung Quốc, tập trung vào việc phục hồi kinh tế và sức mạnh quân sự, qua việc hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và khoa học công nghệ. Ông Đặng cũng kêu gọi vốn nước ngoài vào hỗ trợ hiện đại hóa đất nước, bắt đầu quá trình hội nhập, tham gia vào nhiều thể chế và thỏa thuận quốc tế. Ông Đặng ủng hộ chính sách đối ngoại kín đáo của Trung Quốc, để tạo ra một môi trường quốc tế ổn định, tập trung vào phát triển kinh tế trong nước.

 

 

Các nguyên tắc được thiết lập ngay từ khi lập quốc

 

Nếu về bề nổi, Trung Hoa thời Tập Cận Bình khác với thời của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, nhưng khi xét kỹ, theo nhà phân tích lizabeth Economy, thuộc Hoover Institution, chiến lược “phục hưng Trung Quốc” của ông Tập, được bắt nguồn từ các nguyên tắc được thiết lập ngay từ khi lập quốc. Đảng Cộng Sản duy trì quyền kiểm soát tối cao, trong mọi lĩnh vực, kinh tế, chính trị xã hội, tư pháp, truyền thông, giáo dục….

 

Bản thân Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh rằng một lãnh đạo Trung Quốc là người phải biết củng cố nền tảng do người tiền nhiệm thiết lập, và sau đó tự đặt ra chương trình nghị sự của riêng mình. Trong một triển lãm vào năm 2012, với tên gọi “con đường trẻ hóa, phục hưng”, ông Tập vừa mới nhậm chức, đã kêu gọi các đảng viên “kế thừa quá khứ, mở ra tương lai”.

 

Tại Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, vào năm 2017, ông Tập đã mô tả Trung Hoa đã « đứng lên, trở lên giàu có và mạnh mẽ”, ngụ ý rằng, Mao Trạch Đông đã giúp đất nước đứng lên vào năm 1949, lãnh đạo cuộc cách mạng của đảng Cộng Sản thành công; ông Đặng Tiểu Bình thì giúp đất nước phát triển, qua cải cách và mở cửa, và đến ông Tập, sẽ là người đưa Trung Quốc trở lên hùng mạnh.

 

 

Xây dựng chế độ độc đảng vững mạnh

 

Theo The Diplomat, “trân trọng quá khứ”, những tiền đề lịch sử giúp các lãnh đạo Trung Quốc hợp pháp hoá một hệ thống chính trị, không cần giải trình cho người dân về bầu cử hay những lỗi lầm trong quá khứ. Do đó, Tập Cận Bình đã nỗ lực để lịch sử của đảng Cộng Sản là một « con đường liên tục chứ không phải là một tập hợp các tư tưởng và chính sách ».

 

Yếu tố cốt lõi trong chiến lược phục hưng Trung Quốc của Tập Cận Bình là xây dựng chế độ độc đảng vững mạnh. Khi lên nắm quyền, ông Tập đã xác định các yếu tố, các thách thức đối với khả năng tồn tại liên tục của đảng Cộng Sản, chẳng hạn như nhiều đảng viên không còn duy trì ý thức hệ, chuyển sang tư tưởng chính trị và kinh tế cá nhân. Các giá trị phương Tây xâm nhập vào Đảng và xã hội Trung Quốc, và tham nhũng là một trong những đe dọa lớn nhất.

 

Để giải quyết những điểm yếu này, ông Tập đã áp dụng một số chính sách từ thời Mao Trạch Đông, loại bỏ kiểu lãnh đạo tập thể do Đặng Tiểu Bình lập ra, thanh trừng các đối thủ chính trị, gia hạn nhiệm kỳ lãnh đạo của chủ tịch nước, chủ tịch Đảng, đồng thời thúc đẩy chủ nghĩa sùng bái cá nhân, mà theo đó, « bất kể lời nói, hành động của ông Tập đều có thể chi phối đời sống chính trị Trung Quốc ».

 

The Diplomat nhắc lại cuộc đàn áp những người bất đồng chính kiến dưới thời Mao Trạch Đông, với cuộc Cách mạng Văn hoá, đẩy quốc gia vào tình trạng hỗn loạn.

 

 

Đọc thêm : Cách Mạng Văn Hóa Trung Quốc : tháng 08/1966, mùa hè đỏ máu đầu tiên

 

 

Mặc dù ông Tập phủ nhận tình trạng hỗn loạn do cuộc Cách mạng Văn hoá gây ra, nhưng coi đảng Cộng Sản Trung Quốc đang tham gia vào cuộc đấu tranh “dữ dội”, và “liên tục” chống lại các giá trị và tư tưởng không đúng đắn. Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch “chỉnh đốn tư tưởng”, tại các trường đại học, các tổ chức tư vấn học thuật khoa học, các phương tiện truyền thông và doanh nghiệp nhà nước. Ví dụ, các trường đại học cấm sách giáo khoa phương Tây, học sinh được khuyến khích báo cáo các giáo viên có những “phát ngôn không phù hợp”. Tư tưởng của ông Tập được giảng dạy từ tiểu học cho đến đại học.

 

Về cuộc chiến chống tham nhũng, ông Tập đã viện dẫn các tôn chỉ của Mao Trạch Đông về việc “bắt hổ” - những quan chức cấp cao tham gia các hoạt động tham nhũng quy mô lớn, và “bắt ruồi” – các quan chức cấp thấp. Tuy nhiên không giống như dưới thời ông Mao, các chiến dịch mà ông Tập phát động được thực hiện liên tục trong hơn một thập kỷ, và vượt xa tất cả các chiến dịch chống tham nhũng trước đó về quy mô và phạm vi, và chưa biết khi nào mới chấm dứt. Kể từ năm 2012, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 5 triệu vụ tham nhũng liên quan đến các đảng viên Cộng Sản.

 

 

Tập Cận Bình và tấm áo "nhà cải cách"

 

Nếu ông Tập lựa chọn cách tiếp cận chính trị theo đường lối của Mao Trạch Đông, thì về kinh tế, lãnh đạo Trung Quốc khoác lên mình chiếc áo của Đặng Tiểu Bình, coi mình là “nhà cải cách”, theo đuổi các chính sách đổi mới Trung Hoa ngay từ đầu nhiệm kỳ.

 

Khi nền kinh tế bị chững lại, lòng tin bị suy giảm, đầu tư cũng giảm, đảng Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục sử dụng hình ảnh của Đặng để đánh bóng uy tín của ông Tập. Báo chí của Nhà nước, vào tháng 03/2024, đã gọi Tập Cận Bình là “một nhà cải cách xuất sắc khác, sau Đặng Tiểu Bình”, so sánh “nhiệm vụ hiện đại hoá” đất nước của ông Đặng và “sứ mệnh của ông Tập” ngày nay.

 

Tuy nhiên, theo The Diplomat, các chính sách của Tập Cận Bình chỉ ra rằng ông không phải là một người kế nhiệm tự nhiên của ông Đặng, bởi “không khoan dung” với những điều không chắc chắn, mất quyền kiểm soát Đảng, và bất bình đẳng thu nhập. Cải cách kinh tế đầu tiên mà Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013, hứa hẹn rằng thị trường đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, và quyền sở hữu công vẫn là ưu tiên.

 

Theo các nhà quan sát, nhiệm kỳ của Tập Cận Bình đượ

c đánh dấu bởi xu hướng “Nhà nước tiến lên, khu vực tư nhân thụt lùi”, số lượng doanh nghiệp Nhà nước đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2012-2022. Vai trò của đảng Cộng Sản trong các doanh nghiệp tư nhân cũng được tăng cường, để “phù hợp với các mục tiêu của Đảng”.

Cách tiếp cận của Tập Cận Bình đối với “thịnh vượng chung”, phản ánh sự kết hợp giữa tầm nhìn của cả Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Ông Đặng cho rằng, một số khu vực và nhóm người nhất định sẽ trở lên giàu có trước, và thúc đẩy kinh tế, đóng góp vào thịnh vượng chung của đất nước. Tuy nhiên, giống như Mao Trạch Đông, ông Tập phản đối việc tạo ra quá nhiều của cải, và coi việc phân phối của cải là cách để giải quyết sự bất bình đẳng về thu nhập hiện nay ở Trung Quốc.

 

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái hậu Covid, lãnh đạo Trung Quốc từ chối hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân và người tiêu dùng vì e sợ sẽ thúc đẩy “chủ nghĩa phúc lợi”, để tránh xảy ra tình huống người dân làm biếng, không muốn làm việc vì nhận được hỗ trợ từ chính phủ. Về vấn đề thất nghiệp ở người trẻ, ông Tập đã gợi ý các thanh niên nên chấp nhận cay đắng, xuống các vùng nông thôn phục vụ nhân dân, làm liên tưởng đến cuộc Cách mạng Văn hoá dưới thời Mao Trạch Đông.

 

Liên quan đến việc đổi mới và công nghệ, ông Tập tỏ ra ít cam kết với việc đưa Trung Quốc hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế như Đặng Tiểu Bình, mà ông ủng hộ hơn các chính sách thúc đẩy tự lực công nghệ, giảm phụ thuộc vào quốc tế. Khái niệm tự lực giáo dục cũng được đưa ra, thay vì gửi sinh viên đến các trường đại học nước ngoài, ông Tập kêu gọi thành lập các trường địa học tại Hoa Lục “đẳng cấp thế giới”, không chỉ để thu hút những tài năng tại Trung Quốc mà cả các sinh viên có thành tích cao từ khắp nơi trên thế giới.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

TRUNG QUỐC - ĐÀI LOAN

Mỹ chưa sẵn sàng đối phó chiến tranh kinh tế của Trung Quốc chống Đài Loan

 

TRUNG QUỐC - VŨ KHÍ HẠT NHÂN

Thấy gì từ vụ Trung Quốc bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ra Thái Bình Dương ?

 

TRUNG QUỐC - BIỂN ĐỒNG

Philippines lên án Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa

 







No comments:

Post a Comment

View My Stats