Sarosh Nagar và Sergio Imparato | The Diplomat
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
07/10/2024
https://nghiencuuquocte.org/2024/10/07/cuoc-dua-ai-o-dong-nam-a/
Tại
sao thế giới nên chú ý đến cuộc đua AI ở Đông Nam Á?
Bản
báo cáo mới được công bố gần đây của Liên Hiệp Quốc đã thúc đẩy sự quan tâm
ngày càng tăng của thế giới đối với trí tuệ nhân tạo (AI). Hầu hết sự chú ý
toàn cầu đối với AI đều đang đổ dồn vào Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia với nhiều
nhà phát triển mô hình nền tảng hàng đầu thế giới. Một số khu vực khác cũng nhận
được sự chú ý đáng kể – từ Đạo luật AI của Châu Âu, đến các nỗ lực của Ả Rập
Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất nhằm thu hút các công ty khởi
nghiệp mới đến Vùng Vịnh.
Tuy
nhiên, có một khu vực chưa nhận được nhiều sự quan tâm trên toàn cầu: Đông Nam
Á. Bao gồm 10 quốc gia thành viên đa dạng của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á
(ASEAN) – Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines,
Singapore, Thái Lan, và Việt Nam – khu vực này đang âm thầm trở thành điểm nóng
mới nổi về AI. Thật vậy, thông qua các công ty nội địa, tình hình địa chính trị
thuận lợi, và sự tham gia của các nhân tố nước ngoài, cuộc đua AI đang diễn ra ở
Đông Nam Á mang đến những bài học độc đáo mà các nhà hoạch định chính sách, nhà
đầu tư, và chuyên gia công nghệ toàn cầu nên theo dõi.
Đông
Nam Á hiện là một trong những khu vực kinh tế quan trọng nhất thế giới. Khi cộng
gộp, GDP của các quốc gia ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Tầng lớp
trung lưu ở khu vực này gồm khoảng 200 triệu người – gần bằng hai phần ba tổng
dân số Mỹ. Và tầm quan trọng của họ sẽ chỉ tiếp tục tăng lên. Tính đến năm
2050, Indonesia được dự đoán sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, trong khi
GDP riêng lẻ của Philippines, Thái Lan, và Malaysia có thể vượt quá 1 nghìn tỷ
đô la.
Quy
mô kinh tế đã khiến khu vực này trở thành thị trường béo bở cho các công ty
công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, Đông Nam Á có những động lực khu vực đặc thù khiến
việc sử dụng AI trở nên khó khăn hơn. Khu vực này có tới chín ngôn ngữ chính thức,
trong đó gồm tiếng Thái, tiếng Mã Lai, và tiếng Bahasa Indonesia, nghĩa là các
mô hình AI dành cho khu vực này phải có khả năng đa ngôn ngữ mạnh mẽ. Bất chấp
nhu cầu này, kiến thức và ngôn ngữ Đông Nam Á lại thiếu vắng trong các bộ dữ liệu
dùng để đào tạo nhiều mô hình AI của phương Tây.
Chẳng
hạn, chỉ có 0,5% tập dữ liệu đào tạo cho mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) Llama 2 của
Meta là các ngôn ngữ Đông Nam Á, dù khu vực này chiếm tới 8,45% dân số toàn cầu.
Chính vì những hạn chế này, khi người dùng Đông Nam Á nhập văn bản tiếng Thái
hoặc tiếng Bahasa Indonesia vào các mô hình ngôn ngữ lớn, nhiều mô hình đã trả
về những câu trả lời vô nghĩa, thường bằng tiếng Anh.
Điều
này tạo ra cơ hội cho các công ty nội địa xây dựng LLM dành riêng cho khu vực.
Dẫn đầu là AI Singapore, một tổ chức hợp tác quốc gia giữa các trung tâm nghiên
cứu AI hàng đầu ở Singapore. Theo tuyên bố của AI Singapore, mô hình đầu tiên của
họ, SEA-LION LLM, có tới 13% dữ liệu đào tạo bằng các ngôn ngữ Đông Nam Á, nhờ
đó giúp SEA-LION hiểu biết văn hóa khu vực tốt hơn. Ngoài ra, Jasmine Group, một
công ty công nghệ truyền thông lớn của Thái Lan, cũng được cho là đang xây dựng
một LLM tiếng Thái. Trong khi đó, startup Yellow.ai của Indonesia đã xây dựng một
LLM phục vụ 11 ngôn ngữ địa phương dựa trên mô hình Llama-2 nguồn mở của Meta.
Những
công ty Đông Nam Á này đáng để theo dõi vì một số lý do. Đầu tiên, khác với hầu
hết các công ty ở Mỹ và Trung Quốc, một số công ty AI hàng đầu Đông Nam Á không
phải là công ty tư nhân thuần túy. Chẳng hạn, AI Singapore là một quan hệ đối
tác công-tư giữa các công ty khởi nghiệp AI và các viện nghiên cứu công. Nếu những
công ty này thành công trong việc xây dựng các LLM khu vực hiện đại, với sức
hút đáng kể, họ có thể mang lại bài học cho các nhà hoạch định chính sách và
giám đốc điều hành toàn cầu về cách khởi động các quan hệ hợp tác công-tư hiệu
quả nhằm xây dựng các hệ thống AI tiên tiến.
Thứ
hai, nếu các chương trình LLM nội địa được ưa chuộng hơn ở khu vực này so với
các chương trình LLM của Mỹ hoặc Trung Quốc, thì chúng có thể khuyến khích sự
phát triển của các mô hình tương tự, với các đặc thù văn hóa riêng ở những nơi
khác trên thế giới.
Tuy
nhiên, các công ty Trung Quốc và Mỹ sẽ không ngồi yên trong khu vực này. Trên
thực tế, Đông Nam Á đang chứng kiến sự cạnh tranh đáng kể giữa các công ty Mỹ
và Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu của khu vực. Chẳng hạn, Học viện DAMO – viện
nghiên cứu của tập đoàn Trung Quốc Alibaba – gần đây đã ra mắt SeaLLM, một mô
hình mới tập trung vào các ngôn ngữ Đông Nam Á. Trong khi đó, CEO của Microsoft
Satya Nadella và CEO của Apple Tim Cook gần đây đã đến thăm Đông Nam Á, còn
Amazon Web Services thì có kế hoạch thêm Malaysia vào danh sách các khu vực mới
trong năm nay.
Sau
cùng thì, cạnh tranh là rất quan trọng. AI tạo sinh là một ngành công nghiệp nổi
tiếng đòi hỏi vốn đầu tư lớn, vì vậy các công ty có thể tạo ra được nhiều doanh
thu hơn trong khu vực sẽ được trang bị tốt hơn để trang trải chi phí đắt đỏ của
việc phát triển mô hình và tài trợ cho những tiến bộ về khả năng AI.
Ngoài
các công ty, cả chính phủ Mỹ và Trung Quốc cũng ngày càng tham gia nhiều hơn
vào thị trường AI của Đông Nam Á. Trung Quốc gần đây đã bắt đầu tổ chức một diễn
đàn thường niên về Hợp tác Trí tuệ Nhân tạo Trung Quốc-ASEAN, với sự tham gia của
các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo chủ chốt khác. Họ cũng thành lập
Trung tâm Đổi mới AI Trung Quốc-ASEAN tại tỉnh Quảng Tây, nơi đã khởi động hơn
119 dự án về AI. Về phần mình, Mỹ đã khởi động các nỗ lực chiến lược kỹ thuật số
riêng, chẳng hạn như quan hệ đối tác mới giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ
(USAID) và Google, trong đó sử dụng AI và các công cụ kỹ thuật số khác để lập bản
đồ tác động của biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Việc
theo dõi diễn biến cuộc cạnh tranh AI giữa Trung Quốc và Mỹ ở Đông Nam Á có thể
mang lại một số bài học giá trị. Đối với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ
và Trung Quốc, các quan hệ chồng chéo có thể làm dấy lên lo ngại rằng khu vực
này sẽ cho phép công nghệ nhạy cảm chảy sang bên kia. Mỹ được cho là đang cố gắng
tìm cách ngăn chặn việc bán chip AI nhạy cảm từ Singapore và Malaysia sang
Trung Quốc.
Về
lâu dài, những lo ngại này có thể khiến Washington và Bắc Kinh khuyến khích các
quốc gia và công ty ở Đông Nam Á hạn chế tiếp xúc với bên kia. Tuy nhiên, nhiều
quốc gia ở Đông Nam Á đang lựa chọn thái độ trung lập, mong muốn gặt hái lợi
ích từ các liên kết với hai hệ sinh thái AI lớn nhất thế giới. Cách các quốc
gia Đông Nam Á cố gắng xoa dịu cả hai bên và điều hướng rủi ro cũng có thể ảnh
hưởng đến cách các quốc gia khác phản ứng với những căng thẳng địa chính trị
này.
Ngoài
Mỹ và Trung Quốc, một quốc gia khác cũng đang tìm cách thâm nhập vào Đông Nam Á
bằng con đường AI: Nhật Bản. Tokyo từ lâu đã duy trì các quan hệ thương mại
quan trọng ở Đông Nam Á, với các công ty Nhật Bản là nhà đầu tư lớn vào thị trường
khu vực. Gần đây hơn, Nhật Bản đang chuẩn bị mở rộng sang AI. Vào tháng 7, Thủ
tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã khởi động một quan hệ đối tác công-tư để hỗ trợ
các công ty Nhật Bản phát triển LLM cho Đông Nam Á, bao gồm cả việc trợ cấp cho
các công ty như Elyza của Nhật Bản, công ty đang đào tạo LLM tại Thái Lan.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang cân nhắc tài trợ các nguồn lực máy tính, như bộ xử
lý đồ họa (GPU), để giúp tăng cường năng lực tính toán của khu vực. Các công ty
Nhật Bản như Sakura Internet cũng đang hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp
dịch vụ đám mây lớn cho Đông Nam Á.
Các
nhà công nghệ, nhà đầu tư, và nhà hoạch định chính sách toàn cầu nên theo dõi
chặt chẽ các động thái của Nhật Bản trong khu vực. Nhiều quốc gia ngoài Mỹ và
Trung Quốc, bao gồm Pháp và Ả Rập Saudi, đang cố gắng tìm chỗ đứng riêng trong
cuộc đua AI bằng cách hỗ trợ sự phát triển AI nội địa, khởi động các quỹ đầu tư
mới, và hơn thế nữa. Nếu những nỗ lực của Nhật Bản có thể giúp các công ty của
họ trở thành những người chơi chính trên thị trường LLM và đám mây của Đông Nam
Á, thì các chính phủ và công ty khác trên toàn thế giới có thể cố gắng bắt chước
những nỗ lực của Nhật Bản để hỗ trợ việc mở rộng ra nước ngoài của các công ty
trong nước của họ. Tuy nhiên, nếu nỗ lực của Nhật Bản không đạt hiệu quả, điều
đó có thể củng cố niềm tin rằng phát triển AI vẫn là cuộc đua song mã giữa Mỹ
và Trung Quốc, làm giảm động lực của các quốc gia và công ty khác khi đi theo
con đường tương tự.
Theo
nhiều cách, cuộc đua AI ở Đông Nam Á là một cuộc đua đáng chú ý. Khu vực này
cung cấp một trường hợp độc đáo cho phép các nhà hoạch định chính sách, nhà
công nghệ, và nhà đầu tư toàn cầu quan sát cách các công ty khởi nghiệp nội địa
cố gắng cạnh tranh với các gã khổng lồ toàn cầu, cách các quốc gia có thể phòng
ngừa rủi ro địa chính trị trong thời đại AI, và cách các quốc gia ngoài Mỹ và
Trung Quốc có thể tìm thấy vị trí của mình trong hệ sinh thái AI. Cách khu vực
này ứng dụng AI tạo sinh cũng sẽ có những tác động đáng kể đến tương lai của
chúng ta.
------------------------------
Sarosh
Nagar
là học giả và nhà nghiên cứu tại Đại học University College London.
Sergio
Imparato
là giảng viên và giám đốc chương trình đào tạo đại học tại Khoa Quản trị của Đại
học Harvard.
Nguồn: Sarosh Nagar và
Sergio Imparato, “The Global AI Market
No One Is Watching,” The
Diplomat, 28/09/2024
No comments:
Post a Comment