Sunday, 13 October 2024

BIỂN ĐÔNG GÂY "XUNG DỘT" NGAY CẢ TRONG CÁCH ĐẶT TÊN (Chi Phương / RFI)

 



Biển Đông gây « xung đột » ngay cả trong cách đặt tên

 Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 12/10/2024 - 11:36

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20241012-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-g%C3%A2y-xung-%C4%91%E1%BB%99t-ngay-c%E1%BA%A3-trong-c%C3%A1ch-%C4%91%E1%BA%B7t-t%C3%AAn

 

Cuộc họp thượng đỉnh của khối ASEAN với trọng tâm là Biển Đông, dấy lên câu hỏi có nên thống nhất cách gọi tên cho vùng biển tranh chấp ; Thế bất lực của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Liban ; Cuộc cạnh tranh thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu, trên đây là những chủ đề chính trong mục tạp chí thế giới đó đây tuần này.

 

HÌNH :

Tàu tiếp tế Unaizah của Philippines (ở giữa), bị hai vòi rồng của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc bắn trúng, khiến nhiều thành viên thủy thủ đoàn bị thương khi đang tiến vào Bãi Cỏ Mây (Second Thomas), trên biển Đông, ngày 05/03/2024. © AP/Philippine Coast Guard

 

Trong tuần vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44 và 45 cũng như các thượng đỉnh ASEAN với các đối tác đã diễn ra tại Vientiane, Lào, quy tụ nhiều lãnh đạo trong khu vực và các đối tác quốc tế với trọng tâm về khủng hoảng ở Miến Điện và đặc biệt là căng thẳng tại Biển Đông.

 

Nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra gần đây giữa tàu cá Trung Quốc với tàu cá của Việt Nam và Philippines. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển chiến lược, gây tranh chấp với nhiều nước thuộc ASEAN, như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia.

 

Một điểm đáng nói là vùng biển giàu tài nguyên này, được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, phản ánh mối liên hệ, đa dạng về lịch sử, văn hóa và địa chính trị của khu vực, theo nhận định của The Diplomat.

 

 

Biển Đông, Biển Tây, hay Nam Hải...

Việt Nam gọi là Biển Đông, nhấn mạnh đến những di sản về hàng hải, coi vùng biển này là một tuyến đường huyết mạnh cho trao đổi thương mại và văn hóa. Cách gọi của Việt Nam cũng gợi lên những thách thức yêu sách của Trung Quốc và các tuyên bố chủ quyền lịch sử của Việt Nam có từ nhiều thế kỷ trước, bao gồm cả giai đoạn Bắc thuộc. Trong nhiều thế kỷ, vùng biển này được gọi là biển Champa, như một cách để công nhận sử kiểm soát của đế chế Champa ở miền trung Việt Nam và các khu vực quan trọng của miền đông Cam Bốt và Lào từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 15.

 

Nếu như Trung Quốc gọi vùng biển này là Nam Hải, để nhấn mạnh đến vị trí địa lý, nằm ở phía nam Trung Quốc, thì trong tiếng Anh, biển Đông được đặt tên là “South China Sea”. Đối với phương tây, “South China Sea” – “biển phía Nam Trung Quốc” phản ánh quan điểm lấy châu Âu làm trung tâm, bắt nguồn từ thời thực dân, thể hiện mối quan tâm với việc mở rộng giao thương với Trung Quốc, được coi là một đối tác thương mại lớn.

 

Philippines thì gọi là “biển Tây” được khởi nguồn từ động lực chính trị vào năm 2012, trước sự xâm nhập ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Sử dụng tên này cho thấy nỗ lực của Philippines trước những thách thức chủ quyền, và khẳng định lợi ích của mình trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng.

 

Với cùng lý do, vào năm 2017, chính phủ Indonesia cũng đã công bố một bản đồ chính thức mới đổi tên một phần biển Đông nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình thành "Laut Natuna Utara" hay Biển Bắc Natuna. Sáng kiến ​​này xuất hiện sau nhiều lần tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập. Việc đổi tên này làm nổi bật mối quan tâm của Indonesia về quyền và chủ quyền của mình đối với EEZ xung quanh quần đảo Natuna.

 

Giáo sư Edmund Lin, giảng viên tại Viện nghiên cứu giáo dục quốc gia, thuộc Nanyang Technological University (Singapore), cho rằng “trước các tranh chấp hiện nay tại vùng biển tranh chấp mang nhiều tên gọi, chúng ta nên cân nhắc tìm ra một cái tên thay thế, thống nhất, để hợp tác và hiểu rõ hơn về khu vực này”. Nhà nghiên cứu đề xuất đặt ra một tên mới là “Biển Đông Nam Á”, một cái tên được công nhận vị trí địa lý và lợi ích chung, nhấn mạnh đến sự hợp tác hơn là cạnh tranh, làm nổi bật sự kết nối giữa các quốc gia trong khu vực, cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau.

 

“Một cái tên thể hiện tính bao hàm hơn” có thể thúc đẩy đối thoại và giảm căng thẳng, và có thể làm nền tảng cho các sáng kiến ​​hợp tác giải quyết các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu, quyền đánh bắt và khai thác, cũng như an toàn và an ninh hàng hải.

 

 

Sự bất lực của Lực lượng gìn giữ hòa bình tại Liban

 

thời sự tại Trung Đông, trong bối cảnh các cuộc giao tranh giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban vẫn rất căng thẳng, hai binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Liban (FINUL) đã bị thương do cuộc tấn công của Nhà nước Do Thái nhắm vào trụ sở tại Naqoura, miền nam Liban. Vụ việc đã khiến nhiều lãnh đạo phương Tây phẫn nộ.

Kể từ ngày 30/09, khi Israel mở chiến dịch tấn công lvào Liban, lực lượng Mũ Nồi Xanh, với nhiệm vụ giám sát việc chấm dứt chiến sự, bảo đảm quyền tiếp cận nhân đạo cho thường dân, đã ngừng các hoạt động tuần tra. Họ chỉ có thể quan sát tình hình chiến sự giữa Hezbollah và Israel từ căn cứ quân sự.

 

Được thành lập vào năm 1978, có nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ nghị quyết 1701 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tạo một vùng đệm giữa Israel và Liban. Lực lượng này hiện gồm 10 000 quân nhân, đến từ 50 quốc gia, cũng giúp hỗ trợ Nhà nước Liban khôi phục quyền lực ở miền nam nước này, chủ yếu do Hezbollah kiểm soát.

 

Tuy nhiên nhiệm vụ này hoàn toàn không khả thi. Thứ nhất là không bên nào tôn trọng nghị quyết 1701. Thứ hai, theo giáo viên lịch sử Guillaume Lasconjarias, tại đại học Paris Sorbonne của Pháp, trả lời Nouvel Obs“lực lượng này chỉ có quyền tự vệ. Nếu không phải là mục tiêu tấn công trực tiếp, thì họ buộc phải chờ đợi tại căn cứ và quan sát”.

 

Nhà nghiên cứu về quân sự nói thêm “có một hình thức không phải là thiếu kiên quyết, mà đúng hơn là đạo đức giả từ phía các cường quốc... Họ muốn lực lượng này hiện diện tại một khu vực nhiều căng thẳng. Nếu lực lượng này không được triển khai thì tình hình có thể xấu đi, nhưng họ ở đó mà không được cấp phương tiện. Họ hiện diện ở đó, quan sát các hoạt động khác nhau, nhưng lại bị ngăn cản bởi cả Israel và Hezbollah và không có khả năng hành động. Đây là một loại « bất lực » trong quyền lực ».

 

 

Bầu cử Hoa Kỳ tác động đến cuộc chiến ở Ukraina

 

Những diễn biến chính trị của Hoa Kỳ ảnh hưởng trực tiếp tới các viện trợ cho Ukraina. Trong tuần vừa qua, vắng mặt tổng thống Mỹ Joe Biden, cuộc họp Ramstein, quy tụ khoảng 50 lãnh đạo ủng hộ Kiev, dự trù được tổ chức tại Đức trong tuần này đã bị hoãn lại vô thời hạn. Không tiếp cận được với Hoa Kỳ, tổng thống Ukraina đành phải tiếp tục chuyến công du châu Âu để tìm kiếm viện trợ từ các đồng minh Anh, Pháp, Đức.

 

Vào tháng 9, trong chuyến công du tới Hoa Kỳ, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã trình bày kế hoạch chiến thắng Nga trước Quốc Hội Mỹ. Thế nhưng chuyến thăm này đã bị Donald Trump và phe Cộng Hòa mạnh mẽ chỉ trích, chính quyền Biden cũng không đánh giá cao kế hoạch của ông Zelensky, theo nhận định của The Economist. Hiện, “không ai trong chính phủ của Biden tin rằng Ukraina có thể chiếm lại bằng biện pháp quân sự những vùng lãnh thổ đã đánh mất”.

 

Sắp tới, cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ vào tháng 11 sẽ tạo ra những bước ngoặt nào cho cuộc chiến chống Nga ở Ukraina ? Theo The Economist, viễn cảnh tiến đến hòa bình cho Ukraina khá xa vời vì cả hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump, đều không có chiến lược rõ ràng đối với hòa bình cho Ukraina. Ứng viên đảng Dân Chủ Kamala Harris khẳng định ủng hộ Kiev và tiếp tục tìm kiếm viện trợ quân sự, nhưng chưa chắc đã kiểm soát được Quốc Hội. Ông Trump thì rỏ ra thiếu nhất quán, mơ hồ, hứa hẹn chấm dứt chiến tranh, thúc giục Nga và Ukraina ngồi vào bàn đám phán.

 

The Economist đưa ra các kịch bản khác nhau. Nếu đảng Dân Chủ giành lại đa số tại Hạ Viện, hiện do phe Cộng Hòa nắm giữ, cũng như giữ được chức tổng thống thì viện trợ cho Ukraina sẽ vẫn tiếp tục được duy trì. Còn nếu ông Trump đắc cử, thì có điều không chắc là liệu ông sẽ trao quyền cho những người theo “chủ nghĩa quốc tế”, hay “chủ nghĩa bảo hộ”. Lời hứa của ông Trump về việc nhanh chóng kết thúc chiến tranh là “không thể tin được”.

 

Valerii Chalyi, cựu đại sứ Ukraina tại Mỹ trả lời trang RBC Ukraina giải thích : “Tương quan chính trị tại Quốc Hội Hoa Kỳ trên thực tế quan trọng hơn tên của tân tổng thống. Ví dụ, giữa việc Donald Trump nắm quyền kiểm soát cả Thượng và Hạ viện, và việc ông Trump chỉ kiểm soát Thượng Viện là hai chuyện khác nhau. Tương tự, nếu Kamala Harris không kiểm soát được Hạ Viện thì sẽ thiếu đòn bẩy về tài chính. Cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 05/11, đó là một ngày rất quan trọng với chúng tôi. Có vẻ như mọi người đều tin rằng, giải pháp chấm dứt chiến tranh với Nga sẽ được đưa ra sau đó, vào năm sau, và có thể thành hiện thực… Trên thực tế, Ukraina sẽ phải làm việc với bất kỳ ai được người dân Mỹ bầu ra, và chúng tôi cần có sự chuẩn bị… Tôi không nghĩ rằng nếu ứng viên của đảng Dân Chủ thắng thì sẽ dễ dàng hơn, bởi những người trong đội ngũ của Kamala Harris không hề dễ làm việc cùng. Tôi đã làm việc với họ, và hầu hết không muốn hỗ trợ Ukraina các loại vũ khí sát thương.”

 

Thăm dò được The Economist trích dẫn, cho thấy hơn một nửa người dân Ukraina chấp nhận mất Donbass và bán đảo Crimée để đổi lấy chủ quyền đối với các khu vực bị chiếm đóng là Zaporijjia và Kherson. Khoảng 38% người Ukraina cho biết sẵn sàng chấp nhận ranh giới lãnh thổ hiện tại, nếu được kết nạp vào Liên Hiệp Châu Âu và nhận được tài trợ để tái thiết. Con số này tăng lên 47% nếu Ukraina được chào đón vào NATO - đây có lẽ là câu hỏi nhạy cảm nhất đối với vị tổng thống tiếp theo.

 

 

Cuộc so găng thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu

 

Kể từ thứ Sáu này, các nhà xuất xuất khẩu rượu Cognac ở châu Âu sẽ phải nộp  một khoản « đặt cọc » trị giá khoảng 35 % giá trị các chai rượu xuất khẩu sang Trung Quốc cho hải quan Trung Quốc. Theo Bắc Kinh, quyết định này là để chống tình trạng bán phá giá, được xem như biện pháp trả đũa về Bruxelles tăng thuế đối với các xe điện do Trung Quốc sản xuất được nhập vào khối.

 

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Cléa Broadhurst cho biết thêm thông tin :

 

« Khoản đặt cọc tại hải quan Trung Quốc là để bù vào các khoản phụ phí có thể tăng trong tương lai. Đối với châu Âu, điều này làm phức tạp việc xuất khẩu sang Trung Quốc, bởi vì các nhà xuất khẩu rượu cognac có nguy cơ phải tăng giá, và có thể ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và giá trên thị trường Trung Quốc.

 

Tuy nhiên theo ông Yuan, làm việc cho doanh nghiệp Tai De, nhập khẩu rượu mạnh, quyết định này tác động không đáng kể đến hoạt động của mình. Ông nói : « Thật may là chúng tôi không bị ảnh hưởng. Chúng tôi xử lý rượu mạnh với số lượng lớn, hơn 200 lít, và chúng tôi nhập khẩu theo lô. Từ năm ngoái, thị trường đã không suôn sẻ, nhưng hiện đã cải thiện hơn. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất chắc chắn là các nhà nhập khẩu các loại rượu thương hiệu lớn.

 

Một nhà kinh doanh khác thì giải thích rằng hiện nay hàng hóa trong kho đủ để bán cho người tiêu dùng Trung Quốc trong 3 năm tới, do vậy quy định mới này không tạo thành vấn đề trong ngắn hạn.

 

Một cuộc chiến tranh thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng không phải là không tránh được. 

 

Các căng thẳng về thuế liên quan đến xe điện và các sản phẩm như Cognac chỉ ra rằng tình hình có thể nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, hai bên đều có các lợi ích kinh tế chung, nếu cuộc xung đột kéo dài thì sẽ gây hại cho cả hai. »

 

 ------------------------------

Các nội dung liên quan

 

ASEAN

ASEAN+1 : Mỹ lên án các hành xử ‘‘ngày càng nguy hiểm’’ của Trung Quốc ở Biển Đông

 

PHÂN TÍCH

Tổng thống Biden vắng mặt tại hội nghị ASEAN – Vientiane : một sai lầm lớn của Hoa Kỳ

 

TRUNG QUỐC - PHILIPPINES - BIỂN ĐÔNG

ASEAN+1: Philippines tố cáo các hành vi hù dọa quấy rối tại Biển Đông, kêu gọi Trung Quốc-ASEAN khẩn trương đàm phán về COC

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats