Tuesday, 15 October 2024

BIỂN ĐÔNG CẦN BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ ĐỂ LÀM GÌ? (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Biển Đông cần Bộ Quy Tắc Ứng Xử để làm gì?

Hiếu Chân/Người Việt

October 11, 2024 : 11:32 PM

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/bien-dong-can-bo-quy-tac-ung-xu-de-lam-gi/

 

Tình trạng căng thẳng trên Biển Đông là mối quan tâm lớn nhất của hội nghị cấp cao Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44-45 diễn ra ở thủ đô Vientiane của Lào từ ngày 9 đến 11 Tháng Mười.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/10/A1-Bien-Dong-COC-1536x1024.jpg

Họp thượng đỉnh ASEAN với Trung Quốc tại thủ đô Vientiane của Lào ngày 10 Tháng Mười. (Hình: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

 

Mục tiêu mà các nhà lãnh đạo đặt ra là hoàn tất tiến trình đàm phán, ký kết và ban hành một Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (Code of Conduct – COC) giữa Trung Quốc và ASEAN. Nhưng mục tiêu này xem ra ngày càng xa vời, gần như không thể thực hiện được mà cho dù thỏa thuận COC sớm ra đời như kỳ vọng thì dường như nó cũng chẳng có ý nghĩa gì cho hòa bình và ổn định ở vùng biển đầy sóng gió này.

 

Biển Đông, tên quốc tế là South China Sea, từ lâu đã trở thành điểm nóng xung đột giữa Trung Quốc và các nước láng giềng phương Nam.

 

 

Từ DOC đến COC

 

Để tránh gia tăng căng thẳng, sau sáu năm đàm phán, năm 2002 ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên Bố Về Ứng Xử Của Các Bên ở Biển Đông, gọi tắt là DOC (Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea). Tuyên bố gồm 10 điểm, trong đó các bên khẳng định tôn trọng tự do hải hành và tự do hàng không, giải quyết hòa bình các xung đột và tự kiềm chế để không làm thay đổi hiện trạng khu vực.

 

Điểm đáng chú ý là DOC không có sự ràng buộc về pháp lý, các bên ký kết có thể không tuân thủ DOC mà không bị trừng phạt. Lạm dụng điều này, Trung Quốc và một số nước khác đã biến DOC thành mảnh giấy lộn. Trung Quốc miệng thì nói tuân thủ DOC nhưng hành động thì hung hăng và không ngừng lấn tới, bất chấp sự phản đối của các nước liên quan.

 

Từ năm 2012 Bắc Kinh đã có chương trình bồi đắp đảo, biến các bãi đá ngầm tự nhiên thành đảo nhân tạo và phát triển thành các căn cứ quân sự khổng lồ ở quần đảo Trường Sa, làm thay đổi vĩnh viễn tình trạng của Biển Đông.

 

Sau DOC, các bên Trung Quốc và ASEAN lại đàm phán về một văn bản pháp lý khác, gọi là COC, tạo ra một khuôn khổ dựa trên luật pháp để ràng buộc và điều chỉnh hành vi của các bên ở Biển Đông. Ý tưởng về COC đã được đưa ra từ năm 2002 nhưng Trung Quốc không tích cực hưởng ứng, mãi đến năm 2017 các bên mới thực sự bắt đầu soạn thảo các nội dung chính của thỏa thuận, sau khi Bắc Kinh đã hoàn tất về căn bản chương trình chiếm đóng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa.

 

Hai thập niên qua, các cuộc đàm phán về COC lúc trồi lúc sụt và cho đến nay vẫn chưa có một kết quả nhỏ nhoi nào. Hồi Tháng Bảy vừa qua, trong nỗ lực đẩy nhanh đàm phán, các bên đã đồng ý đề ra “hạn cuối cùng” để hoàn tất COC là năm 2027. Hạn cuối này chưa chắc đã đạt được vì lập trường, quan điểm của các bên vẫn còn rất xa nhau mà không có triển vọng thu hẹp.

 

 

Vì sao đàm phán COC bế tắc?

 

Cho đến nay, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc vẫn kiên trì thực thi chính sách “bó đũa,” chỉ chấp nhận đàm phán song phương và trực tiếp với từng quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh hơn là đàm phán với ASEAN với tư cách một khối. Trung Quốc, một mặt kêu gọi các nước ASEAN kiềm chế, xây dựng lòng tin theo tinh thần DOC 2002 và cảnh báo các quốc gia bên ngoài Biển Đông không nên can dự vào cái mà Bắc Kinh gọi là “vấn đề nội bộ của khu vực,” nhưng mặt khác liên tục thách thức sự kiềm chế đó bằng cách đơn phương thực hiện những hành động quấy nhiễu, tấn công và đe dọa.

 

Tại hội nghị ASEAN ở Vientiane hôm 10 Tháng Mười, ông Lý Cường (Li Qiang), thủ tướng Trung Quốc, một lần nữa đổ lỗi cho các thế lực bên ngoài can thiệp vào các vấn đề nội bộ của khu vực Đông Nam Á và làm cho tình hình thêm căng thẳng mà không thừa nhận thực tế rằng chính những hành vi hung hăng, bất chấp luật pháp và đạo lý của Trung Quốc suốt mấy chục năm nay là cội nguồn gây ra xung đột.

 

Không chỉ đổ lỗi, Trung Quốc còn đưa vào nội dung đàm phán COC những điều khoản ngăn chặn các nước thành viên hợp tác với “bên ngoài” trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, thăm dò và khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông khi chưa có sự đồng thuận của các thành viên khác.

 

Nghĩa là với COC, các nước Đông Nam Á sẽ không được hợp tác với “bên ngoài” mà chỉ có thể làm ăn với Trung Quốc. Thực tế, Trung Quốc đã từng ép các nước nhỏ như Việt Nam hủy bỏ các dự án thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông đã ký kết và thực hiện với các tập đoàn Tây phương. Quan điểm này của Trung Quốc là trở ngại lớn nhất khiến cuộc đàm phán COC không tiến triển được.

 

Ngoài ra, Trung Quốc ra sức phân hóa nội bộ ASEAN, ngăn chặn ASEAN đoàn kết để đối phó với Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông. Mười quốc gia thành viên ASEAN đi theo các thể chế chính trị khác nhau, có trình độ phát triển chênh lệch nhau và có lợi ích khác nhau trong mối quan hệ khác nhau với Trung Quốc. Một vài nước không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông như Cambodia, Lào, Myanmar, Thái Lan… sẵn sàng tán thành các quan điểm của Bắc Kinh về Biển Đông trong khi các nước bị Trung Quốc xâm hại chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei có quan điểm và thái độ ngược lại.

 

Quan hệ mật thiết với thị trường Trung Quốc cũng như lượng Hoa kiều đông đảo và có thế lực ở các nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan cũng làm cho chính phủ các nước này không muốn và không dám cứng rắn với các đòi hỏi phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

ASEAN hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận, mỗi quyết định quan trọng đều phải được tất cả 10 thành viên chấp nhận, nên một ASEAN bị chia rẽ sâu sắc như hiện nay là trở ngại lớn trong cuộc đàm phán với Trung Quốc về COC. Còn Bắc Kinh thì muốn kéo dài tình trạng bế tắc trong đàm phán COC để họ có thời gian tự do hành động, củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp trên toàn bộ diện tích Biển Đông mà không lo bị ràng buộc.

 

 

COC ở Vientiane

 

Tại hội nghị ASEAN ở Vientiane hôm 10 Tháng Mười, ông Ferdinand Marcos Jr., tổng thống Philippines, cáo buộc Bắc Kinh quấy rối và đe dọa đồng thời thúc giục các nhà lãnh đạo Đông Nam Á và Trung Quốc đẩy nhanh các cuộc đàm phán về COC.

 

“Thật đáng tiếc khi tình hình chung ở Biển Đông vẫn căng thẳng và không thay đổi. Chúng tôi tiếp tục phải chịu sự quấy rối và đe dọa,” ông Marcos Jr. nói và bày tỏ nỗi thất vọng với tiến độ đàm phán COC. Ông cũng thúc giục các đồng sự “Cần phải gấp gáp hơn nữa về tốc độ đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử giữa ASEAN và Trung Quốc.”

 

Ông Anwar Ibrahim, thủ tướng Malaysia, người sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm tới, cho biết khối này đã kêu gọi sớm ký kết một bộ quy tắc ứng xử để quản lý Biển Đông.

 

Philippines và Việt Nam là hai nạn nhân bị Trung Quốc chèn ép nhiều nhất. Vài tháng gần đây thường xuyên xảy ra đụng độ giữa tàu của Trung Quốc và Philippines; tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tấn công hôm 29 Tháng Chín ở Hoàng Sa gây phẫn nộ khắp cả nước và các khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của Indonesia và Malaysia cũng thường xuyên bị tàu của Trung Quốc thâm nhập. Nhưng các nhà lãnh đạo ASEAN khác dường như không nhìn vào thực tế rằng đàm phán COC không tiến triển được là do Trung Quốc “câu giờ” chưa muốn tiến tới.

 

Ông Phạm Minh Chính, thủ tướng Việt Nam, còn hòa giọng với ông Lý Cường: “Mong ASEAN và Trung Quốc sẽ kết nối lập trường, quan điểm, củng cố tăng cường tin cậy chính trị hơn nữa, phối hợp chặt chẽ, đóng góp tích cực, trách nhiệm đối với hòa bình, an ninh và ổn định,” báo Chính Phủ tường thuật. Không rõ ông Chính có cảm thấy nỗi phẫn nộ của người dân Việt Nam trước hành động chèn ép ngư dân, phá hoại hòa bình của Trung Quốc, kéo dài nhiều chục năm qua hay không.

 

Chỉ có ông Antony Blinken, ngoại trưởng Hoa Kỳ, thay mặt ông Joe Biden, tổng thống, nhấn mạnh: ‘‘Chúng tôi rất quan ngại về các hoạt động ngày càng nguy hiểm và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, gây thương tích cho người dân, gây tổn hại cho tàu thuyền của các nước ASEAN, trái ngược với các cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.” Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington ‘‘sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.”

 

 

COC có ý nghĩa gì?

 

Những diễn biến như trên cho thấy COC giữa ASEAN và Trung Quốc là ước vọng xa vời và có phần hão huyền. Chừng nào Trung Quốc chưa thay đổi quan điểm chiếm hữu toàn bộ Biển Đông làm của riêng thì chưa có một thỏa thuận COC nào cả, các bên vẫn sẽ tiếp tục hành xử theo kiểu “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh.”

 

Mà suy cho cùng, ngay một bộ luật quốc tế như Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) vẫn không được Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ thì liệu một bộ quy tắc ứng xử COC sẽ có giá trị gì? Ngày 14 Tháng Bảy, 2016, Tòa Trọng Tài Quốc Tế của UNCLOS đã ra phán quyết bác bỏ căn cứ pháp lý của yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra trên 90% diện tích Biển Đông nhưng vẫn không buộc được Bắc Kinh phải tuân thủ thì có hay không có COC cũng chẳng có ý nghĩa gì với tình trạng tranh chấp căng thẳng trên Biển Đông hiện nay.

 

Cách thức duy nhất để các nước nhỏ như Việt Nam, Philippines đối phó với tham vọng của Trung Quốc là tự nâng cấp năng lực quốc phòng và hợp tác quân sự với các cường quốc dân chủ như Hoa Kỳ, Nhật để tự bảo vệ lợi ích trên biển của mình. Đôi khi, khả năng gây tổn hại đáng kể cho đối phương về quân sự lại là công cụ ngoại giao có hiệu quả để răn đe những tính toán phiêu lưu, có ích hơn là những thỏa thuận này nọ đầy những lời cam kết tốt đẹp chỉ để lòe nhau. [qd]

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats