Ắc-quy lithium-ion: Châu Âu có thể thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc ?
Thùy Dương – RFI
Đăng ngày: 25/10/2024 – 13:08 – Sửa đổi ngày: 25/10/2024 – 15:26
Chiếm hơn 20% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, lĩnh vực giao thông vận tải giữ một vai trò then chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Việc khử carbon trong lĩnh vực giao thông tạo thành đòn bẩy chính trong chiến lược của chính quyền các nước, thông qua điện hóa các phương tiện chuyên chở và đặc biệt là lĩnh vực sản xuất bình điện (ắc-quy), pin điện, một trong những lĩnh vực được xem là mang tính chiến lược nhất.
HÌNH :
Gian trưng bày xe điện của hãng Renault (Pháp), tại Hội chợ xe hơi – Mondial de l’auto, tại Paris, Pháp, ngày 15/10/2024. Trong hình là mẫu xe Renault MEGANE E-TECH 100% ÉLECTRIQUE. © Chi Phuong/Mondial de l’auto Paris 2024
Các thách thức càng trở nên quan trọng hơn bởi vì mặc dù lĩnh vực ắc-quy lithium-ion (Li-ion) đã đạt mức tăng trưởng nhanh chóng mặt trong thập kỷ qua, nhưng ngành này lại chủ yếu có lợi cho Trung Quốc, quốc gia đang thống lĩnh toàn bộ chuỗi sản xuất, tạo giá trị, từ khai thác nguyên liệu thô cho đến sản xuất ắc-quy điện.
Quyền bá chủ này phản ánh chính sách chủ động mà Trung Quốc thực hiện từ suốt hơn 2 thập kỷ nay, kết hợp việc quốc tế hóa các công ty của Trung Quốc (chính sách « Go Global ») nhằm bảo đảm an ninh nguyên liệu sản xuất – đặc biệt là các khoáng sản và kim loại quý hiếm – với việc khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty ngay trên lãnh thổ Trung Quốc để phát triển được những lợi thế so sánh trên toàn bộ chuỗi sản xuất. Trước thực tế này, Liên Hiệp Châu Âu có những con đường nào để thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc về ắc-quy lithium-ion ?
Trên đây là câu hỏi đặt ra trong bài viết của ba nhà nghiên cứu, Valérie Mignon (giáo sư kinh tế tại EconomiX-CNRS, cố vấn khoa học của Viện CEPII, Đại học Paris Nanterre – Paris Lumières), kinh tế gia Carl Grekou của Viện CEPII và Emmanuel Hache (trợ lý khoa học trong lãnh đạo Kinh tế của Viện IFP Energies nouvelles của Pháp). Bài viết được đăng tải trên trang mạng nghiên cứu The Conversation, ngày 09/09/2024.
Năng lực sản xuất của châu Âu không đủ
Tầm quan trọng của châu Âu trong chuỗi sản xuất pin Li-ion đã suy yếu đáng kể. Vào năm 2023, chỉ 14% số bình điện lithium được sản xuất trên lãnh thổ Liên Hiệp Châu Âu, tập trung nhiều tại một số nước thành viên như Đức, Hungary, Ba Lan và Thụy Điển.
Với công suất sản xuất 281,9 gigawatt giờ (GWh) vào năm 2023, châu Âu xếp sát nút sau công suất của Mỹ (295,3 GWh), nhưng lại thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc, quốc gia có công suất sản xuất đạt tới 1290,2 GWh (tức là gấp hơn 4,5 lần công suất của Liên Âu). Thế nhưng, tương tự như sản xuất khoáng sản, vị trí đặt các đơn vị sản xuất làm sai lệch thước đo thực tế về năng lực sản xuất của Liên Âu.
Mặc dù được đặt ngay trên lãnh thổ Liên Hiệp Châu Âu nhưng hầu hết các đơn vị sản xuất này đều là chi nhánh của các doanh nghiệp ngoài châu Âu. Như vậy là hơn một nửa sản lượng ở châu Âu liên quan đến các công ty của Hàn Quốc hoặc Trung Quốc, ví dụ Samsung SSI, LGES và CATL. Các công ty của Mỹ, như Tesla và Microvast, cũng có mặt trên lãnh thổ châu Âu, nâng tỷ trọng sản xuất của các công ty ngoài châu Âu lên hơn 60%.
Khía cạnh thể chế trong kế hoạch hành động của Liên Hiệp Châu Âu
Nhận thức được về sự chậm trễ của mình, Liên Hiệp Châu Âu đã triển khai nhiều hành động và quy định bao trùm lên toàn bộ chuỗi sản xuất, mục tiêu là thoát khỏi sự lệ thuộc – đặc biệt là vào Trung Quốc, đồng thời giành lại vị thế quan trọng ở cấp toàn cầu. Theo hướng này, danh sách các nguyên liệu quan trọng – được Ủy Ban Châu Âu thiết lập lần đầu vào năm 2011 – đã tăng từ 14 lên thành 34 nguyên liệu thô như hiện nay.
Tiếp sau danh sách này, Liên Âu đã thông qua CRMA (Đạo luật về các loại nguyên liệu thô quý hiếm), được công bố vào tháng 03/2023 và đã được Nghị Viện Châu Âu thông qua vào tháng 04/2024, nhằm mục đích phát triển sản xuất khoáng sản và kim loại trên lãnh thổ Liên Âu, để giảm bớt sự lệ thuộc vào các nhà cung ứng nước ngoài, tránh nguy cơ khan hiếm, thiếu hụt kim loại quý hiếm và giảm thiểu tác động môi trường và xã hội của việc sản xuất các kim loại quan trọng.
Để làm được điều này, đạo luật CRMA về các loại nguyên liệu thô quý hiếm đặt ra các mục tiêu không mang tính ràng buộc cho năm 2030 : « Ngành khai khoáng ở Liên Âu phải cho phép sản xuất ít nhất 10% lượng tiêu thụ hàng năm ; quá trình chuyển đổi được thực hiện ở Liên Âu phải giúp châu Âu có thể sản xuất ít nhất 40% lượng tiêu thụ hàng năm; việc tái chế được thực hiện ở Liên Hiệp Châu Âu phải bảo đảm sản xuất ít nhất 25% lượng tiêu thụ hàng năm ; và không nhập khẩu từ một nước thứ ba quá 65% mức châu Âu tiêu thụ mỗi loại nguyên liệu thô chiến lược hàng năm.
Những mục tiêu rất tham vọng của châu Âu
Nhìn từ nhiều góc độ, đây là những mục tiêu đầy tham vọng. Bất chấp tiềm năng khoáng sản hiện vẫn nằm trong lòng đất châu Âu và chưa được khai khoáng, mục tiêu sản xuất 10% trên lãnh thổ châu Âu dường như nằm ngoài tầm với, do 3 lý do chính.
Trước hết, trữ lượng kim loại của châu Âu không đủ và thậm chí là không tồn tại 13 loại kim loại quý hiếm mà Ủy Ban Châu Âu đã liệt kê vào năm 2023. Thứ hai, quá trình tính từ lúc thăm dò ban đầu cho đến khi bắt đầu sản xuất thương mại một mỏ khoáng sản thường kéo dài, ví dụ 7 năm đối với lithium và 17 năm đối với đồng, và đòi hỏi những khoản đầu tư tài chính rất lớn. Và cuối cùng, người dân có cái nhìn tiêu cực về các mỏ khoáng sản, nhất là về môi trường. Các mỏ này cũng bị xem là lỗi thời và thường gây ra sự phản đối mạnh mẽ tại địa phương.
Các mục tiêu liên quan đến tinh lọc và điều chế cũng đặt ra câu hỏi. Quả thực là những hoạt động này tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm, nhưng Liên Hiệp phải chấp nhận di dời các hoạt động này trở lại châu Âu để đạt được mục tiêu đã đề ra của Liên Âu : quy trình này phải cho phép sản xuất tối thiểu 40% lượng tiêu thụ hàng năm. Ngoài ra, cũng cần có giá năng lượng rẻ thì mới có thể cạnh tranh được với Trung Quốc và Hoa Kỳ, những nước vốn được hưởng lợi từ trữ lượng khí đốt dồi dào và giá điện tương đối thấp.
Mặt khác, các hoạt động tái chế, mặc dù ít gây ô nhiễm tại địa phương hơn và thường được chấp nhận, nhưng lại đòi hỏi đầu tư nhiều. Tái chế có thể cho phép giảm sự lệ thuộc vào nguồn tài nguyên khoáng sản, nhưng lại cần phải có những cơ sở hạ tầng đắt đỏ để thu thập, phân loại, sơ chế và chế biến khoáng sản, cũng như phải có một sự thích ứng liên tục về công nghệ, đặc biệt là về cấu tạo và điều chế ắc quy xe ô tô chạy bằng điện.
Liên Âu cũng đang cố gắng đa dạng hóa các đối tác để giảm lệ thuộc vào các nước thứ ba và nguy cơ cạn kiệt nguồn cung. Ngay cả khi các hiệp định song phương gần đây đã được ký kết với Kazakhstan, Ai Cập, Namibia, Úc và Canada, thì như vậy cũng vẫn là chưa đủ, buộc châu Âu phải có ngân sách dành riêng cho đầu tư vào các nước thứ ba và đa dạng hóa nguồn cung cho các công ty.
Chiến lược « friendshoring » (thiết lập quan hệ đối tác với các nước đồng minh), thường được nhắc đến, thì cũng gặp nhiều khó khăn. Các nước phương Tây, với các mục tiêu tương tự về trung hòa carbon và khử cacbon trong giao thông vận tải và năng lượng, đang cạnh tranh với nhau để giành được các công nghệ phát thải ít carbon và các vật liệu cần thiết để triển khai các công nghệ này. Sự cạnh tranh như vậy có thể làm bộc lộ những xung đột lợi ích và làm chậm việc ký kết các thỏa thuận.
Liên Âu cũng đang tìm cách nâng cao chuỗi sản xuất, ví dụ bằng việc thành lập Liên minh Ắc quy châu Âu hồi năm 2017 nhằm xây dựng một hệ thống bao gồm tất cả những tác nhân trong lĩnh vực ô tô để sản xuất bình điện, đồng thời giảm thiểu tác động đối với môi trường. Các khoáng sản có trong ắc quy có thể được tái sử dụng để đáp ứng nhu cầu của châu Âu mà không cần có bất kỳ mỏ khai khoáng nào trên lãnh thổ. Nếu tất cả các dự án đều thành công, thì đến năm 2030, Liên Hiệp Châu Âu sẽ đạt công suất gần 25% sản lượng pin Li-ion toàn cầu nhờ vào khoảng 50 nhà máy.
Sử dụng kim loại điều độ, chừng mực
Ngoài Đạo luật của châu Âu về các loại nguyên liệu thô quý hiếm – CRMA, thì sự điều độ, chừng mực trong sử dụng, vốn đang thiếu vắng trong các quy định, cũng đang có những bước tiến triển trong xã hội châu Âu. Được báo cáo của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu năm 2022 nhấn mạnh như một đòn bẩy trung tâm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khai thác, sử dụng điều độ, có chừng mực dường như đóng vai trò thiết yếu để giảm sự lệ thuộc vào các nguyên liệu quý hiếm và do đó, giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Liên Âu có thể làm gương bằng cách thúc đẩy các loại xe ô tô điện nhẹ hơn, qua đó giảm mức tiêu thụ điện và các tác động môi trường do sản xuất gây ra.
Để đạt được các mục tiêu của Đạo luật của châu Âu về các loại nguyên liệu thô quý hiếm – CRMA, sẽ đòi hỏi những nỗ lực đáng kể để được xã hội chấp nhận, cũng như về tài chính và đa dạng hóa nguồn cung. Sử dụng có chừng mực nguồn kim loại là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững và tự chủ của Liên Âu về các nguyên liệu quan trọng, nhưng kèm theo đó cần có một sự hỗ trợ đáng kể đối với người dân, vốn thường không nhận thức được về khái niệm « carbon thấp » với nghĩa giảm tiêu dùng kim loại.
.
No comments:
Post a Comment