Friday, 8 December 2023

VIỆT NAM TRONG MỐI 'TÌNH TAY BA' VIỆT - MỸ - TRUNG (Tùng Phong | Blog VOA)

 



Việt Nam trong mối ‘tình tay ba’ Việt – Mỹ – Trung

Tùng Phong

08/12/2023

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-trong-moi-ti%CC%80nh-tay-ba-vie%CC%A3t-my%CC%83-trung/7389885.html

 

Chuyến tuần thú phương Nam của “Hoàng đế Đỏ” Tập Cận Bình vào tuần sau sẽ cho biết nhiều hơn về sự lựa chọn của Hà Nội. Nhưng chắc chắn điều đó không xuất phát từ giải pháp chính trị cho Việt Nam, mà là từ lợi ích của đảng và các nhóm lợi ích mà thôi.

 

https://gdb.voanews.com/9BF8CB59-063F-4FB4-81C7-40EC432B3108_w650_r1_s.jpg

Biểu tình ở Hà Nội phản đối đường lưỡi bò của TQ, 2011. Hình minh họa.

 

Việt Nam trước ngã ba lịch sử

 

Khi bức tường Berlin sụp đổ vào tháng Mười Một năm 1989, gióng lên hồi chuông cáo chung cho toàn bộ hệ thống các quốc gia xã hội chủ nghĩa Đông Âu, những nhà lãnh đạo Việt Nam khi đó đã có một quyết định vô cùng thực dụng, nhằm bảo toàn thể chế chính trị, bằng việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc cộng sản đảng – vốn đã trở mặt thành thù sau cuộc chiến biên giới 1979.

 

Hiệp ước Thành Đô rất nhanh chóng được ký kết bởi các nhà lãnh đạo hai đảng cầm quyền vào tháng Chín, 1990, với những điều khoản mà cho đến nay vẫn còn trong vòng bí mật. Chỉ vài tháng sau, "đế quốc Đỏ" Soviet tan rã như đám bọt nước trước cơn gió lốc "Wind of Change" của thời đại.

 

Thế nhưng, cơn gió thay đổi đầy cảm hứng dân chủ và tự do của thế kỷ trước đã không tác động nhiều đến Trung Quốc và Việt Nam, nó chỉ đóng vai trò tác nhân thúc đẩy một quá trình chuyển đổi những quốc gia cộng sản này trở thành những nhà nước tư bản chuyên chế, dưới sự cai trị của đảng cầm quyền vẫn còn mang danh nghĩa Cộng sản.

 

Cuộc thảm sát Thiên An Môn trớ trêu thay đã khiến cho những nhà nước toàn trị ở Trung Quốc và Việt Nam sắt máu hơn và... vững chắc hơn. Những nhà lãnh đạo Việt Nam một lần nữa phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn bao giờ hết, đã bảo toàn được chế độ độc đảng của mình tới hôm nay trong khi dần hội nhập với thế giới Tây Phương, làm quen với các chế định chế quốc tế, giao thương làm ăn với những quốc gia "tư bản, đế quốc" từng là kẻ thù không đội trời chung để xây dựng nền kinh tế thị trường "định hướng xã hội chủ nghĩa".

 

Xuất phát từ sự tương đồng về thể chế chính trị, mối quan hệ lịch sử khăng khít giữa hai đảng cầm quyền, lòng ngưỡng mộ trước thành tựu vĩ đại của Trung Quốc khiến cho những nhà lãnh đạo Việt Nam lấy đó làm hình mẫu cho sự phát triển quốc gia trong nhiều thập kỷ.

 

Việc cố gắng trở thành một phiên bản thấp kém hơn được coi là chuẩn mực của giới chức Việt Nam. Thế nhưng, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Trung Quốc gặp nhiều vấn đề nội tại, bộc lộ những nhược điểm nghiêm trọng trong mô hình kinh tế cũng như thể chế chính trị, như quốc nạn tham nhũng, bong bóng bất động sản (BĐS), Nợ công, vốn FDI sụt giảm, giới thượng lưu tháo chạy ra nước ngoài, kinh tế giảm phát, bị cô lập và tẩy chay trên trường quốc tế, bị chế tài bởi Hoa kỳ trên mặt trận thương mại và công nghệ...

 

Truyền thông Tây Phương và giới đầu tư quốc tế đang nói về sự kết thúc của mô hình phát triển Trung Quốc và điều này không phải không có cơ sở. Hà Nội lo ngại về một cuộc sụp đổ của "Big Brother" giống như "đế quốc Đỏ” Soviet hơn 3 thập kỷ trước và né tránh những lời hứa hẹn thề bồi “cộng đồng cùng chung vận mệnh” với Bắc Kinh.

 

Bên cạnh đó, xung đột lợi ích gay gắt ở Biển Đông, nóng lạnh thất thường trong mối bang giao nhiều ân oán với người bạn “16 chữ Vàng, 4 Tốt” khiến cho Hà Nội phải kiếm tìm những chỗ dựa đối trọng về chính trị cũng như kinh tế, thương mại và đầu tư mới. Việc gần như cùng lúc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và Nhật Bản lên tầm “chiến lược, toàn diện” vào tháng Chín và tháng Mười Một, 2023 dường như là một bước lặp của lịch sử. Nhưng vấn đề là Hà Nội sẽ đối phó mối quan hệ phức tạp với Bắc Kinh ra sao, cũng như giải quyết các rủi ro nội tại của nền kinh tế và bộ máy cai trị như thế nào mới là điều then chốt ở thời điểm cam go này.

 

Rủi ro và thách thức lớn nhất của Việt Nam

 

Khi hơn 50 tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ đến Hà Nội để tìm kiếm cơ hội đầu tư, giới chức Việt Nam tràn đầy hy vọng về nguồn vốn FDI từ Mỹ sẽ “như nước sông Đà” đổ về. Thế nhưng, thực tế và viễn cảnh vẫn còn cả một khoảng cách mênh mông. Những doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam để làm ăn, không phải để thể hiện tình hữu nghị, các quyết định đầu tư của họ không dựa trên “quyết tâm chính trị”. Họ cần một môi trường đầu tư có luật pháp minh bạch, hạ tầng giao thông, năng lượng, thông tin, chuỗi cung ứng và hệ thống logistics đủ tốt, đội ngũ nhân công lành nghề với chi phí hợp lý... để đảm bảo sản phẩm tạo ra có sức cạnh tranh và đem về lợi nhuận.

 

Sau hơn 3 thập kỷ mở cửa, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn xác định chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tài nguyên và nhân công giá rẻ là “lợi thế cạnh tranh” quốc gia. Thế nhưng “lợi thế” bi thảm này không có nhiều ý nghĩa đối với các ngành công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn... Thậm chí, ngay cả những ngành thâm dụng lao động như may mặc, da giày cũng đang đối diện áp lực chuyển đổi gay gắt. Không chỉ đơn thuần khó khăn về “cầu” thị trường sụt giảm mà các doanh nghiệp Việt đang tụt hậu về nhiều phương diện trước các đối thủ cạnh tranh từ Bangladesh, Ấn Độ, Cambodia...

 

Chi phí doanh nghiệp ở Việt Nam rất cao  so với mặt bằng chung trong khu vực. Từ chi phí vốn, tiền thuê đất, xây dựng, nhân công, logistics, điện, các chi phí ẩn và đặc biệt là những ma trận giấy phép và thủ tục hành chính của Việt Nam đang làm nản lòng giới đầu tư. Năm 2016, một cuộc điều tra của VCCI (Liên đoàn công nghiệp-thương mại Việt Nam) cho biết có tới 7,000 giấy phép con của các bộ ngành và trong đó một nửa là các giấy phép trái luật, không có cơ sở tồn tại. Giới doanh nghiệp Việt chỉ biết than Trời "Cơ thể doanh nghiệp chỉ 40kg, gánh trên lưng 3, 4 tạ với 7000 giấy phép con thì sao sống nổi?"  Ấy thế mà từ 2016 tới nay, đã có vô số những thủ tục, giấy phép con tiếp tục được đẻ ra.

 

Chỉ riêng Bộ Công An trong một thời gian ngắn đã thay đổi hàng loạt những qui định, các loại mẫu giấy tờ, thẻ, giấy chứng nhận... Chỉ riêng qui định mới về PCCC của bộ Công An khiến cho hàng ngàn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thậm chí chỉ còn nước phải đóng cửa. Các qui định trên trời của Bộ giao thông về kiểm định phương tiện xe cơ giới ví dụ như yêu cầu về giấy kiểm tra chất lượng xuất xưởng của nhà sản xuất... gây ra vô số phiền phức cho người dân. Một trào lưu các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước thi nhau đẻ ra các giấy phép con, các qui định hành chính ở mức độ mất kiểm soát tạo điều kiện cho tham nhũng và sách nhiễu.

 

Trái với kỳ vọng của giới chức Việt Nam, tập đoàn Intel đã lặng lẽ gác lại kế hoạch đầu tư thêm 1 tỷ USD với lý do lo ngại “sự ổn định về nguồn cung cấp điện và thủ tục hành chính”. Mới đây, tập đoàn điện gió lớn nhất thế giới Orsted đã chính thức chấm dứt kế hoạch phát triển dự án điện gió trị giá 30 tỷ USD với tập đoàn T&T. Nguyên nhân khiến "mối lương duyên" tỷ USD này phá sản được Orsted đưa ra là do các chính sách chủ chốt liên quan đến triển khai và mua điện từ các dự án điện gió ngoài khơi vẫn chưa rõ ràng. Nhà đầu tư nước ngoài cay đắng, chấp nhận bỏ cuộc, “tiền mất, tật mang” sau hai năm triển khai dự án, bỏ ra hàng trăm triệu USD đầu tư và công sức. Trải nghiệm tồi tệ của Orsted và lo ngại của Intel trong hai hoàn cảnh cụ thể này, rõ ràng là những tấm gương để các nhà đầu tư Hoa kỳ phải cân nhắc lại trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.

 

Ở đây, có mâu thuẫn rất lớn khi một mặt Hà Nội cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và ông thủ tướng Phạm Minh Chính khi tham dự COP28 đã nỗ lực huy động tài chính cho cam kết về biến đổi khí hậu. Thế nhưng trên thực tế, hồi đầu năm, 36 nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió, vốn đã đầu tư rất nhiều tiền vào các dự án năng lượng tái tạo, cũng phải lên tiếng đang trên bờ vực phá sản vì không thể hòa lưới điện quốc gia khi chưa được sự đồng ý của EVN và bộ Công thương. Tại sao lại có sự chậm trễ đáng ngạc nhiên từ phía bộ TNMT, Công thương, Kế hoạch đầu tư, EVN... trong việc thông qua các hành lang pháp lý cần thiết như vậy? Đã có nhiều bài báo đặt ra câu hỏi về thế lực, nhóm lợi ích nào được hưởng lợi từ việc ngăn trở các nỗ lực chuyển đổi năng lượng này?

 

Ở đây, có mâu thuẫn rất lớn khi một mặt Hà Nội cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và ông thủ tướng Phạm Minh Chính khi tham dự COP28 đã nỗ lực huy động tài chính cho cam kết về biến đổi khí hậu. Thế nhưng trên thực tế, hồi đầu năm, 36 nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió, vốn đã đầu tư rất nhiều tiền vào các dự án năng lượng tái tạo, cũng phải lên tiếng đang trên bờ vực phá sản vì không thể hòa lưới điện quốc gia khi chưa được sự đồng ý của EVN và bộ Công thương. Tại sao lại có sự chậm trễ đáng ngạc nhiên từ phía bộ TNMT, Công thương, Kế hoạch đầu tư, EVN... trong việc thông qua các hành lang pháp lý cần thiết như vậy? Đã có nhiều bài báo đặt ra câu hỏi về thế lực, nhóm lợi ích nào được hưởng lợi từ việc ngăn trở các nỗ lực chuyển đổi năng lượng này?

 

Ở một góc nhìn khác, việc Bộ Công An Việt Nam liên tục bắt giữ và truy tố các nhà hoạt động môi trường nổi bật như bà Hoàng Thị Minh Hồng, Nguỵ Thụy Khanh. Mới đây nhất, việc bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên - chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh, đang làm việc với Liên Hiệp Quốc giúp Việt Nam thực hiện cam kết thỏa thuận về Đối tác Chuyển đổi Năng lượng (JETP), với lý do “trốn thuế” và chiếm đoạt tài liệu của EVN là một sự kiện chấn động ngoại giới. Thời điểm mà bộ Công an Việt Nam bắt bà Nhiên cũng rất đáng lưu ý. Đó là ngay sau chuyến công du của tổng thống Joe Biden.

 

Nếu nhìn toàn cảnh bức tranh này, có thể thấy một trạng thái kỳ lạ về hệ thống công quyền Việt Nam hiện nay. Các bộ ngành, cơ quan trong bộ máy nhà nước thậm chí chống lại các nỗ lực hội nhập và phát triển. Trong khi đó, xu hướng lũng đoạn quyền lực nhà nước đang ngày một trở nên phổ biến và tràn lan. Đặc biệt, Bộ công an ngày càng trở nên lộng quyền và lạm quyền đang trở thành một nguy cơ bất ổn chính trị cho xã hội và gây tổn hại tới tính chính danh của đảng cầm quyền và bộ máy "chính quyền".

 

Dù cho giới chức Việt Nam có ký kết bao nhiêu các hiệp định thương mại FTA, có nâng cấp quan hệ “Chiến lược, toàn diện” với bao nhiều cường quốc thì đó không phải là giải pháp căn cơ. Rủi ro lớn nhất, cũng là thách thức lớn nhất cho quá trình phát triển đất nước chính những tồn tại thâm căn về thể chế chính trị hoàn toàn lạc điệu với thế giới văn minh.

 

Thế đối trọng “chiến lược, toàn diện” hay ‘mối tình tay ba’ Việt Mỹ Trung?

 

Giới lãnh đạo Việt Nam đã chọn một thời điểm chín muồi trong việc nâng cấp quan hệ ngoại giao vượt 2 cấp với Hoa Kỳ và hoàn tất việc ký kết “chiến lược, toàn diện” với Nhật Bản khi Trung Quốc đang mắc kẹt với các vấn đề nội tại, chủ tịch Tập Cận Bình bận rộn với khủng hoảng kinh tế, mâu thuẫn trong nội bộ đảng và xáo trộn nhân sự cấp cao. Đây cũng là thời điểm vàng sau khi giới chức Hoa Kỳ đã hơn một lần đề nghị Hà Nội nâng cấp quan hệ ngoại giao hai nước, trước khi hai đảng Cộng hòa và Dân chủ bước vào mùa bầu cử đầy biến động 2024.

 

Nếu như Hà Nội và Canberra cùng đi đến thỏa thuận nâng cấp quan hệ hai nước lên mức cao nhất trong năm tới, thật thú vị khi đối trọng với Nga và Trung Quốc, nhóm "Tứ giác kim cương" QUAD cùng với Hàn Quốc cùng là đối tác "chiến lược, toàn diện" của Việt Nam. Đây được gọi là sách lược “ngoại giao cây tre" của Hà Nội.

 

Thành ý của tổng thống Joe Biden với Việt Nam đã vượt cả sự mong đợi của Hà Nội khi đích thân vị tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ chấp nhận lời mời của tổng bí thư đảng CSVN, công du tới Hà Nội thay vì lịch trình ban đầu là ông Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ để ký kết việc nâng cấp quan hệ hai nước. Đối với Hà Nội, sự công nhận thể chế chính trị, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chủ quyền, cũng như những lợi ích kinh tế to lớn trong tương lai, từ mối quan hệ “chiến lược, toàn diện” với Hoa kỳ rõ ràng là chiếc phao cứu sinh trong bối cảnh nền kinh tế "định hướng XHCN" đang đối diện với khủng hoảng nghiêm trọng. Quan hệ đối tác "chiến lược, toàn diện" với các thành viên trong nhóm QUAD + 1 (Hàn Quốc) cũng cho phép Hà Nội có một thế đối trọng tốt hơn trước Trung Quốc trong các vấn đề chủ quyền ở biển Đông.

 

Tuy vậy, thực khó nói về mối quan hệ tay ba Việt – Mỹ – Trung sẽ tiến triển ra sao khi “nàng Kiều Việt Nam” cùng lúc hẹn hò với cả chàng cowboy Mỹ giàu có trong khi vẫn mắc kẹt với mối quan hệ nhiều oan trái với ông chồng Trung Quốc thâm hiểm và tham lam. Trong lịch sử cận đại, những nhà lãnh đạo Việt Nam vì những toan tính lợi ích đảng phái, đã tự biến mình thành nạn nhân và đưa cả dân tộc vào vòng binh lửa trên bàn cờ địa chính trị đẫm máu của các siêu cường. Những ký ức về cuộc “nồi da nấu thịt” dài 20 năm, cuộc chiến biên giới đẫm máu 1979 và cuộc ngã giá oan nghiệt ở Gạc Ma vẫn chưa phai dấu.

 

Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của “Sa hoàng Nga” – Putin và tham vọng bá quyền của Trung Quốc dưới thời "Hoàng đế Đỏ" Tập Cận Bình đã hồi sinh những lý thuyết địa chính trị của Halford John Mackinder, Alfred Thayer Mahan... Ở phương diện nào đó, điều này đã đặt Việt Nam trở lại vị trí trung tâm trong bàn cờ khu vực. Sở hữu vị thế địa lý chiến lược, tài nguyên đất hiếm quí giá, cùng với lịch sử hàng ngàn năm đối phó với một Trung Hoa to lớn, hung bạo... Tất cả các yếu tố này đã giúp Việt Nam có một profile thuyết phục với các quốc gia Tây Phương mà đứng đầu là Hoa Kỳ chìa ra "nhành olive" với Hà Nội. Tuy nhiên, việc giới lãnh đạo Việt Nam nghĩ gì và lựa chọn "lẽ phải" nào có lẽ phụ thuộc vào "nhành olive" nào nhiều trái hơn.

 

Chuyến tuần thú phương Nam của “Hoàng đế Đỏ” Tập Cận Bình vào tuần sau sẽ cho biết nhiều hơn về sự lựa chọn của Hà Nội. Nhưng chắc chắn điều đó không xuất phát từ giải pháp chính trị cho Việt Nam mà xuất phát từ lợi ích của đảng và các nhóm lợi ích mà thôi.





No comments:

Post a Comment

View My Stats