Friday, 8 December 2023

TRE CỦA TRUNG HOA CÓ THỂ THAY THẾ NHỰA NHƯNG KHÓ KHĂN Ở MẶT KỸ THUẬT CẢN TRỞ VIỆC DÙNG NÓ NHIỀU HƠN (Mandy Zuo  | SCMP)

 



Tre của Trung Hoa có thể thay thế nhựa nhưng khó khăn ở mặt kỹ thuật cản trở việc dùng nó nhiều hơn

Mandy Zuo  | SCMP

DCVOnline

POSTED ON DECEMBER 5, 2023   

https://dcvonline.net/2023/12/05/tre-cua-trung-hoa-co-the-thay-the-nhua-nhung-kho-khan-o-mat-ky-thuat-can-tro-tang-viec-su-dung/

 

·        Trung Hoa có diện tích rừng tre lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào, tạo cơ hội thay nhựa sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch với nguyên liệu hữu cơ, dồi dào

 

·        Tuy nhiên, sự kém hiệu quả về kỹ thuật và công nhân đang ngăn cản ngành kỹ nghệ non trẻ này phát huy hết tiềm năng của nó.

 

https://cdn.i-scmp.com/sites/default/files/styles/1200x800/public/d8/images/canvas/2023/12/01/549cd2ce-ce64-4df1-85d8-9a907ad3773d_c2638138.jpg?itok=vxCnpQAF&v=1701421316

Tre là nguyên liệu hữu cơ và hấp dẫn thay thế cho nhựa, nhưng Trung Hoa vẫn chưa thực hiện tròn vẹn giải pháp xanh do một số yếu tố. Ảnh trình bầy: Henry Wong

 

Nó nuôi sống một trong những loài vật quý hiếm nhất trên Trái đất. Nó cũng được dùng để viết một số sách đầu tiên. Nó có thể giảm được một lượng lớn khí thải carbon – và Trung Hoa phát khí thải nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới.

 

Tre, loại cây cao và vỏ dầy có lẽ được biết đến nhiều nhất vì lá (trúc) là thành phần chính trong thức ăn ăn của gấu trúc; ngày nay tre thậm chí còn có một số công dụng khác. Thân cây chắc chắn có thể được chế tạo thành giàn giáo hoặc mái nhà, và bột tre có thể dệt thành nhiều loại vải. Tính đa dụng này khiến Trung Hoa đã lập dự án lâu dài để đạt được mục tiêu carbon đạt mức tối đa và trung hòa, coi tre là nguyên liệu thay thế cho nhựa làm từ dầu mỏ.

 

Giới chuyên gia và người trong ngành cho biết, ý định này có ý nghĩa về mặt kinh tế và môi trường, nhưng cũng có những thách thức trong tiến trình áp dụng mọi nơi,kể cả những trở ngại về kỹ thuật và nhận thức kém của cộng đồng.

 

Độ lớn nền kinh tế xanh toàn cầu theo vốn hóa thị trường, 2009-2021 (ngàn tỷ USD)

 

Để giảm ô nhiễm do dùng nhựa cũng như giảm lượng khí thải sản xuất, chính phủ Trung Hoa thay thế nhiều loại nhựa hơn với những sản phẩm có giá trị gia tăng làm bằng tre và cải tiến tỷ lệ sử dụng nhà máy, theo một kế hoạch hành động đã công bố hồi đầu tháng này cùng với International Bamboo và Tổ chức Mây tre đan Quốc tế (International Bamboo and Rattan Organization hay Inbar: Tổ chức Mây tre đan Quốc tế — một mạng lưới gồm 50 chính phủ những nước thành viên cổ động dùng mây tre đan vì sự phát triển bền vững.)

 

Bất chấp ngàn năm kinh nghiệm dùng tre để làm nơi trú ẩn, việc đổi nhựa bằng tre để làm những sản phẩm như túi dùng một lần và bàn chải đánh răng vẫn là một việc khó khăn. Theo kế hoạch đã nêu, “độ lớn của kỹ nghệ này tương đối nhỏ, năng suất thấp, chi phí cao, kỹ thuật, dụng cụ lạc hậu”.

 

Do đó, chính phủ sẽ hỗ trợ để giúp khu vực này phát triển, tài trợ cho những đột phá về kỹ thuật và thành lập 5 đến 10 khu vực mẫu vào năm 2025.

 

VIDEO :

What is China doing about climate change?

Trung Hoa đang làm gì về biến đổi khí hậu?

https://www.youtube.com/watch?v=KDaVS6hu0GM

 

Borja De La Pena Escardo, người phụ trác về chính sách toàn cầu của Inbar cho biết: “Trung Hoa đang nỗ lực hết sức để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060 và chính phủ này đang đặt nhiều hy vọng vào ngành tre để giúp đạt được mục tiêu này.” Trung Hoa là thành viên sáng lập của tổ chức liên chính phủ Inbar ủng hộ việc sử dụng nhiều mây tre đan thay cho nhựa hoặc những vật liệu có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch khác.

 

Trung Hoa còn có những lý do khác để quan tâm đến tre, ngoài những lợi ích có được do việc giảm lượng khí thải ở mức độ lớn. Escardo cho biết tre có mối liên hệ sâu sắc với lịch sử và văn hóa Trung Hoa, đồng thời có thể cung cấp việc làm xanh và cơ hội kinh tế cho người dân ở vùng nông thôn.

 

Thiếu nguyên liệu cũng khó có thể xẩy ra. Theo Cục Quản lý Lâm nghiệp và Thảo nguyên Quốc gia, Trung Hoa có nhiều rừng tre hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, với diện tích rừng là 7,56 triệu ha vào năm 2021.

 

Escardo cho biết điều này đã khiến Hoa lục này trở thành quốc gia xuất khẩu những sản phẩm tre lớn nhất và nhu cầu ở nước ngoài ngày càng tăng khi phương Tây theo đuổi những nỗ lực giảm phát thải của riêng mình.

 

Việc sử dùng tre thay nhựa – hầu hết làm từ nhiên liệu hóa thạch như dầu thô và khí tự nhiên – có tầm quan trọng đặc biệt vì khí nhà kính thải ra ở mọi giai đoạn trong tiến trình sản xuất; khai thác, vận chuyển, tinh chế và sản xuất đều được cho là những hoạt động dùng nhiều carbon.

 

Nhựa làm từ dầu mỏ có thể mất hàng thế kỷ để phân hủy và gây ảnh hưởng bất lợi đến môi trường trong suốt vòng đời của chúng nếu không được giải quyết đúng cách, có khả năng gây ô nhiễm đường thủy và phá vỡ hệ sinh thái biển.

 

Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, thế giới thải ra khoảng 400 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm.

 

Trong tổng số đó, rác của Trung Hoa là 63 triệu tấn, theo số liệu năm 2022 do Hiệp hội Tái chế Tài nguyên Quốc gia Trung Hoa công bố. Khoảng 30% rác thải nhựa tạo ra ở nước này đã được tái chế.

 

Do đó, có một thị trường khổng lồ cho những nguyên liệu ‘lành’ với môi trường như tre, Escardo nói, “nhưng trình độ kỹ thuật hiện có còn thấp”.

 

Nếu không có nguồn tài trợ của chính phủ, việc chuyển đổi kỹ thuật sẽ rất chậm  (Alice Zhang, Jiangqiao Bamboo)

 

Có những nguyên liệu hữu cơ khác có thể đảm nhận vai trò tương tự, chẳng hạn như bắp và mía. Chúng có chi phí sản xuất rẻ, tái sinh nhanh chóng và không chứa độc tố tổng hợp. Nhưng chúng cũng gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là ảnh hưởng tiềm ẩn của chúng đối với nông nghiệp.

 

Vì những loại cây trồng này cũng là nguồn thực phẩm cho con người, việc dùng chúng để sản xuất nhựa sinh học có thể đồng nghĩa với sự cạnh tranh hoặc thậm chí là lấn át nếu kỹ nghệ này tỏ ra sinh lời – một sự thay đổi sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng và có thể gây tai hại do biến đổi khí hậu vốn đã là mối đe dọa nghiêm trọng đối với vấn đề an ninh lương thực.

 

Alice Zhang, tổng giám đốc Jiangqiao Bamboo, cho biết hầu hết những doanh nghiệp trong ngành đều nhỏ và thiếu khả năng nghiên cứu và phát triển. Công ty của bà sản xuất đồ phụ tùng máy tính từ nguyên liệu này và có trụ sở tại quận Tonggu, tỉnh Giang Tây, phía Đông Trung Hoa.

 

VIDEO :

The surprising hurdle slowing China’s switch to green energy  

https://www.youtube.com/watch?v=1FXaXKOYDcI

 

Bà nói, “Chính phủ đã nói đến việc yểm trợ lĩnh vực này từ nhiều năm qua nhưng chưa có hành động thực sự nào. Nếu không có tài trợ của chính phủ, tiến trình chuyển đổi kỹ thuật sẽ rất chậm.

 

Zhang cho biết, Jiangqiao Bamboo thành lập vào năm 2009, đã không đạt được bất kỳ tiến bộ kỹ thuật lớn nào trong mười qua do áp lực phải kiểm soát giá thành.

 

Bà cho biết khoảng 80% sản phẩm của công ty bán ra nước ngoài – phần lớn ở châu Âu, Mỹ, Nam Hàn và Nhật Bản – vì “người dân ở đó nhận thức rõ hơn về những vấn đề môi trường.”

 

Để so sánh, bà nói thêm, “thị trường nội địa phần lớn chỉ một nhóm nhỏ yểm trợ, họ là những người thích những sản phẩm đó chứ không phải vì trách nhiệm bảo vệ môi trường. Những người khác thì mua chúng làm quà tặng cho bạn bè và đối tác kinh doanh.

 

Tại quận Anji ở tỉnh Chiết Giang, một khu vực phát triển hơn và là nơi có một số địa điểm du lịch tre nổi tiếng nhất Trung Hoa, một số công ty trong ngành đang dùng kỹ thuật để biến tre thành nhựa sinh học có thể biến thành những vật dụng dùng một lần như túi xách và khăn lau hay bộ đồ ăn.

 

Zang Xiaofeng, phó tổng giám đốc kỹ thuật sinh học Senlin cho biết, “Đó là một điều khó thực hiện ở Trung Hoa. Sau đại dịch, có ít tài trợ của chính phủ hơn.”

 

https://dcvonline.net/wp-content/uploads/2023/12/Greenhouse-gas-emissions-in-Hong-Kong.jpg

Phát thải khí nhà kính ở Hong Kong. Theo ngành tính bằng kiloton CO2 tương đương

 

Xiaofeng nói:

“Những gì chúng tôi đang làm là sản xuất những loại nhựa phân hủy sinh học mới, đắt tiền hơn nhưng được thị trường nước ngoài hoan nghênh. Nhưng ở nội địa, chính quyền thích dùng tre thô hơn, [đơn giản hơn] nhưng cũng dễ đúc hơn.”  (Xiaofeng)

 

Ông cho biết, túi làm từ tre có thể phân hủy hoàn toàn trong 18 tháng nhưng vẫn chưa được công chúng đón nhận do nhận thức kém về lợi ích môi trường và giá thành cao hơn.

Một số nhà khoa học cũng nhận thấy rằng nhựa sinh học không có khả năng phân hủy như mong đợi. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Wageningen ở Hoà Lan đã tìm thấy 48 loại vi nhựa khác nhau qua thí nghiệm trên những mẫu đất từ hơn chục trang trại và gần 40% vi nhựa được phát hiện là có nguồn gốc sinh học.

 

Chúng ta vẫn dựa hoàn toàn vào sức lao động của con người để chặt tre, vận chuyển xuống dốc và vận chuyển đến nhà máy  (Wang Xian, huyện Đào Giang)

 

Chính phủ Anji đã cam kết tặng thưởng 3 triệu nhân dân tệ (417.987 USD) cho người mua những sản phẩm phân hủy sinh học nhằm giúp nâng doanh số bán hàng, theo chỉ thị của chính phủ từ tháng 8.

 

Nhưng túi phân hủy sinh học, một trong những sản phẩm chính của Senlin, cho đến nay chỉ được bán tại những bưu điện địa phương, siêu thị, ngân hàng và cơ quan chính phủ.

 

Theo Wang Xian, người sáng lập nhà máy sản xuất ván ép tre ở huyện Taojiang, tỉnh Hồ Nam, ở thượng nguồn, ngành này cũng phải đối phó với chi phí cao vì thiếu cơ giới hóa trong việc chặt tre. Khu vực này là trung tâm sản xuất tre ở miền trung Trung Hoa. Ông nói :

 

“Chúng tôi vẫn hoàn toàn dựa vào sức người để chặt tre, đưa về nhà máy và không có nhiều nông dân muốn làm việc quá mệt mỏi này.”    (Wang Xian)

 

Giá 1 tấn tre tươi khoảng 600 nhân dân tệ (83,6 USD), kể có 300 nhân dân tệ trả cho công nhân.

 

Wang cho biết tre có thể đủ cao để dùng cho mục đích thương mại trong vòng ba năm và với những phương pháp thu hoạch hiện tại, sẽ có rất nhiều diện tích không được dùng đúng mức hoặc bị bỏ quên hoàn toàn.

 

Ông cho biết, khoảng một phần ba trong số 2.000 km2 của quận là rừng tre, nhưng hiện tại chỉ dùng có một phần mười diện tích đó.

 

Bất chấp hành động của chính phủ từ hơn một chục năm trước hạn chế việc dùng nó, nhựa dùng một lần vẫn là hiện tượng phổ biến khắp Trung Hoa và những sản phẩm thay thế bền vững vẫn là sản phẩm có thị trưởng nhỏ.

 

Trung Hoa bắt đầu giảm tiêu dùng nhựa từ năm 2008, cấm những siêu thị và trung tâm mua sắm cấp túi nhựa dùng một lần miễn phí cho người mua hàng.

 

Vào năm 2020, chính phu Hoa lục đã đưa ra một kế hoạch nghiêm ngặt hơn, cam kết loại bỏ dần việc sử dụng túi nhựa không phân hủy, bộ đồ ăn và những vật dụng khác trong khách sạn ở hầu hết những khu vực trên cả nước trong thời gian 5 năm.

 

Mặc dù tre chỉ là một trong nhiều giải pháp nhằm hạn chế việc tiêu thụ quá nhiều nhựa trên thế giới nhưng Escardo cho biết :

 

“Nếu chúng ta có nhiều giải pháp cùng một lúc, cơ hội cạnh tranh với kỹ nghệ nhựa sẽ cao hơn. Nhưng ngày nay việc đó vẫn còn khó khăn.”   (Escardo)

 

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: China’s bamboo could replace high-emitting plastics, but tech bottlenecks are stunting growth | Mandy Zuo | SCMP | 3 Dec, 2023

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats