Wednesday, 27 December 2023

TẬP CẬN BÌNH MUỐN CHỌN TỔNG THỐNG CHO ĐÀI LOAN (Ngô Nhân Dụng)

 



Tập Cận Bình muốn chọn tổng thống cho Đài Loan

Ngô Nhân Dụng

27/12/2023

https://www.voatiengviet.com/a/tap-can-binh-muon-chon-tong-thong-cho-dai-loan/7414395.html

 

Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh “Chỉ có một nước Trung Hoa,” liên tiếp đe dọa sẽ “thống nhất với Đài Loan,” gây sợ hãi trong dân chúng, một cách gián tiếp ủng hộ ứng cử viên Quốc Dân Đảng.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-6e73-08dc0611f0b0_w650_r1_s.jpg

Cuối cùng, trong hai tuần nữa các cử tri Đài Loan sẽ quyết định!

 

Khi Tập Cận Bình gặp Joe Biden ở San Francisco hồi tháng 11, ông Chủ tịch Trung Quốc nói với Tổng thống Mỹ rằng Cộng sản Trung Quốc không bao giờ bỏ qua chủ trương “Một nước Trung Hoa” và có ngày sẽ thống nhất với Đài Loan, hòn đảo hiện nay vẫn tự gọi là Trung Hoa Dân Quốc, một danh hiệu đặt ra từ năm 1912; do Quốc Dân Đảng sáng lập.

 

Điều ông Tập Cận Bình nói không có gì mới; đã được giới lãnh đạo Trung Cộng nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho nước Mỹ và thế giới khỏi quên. Tại sao ông Tập lải nhải nói hoài, trong lúc đến San Francisco để yêu cầu chính phủ Mỹ nới lỏng cấm vận kinh tế?

 

Tập Cận Bình không thấy chán nói chuyện “Một nước Trung Hoa.” Mỗi lần nói, ông lại phải tìm ra mấy chữ khác nhau, như thể thay đổi khẩu hiệu để người nghe phải chú ý. Ông nhắc lại một lần nữa nhân một buổi lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Mao Trạch Đông. Năm 1949 Mao đã đánh bại Tưởng Giới Thạch; vị tổng thống Quốc Dân Đảng kéo quân chạy qua Đài Loan, sau đó mỗi năm lại báo trước ngày “Quang phục Lục địa.”

 

Ngày Thứ Ba, sau lễ Giáng Sinh, Tập Cận Bình mô tả sự kiện Đài Loan “thống nhất hoàn toàn” vào Trung Quốc là “một tiến trình bất khả kháng.” Hai từ nổi bật là “hoàn toàn” và “bất khả kháng.” Ông nói rõ hơn: Trung Quốc sẽ gia tăng việc hội nhập với Đài Loan, phát triển các tương quan hòa bình giữ hai bên eo biển, và “quyết tâm ngăn cản không cho Đài Loan tách rời khỏi Trung Quốc, bằng bất cứ cách nào!” Thêm mấy từ mới: “quyết tâm,” “tách rời” và “bằng bất cứ cách nào!”

 

Tập Cận Bình không nói một câu nào nhắc đến việc dùng vũ lực để tiến đến thống nhất. Ông cũng không hề nói một tiếng nào về cuộc bầu cử tổng thống Trung Hoa Dân Quốc sắp diễn ra ngày 13 tháng Giêng năm 2024. Nhưng ai cũng hiểu, Tập đang tìm cách gây ảnh hưởng trên kết quả cuộc bỏ phiếu của 26 triệu dân Đài Loan.

 

Lãnh đạo các cường quốc đều tìm cách ảnh hưởng trên các cuộc bầu cử của các nước khác, nhất là các nước đối nghịch. Các ông Vladimir Putin và Kim Jong Un đều muốn sang năm dân Mỹ sẽ chọn một vị tổng thống phù hợp với quyền lợi của họ. Tập không tỏ ra sốt sắng đến vụ này, nhưng vẫn muốn ủng hộ các ứng cử viên quốc hội Mỹ “ôn hòa,” tức là không quyết liệt chống Trung Cộng.

 

Nhưng chắc chắn Bắc Kinh muốn sẽ chọn được một vị tổng thống mới vừa ý ở Đài Bắc! Bởi vì mỗi ứng cử viên bày tỏ khuynh hướng khác nhau đối với Trung Quốc.

 

Hiện có ba đảng đưa người ra tranh cử chức tổng thống Đài Loan. Kỳ cựu nhất là Quốc Dân Đảng, nắm quyền từ 1949; trong 36 năm cai trị với tình trạng thiết quân luật – lấy cớ phải đề phòng Trung Cộng xâm lăng. Họ tự coi là chính phủ của tất cả Trung Quốc, tạm thời lưu vong ở Đài Loan, chỉ là một tỉnh. Những đại biểu quốc hội đã được bầu lên trong lục địa trước năm 1949 vẫn giữ nguyên nhiệm vụ, cho đến khi qua đời.

 

Năm 2000, ông Trần Thủy Biển (Chén Shuǐbiǎn, 陳水扁) là vị tổng thống trẻ nhất và là người đầu tiên sinh ra ở Đài Loan, năm 1950. Ông thuộc đảng Dân Chủ Tiến Bộ, gọi tắt là Dân Tiến, mới thành lập năm 1986, trước khi thiết quân luật chính thức chấm dứt. Chủ trương lúc đầu của đảng Dân Tiến là coi Đài Loan như một quốc gia độc lập, không thuộc Trung Quốc. Nhưng khi bắt đầu nắm quyền, trước áp lực của Trung Cộng và vì dân chúng sợ chiến tranh, đảng Dân Tiến thay đổi; tiếp tục công nhận “Chỉ có một nước Trung Hoa,” Đài Loan chỉ là một tỉnh.

 

Tám năm sau, Mã Anh Cửu (Mǎ Yīngjiǔ, 馬英九) chiếm lại ghế tổng thống cho Quốc Dân Đảng. Bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen 蔡英文) thuộc đảng Dân Tiến, cũng sinh trưởng ở Đài Loan, đắc cử năm 2016 và là vị nữ tổng thống đầu tiên của Trung Quốc.

 

Năm nay, hai ứng cử viên nổi bật, sẽ giành nhau chức tổng thống, là Lại Thanh Đức (Lai Ching-te, 賴清德), đảng Dân Tiến, phó tổng thống của bà Thái Anh Văn; và Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih, 侯友宜), thị trưởng Đài Bắc, thuộc Quốc Dân Đảng.

 

Trung Cộng đả kích ông Lại Thanh Đức, tố cáo ông có khuynh hướng “ly khai,” theo chủ trương ban đầu của đảng Dân Tiến. Guồng máy tranh cử của Quốc Dân Đảng cũng phụ họa ý kiến này. Họ kêu gọi dân Đài Loan hãy tín nhiệm ông Hầu Hữu Nghi, để tránh khiêu khích khiến Bắc Kinh gây chiến tranh.

 

Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh “Chỉ có một nước Trung Hoa,” liên tiếp đe dọa sẽ “thống nhất với Đài Loan,” gây sợ hãi trong dân chúng, một cách gián tiếp ủng hộ ứng cử viên Quốc Dân Đảng. Trong năm qua, Trung Cộng đã tổ chức hai cuộc thao diễn lớn chung quanh Đài Loan, cho chiến đấu cơ, chiến hạm và tàu ngầm đi sát gần hòn đảo. Trung Cộng muốn dân chúng lo rằng nếu đảng Dân Tiến thắng, tình trạng ở eo biển Đài Loan sẽ căng thẳng, có thể bị tấn công. Người dân sẽ không chỉ chọn một vị tổng thống mà còn chọn giữa chiến tranh và hòa bình. Đây là một điều “trớ trêu” vì Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản đã từng đánh nhau, không đội trời chung từ thời 1920, 30, cho đến đầu thế kỷ 21. Trong mấy năm qua, ông Mã Anh Cửu đã bay qua Bắc Kinh nhiều lần để nhắc nhở lý thuyết “Một nước Trung Hoa.”

 

Bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim, 蕭美琴 ), ứng cử viên phó tổng thống của ông Lại Thanh Đức, từng đóng vai đại diện chính phủ Đài Loan tại Mỹ, đã tuyên bố liên danh đảng Dân Tiến chủ trương bảo vệ hòa bình. Bà nói tình trạng căng thẳng hiện nay không phải vì đảng Dân Tiến nắm quyền mà vì Trung Cộng đang muốn bành trướng chế độ độc tài chuyên chế của họ, thay đổi trật tự thế giới. Bà cam kết “chúng tôi không để chiến tranh xảy ra!” Nhưng, “Chúng tôi muốn củng cố sức mạnh quốc phòng là để ngăn ngừa chiến tranh!” Bà còn nhắc lại, ngay trong thời gian Quốc Dân Đảng nắm quyền ở Đài Loan, Trung Cộng vẫn tăng cường quân đội và vũ khí.

 

Ứng cử viên tổng thống thứ ba là Bác sĩ Tiêu Thiếu Khang (Zhàw Shaw-kong, 趙少康) một đại biểu quốc hội thuộc “Đài Loan Dân Chúng Đảng,” mới thành lập năm 2019, với chủ trương thân thiện với Bắc Kinh. Ứng cử viên phó tổng thống là bà Ngô Hân Mãnh (Cynthia Wu, Wú Xīnyíng, 吳欣盈) trẻ tuổi nhất, sinh năm 1978, trong khi vận động tranh cử đã tránh không nhắc gì đến Cộng sản Trung Quốc mà chỉ nhấn mạnh đến các vấn đề dân sinh.

 

Liên danh Đảng Dân Chúng có thể chia bớt phiếu của đảng Dân Tiến. Ông Tiêu Thiếu Khang chỉ trích, “Đảng Dân Tiến không hiểu Trung Hoa lục địa và cũng không hiểu Cộng sản Trung Quốc, … họ sử dụng mối đe dọa của Trung Quốc để đánh lừa cử tri, ngõ hầu kiếm phiếu.” Ông Tiêu Thiếu Khang chủ trương hai bên phải đối thoại, mà đảng Dân Tiến không chấp nhận. Ông cũng bênh vực Quốc Dân Đảng vì họ cũng chủ trương đối thoại trong khi vẫn bảo vệ lực lượng quốc phòng. Bà Thái Anh Văn, ông Lại Thanh Đức, và bà Tiêu Mỹ Cầm đáp lại, nhắc nhở rằng họ vẫn luôn luôn đề nghị đối thoại nhưng đều bị Trung Cộng từ chối.

 

Trong số hai ứng cử viên tổng thống sáng giá nhất, ông Lại Thanh Đức (Dân Tiến) hiện được nhiều người ủng hộ hơn ông Hầu Hữu Nghi (Quốc Dân Đảng) nhưng khoảng cách không lớn. Đó là lý do Tập Cận Bình sẽ còn bắn tiếng đe dọa có thể đánh Đài Loan, để bảo vệ chủ trương chỉ có một nước Trung Hoa. Cuối cùng, trong hai tuần nữa các cử tri Đài Loan sẽ quyết định!

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats