Saturday, 23 December 2023

GIẢI PHÁP 'HAI QUỐC GIA' LÀ THẾ NÀO (Ngô Nhân Dụng)

 



Giải pháp ‘Hai Quốc Gia’ là thế nào

Ngô Nhân Dụng

22/12/2023

https://www.voatiengviet.com/a/giai-phap-hai-quoc-gia-la-the-nao/7408779.html

 

Trong thực tế, vùng Tây Ngạn, nằm phía Tây con sông Jordan và phía Đông nước Israel, hiện được chia ra làm ba phần, theo quy chế khác nhau.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-6e97-08dbfb59a3ef_w650_r1_s.jpg

Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ còn chờ Thủ tướng Benjamin Netanyahu rời chức vụ, để có dịp thúc đẩy Israel thi hành Giải pháp “Hai Quốc Gia”.

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ còn chờ Thủ tướng Benjamin Netanyahu rời chức vụ, để có dịp thúc đẩy Israel thi hành Giải pháp “Hai Quốc Gia” – Israel và Palestine sống bên cạnh nhau. Nhưng dù ông Netanyahu rút lui, ông Biden vẫn sẽ phải chờ rất lâu.

 

Hiện hai chính phủ Mỹ và Israel giữ các lập trường đối lập về cuộc chiến đang diễn ra tại giải Gaza. Mỹ muốn Israel giảm bớt cường độ pháo kích và oanh tạc để tránh số thường dân Palestine chết oan lên quá cao. Quân đội Israel không chấp nhận. Ông Joe Biden không muốn Israel sẽ cai trị vùng đất hơn hai triệu người Á Rập này. Ông Benjamin Netanyahu không đồng ý. Ông Biden muốn Israel đưa chính quyền Palestine của đảng Fatah về nắm quyền ở Gaza, ông Netanyahu từ chối.

 

Từ lâu, ông Netanyahu vẫn tìm cách chứng tỏ những vấn đề về tương lai người Palestine không quan trọng; tình trạng tương đối hòa bình trong 30 năm qua có thể kéo dài mãi mãi. Ông nâng đỡ Đảng Hamas ở Gaza để vai trò của Chính quyền Palestine của ông Mahmoud Abbas và đảng Fatah tại vùng Tây Ngạn ngày càng yếu hơn. Vụ khủng bố ngày 7 tháng 10 do quân Hamas chủ mưu, giết 1,200 người Israel cho thấy chính sách của Netanyahu thất bại. Cuộc tấn công của Israel làm chết vài chục ngàn thường dân, bị cả thế giới phản đối, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc làm quyết nghị yêu cầu phải ngưng chiến ngay, bị Mỹ phủ quyết. Khi dư luận thế giới phản đối cả Mỹ và Israel, ông Biden đã nhắc lại giải pháp “Hai Quốc Gia” để chứng tỏ mình không hoàn toàn chỉ bênh vực ông Netanyahu.

 

Từ năm 1947, Liên Hiệp Quốc đã đề nghị có hai quốc gia trên miền đất Palestine, cho người Do Thái và cho người Á Rập. Riêng thành phố Jerusalem sẽ được quốc tế hóa vì đó là thánh địa của cả đạo Do Thái, đạo Thiên Chúa và Hồi Giáo. Khi đó, các vương quốc Á Rập phản đối, đem quân tấn công khi nước Israel tuyên bố thành lập, thất trận phải rút quân về.

 

Giải pháp “Hai Quốc Gia” song song được nêu lại trong Thỏa ước Oslo năm 1993, do Tổng thống Bill Clinton bảo trợ, đề nghị trong năm năm sẽ thành lập hai nước Israel và Palestine. Địa giới nước Palestine tương lai chỉ rộng bằng 22% vùng đất sinh sống của người Á Rập ở vùng Palestine trước đó. Trong khi chờ đợi sẽ lập một guồng máy tạm thời của người Palestine đặt tại Ramallah, cai trị cả vùng Tây Ngạn và giải Gaza. Thời hạn 5 năm trôi qua, các Tổng thống George W. Bush và Barack Obama đã mời hai bên họp thượng đỉnh hai lần, cũng không đi tới đâu. Từ năm 2014, họ ngưng không nói chuyện với nhau nữa.

 

Trong thực tế, vùng Tây Ngạn, nằm phía Tây con sông Jordan và phía Đông nước Israel, hiện được chia ra làm ba phần, theo quy chế khác nhau. Vùng A nhỏ nhất, Chính quyền Palestine (PA) của ông Abbas nắm đủ quyền cai trị. Vùng B là nơi PA chỉ lo việc hành chánh, mọi vấn đề an ninh do quân đội Israel phụ trách. Gọi là hai phần A và B nhưng mỗi phần không nối kết liên tục mà phân tán ra nhiều mảnh nhỏ, như hình ảnh “da beo,” hay “vết dầu loang.” Hai vùng A và B, gồm những “vết dầu” lổm chổm nằm giữa một Vùng C bao bọc chung quanh. Vùng C rộng nhất, chiếm 2 phần ba mảnh đất Tây Ngạn và hoàn toàn do Israel kiểm soát. Có thể hình dung người dân và nhân viên chính quyền Palestine từ “vết dầu” này đi sang “vết dầu” khác đều không lọt khỏi mắt quân đội Israel. Việc kiểm soát biên giới cũng hoàn toàn trao cho quân Israel phụ trách.

 

Chính phủ Netanyahu đã khuyến khích người Do Thái lập các trại định cư mới trong vùng C của mình, trong khi hạn chế người Palestine mỗi năm chỉ cho phép xây cất mươi ngôi nhà. Quân đội Israel cũng bênh vực dân định cư Do Thái khi họ tấn công vào khu người Á Rập trong vùng C.

 

Nếu theo Giải pháp “Hai Quốc Gia” mà lập một nước Palestine thì nước đó sẽ có hình thù như thế nào? Chưa ai bàn tới. Thời Tổng thống George W. Bush, ông đọc một bài diễn văn về vấn đề này, đã nói đến một quốc gia Palestine “continuous.” Ngay sau đó, Tòa Bạch Ốc vội vã đính chính rằng ông tổng thống định dùng chữ “contiguous” chứ không phải “continuous.” Ông Bush vẫn tự hào là người không học giỏi, luôn luôn được điểm “C.” Ông nhìn chữ “contiguous” nhưng đọc thành “continuous” vì nó quen tai hơn. Bài diễn văn viết “contiguous” có nghĩa là quốc gia mới gồm những vùng đất “gần sát nhau.” Khi nói “continuous” tức là đề nghị nước Palestine nối kết với nhau thành một mảnh đất liên tục. Đó là điều chính phủ Israel không bao giờ chấp nhận.

 

Ông Rimnod Novik, một chính khách Israel đã từng là cố vấn của Thủ tướng Shimon Peres, đề nghị các bước tiệm tiến để thành lập nước Palestine: Mở rộng hai vùng A và B, và giảm bớt diện tích vùng C của Israel. Nếu chính quyền Palestine đồng ý với đề nghị này thì dân chúng cũng không chấp nhận. Họ nói, “Chúng tôi chờ đợi 30 năm để thành lập quốc gia chứ không phải để được cấp giấy phép xây thêm mấy ngôi nhà.” Dư luận dân Israel gốc Do Thái cũng chống giải pháp “Hai Quốc Gia” mạnh hơn. Năm năm trước, một nửa người Do Thái đồng ý, bây giờ chỉ còn một phần ba, theo tuần báo Economist.

 

Nhưng ông Joe Biden không có cách nào khác là nhắc lại một giải pháp đã được thỏa hiệp từ 30 năm trước. Bởi vì đó là cánh cửa duy nhất để mở ra cho hai sắc dân Do Thái và Á Rập trong vùng này có thể sống bình an bên cạnh nhau. Không những thế, các quốc gia trong cả vùng Trung Đông cũng được bình an hơn.

 

Tại một hội nghị ở Qatar vào đầu tháng 11, các vương quốc Á Rập đã đề nghị ba nước Jordan, Egypt và Mỹ dẫn đầu tiến trình thi hành giải pháp “Hai Quốc Gia.” Họ có tiếng nói khá mạnh, có thể ảnh hưởng đến dư luận dân Israel. Khi thỏa ước Oslo ra đời, chỉ có một nước trong vùng công nhận Israel, là Egypt. Hiện nay đã có sáu nước thiết lập bang giao; Á Rập Saudi đang chuẩn bị làm theo thì phải ngưng vì vụ khủng bố ngày 7 tháng 10. Các nước Á Rập giàu có nhờ dầu lửa, khí đốt cũng sẽ là nguồn tài trợ quan trọng cho một quốc gia Palestine tương lai. Trước mắt, họ có thể giúp tái thiết giải Gaza đang bị tàn phá.

 

Với sự ủng hộ của Mỹ và các nước Á Rập, giải pháp hai quốc gia có nhiều hy vọng tiến thêm vài bước. Có thể nói, đó là nguồn hy vọng duy nhất cho cả vùng Trung Đông.

 

Khi chiến tranh chấm dứt, Israel sẽ chịu trách nhiệm về đời sống kinh tế của dân Á Rập trong giải Gaza, không thể nào tránh được. Tái thiết Gaza sẽ tốn mấy chục tỷ đô la. Hiện nay Mỹ và Israel vẫn không đồng ý sau chiến tranh ai sẽ quản trị vùng này. Chính phủ Biden hy vọng khi ông Netanyahu phải rời bỏ ghế thủ tướng, như ý muốn của ba phần tư dân Israel, người lên thay ông sẽ dễ thỏa hiệp hơn.

 

Người nhiều triển vọng lên làm thủ tướng là Benny Gantz, một lãnh tụ đối lập và cựu chỉ huy quân đội, được mời tham gia chính phủ sau ngày 7 tháng 10. Tướng Gantz dè dặt không nói gì đến giải pháp “Hai Quốc Gia” vì không muốn gây phản ứng của các cử tri bảo thủ trong kỳ bầu cử sắp tới. Các cuộc nghiên cứu dư luận cho thấy nếu dùng một tên gọi khác, không dùng những chữ “Hai Quốc Gia,” đa số dân Israel có thể đồng ý có một nước cho người Palestine. Các nhà chính trị sẽ tìm ra một quan niệm mới, với một nhãn hiệu mới. Mọi người sẽ phải chờ tới sau cuộc bỏ phiếu ở Mỹ cũng như ở Israel!





No comments:

Post a Comment

View My Stats