Wednesday 13 December 2023

AI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỤ HỌC SINH BAO VÂY UY HIẾP CÔ GIÁO Ở TUYÊN QUANG? (Tổng hợp)

 



NỘI DUNG :

 

Ai chịu trách nhiệm vụ học sinh bao vây uy hiếp cô giáo ở Tuyên Quang?

Trương Nhân Tuấn

.

Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo để ở đâu?

Chu Mộng Long

.

Não đất sét: Học võ để chống bạo lực học đường

Chu Mộng Long

.

Tại sao các môn nghệ thuật cứ phải là bắt buộc?

Chu Mộng Long

 

 

Ai chịu trách nhiệm vụ học sinh bao vây uy hiếp cô giáo ở Tuyên Quang?

Trương Nhân Tuấn

12/12/2023

https://baotiengdan.com/2023/12/12/ai-chiu-trach-nhiem-vu-hoc-sinh-bao-vay-uy-hiep-co-giao-o-tuyen-quang/

 

Vụ này lùm xùm nhiều ngày rồi, trên báo chí, trên mạng, thậm chí trên tuyền hình quốc tế. Nội dung không cần nhắc lại. Câu hỏi “có bao giờ Việt Nam tệ như thế này chưa”, cần phải đặt ra.

 

 

Nguyên nhân do đâu mà học sinh (mới 12, 14 tuổi) mà lưu manh, mất dạy, hung hăng… với cô giáo như vậy không biết?

 

Hôm trước tôi có comment ở một trang Facebook nào đó, đại khái tôi cho rằng, “cha mẹ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của con mình, về những thương tổn mà con mình đã gây ra cho cô giáo. Nhà trường vì không bảo vệ cô giáo, nên nhà trường phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại tinh thần và vật chất cho cô giáo“.

 

Có học giả cho rằng, nguyên nhân đến từ “giáo dục”, trách nhiệm là của Bộ Văn hóa – Giáo dục. Có người thì “chỉ dạy” cha mẹ cách dạy con. Người này hàm ý cho rằng, nguyên nhân là do cha mẹ không biết dạy dỗ con cái. Riêng một quan chức ngành giáo dục, cấp thứ trưởng, cho rằng trách nhiệm chuyện này là ở toàn xã hội.

 

Tôi khá đồng ý với ông thứ trưởng. Toàn xã hội phải chịu trách nhiệm về chuyện này. Vấn đề là “đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Tức là đảng phải chịu trách nhiệm về chuyện này.

 

Nhưng đảng chịu trách nhiệm với ai? Khi đảng không chịu trách nhiệm trước pháp luật thì đảng không chịu trách nhiệm với ai cả.

 

Vậy thì cách nào để chuyện tương tự không xảy ra nữa?

 

Nói trách nhiệm này thuộc về giáo dục, tôi e rằng không đúng lắm. Giáo dục chỉ có bổn phận dạy dỗ kiến thức, sự hiểu biết về lễ nghĩa cho trẻ em mà thôi. Dạy là một chuyện, mà trẻ em có “hiểu” và “làm theo” hay không là chuyện khác.

 

Nói trách nhiệm thuộc về cha mẹ, nào giờ người ta đều nói như vậy. Nhưng thời nay “người với người đã trở thành thiên tai”.

 

Đạo đức XHCN trong một thời gian rất dài đã khuyến khích các hành vi “có lợi cho cách mạng” kiểu con tố cha, vợ tố chồng, bạn bè tố cáo lẫn nhau. Những đứa trẻ ngày xưa đã từng tố cáo cha mẹ chúng, hay đã từng chứng kiến cha mẹ chúng tố cáo cậu mợ, ông bà của chúng… hôm nay chúng là bậc phụ huynh của những đứa trẻ hư hỏng ở Tuyên Quang. Chúng là những nhà lãnh đạo về giáo dục, là thầy giáo, cô giáo, là thủ trưởng, bộ trưởng, chủ tịch… nọ kia.

 

Làm cách nào những bậc cha mẹ xuất thân như vậy có thể “dạy dỗ” con cái? Dạy dỗ cách nào khi cha mẹ nói láo, chửi tục, xài bằng giả, tham nhũng, hà hiếp dân lành?

 

Cha mẹ không cần học, chỉ cần khát máu một chút, kiểu “giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ…” thì lên làm quan lớn. Bậc cha mẹ như vậy, cách nào có thể dạy dỗ con cái lương thiện, biết tôn sư trọng đạo?

 

Ông thứ trưởng nói đúng: Trách nhiệm là của toàn xã hội. Xã hội thối nát, gia đình thối nát, thì học đường thối nát. Nói chung là con người đã thối nát hết rồi!

 

Vậy làm cách nào để chấn hưng lại?

 

Theo tôi, cách duy nhứt, là áp dụng khắt khe “pháp trị”.

 

Cha mẹ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của những đứa con vị thành niên của mình. Chỉ có cách này, phải trừng phạt cha mẹ thật nặng, thì cha mẹ mới có trách nhiệm với con cái, mới chú tâm dạy dỗ con cái.

 

Học đường phải có trách nhiệm bảo vệ thầy cô. Nhà trường phải chịu mọi phí tổn cho thầy cô trong công tác giáo dục.

 

Thầy cô phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hành vi đánh đập, chửi bới học sinh là phạm tội “bạo hành trẻ vị thành niên”. Tội này, thầy cô ngoài việc bồi thường cho nạn nhân, thầy cô còn có thể gỡ lịch dài hạn.

 

Chỉ có “pháp trị” mới có thể giải quyết (phần nào) tệ nạn bạo lực học đường mà thôi.

 

 ===============================================

 

 

Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo để ở đâu?

Chu Mộng Long

11/12/2023

https://baotiengdan.com/2023/12/11/trach-nhiem-cua-bo-giao-duc-va-dao-tao-de-o-dau/

 

Xung đột giữa cô giáo và học trò, theo tôi, không còn là cá biệt ở Tuyên Quang. Theo báo chí và dư luận, đã từng diễn ra không ít ở nhiều nơi, phổ biến nhất là thầy bạo hành trò. Trò tấn công ngược lại thầy là hy hữu, coi như giọt nước tràn ly. Quy trách nhiệm cho toàn xã hội, nếu không có ý đánh bài khuấy loãng trách nhiệm, thì có lẽ ông Thứ trưởng muốn nói đó là lỗi của cơ chế, của hệ thống. 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/12/1-13.jpeg

Ảnh: Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nói: Toàn xã hội phải có trách nhiệm vụ học sinh ‘quây’ cô giáo. Nguồn: CAĐN

 

Ý này tôi hoan nghênh. Nhưng ông nên cụ thể hoá, rằng xã hội là một kiến tạo với cơ chế, hệ thống nhất định, chi phối lối sống của cả cộng đồng, kể cả tâm lý cá nhân. Tâm lý là hiện tượng xã hội và “con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội”. Ai kiến tạo nên xã hội mà chúng ta đang sống? Và ai kiến tạo nên nền giáo dục mà những rối loạn đã đến mức sinh bạo loạn như vậy?

 

Tôi cứ giá như Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ có trách nhiệm tạo ra các dự án ngàn tỉ để tiêu tiền ngân sách và thu các loại phí từ phụ huynh, học sinh, mà có trách nhiệm chấn chỉnh các tiêu cực trước thì giáo dục đã không đến mức rối loạn như một cơ thể bị mất kiểm soát của lý trí.

 

Tôi cứ giá như mỗi khi xảy ra tiêu cực trong ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo các cấp Sở, Phòng không vì thành tích mà cố tình bưng bít, che giấu đến mức cấm giáo viên và học sinh chia sẻ, bình luận thì giáo dục đã không thành cái ung nhọt đến ngày vỡ mủ với đủ loại giòi bọ phá hoại từ trong ra.

 

Tôi cứ giá như mỗi khi lộ các vụ bạo hành, dù là từ phía thầy hay trò, Bộ, Sở, Phòng không trấn áp, đe doạ các chia sẻ, bình luận mà chỉ đạo đến tất cả các trường, các bộ môn tổ chức sinh hoạt thảo luận công khai về những sự vụ ấy để răn đe và tìm ra giải pháp tích cực, thì ngành giáo dục đã không như kẻ mù, kẻ điếc làm càn.

 

Vừa rồi có học viên khoe với tôi rằng, “em có cách trừng phạt học sinh mà chúng khiếp sợ đến mức thấy thầy là cắm mặt xuống chứ đừng nói chuyện dám hỗn một câu!” Tôi hỏi cách gì vậy? Thì ra là vẫn dùng bạo lực, đấm đá, nhét giẻ lau vào mồm, nhốt vào toilet… Tôi hỏi, anh không đọc báo, không kết nối với mạng xã hội để nghe dư luận phản ứng về những sự vụ tương tự sao? Anh ta ngơ ngác như bò đội nón.

 

Tôi hiểu vô số giáo viên bị mù, bị điếc như anh ta. Họ không biết gì cả ngoài việc hàng ngày lên mạng khoe đủ thứ, kể cả khoe quà và phong bì để tự tôn vinh mình. Họ làm càn như côn đồ vô học chứ không phải nhà giáo được đào tạo những kĩ năng sư phạm.

 

Tôi không đòi các cấp quản lí phải ra tay trừng phạt từng vụ nhỏ nhặt mà chỉ cần công khai, minh bạch; nhờ công khai, minh bạch với tương tác xã hội cũng đủ dẹp các loại tiêu cực, các thành phần cặn bã vào sọt rác!

 

Trách nhiệm thuộc về ai thì ông Thứ trưởng tự hiểu!

 

_____

 

Bài liên quan: Bộ GD-ĐT: Toàn xã hội phải có trách nhiệm vụ học sinh ‘quây’ cô giáo (VNE).

.

====================================================

.

.

Não đất sét: Học võ để chống bạo lực học đường

Chu Mộng Long

12/12/2023

https://baotiengdan.com/2023/12/12/nao-dat-set-hoc-vo-de-chong-bao-luc-hoc-duong/

 

Học sư phạm, ngoài các kiến thức, phương pháp dạy học, điều quan trọng hơn là học những kỹ năng ứng xử sư phạm để giải quyết các tình huống sư phạm. Tuy nhiên, ở nền giáo dục này toàn học những thứ giáo điều, phi thực tế. Cả một hệ thống môn học Tâm lý học, Giáo dục học với bao nhiêu học phần, nhưng chủ yếu nhồi lý thuyết suông. Sinh viên học bài, trả bài là xong. Không có kỹ năng sư phạm nào, dẫn đến hậu quả nhiều thầy cô giáo dùng hình phạt bạo lực như côn đồ vô học để xử lý tình huống.

 

Bây giờ thành phố anh hùng mang tên Bác lại chủ trương cho giáo viên và học sinh học võ để… chống bạo lực học đường. Đúng nghĩa “anh hùng làng này có ai bằng ta!”. Tất nhiên, bài báo nhấn mạnh là “võ tự vệ”, tức có bị tấn công thì phải biết thế thủ. Chẳng hạn thầy tấn công trò thì trò thủ, ngược lại trò tấn công thầy thì thầy thủ. Kể cả thầy bị phụ huynh tấn công thì cũng lo thủ.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/12/1-31.jpg

Học sinh học võ để… chống bạo lực học đường  (Ảnh chụp màn hình bài đăng trên báo Dân Trí)

 

Bạo lực học đường chỉ giới hạn ở quan hệ thầy với trò, trò với trò, phụ huynh với thầy cô chứ diễn ra bên ngoài phạm vi nhà trường cũng gọi là “bạo lực học đường” sao?

 

Tôi từng học võ. Thầy tôi dạy công cũng là thủ. Võ dù gì cũng là bạo lực. Không có loại võ nào thủ mà không công. Sắp tới chúng ta tha hồ xem phim võ thuật trong nhà trường. Trò ném dép coi như lỗi thời, thay bằng đấm, đá, thụi, bịch… Ngành giáo dục nuôi ngành y tế và nuôi các công ty bán quan tài. Riêng ngành y tế không phải kêu ca vì thiếu bệnh nhân mà đội ngũ y bác sĩ đói.

 

Không chừng cứ đà này, họ chủ trương để phòng bị hiếp dâm, nhà trường dạy luôn cho nữ sinh trồng răng vào âm hộ?

 

Nhiều người nói tôi nặng lời, chứ trong trường hợp này chỉ có thể nói, não những người nghĩ ra điều này không cơ hội đục nước béo cò thì cũng làm bằng đất sét.

_____

 

Bài liên quan: TPHCM: Dạy võ tự vệ cho học sinh, giáo viên để chống bạo lực học đường (DT).

 

 

===================================================

.

.

Tại sao các môn nghệ thuật cứ phải là bắt buộc?

Chu Mộng Long

13/12/2023

https://baotiengdan.com/2023/12/13/tai-sao-cac-mon-nghe-thuat-cu-phai-la-bat-buoc/

 

Tôi ngạc nhiên khi có không ít ý kiến cho rằng, do các môn như nhạc, hoạ bị cho là môn phụ nên mới có chuyện học sinh coi thường các thầy cô dạy nhạc, hoạ. Từ coi thường đến tấn công các thầy cô giáo này là tất yếu.

 

Có lẽ các thầy cô này muốn nhạc, hoạ phải là môn chính cơ?

 

Tôi dám chắc học trò coi thường hay tôn trọng không phải ở vai trò chính, phụ của môn học. Bởi dẫu có là phụ thì kết quả học tập như hiện nay vẫn tính điểm trên tất cả các môn. Trượt một môn phụ vẫn có thể bị xếp loại yếu kém. Chẳng học sinh nào dám coi thường. Mà nếu “coi thường”, chỉ theo nghĩa không chịu đi học cua các “môn phụ” đó, đã có thể bị thầy cô trừng phạt, bằng sự chì chiết, đánh đòn hoặc cho điểm yếu.

 

Con tôi hồi bé không đi học cua nhạc, hoạ từng bị cô đánh đến bầm tím năm đầu ngón tay và bị hạ nhục giữa lớp.

 

Nhớ năm ngoái, báo đăng vụ cô giáo dạy nhạc ở Gia Lai, trừng phạt học sinh kiểu gì mà các phụ huynh phản ứng quyết liệt, buộc phải xử lí cô giáo. Tất nhiên nhiều trường hợp không xử ắt sinh loạn.

 

Tra chương trình phổ thông các nước như Âu, Mỹ tôi không thấy có quốc gia nào bắt buộc học sinh phải phát triển “toàn diện” như giáo dục của nước ta. Riêng các môn nghệ thuật, thuộc về năng khiếu, chỉ là môn lựa chọn. Học sinh có quyền lựa chọn theo sở thích, theo thiên hướng cá nhân. Trẻ đã chọn theo sở thích, thiên hướng cá nhân, chúng sẽ học bằng niềm vui, hứng thú. Làm gì có chuyện coi thường, đến mức xung đột với người mang lại hứng thú cho chúng?

 

Thời tôi học cũng có nhạc, hoạ, nhưng mỗi tuần một tiết. Chủ yếu là hát và vẽ để giải trí sau khi học các môn động não đến căng thẳng. Nay thì ngược lại, chính các môn có tính thư giãn này lại gây căng thẳng cho trẻ con. Học nhạc lý, học kỹ thuật như học ở nhạc viện, trường đại học mỹ thuật vậy. Học cái trừu tượng và quá sức đối với đại đa số không có năng khiếu, khi không đạt thì bị hạ nhục, ắt trẻ sẽ tấn công thầy cô như một triệu chứng tâm thần!

 

Tôi từng nghe con tôi nửa đêm ngồi lảm nhảm học thuộc bài thủ công khâu đột khâu vắt, thuộc nốt nhạc và các loại âm luật để trả bài mà tôi cũng phát điên lên, huống hồ là con trẻ.

 

Tôi nhắc lại điều tôi đã nói. Rằng ông Tổng chủ Nguyễn Minh Thuyết đưa ra chuẩn đòi trẻ phát triển toàn diện 5 phẩm chất, 10 năng lực, trong đó có cả năng lực nghệ sĩ, thử hỏi chính cá nhân ông đã đạt được bao nhiêu? Bản thân ông có thành nhà khoa học toàn diện, và thành ca sĩ, nhạc sĩ… không? Ông là giáo sư mà không đạt được, trong khi bắt con trẻ phải đạt được theo tưởng tượng hoang đường của ông, thì ông và các cộng sự của ông có bị điên hết không?

 

Thằng điên hiếp đứa không điên

 

Đứa không điên cũng bị điên cả đàn.

 

_______

 

Một số ảnh chụp màn hình bài trên báo Thanh Niên: Gia Lai: Phụ huynh treo băng rôn phản đối giáo viên dạy môn âm nhạc

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/12/1-33.jpg

 

 https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/12/1-32.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/12/2-12.jpg






No comments:

Post a Comment

View My Stats