Monday 25 September 2023

MỐI ĐE DỌA CỦA MỘT THẾ KỶ ĐỘC TÀI (Azeem Ibrahim | The National Interest)

 



Mối đe dọa của một thế kỷ độc tài

THE NATIONAL INTEREST by Azeem Ibrahim – September 21, 2023

Ba Sàm dịch

September 25, 2023

https://huuvinhbasam.wordpress.com/2023/09/25/29-moi-de-doa-cua-mot-the-ky-doc-tai/

 

(Tiến sĩ Azeem Ibrahim là Giám đốc Viện Chiến lược và Chính sách Newlines ở Washington DC và là Giáo sư Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Trường Cao đẳng Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ).

 

                                                            *

Thế giới đang hỗn loạn. Chỉ ba mươi năm sau sự sụp đổ của Liên Xô và sự tan rã của mạng lưới ủy nhiệm của nó ở Đông Âu, một cuộc chiến tranh trên bộ đang diễn ra ở châu Âu giữa nền dân chủ và chế độ độc tài.

 

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chúng ta khó có thể tưởng tượng rằng chỉ sau ba thập kỷ nữa chúng ta sẽ ở vào tình thế như lúc này. Hiện nay chúng ta biết rằng sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 không mang đến “sự cáo chung của lịch sử” như đã được tiên tri. Thay vào đó, nó tạo ra sự tự mãn trong số các nhà lãnh đạo của các nền dân chủ phương Tây, sự tự mãn to lớn đã gieo mầm mống cho tính toán phản dân chủ toàn cầu hiện nay.

 

Trên khắp thế giới, những ý tưởng về một trật tự chính trị tự do dân chủ, về sự hợp tác quốc tế đa phương và về chủ nghĩa tư bản thị trường tự do hiện đang thoái lui. Bị thách thức không phải bởi chủ nghĩa xã hội như một tầm nhìn toàn cầu và phổ quát thay thế, mà bởi sự rút lui trở lại trước chủ nghĩa bản địa bài ngoại, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy. Điều này đã và đang ảnh hưởng đến cả những nền dân chủ trưởng thành lẫn những quốc gia đã có những bước đi thăm dò hướng tới một trật tự chính trị tự do sau Chiến tranh Lạnh. Kết quả là sự trỗi dậy của các chế độ độc tài, thường thông qua sự thoái hóa của các nền dân chủ có tính thực dụng hơn trước đây, và tình trạng suy giảm sự phối hợp đa quốc gia giữa các nước, giờ đây có nhiều khả năng nhấn mạnh đến tính ưu việt của quốc gia-dân tộc làm trọng tâm cho việc hình thành các chính sách thiết thực.

 

Vì vậy, ở Ấn Độ, Narendra Modi đang đưa đất nước của mình đến gần hơn với chủ nghĩa Sô vanh của Ấn Độ giáo. Ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cai trị bằng bàn tay sắt và duy trì cuộc diệt chủng bằng công nghệ cao đối với tôn giáo và dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Ở châu Âu và các vùng lân cận, Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào chế độ chuyên quyền dưới thời Recep Tayyip Erdogan, và Hungary dưới thời Viktor Orbán trở thành kênh hậu thuẫn cho các chế độ độc tài khác khi họ định hình lục địa, trước bối cảnh hợp nhất các phương tiện truyền thông, tham nhũng trong bộ máy hành pháp và sự tiêu diệt đối với xã hội dân sự bình thường.

 

Tuy nhiên, sự phát triển khó hiểu của phản ứng dữ dội chống chủ nghĩa tự do là các nhà độc tài theo chủ nghĩa sô-vanh, lấy quốc gia làm đầu, hiện đang hợp tác với nhau một cách hết sức hiệu quả nhằm tránh né hoặc làm xói mòn các chuẩn mực và thể chế tự do quốc tế. Trong cuốn sách của tôi,   Authoritarian Century (Thế kỷ độc tài), tôi gọi khái niệm then chốt này là “Chế độ chuyên chế đa phương”. Các hệ thống độc tài mới nổi giống nhau hơn là khác nhau, và chúng rất giỏi trong việc hợp tác cùng nhau để cùng có lợi. Sự chuyên chế của một kiểu ngưu tầm ngưu mã tầm mã.

 

Nhưng sự phát triển này không phải là ngẫu nhiên. Xu hướng hợp tác với nhau giữa những kẻ chuyên quyền và những kẻ chuyên chế đầy tham vọng này đã không xuất hiện một cách thuần túy về mặt hữu cơ. Đây là một sự phát triển đã được trau dồi, phối hợp và thậm chí thường được tài trợ (bằng tiền mặt trực tiếp) bởi các cường quốc đã quyết định rằng trật tự quốc tế tự do thời hậu Chiến tranh Lạnh là mối đe dọa chiến lược đối với lợi ích của chính họ – trên hết là bởi chế độ ở Moscow của Vladimir Putin và chế độ Cộng sản ở Bắc Kinh.

 

Giờ đây, hai cường quốc này rất khác biệt, cả về phương thức hoạt động lẫn bản chất mối đe dọa mà chúng gây ra. Các phương pháp của Matxcơva chủ yếu là lật đổ và hủy diệt – và thứ mà họ có thể tạo ra nhiều nhất là hỗn loạn. Cả hai cũng nguy hiểm không kém, nhưng Putin không có tầm nhìn tích cực về thế giới để bày tỏ cho bất kỳ ai khác.

 

Mặt khác, Bắc Kinh đưa ra một con đường dẫn đến một giải pháp quốc tế thay thế, có trật tự tương đối. Nó mong muốn tạo ra một “thế giới đa cực”, trong đó các nền dân chủ của liên minh phương Tây bị các chế độ độc tài của thế giới lấn át. Các kế hoạch của Bắc Kinh nhằm định hướng lại nền kinh tế toàn cầu dọc theo Sáng kiến Vành đai và Con đường, là một phần của quá trình xây dựng nền kinh tế của các chế độ chuyên chế và tăng cường mối liên kết giữa họ.

 

Bắc Kinh cũng nỗ lực đặc biệt để giành quyền kiểm soát các thể chế quốc tế hiện có, vốn trao cho họ quyền lực đối với các quy tắc và chuẩn mực toàn cầu, khi nó tìm cách nhào nặn những điều này để phù hợp với lợi ích trước mắt và tầm nhìn của mình về tương lai. Do đó, Tổ chức Thương mại Thế giới đã không thể ngăn chặn các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới không thể kiểm duyệt Trung Quốc về dữ liệu sai lệch về COVID, và do đó, Luật Biển của Liên Hợp Quốc không thể ngăn cản Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông.

 

Vấn đề với tương lai mà Trung Quốc đưa ra chính là những gì nó gây ra cho hạnh phúc của hàng tỷ người vào cuối thế kỷ này: Bắc Kinh ủng hộ mọi hình thức đàn áp chính trị phù hợp với lợi ích của mình và không ngần ngại thực hiện một cuộc diệt chủng của riêng mình ở tỉnh phía tây của nó ở Tân Cương, đồng thời đã nghiền nát hoàn toàn nền văn hóa dân chủ của Hồng Kông, và nó đang lên kế hoạch sáp nhập đất nước dân chủ Đài Loan. Trong lúc áp lực của biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục gia tăng, Bắc Kinh sẽ phản ứng hoàn toàn dựa trên lợi ích chính trị, không quan tâm đến nhân quyền hay công lý quốc tế – và điều này sẽ gây ra hậu quả sống chết đối với hàng triệu người trên khắp thế giới.

 

Nhưng cuộc chiến vì tương lai của chúng ta trong thế kỷ này vẫn chưa được giải quyết. Moscow đã vấp ngã trong cuộc xâm lược kinh hoàng vào Ukraine và đã bị suy yếu rất nhiều trên trường quốc tế. Bản thân Putin có thể sụp đổ nếu hoàn cảnh phù hợp. Và Tập đã phạm một số sai lầm cả trong quản lý trong nước lẫn ngoại giao quốc tế, khiến sự trỗi dậy của Trung Quốc phải lùi lại ít nhất một thập kỷ, khiến các nhà dân chủ tự do trên khắp thế giới có thời gian để tập hợp lại.

 

Đây chính là thách thức mà những người quan tâm đến dân chủ và nhân quyền trong chúng ta phải đối mặt một cách sâu sắc nhất trong hai thập kỷ tới, nhưng thực sự là trong phần còn lại của thế kỷ này: hoặc là chúng ta cho phép hệ thống quốc tế một lần nữa rơi vào tình trạng trì trệ, tình trạng vô chính phủ hoàn toàn, một trạng thái trong đó các quốc gia tham gia vào một “cuộc chiến tranh của tất cả chống lại tất cả” liên tục giữa các đế quốc và phạm vi ảnh hưởng của chúng, với các quan niệm về nhân quyền phổ quát và luật pháp quốc tế bị gạt sang một bên; hoặc chúng ta tập hợp lại và xây dựng lại trật tự quốc tế tự do thời hậu chiến, trật tự này đã mang lại những tiến bộ ấn tượng nhất về thân phận con người trong lịch sử loài người chúng ta. Khi các mối đe dọa về biến đổi khí hậu và sự sụp đổ hệ sinh thái đang rình rập chúng ta, số tiền đặt cược không thể cao hơn.

 

============================

 

13. Quan điểm của Bắc Kinh về cách tiếp cận của Hoa Kỳ cho thấy chúng ta đang ở trong các vũ trụ song song

3676. Putin đang ngày càng giống Stalin

3557. Thái độ ủng hộ Nga xâm lược Ukraine phản ánh tâm lý thù địch phương Tây có nguồn gốc ý thức hệ

3530. Làm thế nào để hạn chế tình bạn ‘Không giới hạn’ của Putin và Tập

3525. Cuộc chiến của Putin mở đường cho sự thống trị Âu-Á của Trung Quốc

3483. Sự thống nhất của phương Tây về Ukraine là mong manh, và Nga biết điều đó

3468. Nga – chư hầu mới của Trung Quốc

3429. Vấn đề Ukraine có thể xé nát châu Âu

3417. Năm lý do vì sao Nga sẽ thắng tại Ukraine

3416. Trung Quốc, không phải Nga, vẫn đặt ra thách thức lớn nhất đối với an ninh của Hoa Kỳ

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats