Hành
quyết ‘tùy tiện’ Lê Văn Mạnh: Vì sao Việt Nam thi hành án tử tù bất chấp công
luận
29/09/2023
Các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án gay gắt việc
Việt Nam hành quyết tử tù được cho là bị kết án oan Lê Văn Mạnh, một quyết định
mà luật sư cho rằng có thể là “phép thử dư luận” của chính quyền nhưng gây phẫn
nộ trong công luận.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-269d-08dbc0803777_cx1_cy16_cw98_w650_r1_s.jpg
Mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh kêu cứu cho con trai mình
trong hơn 18 năm nhưng không ngăn được việc ông bị hành quyết.
Ông Mạnh bị tử hình bằng thuốc độc, một hình thức
hành quyết đang bị thế giới lên án và kêu gọi bãi bỏ, hôm 22/9. Gia đình ông
Mạnh chỉ được thông báo việc ông đã bị hành quyết một ngày sau đó. Gia đình
không được thăm gặp ông trong nhiều tháng trước khi ông bị tử hình vì tội “hiếp
dâm” và “giết người”, một bản án mà họ cho là oan sai và đi kêu oan cho ông
trong hơn 18 năm.
Ân xá Quốc tế cùng 4 tổ chức nhân quyền khác hôm
27/9 nói rằng họ “lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể được đối với
việc hành quyết tùy tiện ông Lê Văn Mạnh”. Các tổ chức, bao gồm cả tổ chức bảo
vệ nhân quyền People in Need có trụ sở ở Cộng hòa Czech, nói rằng ông Mạnh bị
hành quyết chỉ 4 ngày sau khi gia đình ông nhận được thông báo từ tòa án tỉnh
và không được thăm gặp gia đình lần cuối trước khi bị tử hình.
Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa thông báo cho gia
đình về quyết định thi hành án tử hình ông Mạnh hôm 18/9. Sau đó vào ngày 23/9,
gia đình ông nhận được thông báo về việc ông đã bị hành quyết tại một địa điểm
thi hành án ở Hòa Bình và được đưa về chôn ở một nghĩa trang ở TP Thanh Hóa.
“Thư thông báo gửi cho gia đình không đề cập đến
ngày thi hành án tử hình và gia đình không có cơ hội được thăm gặp lần cuối –
một các đối xử tàn ác, vô nhân đạo và hèn hạ mà các cơ quan nhân quyền quốc tế
đã nhiều lần lên án,” các tổ chức, trong đó có cả Ủy ban Luật gia Quốc tế
(ICJ), Sáng kiến Pháp lý cho Việt Nam (LIV) và Người Việt Ủng hộ sự Thay đổi
(VAC), nói trong tuyên bố chung.
Các tổ chức này còn nói rằng ông Mạnh “bị xử tử bất
chấp những cáo buộc đáng tin cậy rằng ông “đã bị công an đánh đập dã man và bị
tra tấn nhằm lấy được ‘lời nhận tội’ để tòa án dựa vào đó để kết tội ông.”
VOA đã gửi yêu cầu bình luận đến Bộ Ngoại giao Việt
Nam.
Hồ sơ chính thức của vụ án được truyền thông trong
nước trích dẫn nói rằng nạn nhân Hoàng Thị Loan, lúc đó 14 tuổi, bị hiếp dâm
rồi bị sát hại vào tháng 3/2005. Sau đó khoảng 1 tháng, ông Mạnh, lúc đó 23
tuổi, bị bắt tạm giam theo lệnh của Cảnh sát điều tra tỉnh Đồng Nai về một vụ
việc hoàn toàn khác trước đó trong tháng.
Theo hồ sơ, chỉ 3 ngày sau khi bị giam giữ, một lá
thư “nhận tội” được cho là do ông Mạnh viết, khi đang bị công an bắt giam, gửi
cho cha ông, trong đó “thừa nhận” đã hiếp dâm và giết Hoàng Thị Loan. Lá thư bị
công an thu giữ và dùng làm bằng chứng cho “tội ác” của ông Mạnh.
Từ 2005 đến 2008, ông Mạnh trải qua 7 phiên tòa –
gồm 3 phiên sơ thẩm, 3 phiên phúc thẩm và 1 phiên giám đốc thẩm. Trong tất cả
các phiên tòa này, ông Mạnh phủ nhận mọi cáo buộc và rút lại “lời thú tội”
trước đó, đồng thời nói rằng ông “nhận tội” vì bị cảnh sát điều tra và cả những
người bạn tù, được cho là hành động theo chỉ đạo của công an, đánh đập.
“Không có bằng chứng, vật chứng nào chứng minh ông
Mạnh phạm tội hiếp dâm và giết người. Bằng chứng duy nhất được công tố đưa ra
là lá thư ‘thú tội’ của ông Mạnh mà ông đã rút lại vì cho là phải nhận tội vì
bị ép cung và tra tấn,” 5 tổ chức viết trong tuyên bố và cho rằng bất chấp
những điều đó chính quyền vẫn kết tội và tuyên án tử hình ông.
‘Phép thử dư luận’
Luật sư Đặng Đình Mạnh – người từng bào chữa cho
nhiều dân oan, các nhà hoạt động và cả tử tù ở trong nước nhưng hiện đang sống
lưu vong ở Mỹ – cho rằng việc thi hành án ông Mạnh là một “hành vi khinh xuất”
của chính quyền Việt Nam.
“Có thể khẳng định đây là một vụ án oan mà lại mang
ra xử lý theo hình thức tử hình, loại hình phạt mà không thể nào khắc phục được
nếu sau này chúng ta nhìn nhận ra là nó sai,” LS Mạnh nói. “Theo tôi đây là
hành vi rất đáng phê phán.”
Lê Văn Mạnh là một trong 3 tử tù được các tổ chức xã
hội dân sự nhắc đến, gồm cả Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng, trong bức thư ngỏ
mà họ gửi cho Tổng thống Mỹ Joe Biden trước chuyến thăm của ông tới Hà Nội
trong tháng này. Các tổ chức khẩn cấp thúc giục ông Biden yêu cầu ngừng thi
hành án đối với 3 tử tù nêu trên, mà họ cho là bị kết án oan sai, khi gặp các
lãnh đạo Việt Nam.
Theo LS Mạnh, việc Việt Nam đưa ông Mạnh ra hành
quyết chỉ hơn một tuần sau chuyến thăm của Tổng thống Biden cho thấy Việt Nam
không sợ bị chỉ trích về vấn đề nhân quyền, vốn là một trụ cột trong chính sách
ngoại giao quốc tế của Chính quyền Biden.
“Việc làm của (chính quyền Việt Nam) phải nói là hết
sức quả quyết và có vẻ như là chính quyền Việt Nam ý thức được vị thế của họ ở
giai đoạn này rằng họ có thể làm được những điều như vậy và do đó nó thúc đẩy
họ đưa Lê Văn Mạnh ra hành quyết,” LS Mạnh nói.
Mặc dù vấn đề nhân quyền được Tổng thống Biden đề
cập khi gặp mặt các lãnh đạo Việt Nam nhưng nó bị lấn át bởi những chủ đề hợp
tác về kinh tế và thương mại. Phát biểu của Tổng thống Biden tại Hà Nội về vấn
đề nhân quyền đã bị truyền thông do nhà nước Việt Nam kiểm soát cắt cụt. Theo
nhận định của giới quan sát và các nhà tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền bị gạt
ra lề khi Mỹ thắt chặt quan hệ hơn với Việt Nam vì mục tiêu kiềm chế Trung
Quốc.
Việc thi hành án tử hình Lê Văn Mạnh, theo đánh giá
của LS Mạnh, là chính quyền Việt Nam đang “dùng một phép thử” để xem dư luận
phản ứng như thế nào.
“Sự phản ứng của dư luận yếu ớt hoặc cho rằng việc
đó chẳng đáng quan tâm thì rất có thể nó sẽ thành một tiền lệ xấu để họ áp dụng
cho những trường hợp còn lại, như Nguyễn Văn Chưởng hoặc Hồ Duy Hải,” LS Mạnh
nói.
Gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng cũng nhận được
thông báo thi hành án tử hình đối với ông hồi đầu tháng 8. Ngay sau khi gia
đình công bố thông tin này, công luận lên án mạnh mẽ và kêu gọi chủ tịch nước
Việt Nam ngừng thi hành bản án. Cũng như gia đình ông Mạnh, gia đình ông Chưởng
đi kêu oan cho ông gần 17 năm qua. Tuy nhiên, hai trường hợp của tử tù Hồ Duy
Hải và Nguyễn Văn Chưởng được chú ý hơn và từng được nêu ra trong các phiên
chất vấn tại cuộc họp Thường vụ Quốc hội ở Ba Đình.
LS Mạnh cho rằng thi hành án tử tù Lê Văn Mạnh, mà
gia đình kêu oan trong gần hai thập niên qua và được cộng đồng quốc tế cùng lên
tiếng, đã tạo ra một tiền lệ không nên có.
“Tôi đã từng nghe một quan chức cao cấp trong ngành
tư pháp nói rằng: ‘Nếu mà cứ mang đi tử hình hết số án oan thì sau đó chúng ta
sẽ không còn án oan nữa,” LS Mạnh nói và cho biết Việt Nam không công bố chi
tiết về số người bị xử tử hàng năm và coi đó là thông tin mật.
Ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn
Chưởng, nói với VOA rằng gia đình ông lo lắng sau khi Lê Văn Mạnh bị hành quyết
vì tiếp theo có thể sẽ đến lượt con trai ông.
Tư pháp ‘không phục vụ công lý’
Án oan, theo giới chuyên môn, là một thực trạng phổ
biến tại Việt Nam. Án oan sai đặc biệt làm dậy sóng dư luận sau vụ ông Nguyễn
Thanh Chấn được trả tự do hồi tháng 10/2013 sau 10 năm thụ án tù chung thân về
tội danh giết người. Tuy nhiên, ông Chấn được giải oan là nhờ có hung thủ ra
đầu thú.
LS Mạnh cho rằng có nhiều vụ án oan ở Việt Nam bởi
“cách điều tra hình sự tùy tiện bất chấp những quy định luật pháp” với mục tiêu
có án thì phải có người nhận tội.
“Cách điều tra hiện nay hầu như chỉ có cách duy nhất
là họ tra tấn người bị tình nghi đến khi người bị tình nghi đau quá, không chịu
nổi sự dùng nhục hình và họ sẽ khai bất cứ nội dung gì cơ quan điều tra mong
muốn và như vậy cơ quan điều tra đã hoàn thành được một vụ án,” LS Mạnh nói.
“(Cơ quan điều tra) tìm mọi cách để có ai đó phải chịu trách nhiệm dù người đó
không phải là thủ phạm.”
Báo cáo Nhân quyền Việt Nam 2022 của Mỹ nói rằng
những người bị giam giữ ở Việt Nam thường báo cáo bị tra tấn bởi công an hoặc
nhân viên an ninh mặc thường phục trong khi bị giam giữ. Những lời tố cáo từ
các nhà hoạt động được báo cáo nêu ra cho biết cán bộ công an “hành hung tù
nhân” để lấy lời thú tội hoặc “chỉ đạo các bạn tù” hành hung họ để buộc họ phải
nhận tội trên các giấy tờ viết tay.
Một thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam từng thừa nhận
rằng có tệ nạn bức cung nhục hình trong quá trình điều tra, lấy cung và cho
biết để xảy ra án oan là do “chưa tập trung tôn trọng việc chứng minh khách
quan mà chủ yếu tập trung vào lời khai, trọng cung hơn trọng chứng cứ.”
Theo LS Mạnh, người từng tham gia bào chữa cho tử tù
khi còn làm việc ở Việt Nam, án oan có thể được xét xử lại nhưng vẫn có các vụ
án oan như trường hợp của ông Mạnh, vì quan điểm xét xử của tòa lấn át việc xem
xét chứng cứ.
Công luận ở Việt Nam phản đối các bản án của tử tù
Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh bởi các chứng cứ được đưa ra để
kết tội tử hình họ đều không thuyết phục. Nhưng theo LS Mạnh, đối với những vụ
án được công chúng quan tâm như vậy, thẩm phán không xét xử theo quan điểm độc
lập.
“Họ xét xử theo chủ trương hoặc theo yêu cầu chính
trị và trong nhiều trường hợp có sự can thiệp của Ban Nội chính (Trung ương) –
gồm cơ quan Tư pháp, Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan điều tra,” LS Mạnh nói.
“Khi người thẩm phán tuyên một bản án thì bản án đó không phải là tác phẩm,
quan điểm hay đánh giá của họ nữa mà là quan điểm, đánh giá của Ban Nội chính.
Mà chúng ta biết Ban Nội chính không phục vụ công lý mà họ phục vụ những yêu
cầu về chính trị. Cho nên những bản án được tuyên không mang dáng dấp của công
lý.”
Ông Chinh, người đã kêu oan cho Lê Văn Mạnh như đứa
con tử tù thứ hai của ông, nói rằng ông không còn tin vào nền tư pháp Việt Nam
nữa sau khi chính quyền hành quyết ông Mạnh.
“Nền tư pháp Việt Nam bê bối và thối nát rồi,” ông
Chinh nói nhưng cho biết ông không buông bỏ việc kêu oan cho con trai Nguyễn
Văn Chưởng, người cũng luôn nói mình vô tội và bị công an bức cung nhục hình để
phải nhận tội giết người. “Còn một hơi thở cuối cùng, tôi còn kêu oan. Họ cố
tình giết con tôi thì tôi cũng sẽ chết để cứu nền tư pháp Việt Nam.”
LS Mạnh, người phải rời bỏ Việt Nam sang Mỹ sau khi
bị cáo buộc tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” – một hành động được xem là trả
đũa của chính quyền trong nước vì những hoạt động của ông và đồng nghiệp để bảo
vệ công lý trong vụ Tịnh thất Bồng lai – cũng cho rằng nền tư pháp Việt Nam
“không thể cứu vãn được nữa.”
Người đứng đầu ngành tư pháp Việt Nam, chánh án Tòa
án Tối cao Nguyễn Hòa Bình trong tháng này nói rằng 1,5% của 600.000 vụ án, tức
là khoảng 9.000 vụ, được phép sai do lỗi chủ quan. Ông Bình biện minh rằng vì
“nếu cứ sai là bị kỷ luật hết thì không lấy đâu ra người làm việc.”
Theo LS Mạnh, điều này có thể khiến bất kỳ vụ án nào
sau khi được xét xử cũng có thể bị nghi ngờ nằm trong số 9.000 bản án sai sót
và làm người dân “mất hoàn toàn lòng tin vào hệ thống ban phát công lý mà chính
quyền thiết lập.”
“Nó sẽ đưa đến việc là sau này người ta không còn
trông chờ vào hệ thống công lý của nhà nước nữa,” LS Mạnh nói. “Người dân sẽ tự
thực hiện việc ban phát công lý cho chính mình. Đây là những mầm mống cho rối
loạn xã hội sau này mà xã hội chúng ta sẽ phải gánh chịu.”
Việt
Nam bị lên án mạnh mẽ vì hành quyết tử tù Lê Văn Mạnh
VOA EXPRESS
29/09/2023
Các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án gay gắt việc
Việt Nam hành quyết tử tù được cho là bị kết án oan Lê Văn Mạnh, một quyết định
mà luật sư cho rằng có thể là “phép thử dư luận” của chính quyền và có thể gây
rối loạn xã hội.
XEM >>>>
No comments:
Post a Comment