Friday, 29 September 2023

BBC TIẾNG VIỆT SẼ VỀ ĐÂU SAU KHI RỜI LONDON (Nguyễn Hùng)

 



 

NỘI DUNG :

 

BBC Tiếng Việt sẽ về đâu sau khi rời London  

Nguyễn Hùng

.

BBC Tiếng Việt nói lời từ biệt London sau hơn 70 năm

Nguyễn Hùng

 

==============================================

.

.

BBC Tiếng Việt sẽ về đâu sau khi rời London  

Nguyễn Hùng

27/09/2023 

https://d1mqf379gorac5.cloudfront.net/blog/2023/09/27/bbc-tieng-viet-se-ve-dau-sau-khi-roi-london?fbclid=IwAR3ob5U0Q4NUVQcQ9GBhJVyjhyjCpFW6t1Ty-vRyHaer_O2yv8luZVY7Zuo

 

Với mốc thời gian đóng cửa (Văn phòng Ban biên tập) BBC Tiếng Việt ở London, 15/11/2023, đang tới gần, câu hỏi đặt ra là BBC Tiếng Việt sẽ đi về đâu.

 

https://d1mqf379gorac5.cloudfront.net/wp-content/uploads/2023/09/hung.jpg

[GH1] Nhà báo Nguyễn Hùng tại BBC London

 

Câu trả lời đơn giản là (Văn phòng Ban biên tập) chuyển về Bangkok để giảm tới một nửa chi phí hoạt động so với trước đây. Số nhân viên (Ban biên tập BBC Tiếng Việt) phục vụ công chúng Việt Nam từ Thái Lan của ban Việt ngữ sẽ vẫn ở mức khoảng 10 người trong thời gian trước mắt.

 

Nhưng chuyện tương lai của BBC Tiếng Việt trong những năm tới là điều khó đoán định.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy một tương lai bấp bênh cho thương hiệu 71 năm của BBC.

 

Thứ nhấtBBC đã tìm người đứng đầu văn phòng BBC ở Bangkok cả năm nay mà không tuyển được sớm như dự định. Đây là lý do mà lúc đầu văn phòng ở London dự tính sẽ đóng cửa vào mùa hè năm nay nhưng phải hoãn lại vì vẫn cần người hỗ trợ Bangkok trong lúc việc tuyển người tiếp diễn.

 

Thứ haiBBC vẫn trong cơn khủng hoảng tài chính với thâm hụt ngân sách ở con số hàng trăm triệu bảng Anh mỗi năm. Có lúc họ từng giảm số ban ngôn ngữ từ trên 40 ban xuống còn 30 rồi sau này lại mở thêm các ban khác vì được Bộ Ngoại giao Anh cho thêm một khoản tiền hồi năm 2016.

 

Khả năng đóng hẳn BBC Tiếng Việt trong ngắn hạn là ít, phần vì sự kiểm duyệt hà khắc ở Việt Nam và phần vì ngân sách giờ cũng đã quá ít, phần tiết kiệm được nhờ cắt giảm không đáng kể. Nhưng không ai có thể khẳng định được gì về lâu dài. Trước đây BBC từng đóng cửa ban tiếng Thái Lan và chỉ mở lại sau khi có những biến động chính trị tại nước này.

 

Thứ ba, và có lẽ là quan trọng nhất, BBC Tiếng Việt đã mất nơi an toàn để hoạt động báo chí. Dù sao London cũng nằm xa tầm với của an ninh Việt Nam hơn nhiều so với Bangkok. Chúng ta chỉ cần quay lại vài tháng trước với vụ bắt cóc Thái Văn Đường từ Thái Lan về lại Việt Nam là có thể thấy. Khác với vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc từ Đức, cho tới nay Việt Nam chưa phải trả giá gì cho vụ bắt cóc Thái Văn Đường. Điều này không có nghĩa là an ninh Việt Nam sẽ bắt cóc nhân viên của BBC Tiếng Việt vì tập đoàn BBC và nước Anh sẽ vẫn lên tiếng bảo vệ nhân viên tới cùng. Nhưng rủi ro rất nhỏ đó vẫn còn.

 

Điều rắc rối khác là chính nước Anh về mặt luật pháp chỉ có thể bảo vệ cho công dân của họ một cách tối đa nhưng khó có thể can thiệp nhiều khi nhân viên là công dân của một nước khác. Nếu còn văn phòng ở London, các nhân viên của BBC sẽ được nhập quốc tịch Anh sau khi làm việc liên tục trong khoảng năm năm. Với việc chuyển sang Bangkok, điều này hiển nhiên không còn nữa. Như vậy, về lý thuyết, BBC và Anh sẽ luôn cố bảo vệ nhân viên mang quốc tịch Việt Nam. Trên thực tế, những gì họ có thể làm trong tình huống xấu nhất là không nhiều.

 

Một trong những điều thông minh mà BBC có thể làm là tìm một người giỏi tiếng Việt và am hiểu Việt Nam nhưng không mang quốc tịch Việt Nam làm trưởng ban ở Bangkok. Trước đây người lãnh đạo văn phòng BBC ở Bangkok là chị Hà Giang, người mang quốc tịch Hoa Kỳ. Các nhân viên của BBC cũng cần được tuyển một nửa từ trong nước và nửa còn lại mang quốc tịch của các quốc gia phát triển.

 

Chuyện tuyển người từ các quốc gia phát triển sang Bangkok làm cho BBC Tiếng Việt là chuyện hoàn toàn có thể làm được. Chỉ có điều BBC chuyển sang Bangkok để cắt giảm chi tiêu, trước trả nhân viên 40-50.000 bảng Anh (một năm) ở London, giờ chỉ muốn trả chừng 20.000 đô hoặc ít hơn ở Bangkok. Chẳng có ai ở các nước thu nhập trung bình gấp đôi mức lương địa phương đó lại đầu quân cho BBC làm gì.

 

Vậy điều có thể thấy trước là đa số các nhân viên ở BBC Tiếng Việt sẽ là người Việt Nam và về mặt luật pháp Việt Nam có thể làm bất kỳ điều gì với công dân của mình. Điều này không có nghĩa là các nhân viên của BBC chắc chắn sẽ có sự tự kiểm duyệt nhất định nhưng có nhiều thứ khiến họ phải suy nghĩ khi làm việc hết mình cho BBC mà BBC có lẽ không hết mình với họ.

 

Từ kinh nghiệm cá nhân khi còn làm ở BBC, tôi chỉ đưa ra một ví dụ nhỏ. Khi tôi cùng anh Quốc Phương và chị Hạnh Ly ở BBC lập ra Bàn tròn thứ Năm cho BBC Tiếng Việt, an ninh Việt Nam chắc chắn không ưa. Nhân một lần có lãnh đạo BBC Tiếng Việt về Việt Nam, họ hẹn gặp và nói thẳng họ ghét Bàn tròn thứ Năm nhất. Khi về lại London, vị lãnh đạo đó lập tức đề nghị giảm thời lượng từ mỗi tuần xuống hai tuần một lần hay mỗi tháng. Đương nhiên nhóm làm chương trình chúng tôi phản đối và chương trình được giữ nguyên. Nhưng sau đó tôi cũng rời đi một phần vì thấy BBC Tiếng Việt ở London mà an ninh vẫn với tới. Anh Quốc Phương sau đó cũng gặp nhiều khó khăn và bị cản trở khi muốn làm thêm các dạng bàn tròn khác. Cuối cùng anh Quốc Phương cũng nghỉ, Hạnh Ly sang làm việc cho các ban khác và Bàn tròn thứ Năm nay không còn.

 

Sau chuyện có sức ép phải giảm thời lượng Bàn tròn thứ Năm, tôi cũng đã lên gặp người sếp cao nhất của BBC World Service để cho bà biết. Cùng với một vài vấn đề khác, bà đã yêu cầu có đợt kiểm tra nội dung của BBC Tiếng Việt. Một trong những kết luận mà bà đưa ra khi gặp cả ban cách đây vài năm là BBC Tiếng Việt “trốn đằng sau những người cộng tác” vì chỉ thấy tên người cộng tác viết cho BBC mà chẳng thấy tên phóng viên BBC đâu cả.

 

Tôi hy vọng BBC Tiếng Việt ở Bangkok sẽ còn phát triển hơn cả khi BBC còn hai văn phòng. Nhưng tôi chẳng có cơ sở nào cho hy vọng đó trong hiện tại.

 

Nguyễn Hùng

 

Nhà báo Nguyễn Hùng, từng là phát thanh viên, biên tập viên của chương trình BBC Tiếng Việt từ 2000 đến 2017.

Ông cũng từng là phó ban Việt ngữ BBC.

 

Chú thích: Những phần trong ngoặc là bổ sung của Thoibao.de cho rõ nghĩa, tránh hiểu lầm.

 

================================================

..

.

BBC Tiếng Việt nói lời từ biệt London sau hơn 70 năm

Nguyễn Hùng

24/09/2023

https://www.voatiengviet.com/a/bbc-tieng-viet-noi-loi-tu-biet-london-sau-hon-70-nam/7281811.html

 

BBC Tiếng Việt cùng một số ban châu Á khác tổ chức buổi chia tay hôm 22/9 tại trụ sở của BBC ở London, đánh dấu chấm hết cho chương sử kéo dài nhiều thập niên mà trong trường hợp của BBC Tiếng Việt là hơn 70 năm.

 

Hình : https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-08da-08dbbd18825b_cx0_cy6_cw0_w1023_r1_s.jpg

BBC Tiếng Việt cùng một số ban châu Á khác tổ chức buổi chia tay hôm 22/9 tại trụ sở của BBC ở London, đánh dấu chấm hết cho chương sử kéo dài nhiều thập niên mà trong trường hợp của BBC Tiếng Việt là hơn 70 năm.

 

Mặc dù được lập ra để phát thanh về Việt Nam với buổi phát sóng đầu tiên hôm 6/1/1952, các chương trình phát thanh nổi tiếng của BBC Tiếng Việt cứ giảm dần thời lượng từ cuối thập niên 90 và ngừng hẳn vào 26/3/2011. Một trong những lý do BBC bỏ phát thanh bằng tiếng Việt là vì số lượng người nghe giảm đáng kể cùng với sự phát triển của internet. Ở thời điểm hiện tại, lượng độc giả/khán giả của BBC Tiếng Việt trên các nền tảng xã hội có số lượng cao. Cụ thể, trang Facebook của BBC Tiếng Việt có gần 3 triệu followers; trong khi trang YouTube có hơn 1.3 triệu người đăng ký.

 

Nhưng lý do khác chính là “tiền đâu đầu tiên”. Và chính vấn đề tiền đâu đấy vẫn đứng sau lần cắt giảm được công bố từ cuối năm ngoái khiến hàng trăm đồng nghiệp cũ và bạn bè của tôi ở vùng châu Á và các vùng khác của BBC mất việc. Trước đây BBC World Service, phần hướng ra thế giới bên ngoài của BBC, được Bộ Ngoại giao Anh tài trợ nhưng tập đoàn BBC đã phải nhận trách nhiệm về tài chính cho Thế giới vụ từ năm 2014. Thu nhập của BBC cho năm tài khoá 23/24 ước tính khoảng hơn 5,5 tỷ bảng Anh trong đó có gần 4 tỷ thu trực tiếp từ người dân qua khoản lệ phí truyền hình và phần còn lại từ bán chương trình và tiền quảng cáo thu được từ các dịch vụ phát ra nước ngoài (BBC không được chạy quảng cáo tại Anh). Mặc dù vậy BBC ước tính họ sẽ chi ra nhiều hơn so với thu vào khoảng 350 triệu bảng và khoản cần tiết kiệm thường niên trước đây ở mức 285 triệu bảng giờ lên tới 400 triệu.

Khoản thực chi của BBC cho BBC World Service trong năm 2022 là hơn 350 triệu bảng Anh trong đó khoảng 250 triệu lấy từ nguồn thu lệ phí truyền hình và phần còn lại là trợ cấp ngắn hạn của chính phủ Anh.

 

Những nhân viên của BBC trong đó có BBC Tiếng Việt mất việc lần này nằm trong tổng số hơn 380 người bị BBC sa thải để tiết kiệm gần 30 triệu bảng Anh từ ngân sách của Thế giới vụ.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-3bdd-08dbbd18d50c_cx0_cy12_cw100_w650_r0_s.jpg

Cả khu vực mới cách đây vài tháng còn là vùng châu Á giờ đã là của Media Action, bộ phận thúc đẩy truyền thông tại các nước đang phát triển của BBC.

 

Từ con số hơn 10 người làm việc cho BBC Tiếng Việt ở London kéo dài trong nhiều năm, giờ BBC Tiếng Việt chỉ còn ba người - Trưởng ban Nguyễn Giang, hai phóng viên và biên tập viên Bình Khuê và Minh Thư; và ba nhân viên cuối cùng ở London cũng chỉ ở lại tới giữa tháng 11 năm nay. Nếu không có gì thay đổi, đó sẽ là thời điểm BBC không còn sự hiện diện của Tiếng Việt trong trụ sở chính của BBC tại London.

 

Mặc dù BBC Tiếng Việt vẫn còn văn phòng ở Bangkok, vốn sẽ được mở rộng thêm so với trước đây, không ai từ văn phòng London sẽ chuyển tới Thái Lan. Cũng tương tự hầu hết các nhân viên của các ban châu Á khác sẽ không chuyển tới các văn phòng khu vực ở Jakarta, Seoul hay Islamabad.

 

Hôm tới buổi chia tay các ban châu Á tôi cũng lên thăm lại nơi tôi đã làm việc nhiều năm tới hè 2017 khi trở thành giảng viên đại học. Cảm giác của tôi là một sự phá hoại văn hoá tồi tệ đã diễn ra trên tầng năm nơi các ban châu Á chiếm tới một nửa diện tích văn phòng cho tới gần đây. Ba ban tiếng Việt, Indonesia và Thái Lan từ chỗ chiếm hàng chục bàn làm việc giờ chỉ còn vẻn vẹn bốn bàn trong đó chỉ có hai máy tính. Tấm giấy in cho có những dòng chữ ‘Bàn [làm việc] của ban Thái, Việt Nam & Indonesia’ càng cho thấy cách làm việc thiếu chuyên nghiệp và thiếu tôn trọng những người mà thâm niên cho BBC cộng lại lên tới hàng trăm năm.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-adaf-08dbbd18aa6d_cx0_cy9_cw100_w650_r0_s.jpg

Ba ban tiếng Việt, Indonesia và Thái Lan từ chỗ chiếm hàng chục bàn làm việc giờ chỉ còn vẻn vẹn bốn bàn trong đó chỉ có hai máy tính.

 

Đây không phải lần đầu tiên BBC đối xử với con người như những con số nhưng đây là một trong những lần nghiêm trọng nhất vì họ đã xoá đi một trang sử mà các ban ngôn ngữ vùng châu Á và cả các vùng khác đã viết lên trong nhiều thập niên mà trong trường hợp của BBC Tiếng việt là xuyên qua ba cuộc chiến của người Việt với Pháp, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tại các phòng họp của BBC, những trang trí liên quan tới các ban ngôn ngữ trong đó có bản đồ các tỉnh của Việt Nam đã bị gỡ bỏ. Tôi không hiểu sao họ phải vội vã làm như vậy trong khi một số nhân viên của các ban vẫn còn ở lại BBC trong vài tháng tới. Và kể cả khi các nhân viên đã rời đi, cái gì là một phần của lịch sử vẫn nên giữ lại.

 

Nhân sự kiện BBC Tiếng Việt khép lại chương sử đáng nhớ tại London, tôi sẽ còn quay lại chủ đề này trong những blog tới đây. Kỳ tới tôi sẽ kể chuyện tôi là người đầu tiên được BBC tuyển trực tiếp từ miền Bắc Việt Nam sang London và những bước đi chập chững trong nghề phát thanh viên của anh cựu sinh viên tiếng Nga.

 

                                                              ***

 

Ghi chú: Ngày 26 tháng Chín, phát ngôn nhân của BBC gởi cho VOA phản hồi liên quan đến bài blog trên, với nội dung nguyên văn như sau:

 

“Chúng tôi đang đầu tư vào các vai trò, phương tiện và cách thức làm việc mới để tiếp tục cung cấp tin tức và thông tin chính xác, công bằng và độc lập cho khán thính giả trên khắp khu vực.” (“We are investing in roles, facilities and new ways of working to continue to provide independent, impartial and accurate news and information for audiences throughout the region.”)

 

Bài viết được cập nhật vào ngày 26 tháng Chín, thêm các số liệu người đọc và người xem trên các trang Facebook và YouTube của BBC Tiếng Việt; và vào ngày 27 tháng Chín, với phản hồi của BBC về bài blog trên.

 

================

Nguyễn Hùng

Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

 


]



No comments:

Post a Comment

View My Stats