Friday, 29 September 2023

KHÔNG, TRẬT TỰ THẾ GIỚI HIỆN NAY KHÔNG PHẢI LÀ ĐA CỰC! (Jo Inge Bekkevold   |  Foreign Policy)

 



Không, trật tự thế giới hiện nay không phải là đa cực!

Jo Inge Bekkevold   |  Foreign Policy

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

29/09/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/09/29/khong-trat-tu-the-gioi-hien-nay-khong-phai-la-da-cuc/

 

Một thế giới đa cực với các trung tâm quyền lực mới nổi là một ý tưởng phổ biến nhưng không chính xác, và có thể dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng về chính sách.

 

Một trong những lập luận được các chính trị gia, nhà ngoại giao, và nhà quan sát chính trị quốc tế lặp đi lặp lại nhiều nhất là thế giới đang hoặc sẽ sớm trở thành đa cực. Trong những tháng gần đây, lập luận này đã được đưa ra bởi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Josep Borrell, Cao uỷ đặc trách đối ngoại của Liên minh châu Âu, lập luận rằng thế giới đã trở thành một hệ thống “đa cực phức tạp” kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

 

Ý tưởng này cũng đang được phổ biến trong giới kinh doanh: ngân hàng đầu tư Morgan Stanley gần đây đã xuất bản một bài viết về chiến lược “điều hướng trong một thế giới đa cực,” trong khi INSEAD, một trường kinh doanh nổi tiếng ở châu Âu, lại tập trung vào kỹ năng lãnh đạo trong một thế giới như vậy.

 

Bất chấp những gì các chính trị gia, học giả, và chủ ngân hàng đầu tư nói với chúng ta, việc cho rằng thế giới ngày nay là thế giới đa cực chỉ là chuyện hoang đường.

 

Lý do rất đơn giản. Sự phân cực ám chỉ số lượng các cường quốc trong hệ thống quốc tế – và để thế giới trở thành đa cực, phải có ít nhất ba cường quốc. Ngày nay, chỉ có hai quốc gia sở hữu quy mô kinh tế, sức mạnh quân sự, và đòn bẩy toàn cầu đủ lớn để tạo thành một cực: Mỹ và Trung Quốc. Các cường quốc khác vẫn chưa xuất hiện và sẽ không sớm xuất hiện. Việc tồn tại các cường quốc bậc trung đang trỗi dậy cũng như các quốc gia không liên kết, với dân số đông và nền kinh tế đang phát triển, không làm cho thế giới trở nên đa cực.

 

Sự thiếu vắng cực thứ ba trong hệ thống quốc tế sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu chúng ta nhìn vào các ứng viên có thể trở thành cường quốc. Năm 2021, với tốc độ phát triển nhanh chóng, Ấn Độ là nước chi tiêu lớn thứ ba cho quốc phòng – một chỉ số để đo lường quyền lực. Nhưng theo số liệu mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, ngân sách quân sự của nước này chỉ bằng 1/4 ngân sách của Trung Quốc. (Và con số thực chất của Trung Quốc có lẽ cao hơn chúng ta nghĩ). Ngày nay, Ấn Độ vẫn chủ yếu tập trung vào sự phát triển của chính họ, với lực lượng đối ngoại yếu kém, trong khi lực lượng hải quân – một thước đo quan trọng về đòn bẩy ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – vẫn khá nhỏ so với hải quân của Trung Quốc, quốc gia đưa vào hoạt động tải trọng tàu hải quân lớn gấp 5 lần chỉ trong vòng 5 năm qua. Đúng là Ấn Độ một ngày nào đó có thể sẽ trở thành một cực trong hệ thống, nhưng ngày đó thuộc về tương lai xa.

 

Sự giàu có về kinh tế là một chỉ số khác cho khả năng sở hữu quyền lực. Nhật Bản có nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, nhưng theo số liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP của nước này chưa bằng 1/4 của Trung Quốc. GDP của Đức, Ấn Độ, Anh, và Pháp – bốn nền kinh tế lớn tiếp theo trên thế giới – thậm chí còn nhỏ hơn.

 

Liên minh châu Âu cũng không phải cực thứ ba, ngay cả khi lập luận đó đã được Macron và nhiều người khác lặp lại một cách không mệt mỏi. Các nước châu Âu có lợi ích quốc gia rất khác biệt, và liên minh của họ dễ bị rạn nứt. Dù Liên minh châu Âu khá đoàn kết trong việc hỗ trợ Ukraine, đơn giản là không tồn tại một chính sách quốc phòng, an ninh, hoặc đối ngoại thống nhất nào cho toàn châu Âu. Phải có lý do thì Bắc Kinh, Moscow, và Washington mới thảo luận với Paris và Berlin – nhưng hiếm khi tìm đến Brussels.

 

https://foreignpolicy.com/wp-content/uploads/2023/09/eu-multipolarity-GettyImages-1241470643.jpg

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen lắng nghe Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp ở Brussels vào ngày 23/06/2022. © Ludovic Marin / AFP / Getty Images

 

Tất nhiên, Nga là một ứng viên tiềm năng cho vị thế cường quốc dựa trên diện tích lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên phong phú, và kho dự trữ vũ khí hạt nhân khổng lồ. Nước này chắc chắn có tác động vượt ra ngoài biên giới – họ đang tiến hành một cuộc chiến lớn ở châu Âu, theo đó thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Tuy nhiên, với nền kinh tế nhỏ hơn nền kinh tế của Italy, và ngân sách quốc phòng chỉ bằng 1/4 ngân sách Trung Quốc, Nga không đủ tư cách là cực thứ ba trong hệ thống quốc tế. Nhiều nhất, Nga chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ cho Trung Quốc.

 

Một lập luận phổ biến của những người tin vào trật tự đa cực là sự trỗi dậy của thế giới phương Nam và vị thế ngày càng thu hẹp của phương Tây. Tuy nhiên, sự hiện diện của các cường quốc tầm trung cũ và mới – Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, cùng Ả Rập Saudi thường được coi là những cái tên bổ sung trong danh sách này – không làm cho hệ thống trở nên đa cực, vì không nước nào trong số này có sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự, và các hình thức ảnh hưởng khác đủ lớn để trở thành một cực riêng. Nói cách khác, những nước này thiếu khả năng cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc.

 

Dù đúng là tỷ trọng của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu đang giảm dần, nhưng nước này vẫn giữ được vị trí thống trị, đặc biệt khi đem so sánh với Trung Quốc. Hai cường quốc chiếm một nửa tổng chi tiêu quốc phòng của thế giới, và tổng GDP của họ gần bằng GDP của 33 nền kinh tế lớn tiếp theo cộng lại.

 

Quyết định mở rộng diễn đàn BRICS sau thượng đỉnh Johannesburg vào tháng trước (trước đây, khối này chỉ bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi) được hiểu là dấu hiệu cho thấy trật tự đa cực đã hình thành hoặc chí ít đang hình thành. Tuy nhiên, các khối thiếu sự đồng nhất để có thể hoạt động như các cực – và chúng có thể dễ dàng tan rã. BRICS hoàn toàn không phải một khối thống nhất, và dù các quốc gia thành viên có thể chia sẻ quan điểm về trật tự kinh tế quốc tế, họ lại có những lợi ích rất khác biệt trong các lĩnh vực còn lại. Trong chính sách an ninh – dấu hiệu mạnh nhất của sự liên kết – hai thành viên lớn nhất BRICS là Trung Quốc và Ấn Độ đang có mâu thuẫn. Quả thật, sự trỗi dậy của Bắc Kinh đang thúc đẩy New Delhi liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ.

 

Vậy, nếu thế giới không đa cực, thì tại sao lập luận đa cực lại được ưa chuộng đến vậy? Ngoài việc nó đã phớt lờ các sự kiện và khái niệm về quan hệ quốc tế, có ba nguyên nhân giải thích cho xu hướng này.

 

Đầu tiên, đối với nhiều người ủng hộ ý tưởng đa cực, nó là một khái niệm mang tính chuẩn tắc. Nó là một cách khác để nói – hoặc để hy vọng – rằng thời đại thống trị của phương Tây đã kết thúc và quyền lực của họ đang hoặc sẽ biến mất. Guterres coi đa cực là một cách để điều chỉnh thiếu sót của chủ nghĩa đa phương và mang lại sự cân bằng cho hệ thống thế giới. Đối với nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, trật tự đa cực là lựa chọn thay thế được ưa thích cho trật tự lưỡng cực, bởi vì trật tự đa cực được cho là sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho một thế giới được quản lý bởi các luật lệ, cho phép hợp tác toàn cầu với các chủ thể đa dạng, và ngăn chặn sự xuất hiện của các khối mới.

 

Khuôn khổ đa phương chắc chắn đang không hoạt động như mong đợi, và nhiều người ở phương Tây coi ý tưởng đa cực là một hệ thống công bằng hơn, một cách tốt hơn để vực dậy chủ nghĩa đa phương, và là cơ hội để khắc phục sự mất kết nối ngày càng tăng với các nước phương Nam. Nói cách khác, niềm tin vào một trật tự đa cực không tồn tại chỉ là một phần trong vô số những hy vọng và ước mơ về một trật tự toàn cầu.

 

Lý do thứ hai khiến ý tưởng đa cực trở nên thịnh hành là sau ba thập niên toàn cầu hóa và tương đối hòa bình, các nhà hoạch định chính sách, nhà bình luận, và học giả ngày nay rất khó chấp nhận thực tế của một thế giới căng thẳng và phân cực, trên cơ sở cạnh tranh lưỡng cực giữa Mỹ và Trung Quốc. Về mặt này, niềm tin vào đa cực là một kiểu trốn tránh – và là biểu hiện của mong muốn rằng sẽ không xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh nào nữa.

 

Thứ ba, những luận điệu về đa cực thường là một phần của trò chơi quyền lực. Bắc Kinh và Moscow coi đa cực là một cách để hạn chế sức mạnh của Mỹ và nâng cao vị thế của chính họ. Trở lại năm 1997, khi Mỹ là cường quốc thống trị, Nga và Trung Quốc đã ký Tuyên bố chung về Thế giới Đa cực và Thiết lập Trật tự Quốc tế Mới. Dù ngày nay Trung Quốc đã trở thành một cường quốc nhưng nước này vẫn coi Mỹ là thách thức chính của mình; cùng với Moscow, Bắc Kinh sử dụng ý tưởng đa cực như một cách để tâng bốc phương Nam và thu hút các nước này tin vào mục tiêu của Trung Quốc. Đa cực là chủ đề trọng tâm trong chiến dịch ngoại giao quyến rũ của Trung Quốc xuyên suốt năm 2023. Trong khi đó, tại hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi vào tháng 7, Putin tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo tham dự đã đồng ý thúc đẩy một thế giới đa cực. Tương tự, khi các nhà lãnh đạo của các cường quốc tầm trung đang lên thúc đẩy ý tưởng về đa cực – chẳng hạn như Lula ở Brazil – thì đó thường là một nỗ lực nhằm định vị đất nước của họ như một quốc gia không liên kết hàng đầu.

 

https://foreignpolicy.com/wp-content/uploads/2023/09/brics-multipolarity-GettyImages-1618574407.jpg

Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chụp ảnh tại thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg vào ngày 23/08. © Gianluigi / AFP / Getty Images

 

Người ta có thể tự hỏi liệu sự phân cực – và những quan niệm sai lầm phổ biến về nó – có quan trọng hay không. Câu trả lời đơn giản là số lượng cực trong trật tự toàn cầu có ý nghĩa rất lớn, và những quan niệm sai lầm đã cản trở tư duy chiến lược, cuối cùng dẫn đến những chính sách sai lầm. Sự phân cực có tầm quan trọng vì hai lý do sau đây.

 

Thứ nhất, các quốc gia phải đối mặt với những mức độ hạn chế khác nhau đối với hành vi của họ trong các hệ thống đơn cực, lưỡng cực, và đa cực, theo đó đòi hỏi các chiến lược và chính sách khác nhau. Ví dụ, chiến lược an ninh quốc gia mới của Đức, được công bố vào tháng 6, khẳng định rằng “môi trường an ninh và quốc tế đang trở nên đa cực hơn và kém ổn định hơn.” Các hệ thống đa cực thực sự bị cho là kém ổn định hơn các hệ thống đơn cực và lưỡng cực. Trong các hệ thống đa cực, các cường quốc xây dựng các liên minh nhằm tránh tình trạng một quốc gia thống trị các quốc gia khác, nên việc một cường quốc thay đổi liên minh có thể dẫn đến việc liên tục tái cấu trúc liên minh và nhiều thay đổi đột ngột khác. Ngược lại, trong hệ thống lưỡng cực, hai siêu cường chủ yếu cân bằng lẫn nhau, và họ luôn biết rõ ai là đối thủ chính của mình. Do đó, chúng ta nên hy vọng rằng chiến lược của người Đức là sai.

 

Sự phân cực cũng quan trọng đối với các doanh nghiệp. Morgan Stanley và INSEAD đang chuẩn bị cho các khách hàng và sinh viên của họ bước vào một thế giới đa cực, nhưng việc theo đuổi các chiến lược đa cực trong một hệ thống vẫn là lưỡng cực có thể là một sai lầm phải trả giá đắt. Nguyên nhân là do các luồng thương mại và đầu tư sẽ thay đổi tùy thuộc vào số cực. Trong các hệ thống lưỡng cực, hai cường quốc chủ yếu quan tâm đến lợi ích tương đối, dẫn đến một trật tự kinh tế phân cực và chia rẽ. Mỗi loại trật tự đều có những rủi ro địa chính trị khác nhau, và một chiến lược sai lầm về nơi công ty nên xây dựng nhà máy tiếp theo có thể sẽ khiến công ty phải trả giá.

 

Thứ hai, ủng hộ một thế giới đa cực khi nó rõ ràng là lưỡng cực có thể dẫn đến những tín hiệu sai lầm cho cả đồng minh lẫn kẻ thù. Tình hình quốc tế chấn động sau những phát biểu của Macron trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 4 đã minh họa cho quan điểm này. Trong một cuộc phỏng vấn trên máy bay trên đường trở về châu Âu, Macron được cho là đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc châu Âu trở thành siêu cường thứ ba. Việc ông sẵn sàng quảng bá ý tưởng đa cực đã làm phật lòng các đồng minh của Pháp ở Washington và châu Âu. Chủ nhà Trung Quốc của ông đã tỏ ra vui mừng, nhưng nếu họ nhầm lẫn những suy nghĩ của Macron về đa cực với việc Pháp và châu Âu sẵn sàng hỗ trợ Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, họ có thể đã nhận được những tín hiệu sai lệch.

 

Một hệ thống đa cực có thể ít phân cực hơn so với một hệ thống chỉ có hai siêu cường đối địch, nhưng nó không nhất thiết dẫn đến một thế giới tốt đẹp hơn. Thay vì là giải pháp nhanh chóng cho chủ nghĩa đa phương, nó có thể khiến quá trình khu vực hóa trở nên sâu rộng hơn. Thay vì kiên định với ý tưởng đa cực và tiêu tốn tài nguyên vào một hệ thống không tồn tại, một chiến lược hiệu quả hơn sẽ tìm kiếm những giải pháp và nền tảng tốt hơn cho đối thoại trong hệ thống lưỡng cực hiện có.

 

Về lâu dài, thế giới thực sự có thể trở nên đa cực, trong đó Ấn Độ là ứng viên tiềm năng nhất sẽ gia nhập hàng ngũ của Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày đó vẫn còn rất xa. Trong tương lai gần, chúng ta vẫn sẽ sống trong một thế giới lưỡng cực – và các chiến lược cũng như chính sách cần phải được thiết kế phù hợp với thế giới đó.

 

-------------------

Jo Inge Bekkevold là nghiên cứu viên cấp cao về Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy và từng là một nhà ngoại giao Na Uy.

 

Nguồn:

 

Jo Inge Bekkevold, “No, the World Is Not Multipolar,” Foreign Policy, 22/09/2023

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats