Friday, 29 September 2023

VIỆT NAM : VIỄN CẢNH MÀU HỒNG, THỰC TẾ MÀU XÁM (Tùng Phong / Saigon Nhỏ)

 



Việt Nam: Viễn cảnh màu hồng, thực tế màu xám

Tùng Phong  -  Saigon Nhỏ

28 tháng 9, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/viet-nam-vien-canh-mau-hong-thuc-te-mau-xam/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/ANH-BAT-DONG-SAN-COV-1280x852.jpg

Bất động sản đang đóng băng nghiêm trọng (ảnh: báo Lao Động)

 

Mặc cho bức tranh nền kinh tế được tô hồng, với viễn cảnh hàng chục tỷ đôla từ các tập đoàn Hoa Kỳ sắp đổ vào như nước sông Đà, biến Việt Nam nhanh chóng trở thành trung tâm công nghệ Châu Á, thay thế Đài Loan, Hàn Quốc nay mai, nhưng trước mắt, có vẻ như giới lãnh đạo từ cấp hàng huyện cho đến trung ương đang đối mặt với thực tế “khoai sắn” hơn rất nhiều.

 

.

Hụt thu ngân sách, Việt Nam xoay sở kiếm tiền như thế nào?

 

Đó là làm thế nào bù đắp khoản ngân sách hụt thu khi “tất cả các dòng sông đều cạn”. Đối với thành phố Sài Gòn, tâm điểm của làn sóng doanh nghiệp phá sản từ suốt 2021 tới nay, áp lực đó càng nghẹt thở, khi không thể đào đâu ra cho đủ khoản phải thu tương đương $20 tỷ và nộp về 80% cho trung ương. Không chỉ Sài Gòn, 54 địa phương khác cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn thu thay thế khi bất động sản và chứng khoán giảm mạnh.

 

Tháng Tám qua, Bộ Tài chính cho biết tổng thu ngân sách ước đạt 88.1 ngàn tỷ, bằng 5.4% dự toán và chỉ bằng 59.5% mức thu bình quân của bảy tháng đầu năm, giảm khoảng 60 ngàn tỷ đồng. Điều đáng lo lắng là chỉ ghi nhận 9/63 tỉnh thành có tăng trưởng thu so với cùng kỳ năm 2022, còn lại 54 địa phương đều thu thấp hơn so với năm trước. Tổng cục Thuế đang lo ngại trước xu hướng giảm thu ngân sách. Phó tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết:

 

Nếu loại trừ số thu phát sinh đột biến thì từ Tháng Giêng đến nay, số thu ngân sách do ngành thuế quản lý giảm. Nếu như Tháng Giêng 2023, số thu đạt 94 nghìn tỷ đồng thì đến Tháng Hai 2023 chỉ còn 75 nghìn tỷ đồng”.

 

Thường thì thu ngân sách sẽ tăng vào những tháng cuối năm nhưng thống kê đã không ghi nhận điều đó vào tháng cuối cùng của quí III khi các chỉ dấu về nền kinh tế đang xấu đi.

 

Có ba nhóm thu không đạt là: Thuế bảo vệ môi trường ước tính đạt 37.2% dự toán, giảm 32.3% so cùng kỳ; các loại phí, lệ phí ước tính đạt 63.4% dự toán, giảm 12.2% so với cùng kỳ; các khoản thu về nhà, đất ước tính đạt 45.6% dự toán, giảm 54.2%.

 

Mặc dù giá dầu tăng nhưng sản lượng khai thác giảm nhanh bởi trữ lượng ở những mỏ chủ lực cũ như Bạch Hổ đang gần cạn kiệt trong khi các mỏ mới thì chưa khai thác được bởi nhiều nguyên nhân, trong đó thiếu hụt vốn đầu tư và sự can thiệp chính trị của Bắc Kinh. Thu từ dầu thô Tháng Tám 2023 ước đạt 4.4 nghìn tỷ đồng, bằng 10.5% dự toán. Lũy kế tám tháng thu từ dầu thô ước đạt khoảng 39.7 nghìn tỷ đồng, giảm 25.1% so với cùng kỳ năm 2022.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/tt-2.jpg

Vỉa hè Sài Gòn được nhà nước quyết liệt “chấn chỉnh” để tăng “mỹ quan cho thành phố” và để… biến thành sở hữu của nhà nước! Ảnh: khu vực Hồ Tùng Mậu, Sài Gòn (baogiaothong.vn)

 

Xuất khẩu có tăng trưởng nhẹ kể từ Tháng Năm đến nay. Nhưng tính đến hết Tháng Tám, kim ngạch xuất khẩu tám tháng đạt khoảng US$227.71 tỷ, vẫn giảm 10% so với cùng kỳ 2022. Khu vực kinh tế trong nước đạt $59.92 tỷ, giảm 9,2%; và khu vực vốn FDI (kể cả dầu thô) đạt $167.79 tỷ, giảm 10.3%. Nếu tính số xuất siêu thì cả hai thị trường quan trọng nhất là Hoa Kỳ và EU đều lần lượt giảm 24.9% và 9.8% so với cùng kỳ 2022.

 

Nhập khẩu tiếp tục giảm mạnh bởi Cầu thị trường không cải thiện, các doanh nghiệp tiếp tục “đói” đơn hàng và nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm. Ghi nhận nhập khẩu từ các thị trường chủ lực như Trung Quốc giảm 17%; Hàn Quốc giảm 24.6%; ASEAN giảm 15.9%; Nhật Bản giảm 14.1%; EU giảm 5.4% và Hoa Kỳ giảm 6.6% so với cùng kỳ 2022. Điều này cho thấy tình hình ảm đạm của khối doanh nghiệp sản xuất sẽ còn kéo dài bởi đã hết quí III nhưng các phân xưởng chưa có kế hoạch sản xuất đơn hàng mới phục vụ nhu cầu cuối năm như mọi khi.

 

Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam năm 2023 xuống còn 4.7% vào đầu Tháng Tám vừa qua – một con số thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6.5%. Trong khi đó, lạm phát có thể vượt mức 4.5%.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thừa nhận “Việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn năm năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn.”

 

Thời hạn hoãn nợ trái phiếu đến hết Tháng Tám 2023 đã hết. Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phát hành trái phiếu trong thời gian vừa qua thực chất là để tiếp tục vay và đảo nợ. Nền kinh tế không hấp thu được vốn giống như một bệnh nhân không còn phản xạ nuốt và tiêu hóa bình thường, hoàn toàn phụ thuộc vào ống truyền dịch. Điều này cho thấy sự thất bại trong chính sách tài khóa và tiền tệ dù giới chức Việt Nam luôn khẳng định các chính sách đã phát huy hiệu quả và “đảm bảo cơ cấu lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá…”

 

 

Loay hoay “kiếm chác” và… bốc phét

 

Viễn cảnh các doanh nghiệp Hoa Kỳ mang đến hàng chục tỷ đôla đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo vẫn còn ở thì tương lai. Và tất nhiên, “không có bữa trưa nào miễn phí”. Với hạ tầng kỹ thuật hiện tại, ngay cả việc cấp điện đủ cho các nhà máy như Foxconn hoạt động bình thường vẫn là một thách thức.

 

Trong khi đó, Việt Nam cần hàng thập niên nữa mới có thể đào tạo được lực lượng lao động chất lượng cao đủ tiêu chuẩn đáp ứng cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong một lĩnh vực còn rất mới mẻ như công nghệ bán dẫn. Việt Nam có những ưu thế đáng kể như nguồn đất hiếm có tầm chiến lược ở mỏ Núi Pháo và chi phí nhân công thấp so với Trung Quốc, nhưng chừng đó không thể đảm bảo điều kiện cần và đủ cho việc xây dựng một nền khoa học kỹ thuật tiên tiến.

 

Tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu triển khai lĩnh vực vi mạch bán dẫn Việt Nam tầm nhìn 2045” do Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA) tổ chức mới đây cho biết, chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn trên thế giới có thể được chia thành bốn nhóm: thiết kế vi mạch, sản xuất vi mạch, đóng gói-kiểm tra vi mạch và chế tạo thiết bị; trong đó, Việt Nam chỉ có thể tham gia phần thiết kế (tổng doanh thu toàn cầu lĩnh vực năm 2022 đạt khoảng $215 tỉ).

 

Và ngay cả ở lĩnh vực này, Việt Nam cũng rất yếu. Tờ VnEconomy cho biết, cộng đồng vi mạch cả nước có hơn 40 công ty, doanh nghiệp về thiết kế vi mạch và hơn 5,000 kỹ sư, chuyên gia về thiết kế vi mạch. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HSIA, nhận định rằng ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam đang đối mặt với thách thức rất lớn là “thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng”.

 

Trước thực trạng này, nhà cầm quyền có biện pháp gì? Công bằng mà nói, Việt Nam cũng thực hiện một số giải pháp chắp vá, như giảm thuế VAT xuống còn 8% nhưng cơ quan thuế trì hoãn việc hoàn trả VAT cho doanh nghiệp; giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp khó khăn (nhưng cộng đồng doanh nghiệp thì nói họ bị phong tỏa tài khoản và truy thu dù có đơn xin chậm đóng). Các chính sách tiền tệ và tài khóa không có nhiều tác động tích cực trong bối cảnh doanh nghiệp tiếp tục phá sản hàng loạt.

 

Nguồn thu của các địa phương sụt giảm khiến cho lãnh đạo các cấp từ huyện cho tới tỉnh thành, bộ ngành các cấp phải nghĩ ra đủ chiêu trò để tăng thu.

 

Các qui định mới về phòng cháy chữa cháy (PCCC) khiến doanh nghiệp đang than trời. Suốt một tháng qua, hàng ngàn doanh nghiệp kinh doanh xe hơi, xe máy cũ và cả người dân đã bày tỏ bức xúc trước vô số bất cập về những qui định và giấy phép con liên quan tới “định danh xe”. Với mức phí qui định 135,000 đồng/giấy phép thì việc cấp đổi lại 22 triệu giấy phép theo mẫu mới, sơ sơ Bộ Công an thu về 2,970 tỷ đồng. Mà không hiểu tại sao với kho dữ liệu có sẵn của Bộ Giao thông Vận tải và Cục Quản lý Đường bộ mà chi phí để in ra một miếng nhựa lại thu của dân đến 135,000 đồng?

 

Trong khi đó, Hà Nội và Sài Gòn lại đang phân lô vỉa hè để… cho thuê. Toàn bộ nguồn thu này sẽ nộp vào ngân sách nhà nước. Hóa ra sau rất nhiều nỗ lực dẹp bán hàng rong và tình trạng lấn chiếm vỉa hè với khẩu hiệu “trả lại vỉa hè cho người đi bộ” thì mục đích cuối cùng của nhà nước là chiếm hữu vỉa hè để cho thuê. Chẳng phải nhà nước đang giành cả miếng cơm của đám dân đen bán mớ rau con cá thì là gì?

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/bo-truong-nguyen-manh-hung-kts.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam phải đổi mới “công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số” (ảnh: VnEconomy)

 

Trong khi đó, giới chức quản lý chịu trách nhiệm trực tiếp đến phát triển kinh tế quốc gia thì vẫn có thói quen nổ như pháo, cho dù ngày thường hay ngày Tết. Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển Kinh tế số và xã hội số do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ chức ngày 14 Tháng Chín 2023 tại Nam Định, “đồng chí” Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, đã bốc phét với ngôn ngữ khiến người nghe chóng mặt.

 

Bộ trưởng Hùng nói, Việt Nam “phải đi con đường Việt Nam” và “vì thế có cơ hội tiến lên đi đầu”; rằng Việt Nam phải xây dựng một lý luận về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, bằng cách dựa trên hoặc được đổi mới bởi công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số. Những “hạ tầng số” với “kỹ năng số” là cái “số” quái gì và cụ thể như thế nào thì Hùng không giải thích. Bộ trưởng Hùng chỉ nhấn mạnh, “đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được”!

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats