Friday 29 September 2023

BIỂN ĐÔNG HIỂN HIỆN NGUY CƠ ĐỤNG ĐỘ (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Biển Đông hiển hiện nguy cơ đụng độ

Hiếu Chân/Người Việt

September 26, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/bien-dong-hien-hien-nguy-co-dung-do/

 

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines bất ngờ bùng lên ở bãi cạn Scarborough, hiện do Bắc Kinh kiểm soát, trên Biển Đông.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/09/Phi-Trung-Doi-Dau-01-1536x1024.jpg

Tàu nhỏ của Philippines đối đầu với tàu hải giám của Trung Quốc, hôm 22 Tháng Chín, tại khu vực Scarborough. (Hình: Ted Aljibe/AFP via Getty Images)

 

Hôm Thứ Hai, 25 tháng Chín, 2023, tuần duyên Philippines thực hiện một “chiến dịch đặc biệt” theo lệnh của Tổng Thống Ferdinand Marcos J., tháo dỡ một hàng rào nổi mà Trung Quốc dựng lên để ngăn cản ngư dân Philippines đi vào khu vực đầm phá bên trong bãi cạn Scarborough.

 

Ăn mặc như ngư dân, lính biệt kích Philippines đi thuyền đến hàng rào, lặn xuống đáy biển cắt dây neo và tháo gỡ cái hàng rào bằng dây phao dài 300 mét (980 feet) mà phía Trung Quốc đã lập nên vào ngày 20 Tháng Chín.

 

Hôm Thứ Ba, 26 Tháng Chín, phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Philippines, Phó Đề Đốc Jay Tarriela nói với báo chí: “Chúng tôi chứng tỏ cho thế giới thấy nhân dân Philippines sẽ không lùi bước, chúng tôi sẽ kiên trì thực hiện tất cả những gì cần thiết để duy trì sự hiện diện của chúng tôi,” theo Reuters.

 

Về phía Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Uông Văn Bân (Wang Wenbin) hôm Thứ Ba cảnh báo chính quyền Philippines đừng gây ra vấn đề nghiêm trọng hơn. “Trung Quốc cương quyết bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hàng hải của đảo Hoàng Nham. Chúng tôi khuyên Philippines không nên khiêu khích hay gây rối.”

 

Bãi cạn Scarborough Shoal (đặt theo tên một thuyền buôn trà của Anh Quốc bị mắc cạn trên bãi gần ba thế kỷ trước) mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham Đảo (Huangyan Island) còn Philippines gọi là bãi Panatag, là một rạn san hô hình vành khăn có một đầm nước trong xanh ở giữa, là điểm nóng xung đột chính giữa Philippines và Trung Quốc.

 

Bãi cạn nằm cách bờ biển Philippines khoảng 200 cây số (124 dặm), cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 850 cây số (528 dặm), nhưng bị Bắc Kinh đưa lực lượng đến chiếm cứ.

Năm 2012, chính quyền Mỹ dưới quyền Tổng Thống Barack Obama đã đứng ra làm trung gian hòa giải, theo đó cả hai bên Trung Quốc và Philippines đều phải rút lực lượng ra khỏi bãi cạn Scarborough, đưa khu vực này trở về nguyên trạng là ngư trường truyền thống của ngư dân các nước lân cận.

 

Trung Quốc đã bội ước, đưa hải quân và hải cảnh quay lại chiếm bãi Scarborough sau khi quân Philippines rời đi mà không gặp phản ứng mạnh nào của Hoa Kỳ.

 

Dưới thời Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte (2016-2022), Bắc Kinh nhân nhượng một chút, cho phép ngư dân Philippines đánh cá và tránh bão trong bãi cạn Scarborough nhưng chỉ được dùng thuyền nhỏ trong khi Trung Quốc vẫn chiếm đóng bãi cạn bằng đội tàu thuyền lớn hơn rất nhiều.

 

Sự kiện Scarborough là “giọt nước làm tràn ly,” thúc đẩy Philippines nộp hồ sơ kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế (PCA) về Luật Biển (UNCLOS) năm 2013.

 

Tháng Bảy, 2016, tòa PCA ra phán quyết bác bỏ hoàn toàn tính pháp lý của đường lưỡi bò chín đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông.

 

Về bãi cạn Scarborough, phán quyết của PCA không thừa nhận chủ quyền thuộc về nước nào, nhưng công nhận nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines (200 hải lý tính từ đường bờ biển) do đó Philippines có toàn quyền khai thác tài nguyên.

 

Sự kiện Scarborough cũng làm cho giới lãnh đạo Philippines mất lòng tin vào cam kết bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ. Đó là một trong những lý do Tổng Thống Duterte “xoay trục” về phía Bắc Kinh, tỏ thái độ thù địch với Mỹ và không thèm quan tâm tới phán quyết của Tòa Trọng Tài PCA. Thái độ đó chỉ thay đổi sau khi ông Ferdinand Marcos Jr. lên làm tổng thống Philippines vào giữa năm ngoái.

 

So với người tiền nhiệm Duterte, Tổng Thống Marcos Jr. có lập trường cứng rắn hơn rất nhiều trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chống Trung Quốc và siết chặt quan hệ với Hoa Kỳ. Và thế là Trung Quốc giở quẻ, lập hàng rào ngăn cản ngư dân Philippines vào bãi Scarborough, dẫn tới phản ứng quyết liệt của Philippines như nói trên.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/09/Phi-Trung-Doi-Dau-02-1536x1024.jpg

Lính Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough hồi Tháng Mười Hai, 2022. (Hình: STR/AFP via Getty Images)

 

Sự kiện Scarborough đầu tuần này chỉ là điểm va chạm mới nhất giữa Philippines và Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, từ khi chiếm được một số đảo đá ở quần đảo Trường Sa và lập nên các căn cứ quân sự khổng lồ trang bị những loại vũ khí tối tân án ngữ con đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, Trung Quốc đã không ngừng đuổi bắt, đâm chìm tàu thuyền và ngư dân của hai nước láng giềng Philippines và Việt Nam ngay trong vùng EEZ của các nước này, nhiều khi cản trở cả phi cơ và tàu chiến của Hoa Kỳ trong vùng biển quốc tế.

 

Đã rõ ràng, Trung Quốc đã làm thay đổi hoàn toàn cán cân lực lượng và bối cảnh an ninh của khu vực Biển Đông, càng ngày Bắc Kinh càng hung hăng và quyết đoán trong việc đòi hỏi chủ quyền trên toàn vùng biển, bất chấp luật pháp quốc tế và phản ứng của các nước láng giềng.

 

Hành động của Trung Quốc đã kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, nhưng thực tế cho dù các nước nhỏ dốc sức mua sắm vũ khí đến mức nào thì cũng không thể trở thành đối thủ đáng kể của Trung Quốc, nước có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới tính theo số chiến hạm. Biển Đông như một kho thuốc súng âm ỉ cháy, chưa biết sẽ bùng nổ vào lúc nào.

 

Với Philippines, trong năm qua Trung Quốc đã nhiều lần ngăn cản tuần duyên nước này chở hàng tiếp tế cho một đơn vị lính biên phòng đồn trú trong chiếc chiến hạm cũ BRP Sierra Madre mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Reef) phía Đông Nam Đá Vành Khăn (Mischief Reef) ngoài khơi bờ biển tỉnh Palawan.

 

Tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã chiếu đèn laser cấp quân sự vào thủy thủ Philippines làm một số người bị mù mắt, bắn súng nước (water cannon) vào tàu tiếp tế của Philippines có kích thước nhỏ hơn nhiều lần.

 

Lần này, có vẻ như Tổng Thống Marcos Jr. không nhượng bộ nữa và tỏ quyết tâm giành lại quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough và các đảo mà họ chiếm hữu ở Trường Sa.

 

Yếu tố khiến Manila cứng rắn hơn với Trung Quốc có phần do mối quan hệ về tương trợ an ninh với Hoa Kỳ đã được cải thiện đáng kể trong năm qua. Hoa Kỳ, sau những sai lầm chết người của các chính phủ tiền nhiệm, đang cố gắng lấy lại niềm tin của các đồng minh và đối tác qua việc thực thi chiến lược Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương tự do và rộng mở.

 

Philippines cũng nhân chính quyền Joe Biden có chiến lược kiềm chế Trung Quốc để củng cố chỗ dựa lưng, không để cho Bắc Kinh tiếp tục lừa gạt và đe dọa. Hành động nhanh chóng và quyết đoán của ông Marcos Jr. trong vụ Scarborough cho thấy một chiến lược được tính toán kỹ nhằm khôi phục hiện trạng khu vực trước năm 2012, đồng thời thực thi phán quyết của Tòa Trọng Tài năm 2016. Mục tiêu này chắc chắn được Mỹ và các quốc gia chung chí hướng khác hậu thuẫn.

 

Trong năm qua, Philippines đã ký thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ bố trí lực lượng tại chín căn cứ trên lãnh thổ của họ, trong đó có một căn cứ gần Trường Sa, phối hợp với tuần duyên Mỹ và Nhật Bản để tuần tra vùng biển và làm sống lại tinh thần của Hiệp Định Quốc Phòng Hỗ Tương ký kết với Mỹ từ năm 1951.

 

Trong chuyến thăm Manila năm ngoái, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Kamala Harris cho biết, hiệp định sẽ được áp dụng “khi có một vụ tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang Philippines, vào phi cơ hoặc tàu thuyền công vụ trong vùng Biển Đông.” Điều đó có nghĩa là, nếu một ngày nào đó Trung Quốc liều lĩnh tấn công các lực lượng của Philippines nhỏ bé và trang bị nghèo nàn hơn thì Hoa Kỳ sẽ phải vào cuộc và đụng độ giữa hai nước châu Á sẽ trở thành xung đột lớn giữa hai cường quốc quân sự.

 

Trong phóng sự đăng ngày 23 Tháng Chín về chuyến đi thực tế bốn ngày gần Đá Vành Khăn (một đảo san hô ở Trường Sa bị Trung Quốc cướp từ năm 1995 và xây dựng thành một căn cứ quân sự lớn) để tìm hiểu tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, nhà báo Hannah Beech của báo The New York Times nhận xét:  “Thật khó hình dung sự hiện diện vũ trang của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ biến mất như thế nào nếu không có một cuộc chiến tranh.”

 

Không ai muốn chiến tranh nhưng không ai biết được tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh gặp phải sự kháng cự của Manila và Washington sẽ dẫn tới hậu quả gì.

 

                                                        ***

Nhân sự kiện dây phao ở Scarborough bị Philippines tháo dỡ, hôm Thứ Hai, tờ báo theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Hoàn Cầu Thời Báo ở Bắc Kinh bình luận tố cáo giới lãnh đạo Philippines “hành động dưới ảnh hưởng của Hoa Kỳ vì Mỹ cố kích động xung đột để kiềm chế Trung Quốc.”

 

Bắc Kinh không thừa nhận chính tham vọng ngông cuồng và hành động hung hăng của họ là nguyên nhân biến Biển Đông thành điểm nóng xung đột.

 

Sự cương quyết của Bắc Kinh đối đầu với sự cương quyết của Manila được Washington hậu thuẫn nhiều khả năng sẽ làm cho Biển Đông dậy sóng trong thời gian ngắn sắp tới. [kn]

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats