Friday, 29 September 2023

TẠI SAO TẬP CẬN BÌNH BẤT TÍN NHIỆM QUÂN ĐỘI? (Joel Wuthnow | Foreign Affairs)

 



Tại sao Tập Cận Bình bất tín nhiệm quân đội?

Tác giả: Joel Wuthnow

Ngày 26 tháng 9 năm 2023

Định Tỵ biên dịch

Tháng Chín 29, 2023

https://nghiencuulichsu.com/2023/09/29/tai-sao-tap-can-binh-bat-tin-nhiem-quan-doi/

 

Ý nghĩa thực sự về việc các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc biến mất

 

https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2023/09/rts197aw.jpg.webp?w=768

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát quân đội ở Hồng Kông, tháng 6 năm 2017 . Damir Sagolj / Reuters

 

Trong vòng hai tháng qua, một loạt các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc cấp cao đã không xuất đầu lộ diện, trong đó có bộ trưởng quốc phòng và giới bộ sậu chịu trách nhiệm phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBMs) của Trung Quốc. Sự mất tích này khiến công luận không biết đâu mà lần vì chiếu theo nhận thức chung thì chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính là người cầm cương Quân đội Nhân dân Trung Quốc cùng cam kết mạnh mẽ của ông quyết triệt trừ nạn lạm quyền vào những ngày đầu nhiệm kỳ. Trên thực tế, những sự việc này chẳng những không có dấu hiệu dừng lại mà còn gây thêm hệ lụy đến một số bộ phận nhạy cảm nhất của PLA khiến mọi người đâm ra nghi ngờ thực quyền của Tập.

 

Ông Tập cùng đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) từ lâu đã trao cho PLA quyền tự chủ đáng kể trong phạm vi hoạt động của họ. Cho phép PLA một mức độ độc lập cao giúp bảo đảm sự trung thành chính trị của cơ quan này đối với ông Tập và đảng, tuy nhiên vì không có sự kiểm soát và sự đối trọng như phía dân sự nó cũng tạo nên mảnh đất màu mỡ cho thói lạm quyền và trách nhiệm giải trình kém có dịp lây lan. Mặc dù các chi tiết về những vụ thanh trừng gần đây vẫn hết sức mờ mịt, chúng phản ánh sự thiếu tin cậy của Tập đối với một số thuộc hạ của ông.  

 

Khi mọi người hoài nghi về thực quyền của ông Tập đối với đồng bào và bộ máy điều hành mà lý do rõ rành rành nằm ở việc quản lý tồi có thể khiến ông Tập cân nhắc thiệt hơn trong rủi ro kích hoạt cuộc xung đột – khiến ông chùn tay trước một quyết định sử dụng vũ lực nhằm gặt hái kết quả như mong muốn. Chừng nào ông Tập còn nghi hoặc các chuyện kể của các tướng lĩnh khoe khoang tính chuyên nghiệp của quân đội, sự bất tin tưởng của ông với giới quân đội có khả năng cao sẽ đóng vai trò như một cuộc chiến răn đe.

 

BẶT VÔ ÂM TÍN

 

Những râm ran gần đây về sự biến mất bí ẩn được dấy lên hồi tháng 8, khi vị tư lệnh kiêm chính ủy Lực lượng tên lửa PLA bị thay thế bởi người của lực lượng hải quân và không quân điều sang, một động thái vô cùng bất thường bởi vì quy trình bổ nhiệm này không đoái xỉa đến gì các viên chức Lực lượng Tên lửa cấp dưới. Việc này trùng với các đồn đoán đang lan truyền về các vụ tham nhũng và các vụ bán bí mật quân sự do các sĩ quan cấp cao tại ngũ dính chàm thực hiện, tuy nhiên không có cáo buộc nào được đưa ra. Tiếp đó là vụ chánh án tòa án binh bị cơ quan Đại hội Đại biểu Nhân dân bỏ phiếu bất tín nhiệm. Rồi vào tháng 12, các nhà quan sát đã đánh tiếng là Bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc nhiều lần không xuất hiện trong các sự kiện được lên kế hoạch từ trước, bồi thêm đồn đoán rằng ông đang bị điều tra vì tội nhận hối lộ. Ông Lý từng là “vua thiết bị” quốc phòng giai đoạn 2017-2022.

 

Sự biến mất này khiến nhiều nhà quan sát giật thoát mình. Ông Tập thường được tô vẽ như là nhân vật nắm trọn quyền quân đội kể từ khi Đặng Tiểu Bình nắm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) trong thập niên 1980. Ông Tập am hiểu sâu nội tình quân đội thậm chí trước khi ông leo lên ghế chủ tịch CMC năm 2012. Ông là con trai của vị tư lệnh Hồng quân và là đồng minh của Mao Trạch Đông, giữ cương vị lãnh đạo bộ quốc phòng trong những năm đầu 1980. Ông Tập thường phối hợp với quân đội trong những vấn đề điều binh khi ông còn là quan chức cấp tỉnh trong những năm 1990 và 2000 và giữ ghế phó chủ tịch CMC dưới thời chủ tịch Hồ Cẩm Đào từ năm 2010-2012. Ông Tập, kể từ đó nhận được sự tín nhiệm cao dưới cái gọi là hệ thống trách nhiệm chủ tịch CMC, với khẳng định chủ tịch là người chịu trách nhiệm tối hậu cho các quyết định quân sự trọng yếu. So với các vị tiền nhiệm, ông Tập dành nhiều thời gian thị sát các binh chủng hơn và cho công bố một số học thuyết quân sự buộc quân nhân đương tại ngũ phải thuộc nằm lòng.

 

Bãi nhiệm các quan chức cấp cao do tham nhũng hoặc do lòng trung thành đáng ngờ (hay cả hai) là ưu tiên chính của Tập kể từ khi ông nắm cương vị chủ tịch CMC năm 2012. Chiến dịch chống tham nhũng do ông phát động đã hạ đo ván ít nhất 45 sĩ quan quân đội cấp cao trong giai đoạn 2013-2016, cũng như các lãnh đạo quân đội đã nghỉ hưu chẳng hạn như các cựu phó chủ tịch CMC Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng. Kể từ đó, các cuộc điều tra chống tham nhũng kém sôi nổi hơn trước, dấy lên đồn thổi các chiến dịch chống tham nhũng phát động của ông chẳng qua là màn triệt hạ đối thủ. Ông Tập cũng trực tiếp nhúng tay vào việc bổ nhiệm nhân sự quân đội, cân nhắc việc thăng quân hàm cấp thiếu tướng. Tại Đại hội Đảng lần thứ 20 năm ngoái, ông Tập đã đích thân chọn lựa thăng chức một nhóm sĩ quan mới ở CMC, trong đó có bộ trưởng Lý. Những nhân vật được cất nhắc đó được xem là những người có thể tin tưởng được, tài năng và trung thành.

 

Các trường hợp cụ thể trên khiến cho ta ngạc nhiên hơn bởi cương vị mà các quan chức đó đang nắm giữ. Lực lượng Tên lửa là cơ quan đứng mũi chịu sào cho lực lượng ICBM của Trung Quốc và đó là cơ quan nhạy cảm nhất của PLA; tòa án binh thuộc bộ phận bộ máy kiểm soát nội bộ và như hệt bất kỳ hệ thống tư pháp quân đội nào, đòi hỏi các vị đứng đầu mỗi cơ quan phải tránh vướng vào các vụ lùm xùm để hoàn thành nhiệm vụ, bộ trưởng quốc phòng là một trong sáu quan chức chính thức ngồi ở ghế CMC và là lãnh đạo ngành ngoại giao quân sự của Trung Quốc chuyên xử lý các mối quan hệ với quân đội Nga và quân đội các nước khác. Vì lẽ đó, các ứng viên cho các vị trí đó phải được ông Tập xem xét kỹ lưỡng và được đích thân ông phê chuẩn. Thất bại của ông trong việc bảo đảm sự tuân thủ các vai trò quan trọng đó dấy lên nghi ngờ về thành công của ông trong việc quản lý quân đội nói chung. 

 

MẶC CẢ TRẮNG TRỢN

 

Sự biến mất của các quan chức kể trên cho thấy ông Tập không bắt thóp hoàn toàn PLA như mọi người hằng nghĩ.  Nó cũng phản ảnh cấu trúc các mối quan hệ căn bản giữa dân sự-quân sự tại Trung Quốc, điều đó được giải thích là các trường hợp tham nhũng và quản lý tồi vẫn luôn hiện hữu thậm chí ở những bộ phận nhạy cảm nhất của PLA. Mặc dù Tập tự dựng mình là một chủ tịch CMC đầy quyền uy, PLA, về cốt lõi nó vẫn là một định chế tự quản. Không như quân đội tại các nước phương Tây, ở đây chẳng có sự kiểm soát và cân bằng từ bên ngoài, chẳng hạn như sự giám sát từ quốc hội, một nền tư pháp độc lập hoặc can thiệp của báo chí. Hơn nữa, trừ số ít ngoại lệ, Tập không cài các thuộc hạ thân tín người biết rõ ông thuở còn hàn vi vào bộ máy quân đội – không như hệ thống chính trị Mỹ trong đó tổng thống nhồi nhét những người trung thành của mình vào bộ máy quan liêu. 

 

PLA đã luôn là một ốc đảo, nhưng nó đã đã giành được vị thế tự chủ đáng kể trong thập niên 1980. Trong các thập niên trước, dưới thời Mao, PLA trực tiếp can dự vào việc điều hành đất nước, các tướng lĩnh chủ chốt nắm giữ các vị trí trọng yếu trong đảng. Ông Đặng chuộng người kỹ trị dân sự hơn và lệnh cho PLA quay về doanh trại của mình, tại đây họ chỉ cần chuyên tâm hiện hại hóa quân đội là đủ. Ông phân bổ ngân sách quốc phòng một cách bèo bọt (quân đội đứng hạng chốt trong “bốn hiện đại hóa”). Mặc cả ngầm này nghĩa là PLA sẽ rảnh tay hành động những gì nó nghĩ là phù hợp kèm theo điều kiện là tuân thủ luật chơi của đảng đồng thời không trở thành mối đe dọa; các lãnh đạo dân sự đạt được đồng thuận cho quân đội không gian rộng rãi được tự do hành động trong bộ máy quan liêu của họ. Đặng cũng cho phép PLA điều hành các đế chế doanh nghiệp khổng lồ, hệ quả là trong thập niên 1990 đã xảy ra những vụ việc động trời, chẳng hạn như cơ quan hành chính quân đội đã nhập khẩu và bán ra thị trường các loại xe hơi đắt tiền. Các vị kế nhiệm Đặng, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, năn nỉ đến gãy lưỡi trong việc thuyết phục PLA từ bỏ các thương vụ kinh doanh kể trên. 

 

Tập đã khuyến khích PLA trong sạch hơn và chuyên nghiệp hơn, tiếp nối công việc dang dở của các vị tiền nhiệm. Trong bài diễn văn bước ngoặt năm 2014 tại Cổ Thiên, tại nơi diễn ra Đại hội Đảng nổi tiếng năm 1929, đã thiết lập nguyên tắc “đảng chỉ huy họng súng”, ông Tập quở trách tinh thần trách nhiệm các quan chức PLA, những người bị ông trách cứ là “quá lơ là” trong nhiệm vụ và chỉ lo tập trung vun đắp hình ảnh cá nhân thay vì chuyên tâm “chiến đấu và chiến thắng kẻ thù”. Cùng với chiến dịch chống tham nhũng, ông Tập cho tái sắp xếp bộ máy quan liêu nhằm quản lý hiệu quả hơn, trong đó trao quyền nhiều hơn cho các kiểm toán viên tài chính và các thanh tra chống tham nhũng. Tuy nhiên Tập giữ nguyên chủ trương áp dụng cho quân đội có từ thời Đặng. Ông cho phép PLA tiếp tục chính sách tự chủ, ít có sự can thiệp từ các cơ quan công quyền bên ngoài . Vương Kỳ Sơn, nhân vật chịu trách nhiệm giám sát các vụ thanh trừng chống tham nhũng trong bộ máy hành chính dân sự đã không đả động gì đến giới quân đội (mặc dù, trớ trêu thay, các quan chức quân đội có chân trong các cơ quan giám sát các vụ điều tra giới dân sự).

 

Yếu tố chinh cho sự tự chủ này làTập cần dành được và duy trì sự hậu thuẫn của PLA. Mặc dù quyết tâm triệt tận gốc các mạng lưới tham nhũng và các quan chức bất trung tiềm tàng nhằm củng cố quyền hành ông cần sự ủng hộ của các nhân vật quân đội chóp bu đồng thời thực hiện việc tái cấu trúc quân đội triệt để kể từ thập niên 1950. Sự chuyển dịch này bao gồm cắt giảm 300 ngàn quân và giảm quân số các lực lượng dưới mặt đất vốn có nhiều ảnh hưởng trong chính chính từ con số hơn 2/3 xuống còn không tới 1/2. Sự chống đối của bộ máy quan liêu đã ngăn ông Giang và ông Hồ triển khai các kế hoạch cải tổ quân đội đầy tham vọng; sở dĩ ông Tập đã cải tổ thành công vì ông mua chuộc được các tướng lĩnh cao cấp cũng như cho phép PLA quyền tự chủ lớn mà không có sự giám sát từ bên ngoài. Một món quà khác, Tập cho phép duy trì các chuẩn tắc về thăng tiến và hưu bổng, tìm kiếm vị trí mới cho những sĩ quan cao cấp bị miễn nhiệm do tái cơ cấu và cho phép họ phục vụ trọn nhiệm kỳ kèm theo bổng lộc đủ đầy.

 

Sự buông lỏng PLA được đi kèm với chủ trương gia tăng ngân sách quốc phòng. Trong giai đoạn 2012-2022, chi tiêu quốc phòng chính thức của Trung Quốc tăng hơn gấp đôi, từ con số 670 tỷ đến 1,45 ngàn tỷ nhân dân tệ (tức khoảng 106 tỷ đến 260 tỷ đô la). Khoảng chừng 40% trong số này được phân bổ cho việc mua sắm, nguồn tiền này được rót xuống các chương trình chi tiêu béo bở như hàng không mẫu hạm, hiện đại hóa chiến đấu cơ và mở rộng kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Trung Quốc. Các nhân vật như lãnh đạo Lực lượng tên lửa, có toàn quyền phê duyệt các thương vụ mua sắm, và những người có toàn quyền giám sát được bố trí vào các vị trí hái ra tiền. Để bảo vệ nồi cơm, họ có các ý đồ, động cơ và cơ hội riêng, mặc cho Tập rao giảng hùng hồn cổ súy chống tham nhũng và chuyên môn hóa.  

 

KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN

 

Hiểu được các vụ thanh trừng gần đây thông qua thấu kính các mối quan hệ dân sự-quân sự độc đáo cho ta biết được một thế giới quan thu nhỏ về khả năng tập hợp bộ máy quan liêu quân đội của Tập. Nó cũng giúp giải thích tại sao các trường hợp như thế đã tồn tại dai dẳng trong suốt 10 năm nhiệm kỳ của ông và trong các vị trí nhạy cảm. Đổi lấy sự hậu thuẩn về chính trị, Tập đã trao PLA quyền hạn rất lớn, điều này cũng có thể giúp giải thích những vụ việc kinh thiên động địa khác trong đó quân đội đã thoát khỏi vòng cương tỏa của bộ máy dân sự một cách ngoạn mục, bao gồm các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng gây tranh cãi tại vùng Doklam thuộc Bhutan, vốn khuấy lên một cuộc khủng hoảng ngoại giao với Ấn Độ đẩy Bắc Kinh vào thế bị động. Trong vụ do thám khinh khí cầu hồi tháng 2 có khả năng cao PLA thực hiện các chương trình mật mà không thông qua sự giám sát hoặc phối hợp. PLA vẫn, trên một số khía cạnh nào đó, như nhà khoa học chính trị Andrew Scobell gọi là kẻ mang trang phục “lố lăng” – chẳng thể nào phát động một cuộc chính biến mà là được giám sát nghèo nàn.

 

Các bằng chứng về việc một số các lãnh đạo quân đội cộm cán bị mất tín nhiệm dấy lên các câu hỏi mới – đối với các nhà quan sát bên ngoài, ông Tập và các nhân vật nhân sự khác trong Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị – còn sót lại bao nhiêu sự mục nát trong hệ thống quản lý và quân đội đã che giấu thêm những gì trong các quản lý chi tiêu và hoạt động ngân sách. Kết hợp với việc đảng chú tâm vào nền kinh tế đang trì trệ, các câu hỏi về cách quản lý tồi trong nội bộ PLA có thể khiến ông Tập theo dõi sát cơ quan này nhiều hơn.

 

Một sự thiếu tín nhiệm trong quân đội có ảnh hưởng rất lớn đến các cân nhắc của đảng về việc động binh trong những năm tới. Chiếu theo bối cảnh này, Tập có thể nhận thức PLA là một thể chế chuyên gây rắc rối, khó kiểm soát, mặc dù các nỗ lực tuyên truyền và các đợt ra quân chống tham nhũng rình rang. Các trường hợp gần đây càng khiến mọi người thêm nghi vấn PLA có thể giấu giếm các lỗ hổng khác, bao gồm việc mua sắm các thiết bị thiết yếu trong thập niên qua. Điều này có thể tác động rất lớn đến tính sẵn sàng của quân đội hoặc chí ít là các nhận thức của giới tinh hoa dân sự về năng lực và sự tin cậy lực lượng này một khi nổ ra xung đột. Họ sẽ phải đặt ra câu hỏi liệu điều gì sẽ xảy ra nếu PLA vượt qua biểu tượng sức mạnh quân sự chẳng hạn như điều các chiến đấu cơ quần đảo xung quanh đảo Đài Loan hoặc lao vào cuộc nghênh chiến thật sự với một địch thủ đáng gờm. Những quan ngại như thế sẽ khiến ông Tập và Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng có nên khai mào một cuộc xung đột với Mỹ và Đài Loan hay không.

 

Tập có thể được lưu danh sử sách vì công lao xây dựng một quân đội hùng mạnh trong thời bình, đội quân đã áp đặt lên các thách thức không thể phủ nhận với Đài Loan và các đối thủ khác trong vùng. Nhưng chính xác bởi vì ông cần mua chuộc được thể chế hóa từ PLA, ông đã dè dặt làm mạnh tay. Sự am hiểu của ông Tập về thâm cung bí sử cũng như sự quản lý tồi nằm sâu bên trong cấu trúc của PLA có thể dẫn ông đến sự hoài nghi về tính chuyên nghiệp của nó một khi nổ ra cuộc khủng hoảng hoặc xung đột. Trong khi Hoa Kỳ âu lo cách răn đe gã Trung Quốc hung hăng này sao cho hiệu quả, kiềm chế quan trọng có thể trở thành một thứ nhạy cảm hơn nhiều.

 

JOEL WUTHNOW là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia tại Đại học Quốc phòng. Những quan điểm này là ý kiến của riêng tác giả.

 

https://www.foreignaffairs.com/china/why-xi-jinping-doesnt-trust-his-own-military

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats