Monday, 10 July 2023

BLOGGER ĐIẾU CÀY NGUYỄN VĂN HẢI : VI PHẠM NHÂN QUYỀN TRONG NHÀ TÙ Ở VIỆT NAM CÓ NGUYÊN NHÂN TỪ CHẾ ĐỘ 'CÔNG AN TRỊ' (Quốc Phương, RFA)

 


Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải: Vi phạm nhân quyền trong nhà tù ở VN có nguyên nhân từ chế độ ‘Công an trị’

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
10-07-2023

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/police_regime_prison_abuse-07102023095132.html

 

“Nạn ‘Công an trị’ tại Việt Nam hiện nay chính là ‘nguyên nhân’ của các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong các nhà tù, trại giam ở nước này”. Đây là nhận định của Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải,  cựu tù nhân lương tâm Việt Nam từng trải qua một chục nhà tù với hơn hai chục lần chuyển trại giam trong gần bảy năm trời bị giam giữ.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/police_regime_prison_abuse-07102023095132.html/@@images/d85419bc-dc16-4a05-bf70-0e931bd34348.jpeg

Ảnh minh họa: Lực lượng công an đến giải tán các toán biểu tình chống Trung Quốc   (AFP)

 

Vẫn theo ông Nguyễn Văn Hải, để chấm dứt hàng loạt vấn đề từ tra tấn, bức cung, nhục hình, cho đến bắt tù nhân lao động khổ sai, biệt giam, cách ly nhân bằng hình thức ‘nhà tù trong nhà tù’, tù nhân bị từ chối đáp ứng quyền được chăm sóc sức khỏe, y tế, chữa bệnh, cho đến cả thương tật và cái chết xảy ra trong tù cho họ, trong đó có các trường hợp xảy ra cả với tù nhân lương tâm và tù chính trị, nay cần phải chuyển ngay chức năng quản lý các trại giam, trại tạm giam, quản lý quá trình thi hành án trong các nhà tù, trại giam… từ tay của Bộ Công an sang Bộ Tư pháp càng sớm càng tốt.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải hủy bỏ một loạt điều luật, văn bản dưới luật, đặc biệt là thông tư 37 của Bộ Công an, vốn gây ra có hệ thống các vụ việc, hành vi vi phạm nhân quyền nói chung, phân biệt đối xử với các tù nhân lương tâm và tù án chính trị trong các nhà tù, trại giam nói riêng, đồng thời phải đóng cửa ngay lập tức các nhà tù, trại giam, cơ sở giam giữ đã để xảy ra các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, thương vong v.v… có hệ thống, đặc biệt ở các nơi có khí hậu, điều kiện giam giữ khắc nghiệt với tù nhân, gây trở ngại, khó khăn cho thăm nuôi như ở các vùng xa xôi hẻo lánh, vùng sâu, , vùng xa, đồng thời phải điều tra và xử lý pháp luật, đưa ra tòa những trường hợp cán bộ quản lý trại giam, cán bộ hỗ trợ thi hành án, kể cả cấp lãnh đạo, quản lý v.v… của ngành công an đã để gây ra các vụ việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, trong đó có tra tấn, nhục hình, gây thương vong cho các tù nhân.

 

Blogger Nguyễn Văn Hải nói với RFA hôm 10/7:

 

“Như tôi thấy, tình trạng bây giờ rất nghiêm trọng, bên cạnh các hình thức chính vi phạm nhân quyền và tra tấn mà tôi đã có dịp đề cập trong lần trao đổi trước với Đài Á Châu Tự Do, từ lúc bị bắt, đến khi đưa ra xét xử và cho tới thời gian bị giam giữ ở trong tù, tất cả đều ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt… đặc biệt Luật thi hành án hình sự của Việt Nam đã liên tục bị sửa đổi với nhiều sửa đổi theo xu hướng xấu đi. Đó là một số việc mà cộng đồng quốc tế cần quan tâm.

 

Tình hình vi phạm nhân quyền trở thành ‘chính sách’, trở thành ‘chủ trương’ rộng trên khắp các nhà tù chứ không phải chỉ là hành động riêng lẻ của một số cán bộ quản giáo, hay của giám thị tại một trai giam riêng lẻ nào, điều đó cho thấy vi phạm nhân quyền ở Việt Nam bây giờ là hết sức nghiêm trọng, song dù đã có những sự lên tiếng và lên án của quốc tế và các cựu tù nhân, chính quyền Việt Nam đến này vẫn không sửa đổi.”

 

 

‘Các gia đình của tù nhân cũng bị chính quyền hành hạ’

 

Nhà báo, blogger Nguyễn Văn Hải, nhân đây đưa ra một ví dụ về việc do quy định được cho là ‘mập mờ, tùy tiện’ của luật pháp và ngành công an Việt Nam, mà không chỉ nhiều tù nhân lương tâm đã bị đối xử tệ, gia đình của họ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng theo, ông nói tiếp:

 

“Việc đối xử với tù nhân bằng cách chuyển họ đi cách xa nhà hàng trăm cây số gây rất nhiều khó khăn cho việc thăm nuôi của gia đình. Chính quyền Việt Nam bằng cách làm như vậy, cũng đồng thời hành hạ gia đình các tù nhân lương tâm luôn.

 

Hãy tưởng tượng rằng gia đình chỉ thăm gặp được 30 phút hoặc một tiếng đồng hồ, mà trong luật lại ghi rất mập mờ rằng cho phép thăm gặp ‘đến một tiếng’. Tức là trong thời lượng đó, họ có thể cắt thời gian thăm gặp xuống còn 10 phút, hay 15 phút, hoặc là 30 phút, hay bất kể lúc nào, chứ không đủ tròn một tiếng đồng hồ.

 

Sự mập mờ trong luật này đã trao cho cán bộ trại giam quyền sinh, quyền sát trong tay, và họ khống chế thời gian thăm gặp. Có những gia đình, chẳng hạn, phải đi từ Đà Nẵng và Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn mới lên Bà Rịa, Xuân Mộc để thăm người tù, ví dụ trong trường hợp của tù nhân lương tâm Lê Hữu Minh Tuấn chẳng hạn. Hay như bản thân tôi, hoặc anh Trần Huỳnh Duy Thức sống ở Sài Gòn, nhưng bị nhốt ở miền tây Nghệ An, giáp biên giới Lào.

Như vậy, gia đình phải bay từ Sài Gòn ra Vinh, rồi từ Vinh phải đi xe đò 70km mới lên đến miền tây Nghệ An, rồi từ bến xe đò còn đi xe máy hai cây số nữa mới đến nông trại. Những hình thức giam giữ như vậy không chỉ đàn áp những người tù án chính trị, mà còn đàn áp luôn cả gia đình của họ, gây rất nhiều khó khăn, khổ sở cho gia đình những người ấy.

 

Và tình trạng vi phạm nhân quyền trong các trại giam dẫn đến những tình trạng tổn hại về sức khỏe về tinh thần, về tâm thần, rồi gây thương tích, thậm chí dẫn đến những cái chết của nhiều tù nhân như thế, cho thấy rằng tình trạng vi phạm nhân quyền của Việt Nam bây giờ rất nghiêm trọng.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cong-an-tri-b.jpeg/@@images/9e4d982a-a4dd-497e-ae0c-987136a03816.jpeg

Biểu ngữ châm ngôn của công an Việt Nam


Quốc hội chưa phê chuẩn toàn bộ Công ước Quốc tế và vấn đề ‘Công an trị’

 

Theo ông Nguyễn Văn Hải, có hai nguyên nhân chính, trong số các nguyên nhân, gây ra hệ lụy trực tiếp đến việc vi phạm nhân quyền trong các nhà tù, nhà giam, trại giam ở Việt Nam, đó là cơ quan lập pháp hàng đầu của Việt Nam là Quốc hội vẫn chưa phê chuẩn toàn bộ nội dung của một công ước quốc tế có liên quan, và thứ hai là chế độ ‘Công an trị’ ở Việt Nam cho phép dựa vào đó ngành công an có quá nhiều quyền lực mà không bị kiểm soát, ông nói:

 

“Trước hết, ngay cả Quốc hội Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn Công ước quốc tế về chống tra tấn (1), cho nên ở Việt Nam vẫn duy trì những nhà giam có giam cùm, hoặc những hình thức giam cùm rất khủng khiếp, đặc biệt ở trong những trại tạm giam. Còn khi tù nhân chuyển sang trại giam rồi, chính quyền có những khu giam riêng mà cách ly tù nhân hoàn toàn, và như tôi đã đề cập đơn cử như ở trại giam Cái Tàu ở Cà Mau, ba người tù mà chỉ được có hai lít nước một ngày thì làm sao mà tù nhân sống nổi.

 

Những hình thức giam giữ và khủng bố như vậy rất tàn ác, và phải nói là vi phạm nhân quyền của Việt Nam ngày càng nghiêm trọng, chứ không phải bình thường nữa, nó rất nghiêm trọng.

 

Còn chính xác chế độ công an trị là một nguyên nhân chính trực tiếp của vấn nạn này, và nếu các hành vi tra tấn, vi phạm nhân quyền chỉ là những hành vi nhỏ lẻ, mà lại bị pháp luật giám sát và trừng trị, thì các hành vi đó không thể nào phổ biến được.

 

Thế nhưng khi Bộ Công an Việt Nam quản lý các nhà tù và Bộ Công an cũng viết luật cho các nhà tù, Bộ Công an nắm hết các khâu từ bắt giữ, điều tra, giám định chứng cứ, sau đó thậm chí giám định thương tật, giám định pháp y luôn v.v…, nghĩa là tất cả những cái đó đều nằm trong tay công an hết, và chính vì hiện tượng ‘phủ bênh phủ’, ‘huyện bênh huyện’, các cơ quan giám sát không thể giám sát được, mới dẫn đến sự tự tin cho những người thi hành pháp luật của chính quyền ở trong các nhà tù, đến mức có một câu nói điển hình mà tôi nghe được khi quản giáo nói với tù nhân rằng: ‘Tụi mày chết, tụi tao chỉ tốn một tờ giấy (chứng tử) A4 mà thôi!’

 

Điều đó cho thấy những chính sách và những việc thực hiện chính sách đó của cả một chính quyền mới dẫn đến sự tự tin trong việc vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng đối với tù nhân, khiến những người vi phạm nhân quyền ở trong nhà tù tin rằng họ không bị trừng phạt bởi pháp luật, và vì thế cho nên họ mới ra tay đàn áp tù nhân một cách phổ biến như vậy.  

 

Còn nếu pháp luật chuẩn mực, người tù có thể tiếp cận được công lý và các cơ quan giám sát có thể giám sát nghiêm ngặt các nhà tù, và có sự giám sát độc lập, thì những chuyện tra tấn, vi phạm nhân quyền như vậy không thể nào phổ biến và tình trạng vi phạm nhân quyền đó sẽ giảm. Thế nhưng như trên đã nói, từ việc ban hành pháp luật, thi hành pháp luật, cho đến hết cả mọi khâu, mọi việc công an đều nắm như thế, mới dẫn đến việc công an cảm thấy rằng họ không phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền mà họ gây ra với tù nhân và điều này dẫn đến tình trạng vi phạm nhân quyền ngày một phổ biến và nghiêm trọng đến vậy.”

 

 

‘Đóng cửa các trại giam khắc nghiệt, chấm dứt lao động khổ sai’

 

Về khuyến nghị nào cần được đặt ra để giúp chấm dứt điều được cho là ‘vấn nạn tra tấn, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng’ diễn ra ở trong các nhà tù, trại giam, cơ sở giam giữ, điều tra, xét hỏi ở Việt Nam như những cáo buộc được đưa ra nói trên, và cần làm gì để nhân quyền được cải thiện, công lý được trả lại và đảm bảo tốt hơn, từ quan điểm cá nhân của mình, nhà báo, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải nói với RFA Tiếng Việt:

 

“Theo Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự, tại khoản 2 ở điều 5 quy định rằng khi một quốc gia tham gia vào Công ước này, tất cả những điều luật ở trong hiến pháp, luật pháp ở nước đó phải thay đổi cho phù hợp. Trong trường hợp chưa thay đổi kịp, mọi việc phải tuân theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị đã được nêu ở trong Công ước. (2)

 

Cho nên đó là vấn đề của Việt Nam, Việt Nam tham gia các Công ước quốc tế từ lâu rồi, nhưng không sửa đổi các điều luật, như trường hợp liên quan ở trên, theo các Công ước quốc tế cho phù hợp, trong khi đó cộng đồng quốc tế cũng chưa có những biện pháp chế tài để buộc Việt Nam phải thay đổi.

 

Và nếu thay đổi những điều trên theo hướng phù hợp với các Công ước quốc tế, thì việc trao nhà tù lại cho bên ngành Tư pháp, như là Bô Tư pháp nắm giữ, rồi việc không được chuyển trại đối với tù nhân quá xa khoảng cách 300km phải được thực hiện, tôi lấy ví dụ như ngay bây giờ ở tỉnh nào, Bộ công an cũng có nhà tù, trại giam của Bộ này ở tỉnh đó, thế thì tại sao người ở trong Sài Gòn lại đưa ra tận ngoài miền Bắc và người ở miền Bắc lại đưa tận vào trong miền Nam, hay vào miền Trung? Rõ ràng, Bộ công an và chính quyền đã sử dụng những hình thức giam giữ mà chính luật pháp của họ cũng không cho phép.

 

Ví dụ như với tù hình sự, họ đã thực hiện việc giam giữ trong khoảng cách ‘không quá 300 km’ so với nơi là địa phương sinh sống, cư trú của người tù đó, thế thì ở đây câu hỏi đặt ra là đối với tù nhân lương tâm và tù có án chính trị, tại sao họ lại bị phân biệt đối xử và đưa đi giam giữ, cách ly xa như vậy, để dẫn đến sự khó khăn của bản thân họ và gia đình họ như thế?

 

Tất cả những điều này cho thấy ở Việt Nam, Quốc hội không soạn thảo những luật đó, mà bộ nào quản ngành nào thì soạn thảo luật quản ngành đó, rồi Quốc hội ký ban hành, cho thấy rằng trong việc này, Cộng đồng quốc tế phải có chế tài mới giúp thay đổi được, chứ nếu không có chế tài, thì sẽ không tạo ra sự thay đổi nào.

 

Phải đóng cửa những nhà tù ở những vùng mà khí hậu khắc nghiệt, như dân gian nói là ‘rừng thiêng, nước độc’, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của tù nhân, thứ hai nữa là tình trạng lao động khổ sai ở trong các nhà tù phải chấm dứt, vì Việt Nam đã tham gia vào Công ước về chống lao động cưỡng bức rồi… (3)

 

Tất cả những hành vi vi phạm nhân quyền, phải bị trừng phạt, nếu không bị trừng phạt, họ sẽ còn tiếp tục lộng hành nữa, do đó, tôi nhắc lại là phải trao lại quyền quản lý các nhà tù, trại giam, cơ sở giam giữ về Bộ Tư pháp, để ngành tư pháp quản lý, cho được độc lập với Bộ công an.

 

Ngoài ra, trong việc sửa đổi pháp luật, cộng đồng quốc tế phải soi vào pháp luật của Việt Nam, đặc biệt những pháp luật liên quan quản lý trại giam và nhà tù như trong Luật thi hành án hình sự, phải hủy bỏ và chấm dứt ban hành các văn bản dưới luật, các văn bản mật, như là Thông tư 37 của Bộ Công an, gây ra vi phạm nhân quyền với tù nhân. Bởi vì, nếu cứ thực thi đúng theo Luật thi hành án hình sự, thì người tù cũng đã có nhiều quyền được đảm bảo rồi.

 

Đó là một vài vấn đề mà tôi khuyến nghị cộng đồng quốc tế cần giám sát, đồng thời phải có những cuộc điều tra, trong đó phỏng vấn những tù nhân, cựu tù nhân đã ra khỏi các nhà tù, ví dụ như cuộc điều tra của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) trong báo cáo ‘Nhà tù trong nhà tù’ ở Việt Nam.

 

Hay ví dụ, tôi thấy cần mở ra những dự án, trong đó có những luật sư quốc tế độc lập cùng các cựu tù nhân tham gia trong đó, để hình thành nên một bộ hồ sơ và đưa ra Tòa án nhân quyền để kiện chính phủ Việt Nam và đưa ra một số trừng phạt với một số quan chức, giám thị, quản giáo ở các trại giam đã gây ra những cái chết, thương tích nặng cho các tù nhân lương tâm, tù nhân án chính trị, cũng như tù hình sự và có các hành vi vi phạm nhân quyền trong các trại giam.

 

Thậm chí, phải trừng trị cả những nhân vật mà đã tạo ra những văn bản dưới luật, những thông tư vi phạm nhân quyền ở trong các nhà tù, trại giam, trong đó có Thông tư 37 của Bộ Công an, vốn gây ra những hình thức vi phạm pháp luật. Những việc làm này phải bị trừng phạt, và Mỹ và một số nước châu Âu đã có những luật, như luật (Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu) Magnitsky (4), hoặc những luật tương tự luật đó, thì phải áp dụng cho những nhân vật mà đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam. Rất mong có được sự tham gia của các luật sư, luật sư độc lập tham gia vào các dự án như vậy cùng với các tù nhân, cựu tù nhân, có sự tham gia của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông… Khi ấy, những việc đó sẽ đem lại những lợi ích cho các tù nhân, giúp thay đổi nhiều việc, chẳng hạn trong đó là giúp chấm dứt việc chính quyền lưu đày các tù nhân xa trên cả ngàn cây số, mà đã và đang gây ra rất nhiều nỗi đau khổ cho các tù nhân và gia đình của họ.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/gia-trung-prisoners.gif/@@images/e87c93ee-d677-4b0a-89c6-50899689d925.png

Hình minh họa: Tù nhân đi lao động về tại trại Gia Trung, Gia Lai. Báo Gia Lai.


‘Hy vọng nhân quyền được cải thiện, công lý được trả lại’

 

Cũng trong dịp này, nhà báo, blogger Nguyễn Văn Hải nói thêm với Đài Á Châu Tự Do rằng ông rất hy vọng những dự án, việc làm, những điều mà ông đã đề cập, hay khuyến nghị như trên, sẽ góp phần cải thiện nhân quyền ở Việt Nam nói chung, đảm bảo tốt hơn nhân quyền trong các nhà tù, trại giam ở Việt Nam nói riêng và cũng qua đó lấy lại, đem lại công lý cho nhiều người:

 

“Tôi rất muốn được thấy những dự án như vậy, như một dự án mà trong đó tôi cũng đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan vấn đề nhân quyền này, từ báo cáo ‘Nhà tù trong nhà tù’ của Amnesty International, cho đến những đàn áp trên không gian mạng, hay trong báo cáo về vụ Đồng Tâm. Xin mở ngoặc là trong hồ sơ vụ Đồng Tâm, tôi cũng là một trong bảy thành viên của nhóm hành động vì Đồng Tâm. Tất cả những điều đó, đều là đưa ra những bằng chứng về những ‘tội ác’ mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã làm đối với tù các nhân lương tâm, hay đối với những người dân, hay những vụ cướp đất cũng thế.

 

Đó cũng là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, tại vì ở nhiều nước, những vụ việc tranh chấp đất đai giữa chính quyền với người dân chỉ là tranh chấp hành chính, dân sự, nhưng ở Việt Nam thì luôn luôn có công an tham gia, và dùng sự tước đoạt bằng vũ lực để cướp đoạt những quyền lợi, cưỡng chiếm đất đai, tài sản của người dân một cách công khai. Lâu nay, những hành vi này đã không bị trừng phạt, nên rất mong muốn có những dự án, hay một dự án được thành lập bởi các luật sư quốc tế và độc lập, cùng với các cựu tù chính trị, như đã đề cập, xây dựng những hồ sơ để đưa ra các tòa án quốc tế, trong đó có tòa án nhân quyền quốc tế để tìm kiếm, trả lại và đảm bảo công lý cho các nạn nhân.

 

Cá nhân tôi là một cựu tù nhân lương tâm đã đi qua 11 nhà tù khác nhau, với trên 20 lần chuyển trại, đó là lý do vì sao mà cộng đồng quốc tế quan tâm lại hỏi nhiều đến vấn đề nhà tù ở Việt Nam, và bản thân tôi cũng theo dõi nhiều về vấn đề luật pháp của Việt Nam, cũng như các văn bản dưới luật, các Thông tư liên quan quản lý tù nhân, cũng như những hiện tượng đàn áp tù nhân, cho nên nếu các dự án đã nói, mà ngoài các luật sư quốc tế và độc lập, các cựu tù nhân v.v… tham dự, còn có thêm sự tham gia của các luật sư ở trong nước tại Việt Nam nữa, thì sẽ rất hứa hẹn.

 

Gần đây nhất, tôi xin nói thêm, có ba luật sư ở Việt Nam thường xuyên bảo vệ cho các tù nhân lương tâm, tù chính trị, đã ra khỏi đất nước, họ và những người như họ được kỳ vọng cũng sẽ là những người đóng góp những chứng cứ cụ thể nhất, bởi vì những luật sư đó được tham gia các vụ án, họ được sao chép những hồ sơ vụ án, thành ra họ là những nguồn có rất nhiều chứng cứ để giúp cho những hồ sơ gửi ra các tòa án quốc tế, tòa án nhân quyền quốc tế được hình thành nên.

 

Và những chứng cớ, những dẫn chứng như tôi đã nói, bên cạnh những bài báo, những báo cáo mà như tôi đã tham gia, cũng sẽ là những dữ liệu để đưa ra tòa án quốc tế để xét xử, để những người gây ra những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam phải bị trừng phạt, bởi vì luật quốc tế đã có và các quốc gia tham gia cũng đã ban hành những luật riêng của mình rồi, cho nên tất cả những yếu tố này chỉ cần các luật sư giỏi tổng hợp lại, với những người khác như chúng tôi tham gia trong những dự án như thế, thì tôi hy vọng việc làm đó sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm và cả tù hình sự, cũng như gia đình của họ nữa.

 

Về sự tham gia của các luật sư, quý nhất với ba luật sư từ Việt Nam ra nước ngoài, mà trong đó có luật sư Đặng Đình Mạnh, người đã tham gia bào chữa tới 37 vụ, các luật sư này sẽ là nguồn cung cấp chứng cứ rất mạnh thông qua những hồ sơ vụ án họ tham dự, điều đó sẽ thuyết phục rất nhiều. Bởi vì chúng tôi chỉ là những người bị đàn áp, bị bỏ tù, sau đó lên tiếng tố cáo những hành vi đàn áp tù nhân và những hình thức giam giữ ở trong các nhà tù, thế nhưng các luật sư như trên là những người có luôn những hồ sơ, như những chứng cứ, mà chính do công an Việt Nam điều tra, thì đấy là những nguồn rất quý giá giúp hình thành nên một dự án rất khả thi trong việc đòi lại quyền làm người của các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, cũng như các tù hình sự và qua đó đòi lại công lý,” nhà báo tự do, blogger Điều Cày Nguyễn Văn Hải nói với RFA Tiếng Việt từ Garden Grove, California, Hoa Kỳ.

 

--------------------

Blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải từng nhận được Giải thưởng Hellman/Hammett năm 2009 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Giải Tự do Báo chí Quốc tế năm 2013 của Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ) và Giải "One Humanity" năm 2013 của Hội Văn bút Canada. Mời quý vị bấm vào đường dẫn sau đây để theo dõi một chia sẻ trên quan điểm riêng gần đây với Đài Á Châu Tự Do, của nhà báo, blogger này về tình trạng nhà tù, trại giam tại Việt Nam, như ông chứng kiến: 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/torture_prison_current_affair-06302023094145.html

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats