Friday 28 July 2023

UKRAINE : THẾ KHÓ CỦA BIDEN và VẬN MAY CỦA TẬP (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Ukraine: Thế khó của Biden và vận may của Tập

Hiếu Chân/Người Việt

July 25, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ukraine-the-kho-cua-biden-va-van-may-cua-tap/

 

Cuộc tổng phản công được chờ đợi của quân đội Ukraine không thuận lợi như dự đoán do vấp phải sự cố thủ vững chắc của quân Nga. Bế tắc trên chiến trường đang đặt chính quyền Tổng Thống Joe Biden vào vị thế chính trị khó khăn và mang lại lợi thế bất ngờ cho Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/07/BL-Chien-Tranh-Ukraine-1536x1024.jpg

Nhà thờ chính tòa của Chính Thống Giáo ở Odessa, Ukraine, bị hư hại do Nga pháo kích. (Hình minh họa: Oleksandr Gimanov/AFP via Getty Images)

 

Sau mùa Đông ảm đạm, người Ukraine hy vọng cuộc tổng phản công, với vũ khí tân tiến do Mỹ và NATO viện trợ, sẽ giúp họ giành lại được các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng ở phía Đông và phía Nam đất nước, hoặc ít ra cũng sẽ mang lại thế mạnh cho Kiev trên bàn thương lượng nếu phải đàm phán với Nga nhằm chấm dứt cuộc giao tranh. Nhưng tốc độ phản công chậm chạp của Ukraine đang làm cho niềm hy vọng đó lu mờ dần, bóng ma của một cuộc chiến kéo dài, tàn khốc và hao người tốn của đang hiện rõ.

 

Một cuộc chiến dai dẳng như vậy sẽ thách thức chiến lược của Tổng Thống Biden và các lãnh đạo phương Tây. Cho đến nay, Mỹ và NATO đã viện trợ hào phóng cho Ukraine và cam kết viện trợ đến chừng nào mà Kiev còn cần để bảo vệ đất nước. Mới đây nhất, hôm Thứ Ba, 25 Tháng Bảy, chính quyền Biden công bố gửi thêm $400 triệu vũ khí cho Ukraine, bao gồm đại pháo, hệ thống phòng không, thiết bị gỡ mìn… trong đó có những thứ “quý hiếm” như 32 thiết vận xa Stryker, hỏa tiễn đất đối không cho các giàn phóng Patriot, hỏa tiễn NASAMS, đạn dược cho các hệ thống HIMARS, hỏa tiễn Javelin, Stinger chống xe tăng và máy bay không người lái… Đến nay, viện trợ vũ khí của Mỹ cho Ukraine đã vượt quá con số $43 tỷ, nhiều nhất trong số các đồng minh của Kiev.

 

Washington chắc hẳn không mong đợi Ukraine sẽ đánh bại Nga – một cường quốc có vũ khí nguyên tử – mà chỉ tạo điều kiện cho Kiev đàm phán với Moscow ở thế mạnh. Đến thăm thủ đô Helsinki của Phần Lan đầu tháng này, Tổng Thống Biden phát biểu: “Hy vọng của tôi, kỳ vọng của tôi là các bạn sẽ thấy Ukraine đạt được tiến bộ đáng kể trong cuộc phản công của họ, và điều đó tạo ra một thỏa thuận thương lượng được ở đâu đó dọc theo ranh giới.”

Nhưng nếu Ukraine không đạt được “tiến bộ đáng kể” thì sao?

 

Các quan chức Mỹ thừa nhận cuộc phản công diễn ra chậm chạp, nhưng cho rằng còn quá sớm để đánh giá hiệu quả cho đến khi Ukraine triển khai thêm các lữ đoàn chiến đấu, đặc biệt là những lữ đoàn đã được Mỹ huấn luyện tại các căn cứ ở Châu Âu. Trong một cuộc phỏng vấn hôm Chủ Nhật, 23 Tháng Bảy, trên đài CNN, Ngoại Trưởng Antony Blinken của Mỹ nói cuộc phản công vẫn đang ở giai đoạn đầu và Ukraine “đã lấy lại khoảng 50% những gì bị chiếm” từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Tháng Hai năm ngoái.

 

Nhưng nhiều chuyên gia quân sự nói nhận định của ông Blinken là quá lạc quan. Cuộc phản công của Ukraine đang bị bế tắc trước sức kháng cự mạnh và hàng rào cố thủ trùng điệp của quân Nga. Nếu chiến tranh dai dẳng thì Mỹ khó kéo dài việc cung cấp vũ khí. Các thế lực phản đối sự ủng hộ của Mỹ trong nội bộ Hoa Kỳ cũng có cớ để ngăn chặn chính quyền Biden.

 

Những tiếng nói phản kháng đã bắt đầu vang lên trong Quốc Hội Mỹ. Hôm Thứ Năm, 23 Tháng Bảy, 13 thượng nghị sĩ Cộng Hòa cùng bảo trợ một điều khoản sửa đổi trong dự luật chi tiêu quốc phòng hàng năm nhằm hạn chế nguồn ngân sách viện trợ cho Ukraine. Điều khoản sửa đổi không được thông qua và sự ủng hộ Ukraine vẫn còn rất mạnh, nhưng đêm dài lắm mộng, biết đâu sự ủng hộ đó sẽ có lúc thay đổi. Hai ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng Hòa cho mùa bầu cử tổng thống năm tới – cựu Tổng Thống Donald Trump và Thống Đốc Ron DeSantis của Florida – đều nói rằng nếu đắc cử họ sẽ giảm viện trợ quân sự cho Ukraine.

 

Hiện Mỹ không có con đường nào khác là tiếp tục ủng hộ hết mình cho Ukraine, hy vọng chiến trường sẽ có bước đột phá hoặc những rạn nứt chính trị mới ở Moscow làm cho chế độ Putin sụp đổ. Còn ngược lại, Washington hạn chế hoặc chấm dứt viện trợ Ukraine thì đó sẽ là một thảm họa. Ông John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, người ủng hộ việc gia tăng hỗ trợ quân sự cho Kiev, hiện làm việc cho tổ chức nghiên cứu The Atlantic Council tại Washington, DC nhận định: “Việc [Mỹ] rút khỏi Ukraine và cho phép Nga giành chiến thắng một phần sẽ là thất bại đặc trưng trong chính sách đối ngoại của ông Biden, còn trầm trọng hơn cả việc rút quân khỏi Afghanistan,” theo nhật báo The Wall Street Journal.

 

                                                              ***

 

Cái khó của người này có khi là cơ hội của kẻ khác. Sự bế tắc chiến trường ở Ukraine đang đem lại cơ may cho Chủ Tịch Tập Cận Bình và kế hoạch hòa bình 12 điểm của ông.

 

Trọng tâm của kế hoạch mà ông Tập quảng bá hồi đầu Tháng Hai là “đóng băng” cuộc xung đột, quân đội hai bên ngừng chiến ngay tại vị trí hiện thời của họ, và tổ chức đàm phán giữa Nga và Ukraine, có sự tham gia của các cường quốc. Kế hoạch hòa bình đó chẳng những bị Ukraine và Phương Tây bác bỏ, đánh giá nó là một thứ “cáo mặc áo cừu” không thể chấp nhận được mà còn bị chính đồng minh thân thiết của ông Tập ở Moscow ném vào sọt rác.

 

Kiev vẫn kiên trì với chủ trương 10 điểm của Tổng Thống Volodymyr Zelensky, theo đó đàm phán hòa bình chỉ có thể bắt đầu sau khi Nga rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Ukraine, kể cả bán đảo Crimea bị Moscow sáp nhập bất hợp pháp năm 2014. Ở phía bên kia, ông Putin vẫn cương quyết đòi Ukraine phải “chấp nhận thực tế mới,” tức là công nhận bán đảo Crimea và bốn tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia, Kherson – chiếm khoảng 25% diện tích lãnh thổ Ukraine, thuộc về Nga. Bốn tỉnh này đang bị Nga chiếm đóng một phần nhưng Moscow đã tổ chức sáp nhập vào bản đồ Nga và đưa vào Hiến Pháp theo lệnh của ông Putin.

 

Bây giờ thì tình hình có vẻ không thuận lợi cho cả Nga và Ukraine và hai bên khó có thể kiên trì giữ vững lập trường. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc bất ngờ nổi lên như một trung gian hòa giải có được sự tôn trọng của cả hai phía.

 

Cuộc chiến ngu ngốc của ông Putin đã đẩy nước Nga vào vòng lệ thuộc Trung Quốc nặng nề và Bắc Kinh có thể sử dụng “đòn bẩy” để vận động ông Putin phải nghe theo kế hoạch của ông Tập. Việc Châu Âu từ chối mua dầu và khí đốt của Nga làm gia tăng vai trò quan trọng của Trung Quốc với tư cách là người mua. Trên thực tế, Trung Quốc đã mua một lượng dầu khí kỷ lục của Nga với mức giá giảm mạnh. Trung Quốc cũng là nhà cung cấp chính vi mạch điện tử và các sản phẩm công nghệ khác mà Nga rất cần và không thể mua ở nơi khác. Một quyết định của ông Tập giảm mua dầu Nga, ngừng bán hàng hóa công nghệ cho Nga sẽ gây tổn hại không lường được cho chế độ của ông Putin.

 

Với đòn bẩy như vậy, ông Tập có thể thuyết phục ông Putin ngồi vào bàn đàm phán, chấp nhận một thỏa thuận hòa bình mang lại cho Nga một phần lãnh thổ khiêm tốn mà ông có thể sử dụng để tuyên bố “chiến thắng,” đổi lại Nga phải để yên phần còn lại của Ukraine, kể cả để Ukraine gia nhập NATO và Liên Âu (EU). Ngược lại, nếu ông Putin ngoan cố thì một quyết định của ông Tập ngừng ủng hộ Nga, công khai tránh xa cuộc xâm lược, sẽ khiến ông Putin rơi vào tình trạng cô độc thê thảm.

 

Với Ukraine, ông Tập có thể vận động ông Zelensky chấp nhận một lựa chọn rất khó khăn là “nhượng” cho Nga vùng Donbass và bán đảo Crimea, đổi lấy việc chấm dứt chiến tranh, tự do gia nhập NATO và được Bắc Kinh cam kết đầu tư nhiều tỷ đô la vào việc tái thiết đất nước.

 

Ukraine có hòa bình, độc lập, được Trung Quốc với túi tiền rủng rẻng hỗ trợ tái thiết, an ninh Châu Âu được bảo đảm – một viễn cảnh khá hấp dẫn nếu Ukraine chấp nhận kế hoạch của ông Tập.

 

Ông Tập còn có thể sử dụng kế hoạch này để chia rẽ Châu Âu khỏi Hoa Kỳ và mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Hầu hết các nhà lãnh đạo Châu Âu chắc chắn sẽ cổ vũ cho việc chấm dứt chiến tranh và tái thiết Ukraine mà Châu Âu không phải trả giá. Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không hài lòng nhưng Washington sẽ khó ngăn chặn một kế hoạch hòa bình mà các đồng minh ủng hộ.

 

Nếu kế hoạch hòa bình của ông Tập được chấp nhận, Trung Quốc sẽ nổi lên thành nhà lãnh đạo và kiến tạo hòa bình thế giới. Đó là một chiến thắng tuyên truyền to lớn cho Bắc Kinh mà ông Tập đang rất cần để củng cố niềm tin của dân chúng trong nước khi kinh tế trì trệ như hiện nay.

 

Vấn đề còn lại là ông Tập có nắm lấy vận may hay không. Trong thực tế, hòa bình ở Ukraine không phải là thứ Bắc Kinh tìm kiếm. Mục đích của Trung Quốc là không muốn chiến tranh nhanh chóng kết thúc mà muốn xung đột càng kéo dài. Nga, Mỹ và NATO càng suy yếu thì càng có lợi cho tham vọng của chính Trung Quốc. [đ.d.]

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats