Saturday, 29 July 2023

CƯỚP LẠI CỦA BỌN CƯỚP (J.B Nguyễn Hữu Vinh)

 



Cướp lại của bọn cướp

J.B Nguyễn Hữu Vinh  

Thứ Bảy, 07/29/2023 - 06:29 — nguyenhuuvinh

https://www.rfavietnam.com/node/7720

 

Vậy là cái gọi là phiên tòa xét xử đám cán bộ đảng viên ở nhiều Bộ, nhiều ngành, nhiều cơ quan, nhiều tỉnh, nhiều thành phố và bao gồm đủ loại cán bộ từ cấp thấp đến cấp cao đã kết thúc, bản án đã được tuyên hôm nay. Nhưng, dư âm và hậu quả của nó thì chắc chắn chưa khép lại.

 

https://jbnguyenhuuvinh1962.files.wordpress.com/2023/07/phien-toa-giai-cuu.jpeg?resize=438%2C438

Toàn cảnh phiên tòa

 

 

Phiên tòa bóc trần bản chất chế độ

 

Những diễn biến trong phiên tòa được tường thuật cho thấy một điều không cần chứng minh: Hệ thống công quyền hiện tại từ cơ quan đảng đến cơ quan chính phủ, nhà nước ở mọi cấp, mọi ngành đã mục ruỗng đến tận cùng. Tất cả cán bộ dù là cao cấp, dù là đảng viên cấp tướng, cấp tá hoặc Thứ trưởng, cục vụ… cho đến nhân viên, thư ký… nói chung, toàn bộ hệ thống quan chức cộng sản đều đã mất hết sức đề kháng với nạn hối lộ, nhận hối lộ, tham nhũng.

 

Và xã hội đã đến lúc coi chuyện hối lộ, tham nhũng của quan chức nhà nước là chuyện “ắt, dĩ, tất, ngẫu”… không thể khác. Nó nói lên bản chất của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam hiện tại ở mức độ nào.

 

Hệ thống công quyền Việt Nam đã rất nhanh chóng “vận dụng tình hình thực tế cách mạng” để bất cứ ở lĩnh vực nào, môi trường nào và hoàn cảnh nào thì việc tham nhũng cũng có thể diễn ra trót lọt và êm thấm cho đến khi việc hối lộ, tham nhũng được hoàn thành.

 

Hệ thống đó hoàn chỉnh từ trên xuống dưới, từ cao đến thấp, từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc, từ địa phương đến trung ương, không có chỗ nào mà đồng tiền không làm tha hóa. Mọi nơi, mọi chỗ, mọi cán bộ đảng viên… tất cả “máu tham hễ thấy hơi đồng là mê”. Trong cả hệ thống đó, chưa thấy một nhân vật nào, một đảng viên nào, một cán bộ nào miễn nhiễm được với nạn tham nhũng, chưa có một người nào nói không với tham nhũng, hối lộ.

 

Đó là một lực lượng hùng hậu đảng viên của “đội quân tiên phong” của giai cấp công nhân, những người có đạo đức, văn minh nhất xã hội, được chọn lọc kỹ lưỡng qua những sự kiện lớn lao như đại hội đảng, bầu cứ quốc hội, hội đồng nhân dân qua những “Ngày hội toàn dân, chọn người có tài, có đức” vậy mà hễ cứ gặp những đồng tiền bẩn thỉu nhớp nhúa là lập tức bị hạ gục, rơi như sung rụng.

 

Điều đó nói lên rằng cái gọi là “Đạo đức cách mạng, tư cách đảng viên, tố chất người cộng sản’… tất cả chỉ là một màn lừa bịp.

 

Và như vậy, thì cũng có nghĩa là cái gọi là cuộc cách mạng XHCN mà đảng Cộng sản đã hô hào toàn dân đổ tiền của sức lực máu xương mấy chục năm qua để xây dựng hết “Con người mới” rồi đến “nền văn hóa mới XHCN” cùng với cái gọi là “nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam” mà Hồ Chí Minh đã tuyên bố rằng là “sung sướng” rằng “tự hào” cho các thế hệ học sinh Việt Nam, chỉ là những thứ vớ vẩn, chỉ là chuyện cái bánh vẽ không hơn, không kém.

 

Đi theo đó, những phong trào, những khẩu hiệu, những lời lẽ hô hào của những người Cộng sản rằng là nâng cao đạo đức cách mạng, rằng là kiên quyết lựa chọn những người có tài, có đức vào làm đầy tớ trung thành, tận tụy của nhân dân cũng chỉ là những sự lừa bịp, nếu không phải là những thất bại bởi “lực bất tòng tâm”.

 

Đó là những Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an Thủ đô mà số tiền qua tay để chạy án của anh ta là hàng chục tỷ đồng, cả mấy triệu đola.

 

Đó là những Thứ trưởng, cục trưởng, vụ trưởng, là chủ tịch, phó chủ tịch Tỉnh, là trưởng phòng nọ kia, là những đảng viên 4 tốt, là gương sáng, là mẫu mực đã đua nhau cướp của dân không từ một thứ gì, không loại trừ một hoàn cảnh nào… và hôm nay thì giả vờ ngơ ngác rằng: Cứ tưởng đó là tiền cảm ơn chứ không phải hối lộ, cứ tưởng tiền đó không phải từ ngân sách nhà nước thì cứ lấy vô tư.

 

Đó là những công bộc của dân, đã giơ tay thề nguyền rằng sẽ là “đầy tớ trung thành, tận tụy của nhân dân” nhưng đã lợi dụng hoàn cảnh ngặt nghèo nguy hiểm của ông chủ mà đẩy ông chủ vào chỗ khốn cùng, chỗ chết không hề thương tiếc nhằm cướp đoạt tài sản… vậy mà vẫn leo lẻo rằng mình chỉ nhận cảm ơn, rằng mình vẫn tận tụy với nhiệm vụ.

 

Những điều đó, có lẽ không thể nói hết, dù xã hội, dù dư luận đã sục sôi bao lâu nay mà vẫn chưa thể nào lột tả hết cái khốn nạn, cái vô liêm sỉ, cái vô lương của hệ thống công quyền, của cái đảng luôn leo lẻo là “quang vinh và vĩ đại” hiện nay.

 

Có thể nói, phiên tòa này đã bóc trần những điều mà người cộng sản mấy chục năm qua đã cố tình che giấu bằng mọi cách. Họ che giấu bằng những lời lẽ hoa mỹ, bằng những cuộc biểu diễn bầu bán, quốc hội, cử tri, đại hội... đủ thứ trước mặt bàn dân thiên hạ.

 

Họ còn che giấu bằng nhiều cách bẩn thỉu hơn, là sẵn sàng tiêu diệt những tiếng nói sự thật, những tiếng người bất đồng chính kiến, những người dân không chịu bịt tai, nhắm mắt trước thực tế ê chề của đời sống xã hội.

 

Thế nhưng, chỉ cần qua phiên tòa mà bản chất của những tội phạm ở đây được lột ra trước thiên hạ đã cho thấy đằng sau những cái gọi là thành tích, là thành quả trước hết là về con người đều là những con số bi đát.

 

 

Phiên tòa “tái trấn lột”

 

Theo dõi diễn biến phiên tòa, người ta thấy đây là phiên tòa không bình thường. Mặc dù được tuyên bố là phiên tòa đặc biệt, được chuẩn bị kỹ càng cả năm, với con số bị can trải rộng khắp nhiều cơ quan, ban ngành, cấp độ, với những lời lẽ hào hùng là không có vùng cấm, không loại trừ một ai.

 

Nhưng, thực tế thì ngược lại: Phiên tòa là một màn biểu diễn đáng thất vọng nhất về cái gọi là “chống tham nhũng”. Ở đó, nó thể hiện sự bất lực của cả hệ thống công quyền khi nạn tham nhũng đã trở thành máu thịt chế độ.

 

Mức độ tham nhũng, hối lộ ở đây đã đạt những con số đáng kinh ngạc. Bộ Công an đã đưa ra con số kinh hoàng ở vụ “giải cứu” này, số tiền thu lợi bất chính từ hơn 2.000 chuyến bay này là hơn 4.000 tỷ đồng, mỗi chuyến bay trung bình thu lợi hơn 2 tỷ đồng sau khi trừ các chi phí. Nghĩa là số tiền người dân phải móc hầu bao ra để chi phí cho việc về quê hương đã bằng nhiều cách, bằng nhiều con đường chui vào túi quan chức nhà nước.

 

Thế nhưng, báo chí Việt Nam cho biết: “Kỷ lục” tiêu cực được xác lập khi 21 bị cáo có tới hơn 500 lần nhận tiền từ doanh nghiệp, với tổng cộng gần 165 tỷ đồng.

 

Điển hình như bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký một lãnh đạo Bộ Y tế, nhận hối lộ 253 lần, tổng cộng 42,6 tỷ đồng; Vũ Anh Tuấn, cựu Phó phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận 49 lần 27,3 tỷ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Lãnh sự Bộ Ngoại giao 32 lần nhận 25 tỷ đồng; cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận 37 lần tổng 21,5 tỷ đồng... Đặc biệt, Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội, đã nhận 2,65 triệu USD (khoảng 61,6 tỷ đồng) để chạy án.

 

Đó là những con số được đưa ra tại phiên tòa này.

 

Nhưng, những con số đó chỉ là một phần rất nhỏ của vụ án khi được đưa ra gọi là để xét xử, dù nó đã được gọi là “Kỷ lục”.

 

Người ta thấy có rất nhiều điều ở những con số này.

 

Bởi số tiền mà đám “Giải cứu” đã móc hầu bao người dân Việt Nam qua các đại sứ, qua Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông, Văn phòng Chính phủ, văn Phòng Trung ương đảng và các tỉnh thông qua các Công ty là hơn 4.000 tỷ đồng - nghĩa là con số 165 tỷ đồng ở đây chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ (1/25) được đưa ra so với con số cần xử lý.

 

Vậy, với 165 tỷ đồng được đưa ra tại vụ án này với 54 bị can, thì phần còn lại là 3.835 tỷ tiền dân hiện đang ở đâu? Ai xử lý vấn đề này?

 

Và điều ngạc nhiên ở phiên tòa này, là ở đây chỉ có xét xử các thủ phạm là những quan chức, những công bộc của dân đã ẵm hàng tỷ, hàng chục tỷ bằng mọi cách khi “Giải cứu”. Còn hệ thống hơn 200.000 nạn nhân, là những người dân đã bị trấn lột trắng trợn, thì tịnh không hề thấy tăm hơi và không được nhắc đến.

 

Về nguyên tắc, mục đích của việc tố tụng hình sự là nhằm "phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý "công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”.

 

Thế nhưng, khi mở ra một phiên tòa, kết thúc một vụ án mà nạn nhân không thấy tăm hơi, những mất mát của họ không được nhắc đến, thì phiên tòa nhằm mục đích gì?

 

Theo dõi quá trình xét xử, người ta thấy một điều: Mục đích của vụ án ở đây không nhằm để bảo đảm tính nghiêm minh của luật pháp và chẳng có tác dụng để ngăn chặn tội phạm.

 

Với mức án được tuyên, so với khung tội phạm mà luật pháp quy định, rằng với số tiền tham nhũng, bất chính từ 1 tỷ đồng trở lên đã đối diện với mức án tử hình… thì những bản án được tuyên hôm nay với quan chức là một sự hài hước. Bởi nếu so với những vụ án như 2 con vịt bị tuyên 7 năm tù, thì giá vịt ở đây quá đắt, thậm chí mỗi con vịt phải có giá đến vài ba tỷ đồng.

 

Người ta thấy rõ, mục đích của việc xét xử ở đây, chỉ là nhằm để truy ra số tiền mà các quan chức đã nhận hối lộ, để “thu hồi”, để sung quỹ nhà nước mà không hề nói rằng đó không hề là tiền nhà nước mà là từ túi của những người dân mà ra.

 

Thậm chí, hài hước hơn, là Tòa còn dành thời gian tạm nghỉ xét xử để cho các bị cáo và gia đình nộp lại các khoản tiền bị tố là đã nhận hối lộ.

 

Và chỉ như vậy, thì người ta đã rõ mục đích của cái gọi là xét xử ở đây là moi từ quan chức đã đi cướp của người dân số tiền mồ hôi nước mắt của họ, thì hôm nay, tòa có nhiệm vụ moi lại số tiền đó, để sung vào công quỹ, vào ngân sách.

 

Để rồi Đảng lại thực hiện điều này: “Tài chính đảng là ngân sách nhà nước” và đảng tha hồ thò tay bốc để chi cho đại hội, cho trụ sở, cho văn phòng, cho hoạt động của đảng.

 

Nghĩa là đảng đang dùng tòa án để thực hiện việc cướp lại của bọn cướp.

 

28/07/2023

J.B Nguyễn Hữu Vinh

 

nguyenhuuvinh's blog





No comments:

Post a Comment

View My Stats